Tôi thích ví von, so sánh dù biết rằng trong sự vận động và khác biệt, không có sự vật hiện tượng chủ thể nào hoàn toàn giống nhau, chỉ có mức độ tương đồng chứ không bao giờ trùng khít.
Nêú ví sự tu học Phật với trồng trọt của nông phu, có lẽ ví với công việc trồng cây lâu năm sát và hay hơn đem sánh sự tu học Phật công phu gian khó với canh tác hoa màu ngắn ngày.
Đành rằng lịch sử Phật giáo có những trường hợp, theo một cách nói, đạt ngộ nhanh như chớp sau một khai ngộ phù hợp nào đó, hành giả chứng đắc quả vị, ánh sáng giải thoát bỗng chói loà, một bước ngoặt thoát phàm ngoạn mục quá độ không qua dằng dặt kinh kệ, tham học, hành tập vất vả. Nhiều đệ tử buổi đầu của Đức Phật ngộ đạo trong một nốt nhạc như thế, sau khai ngộ của Phật. Nhưng, cũng như thế gian, những thiên tài khám phá nhận thức quy luật, phát kiến khoa học nhanh, bất chợt, không thuộc về số đông, họ có sở trường, thiên tư, thiên bẩm vượt thiên hạ. Những đệ tử buổi đầu trong lịch sử Phật giáo chứng đắc nhanh chóng như Ngài A Nạn, Xá lợi phất... rất hiếm hoi, tăng đoàn thông thường phải trải qua quá trình tu học lâu dài, giữ giới luật nghiêm cẩn, hành trì miên mật, tham cứu kinh điển sâu sắc, học hỏi các bậc thiện tri thức cùng thỉnh giáo ân sư thầy tổ, hội đủ duyên lành mới mong có thành tựu nào đó, không khác quá trình hình thành ngọc trong thân trai.
Chúng sinh lắm bệnh, nhiều căn cơ, sự huân tập nhiều đời nhiều kiếp như bụi bám đầy, xuất phát điểm cho hành trình tâm linh mỗi người mỗi khác... Ánh sáng phật pháp như hạt mưa rơi vào nhân gian, không phải chỗ nào cũng thấm, cũng đầy như nhau, đạo lý này không khó hiểu.
Người sơ cơ học Phật không khác trẻ nhỏ đánh vật với i tờ, từ nhận biết mặt chữ đến ráp vần, rồi hành văn... cả một quá trình. Chuyện học mấy năm không biết chữ cũng có xảy ra và không chỉ với một hay hai người.
Tu học Phật, tùy nhân duyên hoàn cảnh, vật lộn với khái niệm mang tính lý thuyết rồi áp dụng hành tập, thấm nhuần, từng bước tăng trưởng tâm linh tiếp cận ánh sáng phật pháp. Công phu thiền định, thấm nhập kinh điển, hành thiện, câu thúc thân tâm là công phu không hề nhỏ bé.
Do vậy, nếu ví tu học Phật với canh tác hoa màu thực không sát hợp. Hoa màu ngắn ngày, có loại rau quá trình ủ giống, gieo trồng, thu hoạch rất nhanh, không bao nhiêu ngày đã biết thành quả. Tu học Phật không đơn giản như vậy.
Các loài cây ăn quả, lấy gỗ, cây lâu năm, để thành cổ thụ mất hàng trăm năm ngang mấy thế hệ con người; không ít cổ thụ hàng nghìn tuổi, qua mấy nền văn minh. Chiêm ngắm cội cây cổ thụ toả bóng, rễ hằn trên đất, vết thời gian trên thân cành, choáng...
Hành giả, từng bước thiền hành, từng thời kinh, bao nhiêu quán tưởng suy nghiệm, bao nhiêu thời khắc vỡ oà trãi nghiệm chân lý, dệt dần con đường đến chứng đắc quả vị khiêm tốn, bao nhiêu tháng năm? Chỉ cần một thoáng buông lung, một chút sơ hở tâm thức, đi khỏi đường tu, công hạnh tổn thương, ví dụ thiệt nhiều trong thời mạt pháp này.
Như loài cây lâu năm cao lớn vững chãi kiên cố, bậc chân tu trụ giữa thời gian ...
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về Ví sự tu học Phật như trồng cây lâu năm.