Kinh sách Phật Giáo thường sử dụng các thuật ngữ như "tước đoạt sự sống" hay làm "phương hại đến sự sống" của một chúng sinh nhằm tránh không dùng chữ "sát sinh" mang tính cách quá hung bạo. Thuật ngữ "tự tước đoạt sự sống" của tựa bài viết cũng nhằm vào mục đích đó, tức là tránh không dùng chữ "tự tử", và đồng thời cũng để hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới – World Health Organization (WHO) của Liên Hiệp Quốc đề nghị các giới truyền thông không nên sử dụng một thuật ngữ có hàm ý gợi lên một hành động cần phải tránh.
Tệ nạn tự tước đoạt sự sống không những là một thảm trạng mang tính cách cá nhân mà còn là biểu hiệu một sự bất lực của xã hội. Thảm trạng hay sự bất lực ấy ít khi được nói đến, chẳng qua cũng là vì người ta thường tìm cách che đậy và giấu giếm nó như là một điều gì xấu hổ đối với lương tâm con người. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (TCYTTG) vừa công bố tại Thụy Sĩ một bản phúc trình về vấn đề này và cho biết hằng năm có 800.000 người tự tử, tức là cứ mỗi 40 giây thì lại có một người tự tước đoạt mạng sống của mình. Là người Phật Giáo chúng ta phải nhìn vào vấn đề này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích và tìm hiểu một vài con số thống kê trong phúc trình nói trên, đã được tạp chí Le Point của Pháp tóm lược và đăng tải ngày 04.09.2014, và một vài bài báo cùng chủ đề đăng trên nhật báo Le Monde của Pháp ngày 09.12.13 và 05.02.14. Sau khi điểm qua các tài liệu này, hy vọng chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu xa và bao quát hơn về vấn đề trên đây qua các góc nhìn Phật Giáo.
Hình ảnh thêm về Quan điểm Phật Giáo về hành động tự tước đoạt sự sống