Công nghiệp hoá đi cùng quá trình thu hẹp tỉ trọng của kinh tế nông nghiệp và tăng mức độ công nghiệp hoá trong sản xuất nông nghiệp. Ở các quốc gia phát triển cao như Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan...nền nông nghiệp khác hẳn những gì đang diễn ra ở các cánh đồng thuộc vùng sông Hồng, sông Cửu Long, duyên hải Miền Trung của Viêt Nam hay ở Campuchia, Lào, khu vực miền Nam Châu Phi...
Một đặc điểm của công nghiệp hoá, cùng nền kinh tế nông nghiệp áp dụng kỹ thuật cao, ở các quốc gia phát triển là công nhân nông nghiệp sản xuất tập trung, theo dây chuyền, tự động hoá, chính xác về giờ giấc, qui trình lao động, khép kín... Những đặc điểm này ngày càng cao khi trình độ phát triển tăng lên. Điều đó lý giải hiện tượng lao động từ quốc gia có trình độ khác nhau khó tiếp cận sản xuất khi gia nhập chỗ làm mới ở nước khác, nơi có trình độ phát triển cao hơn, có nền nông nghiệp tiên tiến, họ buộc phải thích nghi, đào tạo. Ví dụ: lao động nông nghiệp ở Viêt Nam vẫn chưa khác nhiều lao động nông nghiệp truyền thống, giờ giấc tùy tiện, canh tác thô sơ, năng suất hiệu quả thấp, kỹ thuật ứng dụng vào đồng ruộng ít. Họ sẽ hụt hẫng khi tiếp cận lao động nông nghiệp ở xứ sở phát triển về nhiều thứ, ngoài sốc văn hoá- ngôn ngữ: khi chứng kiến quản trị lao động nông nghiệp không khác ở hãng xưởng công ty sản xuất công nghiệp, giờ giấc, bảo hộ, qui trình, máy móc hiện đại, công nghệ tự động... Chưa hết, sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, năng suất lao động, thu nhập... Cảnh vừa làm vừa tán dóc, hút thuốc, ăn vặt không còn hay còn đúng một lần trước khi bị đuổi việc, chuyện đến trễ vài chục phút rồi huề cũng không có, khác hẳn. Và đấy mới chút xíu khác biệt. Khắc nghiệt? Vâng, nhưng bù lại, làm tốt, họ có tiền rất nhiều so với làm nông ở quê nhà, tích lũy, gửi về gia đình. Họ còn được học hỏi chuyên môn cùng kỹ năng lao động nông nghiệp tiên tiến như trồng trọt trong nhà kín, qui trình chế biến nông phẩm hiện đại, bảo quản sau thu hoạch ít hư hỏng... Họ lại hấp thụ tác phong lao động mới.
Nhưng, các chủng mới của virut corona tác động mạnh mẽ vào họ, vào các xã hội công nghiệp cách dữ dội. Yêu cầu phòng và kiểm soát dịch đòi hỏi giãn cách sâu rộng, và chỉ yêu cầu này đã phá vỡ các nền sản xuất công nghiệp, các nền nông nghiệp phát triển cao, các xã hội công nghiệp hoá vì không thể tập trung đông người, sinh hoạt với mật độ người cao.
Quang cảnh Miền Tây - Hình tác giả chụp.
Dịch kéo dài, sụt giảm sản xuất, tiêu hao các nguồn dự trữ và làm mòn khả năng hỗ trợ của các chính phủ, các nền kinh tế công nghiệp, xã hội công nghiệp tổn thương nhiều.
Trong khi đó, các xã hội đi sau về trình độ phát triển, như Viêt Nam, tỉ trọng công nghiệp hiện đại trong cấu trúc kinh tế còn thấp, nông nghiệp chưa thoát ly truyền thống nghìn năm trên các cánh đồng lúa nước, nông thôn nông dân vẫn duy trì đời sống thuần phác ....lại có vẻ xoay xở tốt hơn trước các yêu cầu phòng chống dịch theo cách hiểu như sự linh hoạt hơn hẳn của xe gắn máy với hạ tầng giao thông nông thôn so với chiếc xe hơi tân tiến cồng kềnh hiện đại có nhiều đòi hỏi khi vận hành từ tiêu chuẩn mặt đường đến nhiên liệu...
Các nền công nghiệp khổng lồ chật vật lùi lại cho phù hợp yêu cầu thích nghi trong dịch, các xã hội phát triển hụt hẫng, trong khi các xã hội kém phát triển, các nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu lại chuyển trạng thái nhẹ nhàng hơn, như với một xe gắn máy thô sơ tốn ít nhiên liệu, lại vận hành đơn giản.
Công nhân từ các khu chế xuất, khu công nghiệp, đô thị quay về thôn ấp làng quê cùng gia đình, quay về nhịp sống họ vốn từng, với cánh đồng dòng sông, bếp củi... Đời sống ấy ít nhu cầu, ít chi tiêu tài chính, và bản thân sinh hoạt sản xuất ở thôn làng xưa nay đã là ...đúng chuẩn giãn cách! Không tập trung đông người, chỉ thêm chiếc khẩu trang. Chỉ thị 15 hay 16 với đô thị lớn không khác thiết quân luật, khủng khiếp khi phanh một đoàn tàu chuyển động nhanh, gia tốc cực lớn, trong khi cú đạp phanh chẳng là gì với một chiếc xe đạp.
Một mật độ dân cư cao, giao thông dày, nhu cầu lớn, sinh hoạt sản xuất tập trung, giãn cách có thể gây gãy đổ như với một cú phanh ô tô đang dịch chuyển nhanh. Đây là vấn đề của thành phố Sài Gòn đang gặp phải và các đô thị lớn ở các quốc gia.
Không thể ngộ nhận tai hại rằng Covid -19 đem tới lợi ích cho các xã hội nông nghiệp, các nền kinh tế nông nghiệp, các quốc gia phát triển thấp. Thực tế, tác động đại dịch với các nước nghèo ghê gớm, nhưng ý tứ bài viết muốn nhấn mạnh một lợi thế của sự đi sau để khai thác ẩn mình trước cuồng phong covid – 19.
Các nước nghèo, các xã hội nông nghiệp, các nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu bị tác động mạnh do liên đới chặt chẽ kết dính số phận các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu hoá, hình thành các chuỗi cung ứng khép kín. Khi các nền kinh tế công nghiệp hoá cao, các đại công ty xuyên quốc gia bị rung lắc, sang chấn, phá sản, hệ lụy tức thì với các xã hội nông nghiệp có khi cách xa họ vạn dặm, do mất vai trò cung cấp nguyên liệu, nhân công hay mất nơi tiêu thụ sản phẩm. Hiệu ứng này như đã từng xảy ra khi nghẽn cục bộ ở kênh đào Suy e, nhưng với tầm mức cao hơn rất nhiều.
Thực tế cho thấy, nếu được hỗ trợ vắc xin, tài chính tối thiểu, các xã hội nông nghiệp lạc hậu cầm cự tốt hơn các nơi vốn dựa nhiều vào công nghiệp hoá, ở đô thị lớn, ở thôn quê với nền kinh tế tự cấp tự túc vượt qua cơn mưa dầm dịch bệnh.
Quang cảnh Miền Tây - Hình tác giả chụp.
... Cày cấy thủ công, trồng hoa màu, rau dưa đạm bạc, sử dụng thuốc và cách trị liệu của y học cổ truyền để trị bệnh... Chút tôm tép trên kênh rạch, mớ rau đồng, qua ngày. Mọi người duy trì đời sống hài hoà, trẻ con nô đùa trên đường làng khi đi hái rau, bẻ củi, trong khi không ít người lớn và trẻ con ở đô thị lớn tù túng bức bối khi giãn cách trong một không gian siết chặt.
Đời sống đô thị, ở các nền công nghiệp hoá cao, các xã hội công nghiệp 4.0, tùy thuộc chặt chẽ vào tiện nghi, điện, viễn thông, đường truyền internet và các sản phẩm công nghệ... Giãn cách đánh mạnh vào các nhu cầu đã quen thuộc, lệ thuộc, và cho thấy sự dễ tổn thương của các xã hội công nghiệp, nền kinh tế công nghiệp hoá cao.
Ở đây nói chuyện thích nghi sinh tồn có tính lâm thời, chứ không nhằm ca ngợi cuộc sống lạc hậu và đề cao nó như mô thức nào đấy ưu việt. Phát triển vẫn là công nghiệp hoá, nhưng đấy lại là chuyện khác.
Nông thôn Việt thuần phác nếu tổ chức lại đời sống sản xuất phù hợp, cưu mang đồng bào lại còn có thể làm chỗ dựa cho đô thị về lương thực thực phẩm, như trong chiến tranh đã từng. Nền sản xuất nghiệp truyền thống nếu cần hỗ trợ để duy trì phục vụ lợi ích chung, ngân khoản hỗ trợ cũng khiêm tốn nếu so với nhu cầu hỗ trợ của các đại công ty, của các nền công nghiệp hiện đại. Hỗ trợ để giữ nồi cơm chung trong khủng hoảng, vừa chính đáng lại vừa phù hợp khả năng các chính phủ trong bài toán dài hơi cho một kịch bản dịch kéo dài hơn những dự đoán.
Phân tích thô vụng về một lợi thế của nước nghèo, trong Covid- 19, theo tôi.
Và lại thấy cần viết rõ rằng đấy là xét đại thể, khái quát, dựa trên số đông, không tính đến những biệt lệ.
Âu cũng có thể nói vui: đấy là lợi thế của chén sành khi va đập.
Bạn nghĩ sao?
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về Xã hội nông nghiệp và Covid – 19 hay lợi thế của chén sành khi va đập.