SUSAN MURCOTT
Dịch và bình luận về Kinh Therīgāthā
NHỮNG NỮ PHẬT TỬ ĐẦU TIÊN
“THE FIRST BUDDHIST WOMEN”
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh
Người dịch: Tiến sĩ Ngữ văn Mai Văn Tỉnh
Hiệu đính: Tiến sĩ Tỳ kheo ni Liễu Pháp
Hà Nội – 2015
Nhà Xuất bản Phụ Nữ
Lời người dịch
Có khoảng năm trăm triệu Phật tử trên thế giới, đạo Phật được coi là tôn giáo lớn đứng thứ tư của hành tinh. Với hai tông phái chính: Theravada (Phật giáo Nguyên thủy) và Mahayana (Phật giáo Đại thừa) cùng nhiều môn phái khác, đạo Phật có một điểm chung là sự giác ngộ, là tinh thần được tự do. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định đạo Phật là tôn giáo của hòa bình. Con đường của đạo Phật là quá trình nhận biết đau khổ, nguyên nhân khổ đau và kết thúc nó với đích cuối cùng là được giải thoát.
Hiện nay đạo Phật dường như đang dần dầnthâm nhập vào nền văn hóa của toàn thế giới, không chỉ ở châu Á mà còn ở nhiều nước phương Tây. Chẳng hạn, khi nhận biết đạo Phậtđang phát triển âm thầm nhưng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo nhận xét rằng không chỉ có đạo Phật dành cho người châu Á mà còn có đạo Phật dành riêng cho người Hoa Kỳ cũng đang xuất hiện. Các trung tâm giảng dạy kinh Phật và các cộng đồng Phật giáo cầu nguyện đang lan rộng khắp các tiểu bang, trong khi đó những người đề xướng đạo Phật cho người Hoa Kỳ tích cực viết lại kinh kệ bằng các thuật ngữ hiện nay của phương Tây.
Kinh Therīgāthā là tập thi ca khai sáng của các nữ Phật tử ở thế kỷ thứ VI trước Công nguyên (CN). Các kệ ngôn này trong Kinh Tam Tạng Pāli lúc đầu chỉ được truyền khẩu, đến những năm 80 trước Công nguyên Kinh điển Phật giáo mới được chép lại lần đầu tiên trên lá bốibằng ngôn ngữ văn học Pāli. Vào cuối thế kỷ XIX, Hội nghiên cứu văn bản Pāli (Pāli Text Association) đã chuyển ngữ bộ Kinh Tam Tạng Pāli sang mẫu tự Latinh, rồi dịch và xuất bản bằng tiếng Anh. Kinh Therīgāthā bằng tiếng Anh xuất bản lần đầu năm 1909 ở Luân Đôn. Đến thập kỷ 70 cuốn Những nữ Phật tử đầu tiên được biên dịch từ tiếng Pāli với bình luận hoàn chỉnh bởi nữ tác giả Susan Murcott. Bà là phụ nữ trẻ người Mỹ muốn tìm sự bình đẳng nữ giới trong Thiên chúa giáo, may nhờ chịu ảnh hưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi ngài vận độngchấm dứt chiến tranh Việt Nam ở hải ngoại, bà đã tìm thấy điều đó trong đạo Phật. Thông qua 61 trong 73 kệ ngôn Trưởng lão Ni Therīgāthā, tác giả Susan Murcott muốn giới thiệu với độc giả phương Tây về cuộc đời, số phận đau khổ đầy bi thương của những phụ nữ sống cùng thời với Đức Phật, là bà con thân thích của Ngài, đã vượt qua bao khó khăn để lập Ni đoàn Phật giáođầu tiên nhằm được giải thoát, được tự do ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước CN.
Theo các nghiên cứu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đạo Phật đã du nhập vào nước ta rất sớm, ngay từ thế kỷ đầu Công nguyên. Như cố Hòa thượng Thích Đức Nhuận nhận xét: “Do hoàn cảnh địa lý và lịch sử về tôn giáo, chính trị và văn hóa, nước Việt Nam ta từ nhiều thế kỷ đã chịu ảnh hưởng xa gần của Trung Hoa. Tuy nhiên, Đạo Phật và Dòng Sử Việt, buổi ban đầu, không do Trung Hoa mà lại từ Ấn Độ du nhập… Xét qua một vài đặc tính văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo, có thể nói: hai nền văn hóa tuy hai mà một - tự bản thân của nó đã có những nét hòa đồng mầu nhiệm một cách kỳ diệu. (Xem Đạo Phật và Dòng sử Việt – Chương Đạo Phậtthế kỷ thứ nhất và thời kỳ Bắc thuộc (111 trước CN - 542 sau CN) - Thích Đức Nhuận).
Người Việt rất tôn sùng thờ cúng tổ tiên, mà Phật giáo Việt Nam cũng triệt để kính trọngvà đặt ra những nghi lễ thích hợp với nhu cầu này của dân tộc như Lễ Vu lan báo hiếu, xá tội vong nhân Rằm tháng Bảy chẳng hạn. Có thể nói phụ nữ Việt Nam là những người có công lớn nhất không chỉ trong duy trì nòi giống, mà còn duy trì và phát triển văn hóa thờ cúng tổ tiên và văn hóa Phật giáo ở Việt Nam.
Nếu người Việt thường ưa chuộng màu "nâu, lam" thì các tăng ni Phật tử bao đời nay đều giữ được sắc thái riêng biệt ấy hơn ai hết. Trong bài trường ca Mẹ Việt Nam, phần mở đầu, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết:
Mẹ Việt Nam
không son không phấn
Mẹ Việt Nam
chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam
không mang nhung lụa
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng
Là nhà nghiên cứu về giáo dục và văn hóa, cùng thế hệ với bà Susan Murcott, tôi cố gắngdịch cuốn Những nữ Phật tử đầu tiên sang tiếng Việt với mục đích bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn của mình đối với các thế hệ nữ Phật tử Việt Nam nói chung, đặc biệt để tưởng nhớ công ơncác thế hệ cụ cố, các bà, mẹ và phụ nữ dòng họ Mai của tôi ở đồng bằng châu thổ sông Hồng (tôi là hậu duệ đời thứ 16) đã âm thầm lặng lẽ tiếp nối trên con đường của đạo Phật suốt 5 thế kỷ qua để cầu mong quốc thái dân an, hạnh phúc và an bình cho con cháu.
Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới nhà nghiên cứu Pāli, nữ Tiến sĩ, Tỳ kheo Ni Liễu Pháp và vị Sư thầy của bà là Hòa thượng Viên Minh đã giúp hiệu đính bản dịch để truyền đạtđúng tinh thần Phật Pháp của Phật Giáo nguyên thủy.
Xin cám ơn tác giả Susan Murcott đã không chỉ đồng ý cho tôi dịch cuốn sách, mà còn động viên, viết lời giới thiệu cho bản dịch tiếng Việt xuất bản lần đầu năm 2015.
Nhân đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Đại đức Thích Tâm Hạnh, trụ trì Tu viện Đạo Tâm ở Texas, Hoa Kỳ về những góp ý sâu sắc và quý báu của Thầy cho bản dịch, cảm ơn nữ Phật tử Văn Liên (pháp danh Tịnh Hương) phụ trách Thư viện chùa Quán Sứ Hà Nội đã động viên khích lệ tôi dịch cuốn sách này.
Cuốn sách gồm 12 chương và phụ lục. Phần chú giải và địa chỉ các thuật ngữ cho bản tiếng Anh không cần dịch. Lần xuất bản đầu tiên bản dịch tiếng Việt Những nữ Phật tử đầu tiênchắc chắn không tránh khỏi những sai sót nhất định. Rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả, đạo hữu, quý tôn sư để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần in sau. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Nội, tháng 3/2015
Tiến sĩ Ngữ văn Mai Văn Tỉnh (Pháp danh Trí Đạt)
Nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo