Chùa Quan Âm ở Tích Thiện, Trà Ôn, Vĩnh Long, cách không xa cầu Cần Thơ, nếp già lam sống thanh đạm, các thầy thường sang cù lao Tân Qui cách một bờ sông xin củi của bà con làm vườn để duy trì bếp lửa giữa thời nơi nơi dùng điện, gas thay củi từ lâu. Bậc trú trì, Đại đức Thích Tánh Bình cùng chư tăng giữ nếp sống nhẹ nhàng như thế giữa vùng quê ngút ngàn cây trái.
Đại Tòng Lâm tự ở Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu là một đại tự mênh mang rộng, được bậc tôn túc- Hoà thượng Thích Minh Hiển trú trì. Ở đây, chư tăng, chư ni đông đảo, nhu cầu chất đốt cho nhà bếp vẫn dùng củi như ngày xưa. Đến đấy bạn có thể choáng khi nhìn những cự củi chất dài từng từng lớp lớp ngay ngắn, thành quả lao tác của tăng ni phật tử nơi đây.
Số chùa chiền vẫn dùng củi và giữ nếp sống như ngày cũ không nhiều, do những nguyên nhân khác nhau. Vùng sẵn củi để đủ dùng quanh năm như ở Vĩnh Long hay Bà Rịa cũng không nhiều, cho nên nhà chùa có khi muốn cũng không được. Số bếp lửa nhà chùa dùng điện, gas, các dụng cụ bếp hiện đại chiếm số nhiều, có bếp chùa có cả lò vi sóng hiện đại.
Riêng chi tiêu tiền điện, gas làm chất đốt thay củi cũng khá đáng kể so với túi tiền nhà chùa. Một nếp chùa nho nhỏ ở nông thôn thanh toán hoá đơn điện hàng tháng mấy triệu đồng rõ ràng không hề ít.
Những cửa thiền duy trì nếp sinh hoạt đạm bạc, chư tăng ni lượm củi lao tác cần cù duy trì bếp lửa, sẽ nhẹ nhàng một khoản chi tiêu, lại vượt qua thời khó do Covi- 19 hoành hành không đến nổi quá gian nan chi dù duy trì bếp lửa không phải chuyện duy nhất phải lo.
Ngoài ra, lao tác thu nhặt củi lại phù hợp sự tu như muôn năm cũ, thiệt hay.
Nguyễn Thành Công
Hình ảnh thêm về BẾP CHÙA DÙNG CỦI LẠI HỢP THỜI TRONG DỊCH.