LƯỢC SỬ THÀNH LẬP CHÙA A DI ĐÀ
30 tháng 4 năm 1975, thường được gọi là 30 tháng tư hay ngày giải phóng miền Nam (tên gọi tại Việt Nam) hay ngày miền Nam sụp đổ (trong báo chí Tây phương gọi là Sài Gòn sụp đổ, Fall of Saigon), là sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố buông súng vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Bắt đầu hiện tượng thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi, khoảng 150.000 người đã ra đi năm 1975, trong đó có 140.000 người đi cuối tháng 4. Hàng trăm nghìn quân nhân thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị học tập cải tạo trong các trại tù cải tạo với thời hạn khác nhau từ vài ngày đến 10 năm, thậm chí chung thân, tử hình hoặc mất tích. Chúng tôi cũng là nạn nhân và từng học tập tại Trại cải tạo A30 ở Huyện Tuy Hòa Tỉnh Phú Khánh nay thuộc Tỉnh Phú Yên, ở đó 3 năm 6 tháng chúng tôi được chuyển đến Trại cải tạo Bình Sơn cách A30 10km và học tập cải tạo hơn 2 năm nữa chúng tôi được phóng thích tự do.
Những con tàu lênh đênh tìm bến bờ mới
Làn sóng người Việt rời bỏ quê hương xứ sở đi tìm vùng đất đầy đủ tự do và quyền nhân bản của con người ngày càng nhiều bất chấp những hiểm nguy: “Con nuôi Má hay Má nuôi Con hoặc làm mồi cho cá biển”. biết bao người đã bỏ mình trên đại dương bao la, bao người đã ngã gục trong rừng sâu biên giới. Có ai muốn mình trở thành người tị nạn, phải sống xa quê hương, xa gia đình, người thân, bạn bè và nơi chôn nhau cắt rún, bỏ lại làng xóm, nhà cửa, mồ mả tổ tiên, cùng tất cả những gì thân thương nhất trong cuộc đời; nhưng những người Việt yêu chuộng tự do phải chấp nhận điều này, phải trở thành kẻ tị nạn để đổi lấy hai chữ tự do, trong máu và nước mắt.
Trong làn sóng vượt biển vượt biên đó, có những Tu sĩ của nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó có chúng tôi. Trải qua nhiều gian truân nguy hiểm, bao ngày đêm kinh hoàng trên biển Đông và cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được Philippine ‘Phi Luật Tân’ - quần đảo Cavite với một rừng dừa bạt ngàn sinh động và tươi mát, chúng tôi được đưa về trại tỵ nạn Palawan.
Sau đó 1 tháng chúng tôi được cả trại suy cử bầu làm Chánh đại diện kiêm Trụ trì Chùa Vạn Đức đồng thời là Trưởng ban Giáo dục Trại tỵ nạn, ở đây chúng tôi tổ chức sinh hoặt cộng đồng, hỗ trợ giúp đỡ những người tỵ nạn mới đến. Thời gian chầm chậm trôi qua biết bao suy nghĩ mông lung, không biết mình và những người tỵ nạn sẽ đi về đâu?
“ Đời tỵ nạn biết tìm đâu ra hạnh phúc!
Quốc gia nào sẽ nhận dấu chân tôi?”.
Trong thời gian ở Palawan hơn 1 năm chúng tôi nhận được 7 lời mời: Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Canada, Hòa Lan, Bỉ, chúng tôi phân vân và quyết định chọn đi Úc và được đưa về trại chuyển tiếp Bataan ở thủ đô Manila. Ở đây chúng tôi cũng được đồng hương suy cử làm Trụ trì Chùa Vạn Hạnh.
Dân tỵ nạn thích giăng võng bên ngoài, vừa mát vừa rộng rãi. Chỉ ngồi ban ngày, 10 giờ khuya thì không ai được ở ngoài. Tất cả phải vô bên trong
Đối với trên 400,000 người Việt tỵ nạn hiện đang định cư trên khắp 5 châu, chắc có lẽ phần lớn vẫn còn nhớ đến hai cái tên này: Morong, Bataan. Vì đây từng là một trong hai trại tỵ nạn lớn nhất ở Phi Luật Tân trong suốt hai thập niên. Từ đầu thập niên 1980 cho đến giữa thập niên 1990 khi những người Việt tỵ nạn cuối cùng ở trại Bataan được chuyển về trại Palawan, chấm dứt hành trình tìm đường vượt biển của người Việt tỵ nạn sang Phi.
Chùa Vạn Hạnh (Bataan- Philippine): Chúng tôi Trụ Trì trước khi định cư tại Australia
Trại Tỵ Nạn (ảnh minh họa)
Hiện nay một số khu di tích như Chùa, Nhà thờ và đền thờ quốc tổ vẫn được giữ gìn rất kỹ lưỡng, trân trọng. Kể cả chiếc tàu vượt biển năm xưa từng được đặt ở ngay giữa trại nay vẫn tiếp tục được trùng tu và đặt bên trong khu nhà bảo tàng với đầy đủ các hình ảnh, chi tiết của một thời tỵ nạn Bataan.
Chúng tôi tin chắc rằng còn và còn rất nhiều người còn nhớ về những ngày tháng sống tỵ nạn. Để hồi tưởng lại quãng đường gian khổ mà những người tỵ nạn đã vượt qua. Để cảm nhận và ghi nhớ câu nói cho đến nay vẫn còn được khắc ghi trên tảng đá nằm cạnh Chùa Vạn Hạnh:
Never forget this:
The bones of countless people lie on the sea-bed.
People who bought freedom, just like you but who were not successful.
Freedom is a priceless treasure. Understand it. And guard it well;
Do not abuse it. Or waste it.
Đừng bao giờ quên điều này:
Những nắm xương tàn của biết bao người đang nằm dưới đáy biển.
Những người đã mua tự do, cũng như bạn, nhưng họ đã không thành công
Tự do là một bảo vật vô giá. Hãy cảm nhận nó. Cố bảo vệ nó.
Đừng lạm dụng nó. Hay hoang phí.
Đối với đa số người Việt tỵ nạn được nhận cho đi định cư ở Mỹ, Gia Nã Đại, Pháp, Úc trong suốt thời gian này, phần lớn mọi người đều được chuyển vào trại Bataan (từ các trại tỵ nạn khác ở Đông Nam Á) trung bình khoảng 6 tháng để được học sơ qua về con người và văn hóa của nước mình định đến định cư (acculturation). Vì vậy có thể nói hầu hết những người tỵ nạn đều đã có dịp sinh sống ở các khu 5, khu 7 nơi cổng chùa Vạn Hạnh và đền thờ quốc tổ vẫn còn được giữ nguyên cho đến nay.
Đài tưởng niệm Thuyền nhân Việt Nam (Bataan – Philippine)
Vào đầu tháng 4 năm 1989 Chúng tôi chính thức được định cư tại quốc gia Úc Đại Lợi “Australia” tiểu bang New South Wales, thành phố Sydney.
Nơi xứ sở hiền lành tự do và đầy ấp tình người bản xứ, với dân số khiêm nhường và người Việt Nam định cư ở đây cũng không nhiều lắm (tính đến năm 2012 khoảng 200.000 người Việt tại khắp các tiểu bang Australia). Mặc dù bước đầu hội nhập vào một đất nước xa lạ, đất nước đa văn hóa, đa ngôn ngữ, đa chủng tộc và mọi sinh hoạt đều khác biệt với quê hương Việt Nam, là một Tu sĩ chúng tôi vẫn duy trì nếp sống tu hành của một Tăng sĩ Phật giáo và cầu nguyện Tam Bảo gia hộ có một nơi chốn để kiến tạo và xây dựng nên một ngôi chùa Việt Nam, vừa là nơi tu hành vừa là nơi để người con Việt xa xứ về sinh hoạt tu học. Nhưng quả thật không đơn giản như những gì mình nghĩ. Khi mà chúng tôi đến xứ sở này với hai bàn tay trắng, một gói hành lý xách tay hết sức khiêm nhường, và xa lạ về tất cả mọi mặt: ngôn ngữ, văn hóa và mọi sự sinh hoạt ở một quốc gia phú cường này. Bằng mọi quyết tâm, vượt qua mọi thử thách, một thời gian khá dài chúng tôi cùng một số Phật tử tín tâm cũng làm được một nơi để sinh hoạt về tâm linh. Do một người gốc ‘ý’ Italy phát tâm giúp đỡ hỷ cúng cơ sở của Ông ta để cho chúng tôi lập nên ngôi tự viện.
Vào ngày mùng 8 tháng 10 năm Canh Thìn, nhằm ngày 3 Tháng 11 năm 2000, chính thức thượng bảng hiệu Chùa với danh xưng tôn hiệu của Đức Phật cõi Tây phương: “Vô lượng quang, Vô lượng thọ, Vô lượng công đức”. Chúng tôi lấy danh hiệu của Ngài đặt tên Chùa là: Chùa A Di Đà, tại địa chỉ 113 Cabramatta Road vùng Cabramatta tiểu bang New South Wales, thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan và tên tiếng Anh là “The United Vietnamese Buddhist Congregation of Australia Incorporated”.
Chùa A Di Đà năm 2000: 113 Cabramatta Road
Chánh điện Chùa A Di Đà năm 2000: 113 Cabramatta Road
Vào đầu tháng 12 năm 2000, ngày Lễ vía Đức Phật A Di Đà lễ khánh thành An vị Tôn Tượng được tổ chức trang nghiêm trọng thể với trên 30 vị chư Tôn đức Tăng Ni khắp các tiểu bang tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, thuộc Giáo hội Thống nhất Hải ngoại đồng về tham dự. Sau đó vào tháng 4 năm 2001, chúng tôi nhận trách nhiệm của Giáo hội tổ chức cuộc họp báo Hội nghị của Giáo hội và Văn phòng II tại Hoa Kỳ được tổ chức tại Chùa A Di Đà.
Chúng tôi tưởng rằng như thế hẳn là ổn định nơi tu học và hành đạo rồi, nhưng không ngờ chỉ một thời gian ngắn do sự điều hành thương nghiệp thua lỗ của Ông Tony và bị ngân hàng phát mãi. Cơ sở nơi chúng tôi sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng và chúng tôi chờ thông báo chính thức sẽ phải dọn đi hay không dọn đi... và biết đi đâu bây giờ? Vì chúng tôi đâu có sự chuẩn bị trước. Thật là một vấn đề nan giải cho bản thân chúng tôi, rồi việc gì đến cũng phải đến. Sau khi không thương lượng được với ngân hàng, chúng tôi nhận tin chính thức đó là vào Thứ Ba, 6 Tháng 11 năm 2001, cơ sở này bị đấu giá ‘auction’ để trả nợ ngân hàng.
Vào Thứ bảy ngày 10 Tháng 11 năm 2001, Chúng tôi báo tin một số Phật tử đến Chùa phụ giúp di dời. Hôm đó là ngày bầu cử Chính quyền Liên bang, thế là cuộc đời Tăng sĩ của chúng tôi có nhiều diễn biến bất ngờ và đột ngột, vì chúng tôi không bao giờ nghĩ đến điều tệ hại này, làm chúng tôi cảm thán:
"Tinh tú hởi! Cho ta chừng một phút.
Thiên tiên ơi! Kết hộ một nụ hoa.
Gởi xuống đời! Để tang linh hồn ta.
Mà muôn kiếp, nghìn sao còn thua thiệt.
Ngó tới tương lai trào nước mắt.
Ngoãnh nhìn quá khứ toát mồ hôi."
Chúng tôi phân vân và trăm mối tờ vò, rồi tự hỏi: Đi và ở đâu bây giờ? Thuê nhà kho chứa đồ? Hay tìm nhà Phật tử gởi đồ? Rồi không biết cuộc đời Tu sĩ của tôi phiêu bạt về đâu?
Cũng trong thời gian này chúng tôi nhận được lời mời về Tiểu bang Nam Úc vì có một ngôi Chùa họ thỉnh chúng tôi Trụ trì, cách nơi chúng tôi sinh hoạt gần 1.500 cây số. Lúc đó chúng tôi cũng muốn rời Sydney để đi về nơi đó nhưng lại có nhiều diễn biến bất ngờ.
Hồng trần vô sự quán tự tại.
Phù sanh hữu hạnh kiến Quan Âm.
Quan Âm Bồ tát và cảnh Chùa hiện nay
Với sự nhiệt tâm tha thiết của một số Phật tử vì Đạo pháp và cảm mến cá nhân chúng tôi không muốn chúng tôi rời tiểu bang này. Những Phật tử này đã bàn và quyết tâm tìm mua một cơ sở để xây dựng lại ngôi Chùa. Thế là thầy trò chúng tôi đi tìm và sau đó đồng ý mua lại ngôi nhà ở số 52 đường Bareena thuộc vùng Canley Vale Tiểu bang New South Wales, cách nơi chốn cũ không xa lắm, chúng tôi nhận thấy địa điểm này rất thuận lợi để bà con Phật tử về sinh hoạt và tu học: địa điểm nằm giữa hai vùng Cabramatta và Canley Vale, cũng gần trạm xe bus và trạm xe lửa của hai vùng này, đi bộ đến Chùa rất thuận tiện.
Thầy trò chúng tôi đã ký giấy tờ hợp đồng và mua lại nơi này vào ngày mùng 8 tháng 10 năm Tân Tỵ nhằm ngày 22 tháng 11 năm 2001. Sau thời gian hoàn tất mọi thủ tục mua bán giữa hai bên. Ngày 18 tháng giêng năm Nhâm ngọ nhằm ngày 1 tháng năm 2002, chúng tôi lấy chìa khoá chính thức vào lúc 3 giờ 50 chiều.
Sau đó tiến hành bản vẽ xây cất ngôi Chánh điện gởi đến hội đồng thành phố Fairfield, kéo dài gần 8 tháng và chính thức khởi công xây dựng ngày 1 tháng 9 năm 2002.
Vào tháng 3 năm 2003 ngôi Tự viện Chùa A Di Đà hoàn chỉnh về mọi vấn đề, chính thức sinh hoạt Tôn giáo. Buổi lễ cầu nguyện đầu tiên của thầy trò chúng tôi hôm đó vào ngày Chủ nhật mùng 4 tháng 2 năm Nhâm ngọ nhằm ngày 17 tháng 3 năm 2002.
So với các ngôi Chùa Việt Nam tại Úc, Chùa A Di Đà rất khiêm tốn, ngôi Chánh điện tuy không lớn lắm nhưng trang nghiêm, thể hiện cảnh tịnh độ nhơn gian và mọi người đến thăm viếng lễ Phật cảm thấy tâm hồn an lạc, khi cảm nhận mọi cảnh vật xung quanh ngôi chùa này. Nhất là chiêm bái Tượng Bồ tát Quan Âm trước Chùa cảm thấy tâm hồn lắng động, thư thái và thiền vị, quên đi những phiền muộn bận rộn trong đời sống thế gian.
Chánh điện Chùa A Di Đà hiện nay
Đài Quan Âm, Chùa A Di Đà hiện nay
Chùa A Di Đà nơi này chúng tôi chính thức sinh hoạt về Tôn giáo thuần túy, hướng dẫn Phật tử tu học và lễ công cộng vào mỗi buổi sáng thứ 7 hàng tuần. 13g đến 21g thứ 7 hàng tuần tụng kinh Vô Lượng Thọ, Cũng như các lễ Cầu an, Cầu siêu tại Chùa.
Trong năm, ngoài 2 Đại Lễ: Phật Đản vào Tháng 4, Vu Lan vào Tháng Bảy, còn tổ chức các buổi lễ khác như: Lễ Vía Phật A Di Đà 17/11, Lễ Vía Bồ Tát Quan Âm 19/2, 19/6, 19/9, và Tết Nguyên Đán, vân vân…
Hết.
Xem bài Lễ Khánh Thành Chùa A Di Đà năm 2000
chuaadida.com Cảm ơn Thượng Tọa Thích Nhật Tân Chùa Pháp Quang góp ý và chỉnh sửa
Hình ảnh thêm về LƯỢC SỬ THÀNH LẬP CHÙA A DI ĐÀ