Chú thích hình ảnh
Loại hình bảo tàng học hấp dẫn nhất là loại hình có thể kể một câu chuyện đủ sâu sắc để theo chân du khách ngay cả khi họ đã rời khỏi bảo tàng.
Và nếu đó là câu chuyện về hành trình của Đức Phật, hoặc về sự hiện diện của các bậc thánh nhân, chư Bồ-Tát hay các vị thần trong Phật giáo, thì bảo tàng ấy đã thực sự trở thành một cỗ xe (yana) cho một dạng giáo dục Phật giáo ý nghĩa và phổ quát nhất.
Bảo tàng Victoria và Albert (V&A) ở London đã đón khoảng 3.110.000 lượt khách tham quan vào năm 2023. Mỗi tháng, hàng trăm ngàn người đến chiêm ngưỡng những bộ sưu tập nghệ thuật và các thiết kế độc đáo; chính điều này giúp V&A trở thành một trong những trung tâm văn hóa và nghệ thuật quan trọng nhất của Vương quốc Anh.
Trong số những người ghé thăm nơi này, có người đã từng nghe về Phật giáo, nhưng cũng có rất nhiều người chưa biết đến hoặc chưa có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn về tôn giáo này. Không phải ai cũng có thời gian, kiến thức hay cơ hội gặp gỡ những vị thầy giỏi để hiểu thêm về Phật giáo. Tuy nhiên, khi đứng trước các tác phẩm nghệ thuật như tượng Phật, hình ảnh chư thiên, hay những di tích liên quan đến Phật giáo, du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể cảm nhận được sự hiện diện của Đức Phật lịch sử trong quá khứ và tò mò muốn tìm hiểu nhiều hơn về những câu chuyện của Ngài.
Việc cảm nhận được câu chuyện nào đó của Đức Phật là một trải nghiệm rất cá nhân, đôi khi chỉ có thể xảy ra giữa một người và một tác phẩm nghệ thuật nhất định; trải nghiệm đặc biệt đó có khi một bài giảng của một vị thầy cũng không thể thay thế được. Vì vậy, dù các nhà giám tuyển bảo tàng không phải là những bậc thầy tâm linh, nhưng công việc nghiên cứu và trưng bày của họ về nghệ thuật Phật giáo có thể mang một ý nghĩa vượt xa phạm vi thế tục thông thường.
Nghệ thuật không nên là thứ gì đó khó tiếp cận. Bởi nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi nó mở ra cánh cửa đến những thế giới khác, đồng thời cũng giúp ta hiểu rõ hơn về chính mình và những chân lý sâu xa của cuộc sống.
Dưới sự lãnh đạo của giám đốc bảo tàng, Tiến sĩ Tristram Hunt, các phòng trưng bày của Quỹ Robert H.N. Ho đã trở thành một trong những không gian nổi bật và được yêu thích nhất tại V&A. Những phòng trưng bày này lần đầu tiên được mở vào năm 2009, sau đó đóng cửa vào năm 2013 để cải tạo và mở cửa trở lại vào năm 2015. Chúng nằm ở các phòng 17 - 20, phía Tây khu vườn John Madejski, và phòng 47f. Mỗi phòng trưng bày một chủ đề khác nhau về Phật giáo, trong đó phòng 20 đặc biệt chú trọng đến những tác phẩm giúp người xem có thể cảm nhận sự hiện diện của Đức Phật. Đây là nơi trưng bày những hình tượng Đức Phật từ các trường phái nghệ thuật Phật giáo sớm nhất, phản ánh cách mà cộng đồng Phật tử tôn kính và tưởng nhớ Đức Phật Thích Ca ở thời kỳ đầu. Ngoài ra, phòng 47f cũng có nhiều tác phẩm thể hiện Đức Phật dưới dạng biểu tượng (aniconic) và những hình ảnh “nhân hóa” đầu tiên của Ngài.
Nick Barnard trong phòng 47f của V&A
Nick Barnard, một giám tuyển kỳ cựu của V&A, đã giới thiệu 16 tác phẩm tiêu biểu nhất trong bộ sưu tập này. Barnard sinh ra ở Leeds và từng theo học tại Đại học Oxford. Ông chia sẻ rằng chính những lần đến thăm Bảo tàng Ashmolean đã khơi dậy niềm đam mê với lịch sử, nghệ thuật và nền văn hóa châu Á trong ông. Là một thành viên lâu năm của V&A, Barnard hiện làm việc cùng Tiến sĩ Louis Copplestone, một chuyên gia về Nam Á và Đông Nam Á, người bổ sung thêm nhiều kiến thức quý giá cho nhóm nghiên cứu của ông về di sản Phật giáo và Kỳ Na giáo.
Barnard đã trình bày về các tác phẩm với sự am hiểu sâu sắc và niềm trân trọng đặc biệt dành cho lịch sử của chúng. Ông hướng sự chú ý đặc biệt đến một tác phẩm điêu khắc của trường phái nghệ thuật Gandhara có tên “Sự nhập diệt của Đức Phật”. Đây là một trong những tác phẩm khiến cho những người tham quan khởi lên những xúc cảm mạnh mẽ nhất trong phòng trưng bày. Trong trạng thái đó, họ suy tư về cuộc sống, về sự vô thường và cả những điều quý giá của sinh mệnh. Barnard đã chỉ ra những cách mà nghệ nhân thể hiện sự căng thẳng kịch tính trong cảnh Đức Phật nhập Niết-bàn. Ông cũng mô tả nỗi đau tột cùng của những người thăm viếng - những người được khắc họa trong tác phẩm với tư cách là tầng lớp quý tộc địa phương.
Bên cạnh khung cảnh đau buồn của bức phù điêu, còn có những chi tiết khác gợi lên không khí trầm mặc và suy tư. Một trong số đó là hình ảnh của một thần cây đang khóc than, một loại linh hồn phổ biến trong nghệ thuật Ấn Độ cổ đại thời kỳ tiền Phật giáo. Barnard cũng mô tả thần hộ vệ Vajrapani, được khắc họa theo hình ảnh vị anh hùng Hy Lạp Heracles với cơ bắp cuồn cuộn, đang quỵ xuống đất.
Điều thú vị là giữa khung cảnh đầy bi thương ấy, chỉ có một nhân vật thể hiện sự bình thản: Subhadda, người đệ tử cuối cùng được Đức Phật hóa độ. Trong tác phẩm, ông ngồi lặng lẽ và bình thản bên Đức Phật, giữa những tiếng than khóc và đau buồn như thể có thể nghe thấy từ bức phù điêu. Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo Gandhara mang tính biểu cảm mạnh mẽ nhất, tạo ra sự kết nối thị giác và tâm lý trực tiếp giữa người xem và Đức Phật.
Dù người nghệ nhân đã khắc họa sự mất mát của những đệ tử với lòng đồng cảm sâu sắc, sự hiện diện của Subhadda có thể gợi nhắc đến bài kinh Đại bát Niết-bàn (Mahāparinibbāna Sutta). Trong đó, Tôn giả A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) đã khiển trách các vị Tỳ-kheo hữu học đang than khóc: “Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than. Này các Hiền giả, phải chăng Thế Tôn đã tuyên bố ngay từ ban đầu rằng mọi vật ưu ái thân tình đều phải bị sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này các Hiền giả, làm sao có thể được như vầy: Những gì sanh, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến dịch? Thật không có sự trạng ấy”.
Và dĩ nhiên, trước khi nhập Niết-bàn, chính Đức Phật cũng đã căn dặn các đệ tử: “Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.
Tác phẩm Sự nhập diệt của Đức Phật mang đến một cuộc gặp gỡ Đức Thế Tôn với nhiều tầng ý nghĩa. Nó không chỉ chạm đến nỗi mất mát mà nhân loại vẫn cảm nhận được sau hơn hai thiên niên kỷ, mà còn nhắc nhở chúng ta về con đường tu tập mà Ngài đã khai mở. Dù nói về sự nhập diệt vượt ngoài mọi dấu vết có thể truy tìm được, nhưng bức phù điêu vẫn là một cuộc hội ngộ gần gũi và đầy cảm xúc với Đức Phật.
Nick Barnard với tác phẩm Sự nhập diệt của Đức Phật
Trải nghiệm mà du khách có được tại V&A mang tính phổ quát và có thể xảy ra ở bất kỳ bảo tàng hay phòng trưng bày nào, miễn là nơi đó có đội ngũ giám tuyển xuất sắc và một chủ trương về bảo tàng học vững chắc. Bảo tàng học (museology) là nghệ thuật xây dựng trải nghiệm bảo tàng, từ cách sắp đặt trưng bày, bố trí ánh sáng, cho đến việc sử dụng phương tiện đa phương tiện hay thứ tự trước sau của các hiện vật. Một trong những bảo tàng khác có bộ sưu tập nghệ thuật Phật giáo ấn tượng và được tổ chức tốt đến mức có thể tạo ra những tác động tâm linh trong thời gian dài đối với khách tham quan chính là Bảo tàng Guimet ở Paris.
Tuy nhiên, nhờ có những nhân sự như Barnard và Tiến sĩ Copplestone, những người có khả năng trình bày xuất sắc và biết cách kể câu chuyện của từng hiện vật, V&A không chỉ nổi bật về nghệ thuật Phật giáo mà còn duy trì vị thế hàng đầu thế giới về chất lượng giám tuyển trong tất cả các lĩnh vực trưng bày.
Bảo tàng là những cơ sở văn hóa có vai trò giáo dục và khai sáng mà không nhuốm màu định kiến hay thiên vị. Khi trình bày nghệ thuật Phật giáo một cách lôi cuốn và độc đáo, bảo tàng và phòng trưng bày thực chất đang gieo những hạt giống Phật giáo vào dòng tâm thức của con người. Những hạt giống này sẽ nảy mầm theo thời gian, có thể rất lâu sau lần tiếp xúc đầu tiên, hoặc có thể không ngay lập tức đơm hoa kết trái, nhưng chắc chắn chúng sẽ nảy mầm. Và những pho tượng Phật, những tác phẩm điêu khắc, cổ vật và xá-lợi sẽ vẫn ở đó, chờ đợi để tiếp tục truyền cảm hứng cho cả những người cũ lẫn những vị khách mới.
Loại hình bảo tàng học hấp dẫn nhất là loại hình có thể kể một câu chuyện đủ sâu sắc để theo chân du khách ngay cả khi họ đã rời khỏi bảo tàng. Và nếu câu chuyện ấy là về hành trình của Đức Phật, hoặc về sự hiện diện của các bậc Thánh nhân, chư Bồ-tát, hay các vị thần trong Phật giáo, thì bảo tàng ấy đã thực sự trở thành một cỗ xe (yana) cho một dạng giáo dục Phật giáo ý nghĩa và phổ quát nhất.
Báo Giác Ngộ
Hình ảnh thêm về Đưa Phật pháp vào đời sống qua nghệ thuật