Từ cuối thập niên 50 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nhà nước ta là chủ thể sản xuất lớn nhất của xã hội. Thực hiện chính sách quốc doanh hóa và tập thể hóa, tất cả lực lượng sản xuất xã hội đều thuộc về sở hữu nhà nước hoặc tập thể với mục đích sao cho nhà nước có thể nắm, quản lý, điều hành toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo một kế hoạch thống nhất. Mọi việc đều phải có chủ trương chính sách của nhà nước thì mới có thể thực hiện, chính quyền không cho phép bất kỳ một sự tự phát nào có thể xảy ra, kết quả là công nghiệp thì đình đốn, nông nghiệp thì èo uột. Là một nước nông nghiệp mà thiếu đói phải đi xin viện trợ hoặc nhập khẩu mỗi năm hơn 1 triệu tấn gạo…mọi thứ hàng hóa tiêu dùng khác đều thiếu thốn, cung không đủ cầu, cái gì mà được gọi là nhu yếu phẩm đều phải phân phối theo chế độ tem phiếu, thị trường lúc nào cũng tồn tại hai giá, tạo điều kiện phát triển tệ nạn phe phẩy, móc ngoặc để ăn cắp, tham ô…tìm mọi cách để tuồn hàng hóa của nhà nước mang ra bán ở thị trường tự do ăn chênh lệch giá mà các cơ quản lý phải bó tay không thể xử lý được.
Từ cuối thập niên 80 đến nay, chúng ta thực hiện chính sách Đổi mới mà thực chất, theo ngôn ngữ của Đạo, là chuyển đổi chế độ quản lý kinh tế từ Hữu Vi sang Vô Vi. Trong nông nghiệp thì thả cho người nông dân được tự do theo khoán 10, đồng thời bãi bỏ chế độ ngăn sông, cấm chợ để nông dân được tự do tiêu thụ sản phẩm của mình. Kết quả là ai ai cũng chăm chỉ làm lụng không cần phải giám sát, quản lý… Nhờ vậy mà nông nghiệp từng bước phát triển, từ chỗ phải nhập khẩu đến chỗ có gạo thừa ăn, mỗi năm xuất đi hơn 3 triệu tấn, thu hàng tỷ Đô la. Rồi các mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản …cũng dần dần được người nông dân đưa lên những vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới …Trong các lĩnh vực kinh tế khác thì bất cứ ai có khả năng đều có thể đứng ra tổ chức sản xuất, buôn bán. Kết quả là bất kỳ sản phẩm hàng hóa nào mà xã hội cần hoặc thiếu đều có người tìm cách sản xuất ra hoặc nhập khẩu để đáp ứng, nhờ vậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta được xếp vào loại cao ở trên thế giới, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, thị trường phong phú đầy đủ, dư thừa, chế độ phân phối theo tem phiếu không còn cần thiết…Tuy Luật Vô Vi mới chỉ bước đầu được thực hiện nhưng sự phát triển của Việt Nam đã có lúc được thế giới gọi là kỳ diệu. Thực ra còn có thể áp dụng Luật Vô Vi cho nhiều lĩnh vực khác nhau và chắc chắn cũng sẽ mang lại những kết quả tốt.
Là một quy luật khách quan của Vũ Trụ, Luật Vô Vi yêu cầu trong quan hệ xã hội cũng như trong quan hệ với thế giới tự nhiên, nếu không muốn tạo nghiệp chướng, thì tuyệt đối không được áp đặt hoặc dùng bạo lực để thực hiện ý chí của mình. Hãy để cho Tự nhiên được tự nhiên, nếu muốn tạo tác gì với Tự Nhiên hãy lựa theo quy luật của nó mà hành động. Hãy để cho con người được tự chủ, nếu muốn làm gì với con người, hãy thuyết phục để người ta tự quyết định. Những bậc đế vương cai quản quốc gia, những vị quan chức cai quản một khu vực, một lĩnh vực mà quyết định có ảnh hưởng đến số phận, cuộc đời của nhiều người càng nên phải vô vi. Từ hai thí dụ về nhà nước quản lý kinh tế ở trên ta thấy Vô Vi là nhàn, là tạo tác ít mà hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí, tiết giảm được bộ máy, hạn chế tạo nghiệp … Hữu Vi là vất vả, là tạo tác nhiều mà hiệu quả thấp, là chi phí lớn và bộ máy cồng kềnh, tạo nhiều nghiệp chướng. Quan sát một quốc gia mà thấy bộ máy nhà nước cồng kềnh, biên chế nặng nề thì nhắm mắt cũng có thể nói ngay, đó là nhà nước Hữu Vi.
Xã hội Vô Vi là xã hội tự nó, ổn định mà phát triển. Nhà nước Vô Vi là nhà nước khai sáng, nhà nước tư vấn, giáo dục, nhà nước đầu tư để kiến tạo những điều kiện khách quan cần thiết cho sự tự phát triển, nhà nước có quản lý, có lãnh đạo nhưng đừng để cho người dân cảm thấy sự lãnh đạo, quản lý của nhà nước đè nặng trên vai mình, con người tự do sẽ như thể được thăng hoa, phát huy được hết sở trường và khả năng sáng tạo của mình do đó mà Nhà nước tưởng như “không làm gì mà cái gì cũng được làm” là vậy.
Để giữ được Vô Vi, thông thường người ta phải Vô Ngã. Vô Ngã là không lấy lợi ích, quyền lợi cá nhân hay quyền lợi nhóm làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của mình. Vi phạm nguyên tắc Vô Ngã là rơi vào Hữu Vi. Về bản chất, Vô Vi là tôn trọng quy luật yêu thương của Vũ Trụ mà bình đẳng.
Đối với những vị vua kiêm thiền sư đầu thời đại Lý – Trần thì tình thương và bình đẳng thực sự là kết quả nhận thức sâu sắc của các ngài về Đạo Trời với các quy luật Vô Vi, Vô Ngã. Nhận thức đó được quán triệt và thông suốt từ tư tưởng, lối sống, sự ứng xử hàng ngày cho đến các chủ trương, đường lối chính sách, hệ thống pháp luật của quốc gia nhằm mục đích để bản thân không tạo nghiệp, xã hội, quốc gia bớt nghiệp. Cho nên ưu điểm lớn nhất của thời đại Lý - Trần, dưới ảnh hưởng của Đạo Phật, là xây dựng được một xã hội mà tình thương yêu, tinh thần bình đẳng, nhân đạo, tự do, bác ái, khoan dung, tinh thần trách nhiệm công dân với ý thức tự giác cao, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc thấu suốt được toàn bộ nền chính trị quốc gia từ quan hệ vua – tôi, quan hệ nhà nước-nhân dân đến các quan hệ gia đình và xã hội.
Nền pháp luật của Việt Nam, do Nhà Lý tiếp nhận lúc đó được hình thành từ thời Bắc thuộc, nặng về đàn áp nên rất khắc nghiệt, các hình phạt như voi dầy, ngựa xé, phanh thây, tùng xẻo… vẫn được áp dụng. Triều Lý lên đã dần dần sửa lại cho phù hợp với tinh thần khoan dung của Đạo Phật, lấy giáo dục là chính mà không nặng về hình phạt. Sách Đại Việt sử kí toàn thư về Nhà Lý có ghi “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót sai trung thư sửa định luật, lệnh châm trước cho thích dụng với thời bấy giờ… ”
Tình thương yêu của các Vua Lý đối với dân chúng khiến ta cảm động. Tình thương đó là tình thương vô ngã của Đạo Phật, không phải là một tình thương chấp ngã bình thường. Các Ngài thực sự đau khổ, xót xa khi thấy người dân mắc vào hình pháp. Có lần khi đang xét xử, vua Lý Thánh Tông chỉ vào công chúa Động Thiên mà nói “Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau không kể tội gì nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.
Những ông Vua mà đau khổ cùng với những đau khổ của người dân, kể cả đối với những kẻ là tù nhân phạm tội với chế độ thì chỉ có thể là những ông Vua đã giác ngộ Đạo Trời một cách sâu sắc vì chỉ có giác ngộ như vậy thì mới hiểu ta với chúng sinh là một, tất cả chúng ta cùng chung một bản thể, làm hại người tức là làm hại mình, thương yêu người là thương yêu mình, làm khổ người là làm khổ mình. Đạo Phật là bình đẳng, là không phân biệt, là thương yêu tất cả, vạn vật đồng nhất thể là như vậy, là không tạo nghiệp nhưng khi đã xảy ra nghiệp rồi thì tìm cách xử lý để không gây thêm nghiệp nữa. Trong Đại Việt Sử Ký còn ghi:
“Mùa đông năm Ất Mùi 1055, trời giá rét Lý Thánh Tông nói với các quan rằng ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao tù, chịu trói buộc khổ sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật thấy làm thương” . Ngay sau đó vua sai người mang chăn, chiếu cùng với hai bữa cơm mỗi ngày cho phạm nhân.
Kế thừa nền tảng đạo đức của Đạo Phật trong xã hội thời Lý, Nhà Trần đã tạo ra được những dấu ấn và sự khác biệt mà chưa triều đại nào đạt được. Nhà Trần là thời đại mà Phật Giáo thực sự hòa nhập vào lòng dân tộc. “Phật Pháp tại thế gian , bất ly thế gian Pháp” ( Phật Pháp ở tại thế gian, không xa rời thế gian), Đạo không tách rời đời, đời không tách rời Đạo là lẽ sống của các vị Vua thời Trần. Chính vì vậy các Ngài đã điều hành đất nước bằng tinh thần Vô Ngã của Đạo Phật, lấy lòng dân làm lòng mình, lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình. Cho nên mới có được hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng nơi Vua thực sự lấy ý kiến toàn quân, toàn dân trước khi cầm quân ra trận, ý dân là ý Trời – đó là chân lý chứ không phải là xảo ngữ. Vua Trần Nhân Tông sau khi rời ngôi đã đi khắp đất nước để hoằng Pháp với mục đích sao cho 10 điều thiện của Phật dạy và Bồ Tát giới được thấm sâu vào trong mọi sinh hoạt của xã hội. Giáo lý của Nhà Phật làm cho ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm công dân của người dân thời Trần rất cao. Về điều này nhà Nho Lê Quát, đỗ Tiến sĩ và làm quan đời vua Trần Dụ Tông, tuy là một người bài xích Phật Giáo và tìm mọi cách để giành cho Nho Giáo vị trí thống trị về tinh thần trong xã hội nhưng cũng phải thừa nhận “ từ kinh thành đến ngoài châu thổ, khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, không cần ra lệnh mà vẫn tuân theo, không bắt phải thề mà vẫn giữ đúng…” Một xã hội như vậy chính là xã hội vô vi , đó là điều mà Lê Quát chưa hiểu nổi như ông tự vấn ”Cái thuyết họa phúc của Nhà Phật sao mà cảm động lòng người sâu sắc đến thế?”
Nhờ có Đạo Phật mà mọi mặt đời sống chính tri - xã hội trong thời kỳ hưng thịnh của các triều đại Lý – Trần đều thấm đượm một tinh thần nhân văn, một bầu không khí lạc quan, tự do, sáng tạo, bình đẳng, khoan dung, bác ái, không phân biệt, tôn trọng lẫn nhau nhờ đó mà nảy sinh những nhân cách lớn và tạo ra những kỳ tích trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự …Đúng là thời đại của những anh hùng.
Trong Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn viết ;” Bởi vì Nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, cho nên nhân sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài lưu tục, làm cho quang vinh cả sử sách, không thẹn với đất trời, há phải dễ đời sau sánh kịp.”
Đáng tiếc những tư liệu về thời đại này, do sự cố tình hủy hoại nền văn minh Đại Việt của Nhà Minh trong thời gian xâm chiếm nước ta, không còn lại nhiều nhưng những gì còn lại của hai triều đại Lý – Trần khiến chúng ta phải khâm phục và ngưỡng mộ. Ví dụ như trong lĩnh vực kinh tế. Thời kỳ này Đại Việt phải nhập khẩu lao động (như Nhật Bản, Hàn Quốc … bây giờ) tức là kinh tế phải phát triển tới một mức nào đó và cao hơn các nước lân bang. Trong sử có ghi lại việc mua bán nô lệ thường được tổ chức ở biên giới phía Bắc với Trung Quốc (TQ thời này cũng xuất khẩu lao động sang Việt Nam) hoặc phía Nam với Chiêm Thành; tù binh bắt được ai muốn về nước thì về, ai muốn ở lại thì bổ xung vào hàng ngũ gia nô hoặc được cư trú tự do. Các nô lệ (gia nô) chắc chắn phải được đối sử bình đẳng nên thời kỳ này không có một cuộc bạo loạn nào của gia nô xảy ra như kiểu khởi nghĩa nô lệ ở La Mã và có nhiều gia nô như Yết Kiêu, Dã Tượng… cũng được phong tướng, tên tuổi được mãi vinh danh trong lịch sử dân tộc. Nếu đối xử phân biệt với gia nô, coi họ như súc vật thì chắc không bao giờ có những chuyện như thế.
Thời Lý – Trần, Phật giáo không bao giờ bài bác, chống đối và chỉ trích Nho giáo, Đạo giáo. Phật giáo đã để cho Nho giáo và Đạo giáo phát triển. Phật giáo nhìn nhận sự cần thiết của Nho giáo, Đạo giáo cho sự phát triển đa dạng và phong phú của quốc gia Đại Việt độc lập.
Sau một nghìn năm Bắc thuộc, Đại Việt chưa có chữ viết riêng hoàn thiện nên cần tiếp tục sử dụng chữ Hán để phục vụ cho nền hành chính quốc gia. Đối với Đại Việt lúc bây giờ quan hệ đối ngoại, quan trọng nhất là quan hệ với Trung Hoa. Đại Việt cần quan hệ tốt và sự công nhận của triều đình Trung Hoa cho nên dùng Nho giáo để đào tạo hệ thống quan lại, công chức của triều đình là thuận lợi hơn cả. Còn Đạo Giáo là một tôn giáo lớn của Trung Hoa mà ở Đại Việt cũng có nhiều người theo, thừa nhận Đạo giáo không có hại gì cho nền độc lập dân tộc mà ngược lại cũng góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện bản chất không độc tôn của Đạo Phật, tinh thần tự do, cởi mở khoan dung, không phân biệt của nền chính trị Đại Việt.
Với tinh thần đó, Nhà Lý cho lập Quốc Tử Giám, mở khoa thi tam trường, lập Viện Hàn Lâm. Nhà Trần lập Quốc học viện ở kinh sư và tạc tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử, cùng vẽ tranh 72 vị tiên hiền để thờ cúng. Trần Thánh Tông đã cho hoàng đệ là Trần Ích Tắc mở trường dạy Nho học. Trong lịch sử Việt Nam, “Tam giáo đồng nguyên “ thực sự chỉ tồn tại trong thời đại Lý-Trân mà thôi. Dưới ảnh hưởng của Đạo Phật, các sĩ tử Việt Nam thời kỳ Lý-Trần bắt buộc phải hiểu biết về Đạo Phật, về Đạo Lão cho nên đã tiếp thu Nho giáo với một tinh thần phê phán và chọn lọc chứ không sùng bái tuyệt đối và làm nô lệ cho Đạo Khổng như các triều đại sau này. Ngay cả Hồ Quý Ly, một người không ưa Đạo Phật, cũng có những tác phẩm phê phán Tống Nho khác hẳn các nhà Nho của các triều đại sau coi Tống Nho là đỉnh cao của Nho học Trung Hoa mà không dám sửa đổi gì cả. Chữ Nôm – chữ viết riêng của dân tộc đã được sáng tạo trước đó tiếp tục được hoàn thiện và sử dụng rộng rãi trong sáng tác văn học thời nhà Trần và khi nhà Hồ thay thế nhà Trần, Hồ Quý Ly cũng đã dự kiến sử dụng chữ Nôm làm chữ viết của quốc gia, tiếc rằng ý đồ đó không thực hiện được do cuộc xâm lược của nhà Minh. Các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp theo, do nô lệ về mặt tư tưởng với Trung Quốc và theo Khổng Giáo toàn tòng, đã không chú trọng đến chữ Nôm do vậy nước Việt Nam ta không có chữ viết riêng của mình như Triều Tiên và Nhật Bản là các quốc gia cũng bị ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc.
Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ đầu Công Nguyên và phát triển cho đến hết đời Nhà Trần chủ yếu là Thiền tông – một môn phái không nặng về hình thức, thủ tục như thắp hương, tụng kinh, gõ mõ, cầu xin mà thông qua tu hành thiền định để rèn luyện cải tạo bản thân từ đó đi đến giác ngộ, làm chủ được những khả năng tâm linh phi thường, có thể phổ độ chúng sinh, giúp đời hóa giải nghiệp chướng, góp phần cải thiện xã hội. Nhờ có Thiền tông, Phật giáo Việt Nam có được tính thuyết phục cao và uy tín lớn trong toàn thể cộng đồng xã hội từ các tầng lớp trên của xã hội như vua quan, trí thức đến những người dân bình thường.
Thiền tông Việt Nam, có thể nói, đã đạt được những thành tựu vĩ đại, là đỉnh cao chói lọi của Văn minh Phật giáo thế giới vào thời kỳ đó. Một Minh sư Huệ Năng xuất hiện ở cuối thế kỷ thứ VII đầu thế kỷ thứ VIII, Việt Nam mạnh mẽ hùng cường được hơn 600 năm. Từ Tổ Đình thờ Lục Tổ ở Bắc Ninh đã hình thành nên nhiều thế hệ các thiền sư xuất sắc giúp cho các triều đại Việt Nam bảo vệ có hiệu quả nền độc lập non trẻ của đất nước trước thế lực phong kiến hùng mạnh phương Bắc, góp phần ổn định xã hội, phát triển và củng cố sức mạnh của đất nước.
Thời Đinh, Tiền Lê, Lý các thiền sư được các vua, quan rất kính trọng và thường xuyên được tham vấn, xin ý kiến để giải quyết các công việc trọng đại của quốc gia. Rất nhiều các vị vua, quan thời Lý là những cư sĩ, trong đó các ba vị vua là Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông.
Sang đến đời Nhà Trần, nhiều vị vua đồng thời cũng là các thiền sư nổi tiếng như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông., Trong tác phẩm Tuệ Giáo Giám Luận, vua Trần Thái Tông đã viết:
“Chúng sinh đều có sẵn tuệ tính nhưng nếu không tập tọa thiền thì vẫn chưa có thể nói là mình có Tuệ (Trí Huệ). Nếu không cần tọa thiền mà có Tuệ thì tọa thiền làm gì?” .
Có rất nhiều huyền thoại về những khả năng siêu việt của các thiền sư mà theo dòng chảy của thời gian nhiều người coi là hoang đường nhưng những người tu hành thiền định đều hiểu những khả năng đó là có cơ sở, là sức mạnh thực sự của các bậc thầy tâm linh. Chúng ta hãy đọc một đoạn ngắn về khả năng dự báo của Thiền sư Vạn Hạnh (Xem Thiền sư Việt Nam .Tác giả Thích Thanh Từ/NXB TH TP HCM):
Đời Tiền Lê, năm 980, Nhà Tống kéo quân sang đánh nước ta, tướng giặc là Hầu Nhân Bảo đóng binh ở Lạng Sơn. Vua Lê Đại Hành mời Thiền sư Vạn Hạnh đến hỏi:
- Quân ta thắng bại thế nào?
Thiền sư trả lời một cách chắc chắn :
- Trong ba, bảy ngày thì giặc ắt lui.
Quả nhiên đúng như vậy.
Về sau, khi Vạn Hạnh qua đời, vua Lý Nhân Tông có bài thơ ca ngợi:
Vạn Hạnh thông ba mé (**)
Thật hợp lời sấm xưa
Quê nhà tên Cổ Pháp
Dựng gậy vững kinh vua
(**) ba mé: quá khứ, hiện tại, tương lai
“Dựng gậy vững kinh vua” mà Lý Nhân Tông nói ở trên không chỉ là nghĩa bóng mà còn là nghĩa đen của từ này. Dựng gậy mà vững kinh vua là sự thực. Các vật dụng của các bậc thầy tâm linh thường thắm đượm năng lượng Phật tính của các Ngài do vậy mà có một sức mạnh tâm linh vô hình có thể hóa giải một nghiệp chướng nào đó mà người thường khó mà lý giải được. Cho nên chắc chắn là nhờ có yếu tố Phật lực tức là những khả năng siêu phàm của các thiền sư mà các vị vua đời Lý, đời Trần đã tạo được một giai đoạn thật sự oai hùng trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đời Trần, Phật Giáo Việt Nam phát triển tới đỉnh cao của mình, chưa bao giờ số lượng chùa chiền và sư tăng trong nước lại lớn đến như vậy. Đạo Phật được Triều đình và dân chúng vô cùng tin tưởng và kính trọng. Nhưng đáng tiếc trường phái Trúc Lâm Yên Tử không tồn tại được lâu. Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông qua đời, Trúc Lâm Yên tử chỉ truyền được đến Tổ thứ ba là Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) thì hết. Thiền Tông Việt Nam, như một vị Thiền sư hiện đại nhận định, đã bị mất Pháp mạch.
Phật Giáo là một tổ chức tôn giáo nhưng tôn giáo cũng không thoát khỏi sự chi phối của Luật Nhân Quả. Mục đích của xuất gia tu hành theo Đạo Phật là để tự giải thoát cho mình và cứu độ chúng sinh. Độ chúng sinh để trưởng dưỡng lòng từ bi, tạo công đức là nội dung quan trọng của tu hành, vì người tu hành nếu không có công đức thì cũng sẽ không thành Phật được. Để độ cho chúng sinh, người tăng sĩ, hoặc bản thân phải có Phật lực do tu hành mà có hoặc phải dựa vào Phật lực của vị Pháp Chủ của mình. Thời có Minh sư như Thích ca, Huệ Năng là vậy. Còn nếu cả hai, cả các tăng sĩ lẫn Pháp Chủ đều không có Phật lực để độ cho chúng sinh mà vẫn nhận cúng dường thì sẽ mắc nợ chúng sinh. Phật Giáo sẽ bị nghiệp chướng, lúc đó thì cả Tăng đoàn, Giáo Hội sẽ mất dần công đức tu hành và cuối cùng khi công đức không còn nữa thì tai họa ập tới. Đó là quy luật thép của Nhân Quả.
(Còn tiếp)