Thấm thoát ngày tháng như thoi đưa, mười lăm năm trôi qua, lúc bấy giờ ngài Huệ Năng nghĩ: “Ta chẳng nên ẩn dật mãi, bây giờ đã đến lúc ta nên hoằng hóa Phật Pháp”,rồi Ngài đi đến Chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, hôm ấy Ấn Tông Pháp Sư giảng Kinh Niết Bàn. Tự nhiên có một luồng gió mạnh thổi động lá phướn, mọi người đều thấy thế, một thầy Tăng nói:
– Gió động.
Một thầy Tăng khác nói:
– Phướn động.
Hai thầy Tăng nói qua cãi lại hoài chẳng dứt, thấy thế ngài Huệ Năng bước tới nói lớn lên rằng:
– Không phải gió động, cũng chẳng phải phướn động, ấy là tâm của qúy Thầy động mà thôi.
Mọi người nghe nói đều kinh ngạc, Ấn Tông Pháp Sư thấy vậy liền mời Ngài ngồi chỗ trên hết, và hỏi những nghĩa lý huyền ảo, đều được Ngài trả lời trôi chảy với ngôn ngữ giản dị, nghĩa lý thích hợp mà chẳng do văn tự. Ấn Tông Pháp Sư nói:
– Hành giả hẳn chẳng phải là người thường, đã lâu tôi có nghe nói Áo Pháp của Ngũ Tổ đã truyền cho Lục Tổ về phương Nam, có phải về tay Hành giả không?
Ngài trả lời:
– Tôi không dám (ý khiêm nhượng).
Ấn Tông liền làm lễ trước Ngài, và xin Ngài trưng Áo Bát để đại chúng được chiêm bái; sau khi thấy Áo Bát rồi, Ấn Tông lại hỏi:
– Đức Hoàng Mai sau khi phó chúc rồi, Ngài truyền thọ như thế nào?
Ngài Huệ Năng trả lời:
– Ngũ Tổ không truyền thọ chi cả, chỉ có luận môn kiến tánh thành Phật, Ngài chẳng luận pháp thiền định và pháp giải thoát.
– Sao chẳng luận pháp thiền định và pháp giải thoát?
– Vì hai pháp ấy chẳng phải là Phật Pháp, Phật Pháp là Pháp chẳng hai.
– Phật Pháp là Pháp chẳng hai là nghĩa sao?
– Pháp Sư giảng Kinh Niết Bàn đã hiểu rõ Phật tính tức Pháp chẳng hai của Phật Pháp vậy. Như Cao Qúy Đức Vương Bồ Tát thưa với Phật rằng:“Người phạm bốn điều trọng cấm (dâm dục, trộm cướp, giết người, và nói bốn điều vọng ngữ), làm năm điều đại nghịch (giết cha, giết mẹ, hại A-la-Hán, khuấy rối chúng Tăng, khởi ác ý mong hại Phật), thì thiện căn và Phật tính có bị đoạn diệt chăng?” Phật đáp rằng: “Thiện căn có hai thứ, một là thường, hai là vô thường, còn Phật tính chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên Phật tính không đoạn diệt, ấy gọi là Pháp chẳng hai”.
Ấn Tông Pháp Sư nghe Ngài giảng, vui mừng chắp tay thưa rằng:
– Sự giảng Kinh của tôi như gạch bể ngói vỡ, sự luận nghĩa của Ngài cũng như vàng ròng. Nhân đó, Ấn Tông Pháp Sư xuống tóc cho Ngài, và nguyện thờ Ngài làm Thầy; rồi Ấn Tông mời hết các vị danh đức đến mà tổ chức lễ truyền thọ Cụ túc giới (truy ền 250 Giới luật Tăng sĩ) cho Ngài.
Qua năm sau, Ngài từ giã tứ chúng mà tới Chùa Bảo Lâm; khi ấy Ấn Tông Pháp Sư cùng tứ chúng có trên một nghìn người đưa Ngài thẳng tới Tào Khê, cũng có Thông Ứng Luật Sư ở Kinh Châu và các vị học giả kể có tới một trăm người đều theo ở với Ngài.
Khi tới Chùa Bảo Lâm, thấy Chùa chật hẹp, không đủ chỗ dung chứa đồ chúng, Ngài có ý mở Chùa rộng lớn ra. Chỉ ít ngày sau, Ngài đến viếng một người trong xóm là Trần á Tiên mà nói rằng:
– Bần Tăng đến đây muốn cầu thí chủ cho một khoảnh đất vừa đủ trải tấm tọa cụ (tấm vải dầy để trải ngồi thiền) để nới rộng cảnh Chùa Bảo Lâm.
Trần á Tiên nói:
– Tấm tọa cụ của Đại Sư rộng là bao lớn?
Ngài lấy tấm tọa cụ chỉ cho Trần á Tiên xem và nói:
– Tấm tọa cụ này trông vậy chứ lớn lắm, khi đã hứa sau này đừng có hối tiếc đấy nhé.
Trần á Tiên nói:
– Được, tôi xin hứa.
Ngài cầm tấm tọa cụ phóng ra, ôi chao sao mà nó lớn thế, bao trùm một vùng rộng lớn của Tào Khê, lại có bốn vị Thiên Vương hiện thân ngồi bốn bên! Do nhân chuyện này, bây giờ người ta gọi những núi chung quanh Chùa là núi Thiên Vương.
Trần á Tiên nói:
– Tôi biết Pháp lực của Đại Sư thật là quảng đại, nhưng vì phần mộ của tổ tiên tôi đều nằm trong khoảnh đất này; ngày sau nếu có xây Chùa Tháp, xin giữ lại các phần mộ, còn lại tôi xin vui vẻ cúng hết cho Chùa Bảo Lâm vĩnh viễn; lại nữa, chỗ đất này có mạch núi sinh Long Tượng, vậy chỉ nên bình thiên chẳng nên bình địa.
Khi kiến thiết Chùa, nhất nhất đều làm y như lời thỉnh của Trần á Tiên; cũng nên biết thêm là từ đời nhà Lương khi trước, có một nhà Sư tên Trí Dược Tam Tạng từ Ấn Độ qua biển Nam Hải tới cửa biển Tào Khê, thấy nước trong vắt, lấy tay bụm nước uống thấy mát ngon và có mùi thơm thì lấy làm lạ nói với mọi người rằng nước ở đây không khác gì nước bên Thiên Trúc, trên nguồn khe núi chắc có thắng địa lập nhàn tịnh cảnh (lập Chùa) được. Nhà Sư lần theo dòng nước lên tới nguồn khe núi, nhìn bốn phiá non nước xây vòng, đầu non châu chụm, cảnh đẹp lạ lùng, Sư khen rằng:“Cảnh núi rừng này rõ ràng giống núi Bảo Lâm bên Thiên Trúc”. Nhà Sư bèn kêu những người dân làng Tào Khê mà bảo rằng: “Nơi núi này nên lập một cảnh Chùa, vì sau 170 năm sẽ có một vị Vô Thượng Pháp Bảo khai hóa diễn nói tại nơi đây, số người đắc đạo nhiều như cây rừng, vậy nên đặt tên là Chùa Bảo Lâm”.
Thuở ấy có quan đầu tỉnh Thiều Châu tên là Hầu cảnh Trung lấy những lời ấy của dân làng trình, dâng biểu lên Vua nhà Lương, Vua thuận lời xin, lại ban cho tấm vải thêu lớn hiệu Bảo Lâm, từ đấy Chùa được thiết lập.
Khi ngài Huệ Năng tới chùa Bảo Lâm và bắt đầu khai diễn Pháp Môn Đông Sơn, tức là Pháp Môn của Ngũ Tổ ở núi Đông Sơn, tính ra thì đúng 170 năm như lời của nhà Sư Trí Dược Tam Tạng đã nói; Ngài khai giảng cho tứ chúng nghe về tự tính (chân tánh tự dụng) Bát Nhã (trí tuệ của tự tính).
Ngài giảng Pháp Môn lấy:
– Vô Niệm (không nghĩ tưởng) làm TÔNG,
– Vô Tướng (không có hình tướng) làm THỂ.
– Vô Trụ (không để tâm vào đâu cả) làm GỐC.
Ngài dạy Định Huệ (thiền định, trí tuệ) vốn NHẤT THỂ chẳng phải hai, Định là Thể của Huệ, Huệ là Dụng của Định, ngay trong lúc Định có Huệ, ngay trong lúc Huệ có Định. Ngài ví dụ đèn và ánh sáng, đèn là Thể của sáng, sáng là Dụng của đèn, tên tuy có hai, Thể vốn chỉ một, Định Huệ cũng vậy.
Hình ảnh thêm về Lục Tổ Huệ Năng hành đạo.