Các nhà sư chân chính sẽ không bao giờ tha thứ cho thứ bạo lực như vậy bởi nó đi ngược lại với giáo lý căn bản về phi bạo lực được giảng dạy trong Phật giáo, đại sư Dhammaratana nói.
“Đôi khi người ta lợi dụng các nhà sư giả cho các mục đích chính trị. Giới chính trị để họ khoác áo nhà sư và làm những điều mà các nhà sư chân chính không bao giờ làm. Bạo lực không bao giờ được khuyến khích trong đạo Phật. Chúng tôi không được giết hại các sinh vật sống, bao gồm cả động vật”, đại sư cho biết.
Đại sư Datuk K. Sri Dahmmaratana phát biểu như vậy khi được đề nghị bình luận về các nhà sư cực đoan do nhóm Ma Ba Tha (Myanmar) lãnh đạo kích động bạo lực ở khu vực Rakhine để chống lại những người Hồi giáo Rohingya.
Quan điểm của sư Dhammaratana tương đồng với lập trường của những nhà sư hàng đầu ở Myanmar, những người từ chối ủng hộ nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ma Ba Tha.
Ủy ban Tăng đoàn Maha Nayaka của Myanmar, đại diện cho những nhà sư hàng đầu đất nước, đã phát đi một tuyên bố hồi tháng 7, nói rằng tổ chức Ma Ba Tha không được thành lập theo quy định, thủ tục và hướng dẫn của ủy ban Tăng đoàn.
Bạo lực nổ ra vào năm 2012 và đã leo thang thành nỗ lực thanh lọc sắc tộc, cố gắng gạt bỏ những người Rohingya bản địa ở bang Rakhine.
Những người Rohingya bị xem là không có quốc tịch vì chính quyền Myanmar không công nhận họ là công dân nước này.
Sư Dahmmaratana cho hay, 3 năm trước đây, ông đã từng đến thăm khu vực xung đột.
“Vấn đề của khu vực này xuất phát từ sự yếu đuối của con người. Đó là một vấn đề cá nhân nhưng lại leo thang thành xung đột tôn giáo cực kì sai lầm. Nó đang bị thế giới hiểu sai như một vấn đề tôn giáo. Cuộc xung đột này chẳng có gì liên quan đến tôn giáo cả. Nguyên do của nó là vì sự yếu đuối của con người. Cảm giác của đàn ông hay đàn bà ở mọi nơi đều là như nhau”, ông nói.
Sư Dhammaratana cho biết ông đã yêu cầu thêm nhiều thông tin liên quan đến tình hình mới nhất ở vùng xung đột. “Chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin chi tiết”, ông nói.
Sư Dhammaratana kêu gọi tất cả các bên liên quan ngồi lại cùng nhau để tìm một giải pháp hòa bình và hòa hợp càng sớm càng tốt.
“Nếu không, hình ảnh của Đức Phật sẽ bị tổn hại”, ông nói, đồng thời nhắc lại rằng, đánh đập, gây tổn thương, tra tấn và giết hại người khác là sai trái.