Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Trong đó có 6 tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo với hàng chục triệu tín đồ. Phật giáo và Công giáo là hai tôn giáo lớn nhất ở VN đều du nhập từ bên ngoài đã ít nhiều chịu ảnh hưởng phong tục, tập quán và bản sắc văn hoá Việt Nam.
Tôn giáo không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn làm cho văn hoá các dân tộc được bảo tồn. Thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người mà tín ngưỡng, tôn giáo đã tô đượm cho văn hoá dân tộc nhiều sắc màu. Bài viết này xin được đề cập trong phạm vi di sản văn hóa tôn giáo của đạo Phật.
Phật giáo du nhập vào VN từ rất sớm và là một tôn giáo có ảnh hưởng rộng lớn đến mọi tầng lớp nhân dân nhờ sự dung hòa đối với đời sống, phong tục tập quán và tín ngưỡng bản địa. Hiện nay những di sản văn hóa Phật giáo còn tương đối nhiều so với hệ thống di sản chung, nhiều di tích Phật giáo đã trở thành những điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Đặc biệt khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao thì theo đó là những đòi hỏi đáp ứng về đời sống tinh thần và sự phát triển của du lịch văn hóa tâm linh sẽ là nhu cầu tất yếu, nhất là đối với quốc gia có nền văn hóa Phật giáo lâu đời như ở nước ta.
Từ góc độ di sản văn hóa có thể thấy ở Phật giáo Việt Nam những giá trị văn hóa tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật, sự sáng tạo, ý niệm về sự thiêng liêng, nuôi dưỡng đức tin của nhân dân.
Chùa Kim Liên, Hà Nội
Trên lĩnh vực văn hóa vật thể, Phật giáo góp phần tạo ra một hệ thống di sản kiến trúc chùa tháp, kiến trúc gắn liền với cảnh quan thiên nhiên tạo nên những danh lam nổi tiếng trong cả nước: Chùa Trấn Quốc, Chùa Hương, hệ thống thiền phái Trúc Lâm Yên tử, chùa Hoằng Ân… Những ngôi chùa thuộc hàng đại danh lam thường có sự tham gia xây dựng của các nhân vật thuộc hoàng thân quốc thích, hay những ngôi chùa làng nhỏ bé đơn sơ đều trở thành những không gian kiến trúc, cảnh quan chứa đựng nhiều giá trị mỹ thuật, kiến trúc và các giá trị văn hóa phi vật thể khác.
Nét cổ kính của chùa Đồng Kỵ, Bắc Ninh
Di sản văn hóa Phật giáo (Hệ thống chùa tháp Phật giáo từ Bắc vào Nam, từ thành thị đến thôn quê) đóng góp rất lớn trong lĩnh vực kiến trúc và mỹ thuật theo từng thời kỳ lịch sử, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu, đánh giá những biến đổi về diện mạo của các di tích Phật giáo như: “Kiến trúc và điêu khắc chùa làng thời Trần thế kỷ 13, 14”, “Kiến trúc chùa thế kỷ 17 vùng Châu thổ Bắc Bộ”, “Trang trí trạm khắc trên các cấu kiện gỗ chùa Bắc Bộ”, “Đặc điểm kiến trúc Tam Quan chùa Bắc Bộ” nhằm làm nổi bật những nét khác biệt mà các loại hình kiến trúc không thể nhầm lẫn. Và kiến trúc, thẩm mỹ của mỗi ngôi chùa còn thể hiện nét đặc trưng văn hóa của mỗi làng xã, mỗi vùng miền khác nhau.
Mỗi Di vật trong chùa như tượng thờ, bia đá là một di sản văn hóa tôn giáo (di sản văn hóa Phật giáo) như hệ thống tượng Phật chùa Bút Tháp. Hệ thống tượng Phật của chùa Bút Tháp ở vào thế kỷ 17 mang phong cách tượng với bố cục không khác tượng của thế kỷ 16 song vào thời kỳ này do chịu ảnh hưởng nặng của hai lâm phái và sự bảo trợ của tầng lớp trên nên tượng đã có nhiều thay đổi để mang tính chất quyền quý cao sang cụ thể là khuôn mặt tượng, rồi bỏ dần tính chất chân dung, phần nào trở nên vuông vức hơn, má tượng nổi gồ lên, mồm tượng thu nhỏ, môi dày lên, vết hằn lõm hai bên má sâu hơn tạo nên cằm, tất cả khối ấy được gọi là khối căng, no đủ đầy chất điêu khắc nhấn mạnh sự cao sang. Ở những tượng quan âm, có thể áo có nhiều nếp vải phần nhiều không để lộ cơ thể bên trong ra nữa, nhiều tượng có sự tham gia của tầng lớp trên, hai diềm của vạt do được chạm trổ rất kỳ với hình hoa lá gần như thực và chim chóc dưới các động tác khác nhau hoặc cũng có khi diềm gắn với biểu tượng.

Tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cao 370 cm của chùa Bút Tháp,
đỉnh cao của điêu khắc thế kỷ 17
Những tác phẩm tượng Phật của chùa Bút Tháp mang đầy tính nghệ thuật còn tương đối nguyên vẹn là một di sản in đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam vẫn được trùng tu và bảo tồn đến ngày nay, loại hình mỹ thuật di tích văn hóa này được các nhà nghiên cứu cũng như các du khách đánh giá rất cao về kỹ thuật kiến trúc, điêu khắc tinh sảo này; tượng Phật, bia đá trong chùa Hoằng Ân (Quảng An, Tây Hồ) cũng vậy, là một trong số rất ít những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội đã nghìn năm tuổi. Chùa do các Thiền sư thuộc phái Tào Động trụ trì, được xây dựng từ thời nhà Lê. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ… Tất cả tượng Phật đều mang một vẻ đẹp khác biệt, gương mặt Quan Thế Âm Nam Hải Thuần Hậu, áo cà sa nhiều nếp, Phật trong tư thế thiền tọa chân chống chân buông giẫm trên đài sen nhỏ. Mỗi tượng Phật có một dáng thiền khác nhau. Ba pho tượng Át Nam Tôn Giả, Hộ Pháp Tam Châu, Giám Trai Sứ Giả. Các chùa khác đều tạc ba pho tượng này ở tư thế ngồi, nhưng ở chùa Hoằng Ân (Quảng Bá) tạc ở tư thế đứng.

Chùa Hoằng Ân hiện nay còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật quý: gồm có 2 quả chuông đồng (Quả lớn được đúc thời vua Lê Hiển Tông (1743), cao 1,5m, đường kính 0,8m; vai chuông khắc nổi bốn chữ Hán “Long Ân Tự chung”, Quả chuông nhỏ được đúc vào thời Nguyễn); 33 tấm bia từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20; 30 Pho tượng có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Hệ thống tượng tròn của chùa còn khá đầy đủ với những pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như tượng Quan âm Nam Hải, các Pho tượng Tam Thế, A Di Đà tạc vào thế kỷ 17- 18. Tượng Di lặc là một trong những tượng đẹp nhất của chùa, với tư thế ngồi tự nhiên, nét mặt cười hoan hỉ….
Những bộ kinh mộc bản tại chùa Vĩnh nghiêm Bắc Giang đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới
Toàn bộ tư liệu trong các ngôi chùa bao gồm thư tịch và các loại khác như châu bản, sắc thần, hương ước, bia đá, chuông đồng, khánh đá, câu đối hoành Phi, biển gỗ… là di sản văn hóa thành văn vô cùng quý báu, là di sản văn hóa tôn giáo mà tổ tiên ta từ các thế hệ trước để lại. Đó là nguồn thông tin phong phú và đa dạng về nền văn hóa trong quá khứ của dân tộc ta, phản ánh tư duy khoa học và văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã, sinh hoạt xã hội…của tiền nhân ta.
Trên lĩnh vực Văn hóa Phi vật thể, Phật giáo cũng đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Với hệ thống triết lý cao siêu của Phật giáo, khi truyền vào Việt Nam đã được dân gian hóa thành những biểu tượng, những chuẩn mực hết sức gần gũi và thân thuộc với con người Việt Nam. Phật giáo trở thành một tôn giáo ăn sâu vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân ở mọi giai tầng và ngày càng phát triển, là bởi tôn giáo này với một hệ thống giáo lý, quan điểm triết họa, tâm lý, đạo đức gần với con người Việt Nam, hơn nữa trong quá trình tôn tại nó đã dung hợp, thích ứng với tín ngưỡng bản địa (Phật gắn với ông Bụt, ông tiên).. trở thành điểm tựa đức tin của người dân. Niềm tin tôn giáo vốn là một cứu cánh, niềm hy vọng cho cuộc sống còn nhiều đau khổ áp bức của người dân trong xã hội phong kiến, và sự cứu rỗi tâm hồn, sự an ủi, sự thanh thản trong cuộc sống hiện đại.
Ở nước ta các cơ sở thờ tự của tôn giáo thường là nơi diễn ra nghi lễ, thờ phụng của tín đồ tôn giáo, đồng thời cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá tâm linh. Hiện cả nước có khoảng hơn 40.000 di sản vật thể và phi vật thể. Đây là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Một trong những giá trị của văn hóa tôn giáo.
Hết Phần I
Đinh Kiều Nga
*** BBT điều chỉnh lại Tiêu đề bài viết
Tài liệu tham khảo
1) Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh
2) Giá trị văn hoá của tôn giáo, Tạp chí Công tác tôn giáo
3) Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 2004
4) Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hôm nay, Nxb Chính trị quốc gia 1997
5) Ths Chu Thu Hường, Huỳnh Phương Lan, Di sản văn hóa Phật giáo và phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
6) TS. Hoàng Thị Lan, Phật giáo với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.