Về Tọa (ngồi) Thiền, Ngài dạy như sau:
– Đối với cảnh giới bên ngoài: tâm niệm chẳng khởi lên gọi là Tọa.
– Đối với bên trong: thấy tự tính mình chẳng động gọi là Thiền.
Về Thiền Định Ngài giảng:
– Bên ngoài lià tất cả các tướng (hình tướng) gọi là Thiền.
– Bên trong tâm chẳng loạn (động) gọi là Định.
Ngài giải thích về việc Tổ Đạt Ma trả lời Lương Võ Đế rằng suốt đời xây chùa, cúng dàng, bố thí nhưng không có công đức, vì các việc làm ấy chỉ là cầu phúc lợi của thế gian mà thôi, chứ không phải là công đức của xuất thế gian.
Về Tây Phương cực lạc xa mười vạn tám nghìn cõi Phật, nghĩa là cần phải tránh làm mười điều ác (sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói độc ác, tham lam, hận thù, si mê) và tránh phạm tám điều tà (tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định), thì tâm sẽ được tự tại thanh tịnh, tức là cõi Phật hiện tiền tại tâm.
Ngài dạy về Giới Định Huệ như sau:
– Giới: là răn chừa, không tạo các nghiệp ác, tức là tịnh thân, tịnh khẩu, tịnh ý.
– Định: Ngoài không nhiễm trần cảnh, trong không tán loạn, trong ngoài vắng lặng.
– Huệ: Nghĩa là tâm địa trống không, trong sạch, niệm niệm thấy tính, tâm địa quang minh, soi thấu muôn vật (pháp).
Lục Tổ: đã tùy cơ duyên thuyết pháp, chỉ dạy từng số đông đại chúng (cả nghìn hay nhiều nghìn người), nhiều khi chỉ dạy riêng rẽ cho từng người, cũng như tùy bệnh cho thuốc vậy.
Một hôm, Ngài muốn tự giặt cái áo Cà Sa do Ngũ Tổ truyền thọ, mà xung quanh gần không có suối tốt, nên Ngài đi đến phiá sau Chùa khoảng năm dặm, thấy núi rừng tốt tươi rậm rạp, Ngài dộng cây Tích trượng xuống đất, mạch suối nước trong vắt liền chảy ra, Ngài qùy trên đá mà giặt Áo. Khi giặt Áo xong, có một vị Tăng đến lễ Ngài và nói:
– Con là Phương Biện ở Tây Thục đến đây ra mắt Đại Sư, vì con được đức Đạt Ma Tổ Sư báo mộng cho biết rằng: “Cái Chính Pháp Nhãn Tạng truyền từ Phật Thích Ca xuống Tổ Đại Ca Diếp mà Ta đã nối truyền ấy, bây giờ Ta đã thấy truyền xuống tới Tổ thứ sáu tại Tào Khê thuộc tỉnh Thiều Châu, vậy ngươi hãy đến đó mà chiêm bái”. Vậy xin Đại Sư cho con được xem Áo Bát.
Ngài lấy Bình bát ra và chỉ Áo đang phơi cho Phương Biện chiêm bái, xong Ngài hỏi:
– Đại Đức biết làm nghề gì đặc biệt?
– Con biết làm nghề đắp tượng.
– Thầy thử đắp ta, có được không?
– Dạ được, con sẽ cố gắng.
Qua mấy ngày, tượng được đắp xong, cao bẩy tấc nét mặt được tỏ bầy khéo léo; thấy tượng, ngài Huệ Năng cười rồi nói:
– Thầy khéo đắp tượng mà chẳng khéo hiểu tính Phật của mình.
Ngài rờ đầu thầy Phương Biện thọ ký, dặn phải làm phúc điền cho Trời và Người, rồi Ngài lấy áo Cà Sa đưa cho mà trả công; thầy Phương Biện nhận áo rồi chia làm ba, một phần đắp lên pho tượng, một phần tự giữ lấy, còn một phần lấy lá cây Kè gói lại cuốn chặt xong chôn xuống đất và nguyện rằng: “Cho tôi đời sau được vải áo này, làm trụ trì nơi đây để xây dựng lại Chùa”.
Ngày nay pho tượng của Ngài còn được giữ tại Chùa Cao Tuyền, và cách đó 380 năm về sau, có một vị Tăng tên là Duy Tiên đến đó làm trụ trì tu sửa lại Chùa, đào đất được vải áo ấy còn như mới!?
Một hôm có thầy Tăng tên Hành Tư, họ Lưu, sinh ở An Thành thuộc tỉnh Kiết Châu nghe nói Tào Khê giáo hóa thịnh hành, bèn đến tham lễ và hỏi:
– Xin Hòa Thượng chỉ dạy nên làm việc gì để khỏi lọt vào giai cấp?
Ngài nói:
– Thầy đã từng làm việc gì?
Thầy Hành Tư thưa:
– Thánh đế cũng chẳng làm.
Ngài lại hỏi:
– Vậy lọt vào giai cấp nào?
Thầy Hành Tư đáp:
– Thánh đế còn chẳng làm, giai cấp nào mà có.
Ngài rất trọng thầy Hành Tư vì cho là có pháp khí, Ngài bảo thầy làm quản chúng; sau một thời gian, Ngài thấy thầy Hành Tư đã hoàn toàn sáng tỏ bản tánh, nên một hôm cho gọi thầy đến mà nói:
– Thầy đã đắc Pháp, thầy nên đi đến một phương mà hóa độ chúng sinh, chớ cho đoạn dứt giáo pháp đốn ngộ này.
Thiền Sư Hành Tư bèn về núi Thanh Nguyên ở Kiết Châu hoằng pháp, mở rộng Thiền Tông đốn ngộ, (một trong số đệ tử của Hành Tư Thiền Sư là Thạch Đầu Thiền Sư là nổi tiếng bậc nhất); sau khi Hành Tư Thiền Sư tịch, được Vua sắc phong là Hoằng Tế Thiền Sư.
Thầy Tăng tên Hoài Nhượng, họ Đỗ ở Kim Châu, lúc ban đầu đến lễ An Quốc Sư ở Tung Sơn, An Quốc Sư bảo đến Tào Khê tham vấn Lục Tổ Huệ Năng. Thầy Hoài Nhượng bèn tìm đến lễ bái, Lục Tổ hỏi:
– Thầy ở đâu đến? có việc gì?
Thầy Hoài Nhượng đáp:
– Dường như có một việc thì không đúng.
– Còn tu chứng, phải chăng?
– Tu chứng thì chẳng phải là không, còn nói nhiễm trược thì không được.
Lục Tổ ấn chứng rằng:
– Chỉ cái chẳng nhiễm trược này, Chư Phật đều hộ niệm, thầy đã như vậy, ta cũng như vậy. Tổ thứ 27, đức Bác Nhã Đa La bên Tây Trúc (Ấn Độ) có lời sấm rằng: “Dưới gót chân thầy sẽ sinh ra một con ngựa tơ mạnh mẽ chà đạp người trong thiên hạ vô số kể”; đó là điềm ứng tại nơi tâm thầy, chẳng cần nói vội bây giờ. Thầy Hoài Nhượng liền suốt thông (Kiến tánh), theo hầu Lục Tổ 15 năm, và một ngày kia Thiền Sư Hoài Nhượng đạt đến chỗ huyền diệu thậm thâm của Đạo.
Sau Hoài Nhượng Thiền Sư qua núi Nam Nhạc mở rộng Thiền Tông đốn ngộ. (Một trong số đệ tử chính của Thiền Sư là Đạo Nhất Thiền Sư, họ Mã (Ngựa), đó là Mã Tổ nối truyền Chính Pháp, hóa độ chúng sinh vô số kể, đệ nhất nổi tiếng của phái Nam Nhạc); sau khi Hoài Nhượng Thiền Sư viên tịch, Vua sắc phong là Đại Huệ Thiền Sư.
Hình ảnh thêm về Lục Tổ Huệ Năng giảng Thiền