Hiện nay ở một số quốc gia theo đạo Phật trên thế giới điển hình ở Ấn Độ, du lịch văn hóa tâm linh đang phát triển mạnh nhưng du lịch tâm linh này gần như là sinh hoạt của khóa tu với những giờ giấc và có chương trình cụ thể (Ngồi yên tụng kinh, pháp đàm, thiền trà, dự lễ xuất gia, trờ chơi dân gian….), họ đầu tư cho du lịch nhưng không để các yếu tố thương mại chi phối đến tâm linh.
Ở Việt Nam, nhiều chùa là điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều khách du lịch điển hình ở khu di tích Yên tử, lễ hội chùa Hương, chùa Trấn Quốc, Chùa một cột, quần thể các chùa tại Thuận Thành, Bắc Ninh, hội chùa Keo Thái Bình. Nhưng hình thức du lịch tâm linh ở nước ta được hiểu đơn giản hơn nhiều, mới chỉ dừng lại ở chỗ du khách đi đến các di sản Phật giáo như là sự tìm về chốn linh thiêng để cầu mong an lành, ước nguyện, sự thư thái trong tâm hồn là thăm viếng chốn tâm linh. Cầu nguyện trở thành hình thức chính của du lịch tâm linh đối với du khách nước ta khi đi du lịch tại chùa chiền, thậm chí đơn giản hơn chỉ là vãn cảnh… chứ thực sự ít tham gia các sinh hoạt như khóa tu. Trong khi đó di sản văn hóa Phật giáo của nước ta có rất nhiều khu thánh tích với không gian kiến trúc cảnh quan, điều kiện tự nhiên hoàn toàn phù hợp với việc mở rộng xây dựng các thiền viện, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các khóa học và sự lưu lại di tích lâu hơn của du khách. Nhưng để làm được việc này, cần phải có sự tham gia tích cực của các chức sắc, tăng, ni, Phật từ và các cấp quản lý…
Trong lịch sử dân tộc, vai trò của Phật giáo với công lao của các bậc thiền sư, tu sỹ tài danh đức độ có ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng và vai trò chính trị to lớn như: Đại sư Khuông Việt, Quốc sư Vạn Hạnh, Từ đạo Hạnh…đăc biệt Phật giáo thời Trần phát triển rực rỡ với sự sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang mang đậm bản sắc dân tộc
Cũng trong giai đoạn này, nhiều tác phẩm văn học, y học có giá trị đã được khởi phát từ các ngôi chùa nhiều bài kệ, bài thơ thiền của các thiền sư đã góp phần làm nên một nền văn học thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Có thể nói những đóng góp của Phật giáo trên nhiều phương diện đã góp phần quan trọng hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam, Học giả Đào Duy Anh đã nhận định về tầm quan trọng của Phật giáo trong mười thế kỷ đầu: “Hán học ở Trung Quốc truyền sang nước ta từ đầu thời kỳ Bắc thuộc, thế mà mãi đến thời kỳ Đinh, Lê (thế kỷ thứ 10) trong làng Nho học chưa thấy được người nào xuất sắc, mà chỉ trong Phật học mới thấy xuất hiện được những nhân tài giỏi. Như vậy thì ta có thể nói rằng trong lịch sử học thuật nước ta, thời đại ấy là thời đại Phật học độc thịnh.”. Phật giáo in dấu ấn của mình vào nền văn hóa Việt, và chính người Việt bằng nhiều cách thức khác nhau cũng khảm dấu ấn của mình vào Phật giáo, chế định các giá trị văn hóa Phật giáo, tạo nên những nét đặc thù riêng của Phật giáo Việt Nam. Cùng với thời gian lịch sử, nhiều giá trị văn hóa của cư dân người Việt đã được chuyển tải vào trong Phật giáo, được bảo lưu một cách bền vững và phát huy thông qua những sinh hoạt Phật giáo. Người mẹ đối tượng được tôn sùng của dân tộc Việt Nam được dung nhập trong Phật giáo thành Phật bà Quan âm, nghìn mắt, nghìn tay, thành tín ngưỡng thờ Mẫu được thờ trong các ngôi chùa thờ Phật. Bên cạnh đó với tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước, thờ trời đất cho “mưa nắng phải thì” Thần công, Thổ địa cũng được thờ trong ngôi chùa Phật. Và cả tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng, thờ các anh hùng dân tộc và Nho giáo, Lão giáo của người Việt cũng được bảo lưu trong Phật giáo. Vì vậy chùa Phật giáo đã thành chùa làng, sinh hoạt Phật giáo trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mọi lễ thức của cư dân nông nghiệp lúa nước như lệ làng, lễ Trời, Đất, Thần, Mẫu… đều được tổ chức trong khuôn viên ngôi chùa thờ Phật. Lễ hội làng được cư dân Việt biến thành lễ hội chùa và lễ hội chùa thành lễ hội làng. Cứ mỗi dịp lễ hội chùa là mỗi lần những giá trị văn hóa của dân tộc lại được khơi gợi, phát huy. Tham gia lễ hội chùa, người Việt có dịp hướng về tổ tiền, cội nguồn dân tộc. Đến với lễ hội Phật giáo không chỉ là để thực hiện các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mà còn để thưởng thức và chiêm ngưỡng các cảnh quan, văn hóa-thành quả lao động và sáng tạo của nhân dân ta. Do vậy chùa Phật giáo và lễ hội Phật giáo không chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, là thời gian và không gian thiêng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà nó còn góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đông đảo nhân dân.
Trên lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống những đóng góp của Phật giáo đã góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực trong lối sống của người dân Việt Nam. Các phạm trù như cứu nhân độ thế: nhân quả, nghiệp báo, từ bi hỷ xả, tu nhân, tích đức, sống nhân từ để đức cho đời sau… đã không còn là những thuật ngữ chuyên nghĩa của Phật giáo mà trở thành một phần trong lẽ sống của người Việt, trở thành ngôn ngữ của đạo đức thực tiễn. Mặt khác, chính Phật giáo lại là môi trường tốt để bảo lưu, duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống truyền thống của người Việt Nam như hiếu thảo, hòa thuận, khoan dung, đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống bao dung, nhân nghĩa, truyền thống yêu nước đều đã được dung nạp vào trong Phật giáo và được khơi dậy và phát huy thông qua các sinh hoạt tôn giáo này (Ân Tổ tiên; chủ trương từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha; chủ nghĩa yêu nước với phương châm hành đạo: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội).
Chùa Việt Nam còn là nơi người dân Việt gửi gắm nắm tro tàn khi lìa xa trần gian. Với quan niệm của người Việt Nam, không chỉ người sống mà người chết khi được “ăn mày” cửa Phật thì bản thân và gia đình sẽ gặp nhiều điều may mắn, phong tục này là một nét văn hóa đẹp, một biểu hiện sinh động cho sự dung hòa Phật giáo với giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ngày nay, Phật giáo vẫn đã và đang tiếp tục làm giàu, làm đẹp, làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc, góp phần nuôi dưỡng, phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc những gia đình có công với cách mạng… Từ thực tế đó cho thấy Phật giáo dung chứa, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, đồng thời thông qua những sinh hoạt Phật giáo, những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc được khơi gợi và phát huy trong cuộc sống xã hội Việt Nam hiện nay
Các học viên được học từng nét chữ mà còn được nghe giảng giải ý nghĩa câu chữ
Các bạn sinh viên đang được nghe giảng chữ
Hiện nay, vào những ngày lễ tết của dân tộc, rất đông người Việt đến chùa cầu lễ, cầu Thần, Phật phù hộ cho bản thân, gia đình và đất nước luôn được bình an. Lên chùa để học chữ Thư pháp, xin chữ. Đầu năm người thường xin chữ nhẫn, chữ phúc, lộc, thọ, chữ tâm, chữ đức... Những chữ này cũng như nội dung của các câu đối, các câu thư pháp đều chứa đựng trong nó ý nghĩa sâu sắc. Ngoài những câu có nội dung cầu chúc những điều may mắn cho năm mới, còn lại phần lớn là những câu, những chữ có tác dụng giáo dục đạo đức, tình cảm cho con cháu trong gia đình. Nét đẹp này của nhân dân ta có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, phát huy truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ. Điều đó thể hiện nét đẹp văn hóa nói chung, văn hóa tôn giáo nói riêng và ý nghĩa đạo đức mà Phật giáo đem lại cho cuộc sống của người Việt Nam hiện nay, đồng thời chứng tỏ Phật giáo mà trong đó di sản văn hóa Phật giáo là môi trường tốt bảo lưu giá trị văn hóa dân tộc như một số nhà nghiên cứu đã nhận định về ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng với văn hóa Việt Nam:
Tôn giáo là hiện tượng văn hoá. Cố GS Trần Quốc Vượng khẳng định: “ Nhìn nhận vấn đề tôn giáo trên quan điểm “ văn hoá học” tôi thấy thế này: xét theo lịch sử phát sinh và trưởng thành, tôn giáo vừa là một sản phẩm của văn hoá, vừa là một thành phần hữu cơ, một nhân tố cấu thành của văn hoá”
Cũng đồng quan điềm trên đây, GS Ngô Đức Thịnh- Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian cho rằng: “Xét cho cùng, mọi hệ thống biểu tượng của tôn giáo, tín ngưỡng đều là hệ thống biểu tượng của văn hoá, nó vừa chứa đựng hệ giá trị của dân tộc đồng thời là sự thể hiện bản sắc và các sắc thái của dân tộc trong một thời đại nhất định. Trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đã sản sinh, tích hợp và bảo tồn nhiều hiện tượng văn hoá nghệ thuật mang sắc thái dân tộc độc đáo. Nếu nhìn vấn đề theo phương pháp hệ thống, thì chính tôn giáo, tín ngưỡng là các yếu tố nhân lõi tạo nên hệ thống ấy. Còn các hiện tượng văn hoá nghệ thuật chỉ là các yếu tố phát sinh. Điều này cắt nghĩa rằng, không thể cắt rời các yếu tố tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá kèm theo. Bất cứ một thứ tôn giáo, tín ngưỡng nào xét về bản chất của nó không bao giờ hướng tới cái xấu, cái độc ác mà luôn khuyến khích làm điều thiện, vươn tới cái đẹp, cái cao cả vì lợi ích bản thân và cộng đồng.
Trước tiên phải khẳng định tính hướng thiện trong mỗi tôn giáo. GS Trần Quốc Vượng lý giải: “ở trong mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hoá lớn nhất của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là những hạt ngọc văn hoá đó”
Đóng góp của tôn giáo đối với văn hoá, xã hội được nhiều nhà nghiên cứu minh chứng. Chính tâm linh tôn giáo góp phần giữ gìn đạo đức con người, ổn định trật tự xã hội. Nó đã góp thêm một thiết chế để “giữ xã hội trong vòng trật tự” cùng với pháp luật, dư luận.
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương- Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo cũng khẳng định trong một cuốn sách chuyên khảo về tôn giáo: “ Tôn giáo nào cũng khuyên con người- tín đồ, làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, yêu người, cho người đói ăn, cho kẻ khát uống. Tôn giáo dạy con người tu thân, tề gia, đưa ra những chuẩn mực trong quan hệ vua- tôi, cha – con, vợ- chồng, thày –trò. Hầu hết các nội dung trên là những lời răn dạy của các đấng sáng lập tôn giáo ( Chúa Trời, Phật, Thánh Ala…), trở thành quy chuẩn, mô phạm điều chỉnh những hành vi của con người, tín đồ”.
Nhận thức rõ vai trò của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta trong công cuộc đổi mới đất nước đã rất quan tâm đến các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Những sinh hoạt tôn giáo lành mạnh luôn được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi. Các lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô rộng lớn hơn, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, to đẹp hơn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo người dân.
Nhằm xây dựng nhận thức về một lối sống hiền thiện, về cái hay, cái đẹp của truyền thống và thận trọng với những thị hiếu nhất thời có thể gây nguy hại cho văn hóa dân tộc chính là bảo vệ và phát huy nền văn hóa nói chung (công tác tư vấn bảo tồn si sản văn hóa tôn giáo nói riêng). Đây là công việc của tất cả mọi người, của các nhà trí thức, nhà tôn giáo, của các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền các cấp. Riêng trong các tôn giáo, để thực hiện công việc này, chúng ta cần lưu tâm đến một số điểm cơ bản sau đây:
- Đưa vào nghiên cứu văn hóa các tôn giáo nói chung một cách toàn diện tổng thể.
- Công tác nghiên cứu văn hóa các tôn giáo (đặc biệt là di sản văn hóa tôn giáo) nên thâm nhập vào lòng xã hội để tìm cách làm nổi bật cái hay, cái đẹp của văn hóa qua lối sống, cách nhìn, tư duy, tình cảm, cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và giữa con người với môi trường thiên nhiên.
- Tăng cường việc phổ biến giáo lý của các tôn giáo, đặc biệt là đạo đức học của các tôn giáo.
- Bảo tồn các cơ sở, tự viện, di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo.
- Khuyến khích việc giữ gìn và phát huy các tập tục tốt đẹp của người Phật tử (đến chùa, tham gia thực hiện các lễ lớn, ăn chay, thờ Phật, bố thí, phóng sinh…)
- Khuyến khích, nêu gương về nếp sống đẹp, các đức tính tốt (hòa thuận, hiếu để, từ bi, hỷ xả, gìn giữ những giá trị tôn giáo…)
- Hợp tác đa ngành trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa tôn giáo trong bối cảnh hiện đại hóa hiện nay là việc làm quan trọng và rất cần thiết. Thậm chí hợp tác với khu vực tư nhân, trong việc hỗ trợ bảo tồn phát huy văn hóa tôn giáo và di sản văn hóa tôn giáo
- Tổ chức các hoạt động trong công tác vận động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tôn giáo cho lực lượng thanh niên tình nguyện trên cả nước.
- Ngày nay các phương tiện truyền thông đại chúng đều đóng góp hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các tôn giáo.
Tư vấn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tôn giáo là việc làm rất thiết thực bởi tôn giáo không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn làm cho văn hoá các dân tộc được bảo tồn. PGS.TS Nguyễn Đức Lữ- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viết: “ Thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người mà tín ngưỡng, tôn giáo đã tô đượm cho văn hoá dân tộc nhiều sắc màu. Các cơ sở thờ tự của tôn giáo thường là nơi diễn ra nghi lễ, thờ phụng của tín đồ tôn giáo, đồng thời cũng là nơi lưu giữ văn hoá truyền thống làm cho văn hoá dân tộc có sức sống trường tồn”./.
Đinh Kiều Nga
*** BBT điều chỉnh lại tiêu đề bài viết
Tài liệu tham khảo
1) Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh
2) Giá trị văn hoá của tôn giáo, Tạp chí Công tác tôn giáo
3) Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 2004
4) Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay, Nxb Chính trị quốc gia 1997
5) Ths Chu Thu Hường, Huỳnh Phương Lan, Di sản văn hóa Phật giáo và phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
6) TS. Hoàng Thị Lan, Phật giáo với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.