Phật Giáo Khắp Thế Giới
Buddhism Throughout the World
Thích Nguyên Tạng
Melbourne, Úc Châu 2001
--- o0o ---
Lời giới thiệu
của Hòa Thượng Thích Đức Nhuận
Cuốn PHẬT GIÁO KHẮP THẾ GIỚI, do Tỷ khưu Nguyên Tạng viết, là một đề tài hấp dẫn mà đáng lẽ phải có từ lâu.
Đối với người con Phật ở Việt Nam / châu Á thì sự kiện nổi bật nhất ở nửa cuối thế kỷ XX không hẳn là cuộc cách mạng Tin học, mà là sự phát triển ngoạn mục của Phật giáo tại Tây AÂu và Bắc Mỹ. Thực ra, cuộc cách mạng giác ngộ nhân chủ khởi nguyên từ hậu bán thế kỷ XVIII là do sự thức tỉnh của giới trí thức phương Tây sớm biết tìm đến với Đạo Phật, và đã lái lịch sử thế giới đi vào con đường giải thoát thân phận con người khỏi khổ đau, mê tối, và giải phóng các dân tộc nhược tiểu thoát cảnh thù địch, lạc hậu – Phải chờ hơn hai thế kỷ. Mãi đến nay, kỷ nguyên XXI, nhân loại mới có chính sách Toàn cầu hóa để tự do, dân chủ, nhân quyền được thiết lập – Tuy chúng không phải là liên hệ hữu cơ, mắt thường khó nhìn thấy, và cả sự sụp đổ của những chủ nghĩa giáo điều cuồng tín. Kể từ những khủng hoảng niềm tin của giới trẻ phương Tây qua biểu hiện lối sống “la dolce vita” của chủ nghĩa hiện sinh existentialism đến phong trào chống chiến tranh Việt Nam – vì họ cho đó là lý tưởng của tuổi trẻ... và ngay từ năm 1985, nhiều Phật tử đã khóc vì mừng rỡ khi biết tin tức về những Phật sự ở nhiều nước văn minh mà Đạo Phật đã bén rễ tại đây.
... Thế là nhân loại đã được cứu thoát một cuộc chiến tranh hủy diệt trông thấy. Cộng nghiệp chung của loài người cũng tốt đẹp hơn. Chẳng hạn năm 1997, một vẩn thạch khổng lồ đã tránh trái đất trong gang tấc, một vận mệnh mà con người văn minh hoàn toàn thụ động. Trong kinh Bảo Tích ghi lời Đức Phật dạy: "Mặc dầu đạo Ta bị phá hoại, nhưng nửa sau của thời mạt pháp (sau 2500 năm) sẽ phục hoạt trở lại...”
Phật tử Việt Nam chúng ta nên xét mình đã làm gì cho cuộc hoằng dương Phật pháp ? Về cá nhân thì có một vài bậc đáng kính, nhưng về làm việc tập thể để trở nên một giáo đoàn truyền giáo vững mạnh thì hãy còn thua kém xa các quốc gia hạng hai, hạng ba như Thailanh, Myanmar, Sri-Lanka...
Mong rằng cuốn Phật Giáo Ở Khắp Thế Giới của Tỷ khưu Nguyên Tạng sẽ giúp Phật tử Việt Nam tự nhìn lại mình, và nhìn ra thế giới, biết hướng tâm phụng sự Chính pháp – Dân tộc và nhân loại bằng thực hành "tứ hoằng nguyện" được viên mãn. Đó là những việc làm thiết thực nhất mà mỗi người con Phật cần đặc biệt lưu tâm.
Viết tại chùa Giác Minh, Sài Gòn, mạnh xuân,
Năm Tân Tỵ – Tây Lịch 2001
Sa Môn THÍCH ĐỨC NHUẬN