BIÊN NIÊN SỬ
THIỀN TÔNG VIỆT NAM
(1010 – 2000)
Nhà xuất bản Hồng Đức 2016
(File PDF) Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam - Thích Hạnh Thành
LỜI GIỚI THIỆU
Đạo Phật Việt Nam có mặt trên đất nước Việt Nam từ bao đời. Theo sự kê cứu của các sử gia thì đạo Phật đã du nhập nước ta từ thời các Thái thú Trung Hoa đặt chân đến cai trị đất Việt. Cũng có thuyết nói từ thế kỷ đầu công nguyên, các Thiền sư Ấn Độ theo những đoàn thương buôn sang Việt Nam và từ đó Phật giáo được truyền bá tại phương Nam. Phật giáo có mặt và phát triển tại trung tâm Luy Lâu, phủ Thuận Thành có thể cùng thời hoặc sớm hơn Phật giáo tại trung tâm Bành Thành.
Điều đặc biệt là đạo Phật có mặt thì thiền tông cũng có mặt, bởi vì đạo Phật Việt Nam là đạo Phật thiền. Chư vị đại sư đặt nền móng đạo Phật Việt Nam cũng có nghĩa là đặt nền móng Phật giáo thiền tông Việt Nam. Dân tộc Việt Nam trải qua bao cuộc thăng trầm oanh liệt thì đạo Phật Việt Nam cũng gắn bó xuyên suốt. Dân tộc vùng dậy, Phật giáo cũng theo đó mà đóng góp, cùng chịu thịnh suy với dân tộc. Và rồi mọi cuộc đổi thay nào cũng đến hồi kết thúc.
Thiền tông từ thời Thượng Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền xuống, chư vị kế thừa chánh thống thật khiêm nhường, mộc mạc so với dòng thiền Phật giáo nước bạn lân cận. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ thứ 9, thiền tông nước nhà một lần nữa khởi sắc. Đây cũng chính là thời kỳ Phật giáo thịnh hành, đất nước thanh bình, dân tộc Việt Nam an cư lạc nghiệp, ấm no, hạnh phúc. Một phái thiền thứ hai có mặt ở Việt Nam, đó là phái thiền Vô Ngôn Thông. Đạo Phật thiền bắt nhịp cùng dân tộc, xướng khúc tông phong. Chư sư kế thừa mở rộng con đường tuệ giác, góp phần xây dựng đất nước thật sự độc lập.
Tiếp đến là thời Lý Trần, một thời kỳ vàng son của dân tộc Việt, của Phật giáo Việt. Bấy giờ nước ta có các thiền sư lỗi lạc như Khuông Việt, Vạn Hạnh, Chân Không, Thường Chiếu…Song song với các thiền sư, đất nước xuất hiện các vị danh tướng anh hùng dân tộc như Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt… đã làm nên chiến công hiển hách, mở rộng biên cương nước Việt. Đây là thời kỳ phạt Tống bình Chiêm. Vua quan nước Việt làm nên lịch sử, mở rộng bờ cõi, uy danh rạng ngời. Thời kỳ này một thiền sư nữa xuất hiện, đưa Phật giáo thiền vào nước ta, đó là thiền sư Thảo Đường. Thiền phái này rất được các quân dân ngưỡng mộ và là bước chuyển tiếp cho thời kỳ Phật giáo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Khai tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một ông vua Phật, một đấng anh hùng dân tộc, đã dựng nên chiến tích giữ nước uy dũng, đánh đuổi quân Nguyên Mông hung hãn, mở ra trang sử vàng sáng chói mãi trong lòng dân tộc. Từ khi thiền phái Trúc Lâm được dựng lập, Phật giáo thiền tông phát huy quang đại. Chư vị thiền tổ phấn đấu tu hành, hóa đạo, làm lợi ích chúng sanh, mở ra trang sử mới, Phật giáo sáng ngời và gắn liền với dân tộc quê hương.
Tuy nhiên, các pháp là duyên sinh đều thuận theo luật vô thường biến đổi, đó là một lẽ thực. Các đời sau từ Hậu Lê đến nhà Nguyễn ở phương Nam cho tới thời cận đại, thiền tông mai một dần. Thế nhưng mạng mạch Phật pháp vẫn lưu truyền, đời này đời khác, bao lần kiến tạo, đổi chủ thay ngôi. Các tông phái thiền có mặt ở Việt Nam chỉ còn tìm ẩn nơi rừng sâu núi thẳm. Đất nước có nội biến, giặc phương Tây tràn vào, dân tình thống khổ, quê hương phân đôi chiến tuyến. Nhưng Phật giáo Đàng Trong, Đàng Ngoài cũng vẫn cố nối nắm những dòng thiền đã có mặt từ trước, mặt dù rất mong manh và gắng gượng.
Mãi đến cuối thế kỷ 20, Hòa thượng Thích Thanh Từ ra đời và phát đại nguyện khôi phục thiền tông Việt Nam. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử lại tiếp tục sống dậy, hình thành và phát triển khắp ba miền đất nước, dần dần lan rộng sang các nước Âu Châu, Bắc Mỹ. Đây quả thật là thời kỳ Phật giáo nước nhà hưng thịnh về mọi mặt, góp phần chuyển hóa đời sống đạo đức của người dân Việt, hòa cùng nếp sinh hoạt của xã hội, tốt đời đẹp đạo.
Trong quyển Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam của soạn giả Thích Hạnh Thành, đã phần nào ghi chép lại những giai đoạn hình thành và phát triển Phật giáo thiền tông Việt Nam. Tuy là đàn hậu học, nhưng với tấm lòng hướng vọng tổ tông, dân tộc, tác giả cố gắng biên soạn trong phạm vi học hiểu giới hạn của mình, sưu tầm trình bày một số tài liệu thiền học căn bản. Việc làm này thật đáng khích lệ.
Tuy nhiên, ngôi nhà tổ tông thì dữ kiện quá nhiều, người sắp xếp cần khéo léo, cố gắng hệ thống theo thứ tự diễn tiến của lịch sử mà vẫn giữ được chân tinh thần của đạo pháp và dân tộc. Việc làm này không sao tránh khỏi những bất cập, thiếu sót. Mong chư vị tôn túc lãnh đạo giáo hội và chư vị thiện hữu tri thức trong tông môn, các bậc cụ nhãn khắp nơi, vui lòng hướng tiến và bổ túc cho những chỗ còn sai sót. Rất mong tập sách sẽ hoàn chỉnh và bổ ích cho những ai để tâm nghiên cứu về thiền học Phật giáo Việt Nam.
Tổ đình thiền viện Thường Chiếu, 09-6-2016
Hòa thượng THÍCH NHẬT QUANG
(File PDF) Biên Niên Sử Thiền Tông Việt Nam - Thích Hạnh Thành