Từ ý định ban đầu là tự mổ bụng hoặc tuyệt thực đến chết, Thượng Tọa quyết định biến mình thành ngọn lửa phản kháng chính quyền Ngô Đình Diệm độc tài, nặng tư tưởng kỳ thị và đàn áp Phật giáo.
Mổ bụng hay tự thiêu?
Thượng tọa Thích Tiêu Diêu tên thật Đoàn Mễ, hiệu Tâm Nguyện, sinh năm 1892 tại làng An Tuyền, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Thượng tọa xuất gia năm 1930, tu tại chùa Tường Vân, làng Dương Xuân Thượng, là đệ tử của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại miền Nam lúc bấy giờ. Năm 1952, Thượng Tọa lập ra một cốc trên ngọn đồi chùa Châu Lâm, để tiện việc nhập thất tu niệm.
Chân dung Thượng tọa Thích Tiêu Diêu
Trước khi xuất gia, Thượng tọa có 9 người con, hai người cũng xuất gia tu hành là Đại đức Thích Thiên Ân và Đại đức Thích Đức Tường.
Khi phong trào đấu tranh của Phật giáo bùng lên, Thượng tọa đến ở chùa Từ Đàm (Huế) và xuất hiện thường xuyên trong các cuộc biểu tình, xuống đường, tuyệt thực hay cầu siêu những người hy sinh vì đạo pháp.
Tình trạng Phật giáo bị đàn áp ngày càng khốc liệt và tinh thần vị pháp thiêu thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Đại đức Thích Nguyên Hương, Đại đức Thích Thanh Tuệ, Sư cô Diệu Quang khiến Thượng tọa thường xuyên nghĩ đến một hình thức phản kháng mạnh mẽ, đủ thức tỉnh lương tâm chính quyền họ Ngô độc tài mang nặng tư tưởng kỳ thị Phật giáo.
Một trong những cách mà Thượng tọa từng tính đến là tự mổ bụng nhưng bất thành, do bị một Tỳ kheo phát hiện, ngăn cản nên cuối cùng mới quyết định tự thiêu và viết thư cho Hòa thượng Hội chủ trình bày ý nguyện của mình.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tại Huế, trong lúc chờ giáo hội cho phép, Thượng tọa âm thầm chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho việc tự thiêu. Từ chiều 15/8/1963, một khối củi khô, một can 10 lít xăng và bộ quần áo kết bằng bông gòn dày đã tập kết giấu sau bếp chùa Từ Đàm. Tối ngày 15/8, trong khuôn viên chùa Từ Đàm có khoảng 5.000 phật tử.
Bia "vị pháp thiêu thân" ghi bài kệ của Trưởng lão Hòa thượng Đạo hiệu Viên Quang
Gần 4 giờ sáng ngày 16/8, khi mọi người còn đang thiu thiu ngủ, Thượng tọa đứng dậy mặc vào người bộ áo quần bằng bông gòn dày, bên ngoài khoác thêm chiếc y màu vàng rồi bước ra khoảng sân bên trái chánh điện ngay trước Văn phòng - nơi làm việc của lãnh đạo cuộc đấu tranh.
12 phút bừng sáng
Với tư cách người trong cuộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng viết về những giờ phút cuối cùng của Thượng tọa như sau:
“Theo yêu cầu của Tỳ kheo, trong đêm tối chúng tôi lặng lẽ chất củi khô chung quanh Người. Tay ai cũng run cầm cập. Cuối cùng các phật tử rưới xăng từ từ lên người Tỳ kheo. Khi xăng đã thấm đều trong y áo bông mà Tỳ kheo đang mặc trên người, tất cả phật tử chắp tay lui ra chung quanh.
Giây phút thiêng liêng mầu nhiệm bắt đầu. Tỳ kheo tự bật lửa thiêu đốt thân mình để soi sáng vô minh. Ngọn lửa bừng sáng. Tiếng tụng kinh tiếp dẫn vang lên làm cho Chư tôn Thiền đức lãnh đạo và đại chúng có mặt trong khuôn viên chùa Từ Đàm tỉnh dậy, họ vừa lạy trong tiếng kinh hòa lẫn với tiếng kêu khóc.
Tỳ kheo vẫn chắp tay ngồi bình tĩnh, niệm Phật trong ngọn lửa. Đến lúc mồ hôi và mỡ chảy ướt mặt, Tỳ kheo đưa tay rút chiếc khăn kẹp trong nách ra lau rồi ném cái khăn ra ngoài cho sinh viên.
Anh Hoàng Văn Giàu – Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Phật tử Huế, chụp ngay lấy chiếc khăn cháy sém, dập tắt lửa rồi cột lên đầu. Tỳ kheo vẫn chắp tay an tọa trong ngọn lửa. Ba phút, năm phút, bảy phút, mười phút rồi đến phút thứ mười hai thì hình ảnh của Tỳ kheo mới gục xuống”.
Lăng Tỳ-kheo Thích Tiêu Diêu (1892-1963) trong Nghĩa trang Tổ đình Tường Vân
(gần địa chỉ 67 Lê Ngô Cát, P. Thủy Xuân, TP Huế). Ảnh NĐX.
Mọi thủ đoạn đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm đã không ngăn nổi ngọn lửa hiến thân vì đạo pháp tiếp tục bùng cháy và lan tỏa.
Trong thư gửi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, Thượng tọa viết:
“Tôi tên là Đoàn Mễ, Pháp danh Tâm Nguyện, tự hiệu Thích Tiêu Diêu, sẽ tự nguyện thiêu thân tôi, trước là cúng dường chư Phật, sau để cảnh cáo và nhắc nhở Tổng thống vài điểm sau đây:
“1, Phải giải quyết một cách thành thật và nhanh chóng 5 nguyện vọng rất chính đáng của Phật giáo đồ chúng tôi;
2, Tôi cực lực phản đối chính quyền và quân đội đã ăn cướp thi hài của quý thầy;
3, Phản đối việc phong tỏa chùa chiền ở cố đô Huế, không cho Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo vào lễ”.
Nhật Hà
Hình ảnh thêm về Bùng cháy lửa thiêng Thích Quảng Đức: Rực sáng sân chùa Từ Đàm