Trước hành động bội ước của chính quyền Ngô Đình Diệm, gần hai tháng sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu lại có thêm 6 tu sĩ và 12 phật tử lần lượt biến mình thành ngọn lửa, xả thân vì phật pháp.
Sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn (11/6/1963), phong trào đấu tranh của Phật giáo ngày càng mạnh mẽ và lan rộng.
Để xoa dịu tình hình, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đề nghị Ủy Ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo và Ủy Ban Liên Bộ do Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu, tiến hành đàm phán để giải quyết những nguyện vọng của Phật giáo.
Cuộc họp từ ngày 14/6/1963 đến 2 giờ sáng ngày 16/6/1963 của hai phái đoàn đã ra thông cáo chung với các nội dung liên quan đến việc chấp thuận yêu cầu được treo cờ của Phật giáo; nới lỏng việc áp dụng Dụ số 10 trong khi chờ thông qua đạo luật về tôn giáo.
Bản thông cáo chung cũng đề cập đến việc xem xét đơn khiếu nại và phóng thích những người liên quan đến cuộc đấu tranh của Phật giáo; vấn đề tự do truyền đạo và hành giáo; trừng phạt nghiêm khắc các cán bộ có trách nhiệm trong sự kiện Phật đản ngày 8/5/1963 và trợ giúp các gia đình nạn nhân liên quan.
Một tháng sau khi thông cáo chung được công bố, chính quyền Ngô Đình Diệm đã không thực thi bất cứ điều nào mà ngược lại còn có các hành động khủng bố, bắt bớ, giam cầm hòng làm nhụt chí tăng ni và tín đồ Phật giáo.
Trước thái độ trì hoãn, bội ước và những động thái chuẩn bị dư luận để “phản công” của chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 14/7/1963 Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo ra chỉ thị Phật giáo tiếp tục phong trào đấu tranh bất bạo động, đòi hỏi thực thi nghiêm chỉnh bản thông cáo chung.
Đại Đức Thích Nguyên Hương tên thật Huỳnh Văn Lễ, sinh năm 1940 tại xã Long Hương (nay là Liên Hương), huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Xuất gia từ năm 6 tuổi, Đại Đức được được Hòa thượng Quang Chí, trụ trì chùa Linh Bửu trong làng, đặt pháp danh Nguyên Hương. Qua thời gian vân du học đạo, Đại Đức từng đi về vùng đất phía Nam và tận mắt chứng kiến chính quyền Ngô Đình Diệm ra tay đàn áp Phật giáo.
Trở về Bình Thuận, Đại Đức được cử trụ trì chùa Bửu Tạng và Bửu Tích.
Ngày 30/5/1963, hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, chùa nơi Đại Đức trụ trì tổ chức lễ cầu siêu cho Phật tử bị tàn sát ngày 8/5/1963 tại Huế và bị chính quyền tỉnh buộc giải tán. Tăng ni, phật tử bị đe dọa, riêng Đại Đức bị gán tội “manh động”.
Sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu; đặc biệt là khi bản thông cáo chung bị bội ước, Đại Đức quyết định tiếp tục làm bùng lên ngọn lửa bất diệt cũng bằng hành động thiêu thân vì đạo pháp.
Ngày 2/8/1963, được tin phật tử khắp nơi cũng như tại Bình Thuận bị bắt bớ, Đại Đức cùng tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận tổ chức tuyệt thực quy mô lớn tại chùa tỉnh hội từ 12 giờ trưa ngày 3/8 đến trưa hôm sau.
12 giờ trưa ngày 4/8/1963, Đại Đức lặng lẽ mang thùng xăng 4 lít đi về địa điểm đối diện Tòa tỉnh trưởng Bình Thuận ngồi kiết già, tự tay tẩm xăng và bật que diêm. Khi ngọn lửa bùng lên và toàn thân bốc cháy, Đại Đức vẫn ngồi ngay trong tư thế tọa thiền.
Trong thư gửi lại bổn đạo chùa Bửu Tích, Đại Đức có nhắc đến việc chính quyền đàn áp Phật giáo và cho biết ý nguyện tự thiêu của mình: “Giáo pháp Đức Thích Ca truyền bá đến Việt Nam đã gần 18 thế kỷ nhưng chưa bao giờ có sự kỳ thị như hiện nay, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa".
Bức thư viết tiếp: "Quý thiện tín, máu phật tử đã chảy lần đầu tiên trong dịp lễ Phật Đản tại cố đô Huế, rồi tiếp các chùa bị phong tỏa, chư tăng ni bị bắt cóc và đánh đập tàn nhẫn. Tôi quá đau lòng nên xin tự thiêu, trước cúng dường thập phương chư Phật, sau nguyện cho chính phủ mở lòng từ bi để thực thi nghiêm chỉnh năm nguyện vọng của Phật giáo…”.
Từ ngày Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu, tình hình tại Bình Thuận càng trở nên căng thẳng, chính quyền tỉnh này phải ra lệnh giới nghiêm từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng.
Nhật Hà
Hình ảnh thêm về Bùng cháy lửa thiêng Thích Quảng Đức: Tự thiêu trước tòa tỉnh trưởng