Hai ngày sau vụ thiêu của Đại Đức Thích Thanh Tuệ (13/8/1963), giữa lúc hàng ngàn sinh viên học sinh cùng tăng ni phật tử tổ chức biểu tình tại Huế đòi chính quyền trả thi hài để tiến hành tang lễ thì tại Khánh Hòa, ngọn lửa đấu tranh cho phật pháp tiếp tục bùng lên và lần này là của một nữ tu: sư cô Thích Nữ Diệu Quang.
Chân dung sư cô Thích Nữ Diệu Quang
Sư cô Thích Nữ Diệu Quang tên thật là Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, sinh ngày 11/1/1936 tại quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (nay là thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Xuất gia năm 21 tuổi, sư cô theo tu học tại Ni viện Vạn Thạnh, Nha Trang.
Trước tình hình đạo pháp lâm nguy, sư cô Diệu Quang đã nhiều lần phát nguyện thiêu thân để cảnh tỉnh chính quyền họ Ngô nhưng đều bị ngăn cản.
Quyết lòng vì đạo pháp, sư cô ra Ninh Hòa, địa phương phía Bắc tỉnh Khánh Hòa cách Nha Trang 30km, tìm tới khu đất trống gần ga tàu hỏa, tẩm xăng châm lửa tự thiêu. Thời khắc ngọn lửa tử vì đạo bùng lên là 8 giờ 30 phút ngày 15/8/1963.
Tưởng nhớ sư cô, tại Nha Trang có một ni viện được đặt tên Diệu Quang
Sau khi sư cô tự thiêu, chính quyền sở tại dùng thủ đoạn cướp thi hài cùng tất cả di bút để lại mang đi biệt tích khiến tăng ni, phật tử và các tín đồ Phật giáo tại Khánh Hòa vô cùng phẫn nộ. Đó cũng là nguyên nhân các vụ biểu tình liên tục nổ ra trong những ngày tiếp theo.
Biểu tình đòi trả thi hài
Được tin sư cô Diệu Quang tự thiêu và bị chính quyền cướp xác, ngay lập tức tại Nha Trang, tăng ni phật tử và người dân tổ chức biểu tình trước Tòa Hành Chánh tỉnh Khánh Hòa đòi trả lại thi hài.
Trước áp lực cuồn cuộn đó, tỉnh trưởng Khánh Hòa cũng có vài động thái nhượng bộ, nới lỏng hàng rào vây ngăn cản người dân và phật tử vào khu vực tập trung biểu tình, nhưng vẫn ngoan cố bưng bít sự thật, loan tin bịa đặt đã trả thi hài sư cô về với gia đình.
Sự dối trá của vị tỉnh trưởng đã dẫn đến cuộc biểu tình tiếp theo vào ngày 16/8. Ngay từ sáng sớm, tăng ni phật tử và rất đông người dân đã tụ họp tiếp tục đòi xác sư cô. Khi đoàn biểu tình kéo đến đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất) liền bị công an, mật vụ dùng cả súng ống, lưỡi lê và lựu đạn cay... buộc giải tán.
Trong khuôn viên Ni viện Diệu Quang
Cuộc biểu tình đã bị đàn áp hết sức dã man. Khoảng 30 người bị thương và trên 200 người bị bắt. Chùa Tỉnh Hội và Phật học viện Nha Trang bị phong tỏa, điện nước mất suốt ba ngày đêm và 300 nhà tu bị cô lập tại chỗ.
Cũng như tại Bình Thuận sau vụ tự thiêu của Đại Đức Thích Thanh Tuệ, ngay đêm đó chính quyền lập tức thiết quân luật từ 20 giờ đến 6 giờ sáng. Người của chính quyền Ngô Đình Diệm được tung đi rà soát khắp nơi.
Trong các ngày 17, 18 và 19/8/1963, tỉnh hội Phật Giáo Việt Nam Khánh hòa liên tục gửi thư phản kháng đến tòa hành chính, đòi thi hài Sư Cô Diệu Quang và yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt trong các cuộc biểu tình trước đó cũng như chấm dứt ngay tình trạng bắt bớ tùy tiện.
Sự việc chưa có kết quả thì xảy ra biến cố ngày 20/8/1963, khi tất cả chùa chiền, tu viện Phật Giáo trên toàn miền Nam đồng loạt bị tấn công, lục soát, bắt bớ trong “kế hoạch nước lũ” được coi là đòn ác liệt cuối cùng của chính quyền Ngô Đình Diệm, cùng với lệnh “giới nghiêm toàn quốc”.
Nhật Hà