Vì các lý do mang tính chính trị, sách vở Ở Miền Nam trước 1975 sau ngày đất nước thống nhất đã mai một dần: bị tiêu hủy, cấm lưu hành, không tái bản.. Không ít trước tác quý thành giấy phế liệu, các tủ sách gia đình và thư viện, sách vở trước 1975 thành cấm kỵ.
Trừ các ấn phẩm mang tính chất chính trị rõ nét có hại cho quản lý xã hội của nhà nước mới, nhiều sách vở thuàn túy khoa học, văn chương, nghệ thuật, kỹ thuật… phải hẩm hiu chịu chung số phận cho sự ra đi của một chế độ. Các tác phẩm văn chương công phu của bà Tùng Long chẳng hạn, sách dạy làm người của Nguyễn Hiến Lê, những dịch phẩm từ nguyên tác các danh gia văn chương ngoại quốc.. không có lý do gì để cấm đoán chính đáng, đáng tiếc vãn mai một hảm hiu, có hại cho lợi ích chung. Khối lượng sách giáo khoa đồ sộ có giá trị của nền giáo dục cũ cũng vậy, mất mát nhiều. Số phận này của sách vở đi cùng tình cảnh âm nhạc, bao gồm dòng nhạc trữ tình vang bóng giàu giá trị nhân văn và nghệ thuật.
Theo thời gian, khi ở trong nước thời kỳ đổi mới, chuyện nghe đài hay trích nguồn tin ngoại quốc trở nên bình thường dần, rồi cởi mở từng bước để gần đây chính thức tháo gỡ cám đoán dòng âm nhạc trữ tình trước 1975 ở Miền Nam; nhiều ấn phẩm cũ được tái bản… Muộn còn hơn không, cái nhìn về sách vở cũ đã chạm dần vào đích cần có, và điều đó thuận với tình cảm chung của số đông.
Như gương vở lại lành, những bậc lão niên hân hoan tìm lại hạnh phúc ngày cũ bên trang sách cũ hiếm hoi sót lại hay tái bản, cánh trẻ thời mới ngỡ ngàng trước từng dòng từng dòng chữ nghĩa cản trọng công phu nghiêm mật của ngày qua…
Điều này chỉ có thể mừng mà thôi.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về SÁCH VỞ Ở MIỀN NAM TRƯỚC 1975: THỬ NHÌN THEO DÒNG THỜI GIAN…