Tôn (cao) và ty (thấp) bắt nguồn từ khái niệm cân bằng âm dương trong Kinh Dịch (易经). ‘Nam tôn nữ ty’ mang hàm nghĩa nam có đặc điểm của nam, nữ có đặc điểm của nữ nên vai trò của nam và nữ trong gia đình là khác nhau, nếu mỗi người trung thành với bổn phận của mình thì gia đình sẽ tự nhiên hưng thịnh.
“Trọng nam khinh nữ” bắt nguồn từ Kinh Dịch. Theo ‘Hệ Từ Truyện’ trong Kinh Dịch, trời là cao, đất là thấp, từ đó mà quy định Trời và Đất. Khi cao và thấp được định ra thì cao quý và thấp hèn được thiết lập. (Thiên tôn địa ty, Càn khôn định hĩ, ti cao dĩ trần, quý tiện vị hỹ )… Có đoạn lại viết: “Đạo của Càn nghĩa là nam cao, Đạo của Khôn nghĩa là nữ thấp”. Trong đó Tôn là cao, Ti là thấp, đều là từ ngữ chỉ phương hướng. Thiên tôn địa ty mang hàm nghĩa miêu tả đặc điểm tự nhiên, nghĩa là trời ở trên và đất ở dưới, Trời cao còn đất thấp. Theo ‘Thuyết văn giải tự’ thì Tôn cùng nghĩa với “cao”. Quang Nhã giải thích Ty và Bỉ có nghĩa giống nhau. Theo Quang Vận thì Ty có nghĩa là phía dưới.
Kinh Dịch là một bộ kinh miêu tả những nguyên lý vận hành của vũ trụ và thiên thể, tư tưởng cốt lõi là sự cân bằng âm dương. Các sự vật mất cân bằng và hài hoà sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo bình thường, và vạn vật trong vũ trụ này dù thế nào thì cuối cùng cũng sẽ quay lại trạng thái cân bằng hài hoà.
Một triết lý trọng tâm khác trong Kinh Dịch là việc duy trì vị trí của âm và dương. Trời phải ở vị trí của trời, đất phải ở vị trí của đất, âm phải ở vị trí của âm, dương phải ở vị trí của dương.
Thiên địa, âm dương và nam nữ là tiêu chuẩn người xưa dùng để phân loại thế giới. Lý của con người cũng theo lý của trời đất, vậy nên “nam tôn nữ ti” chính là có nguồn gốc từ “thiên tôn địa ti”. Nguyên gốc nghĩa của “nam tôn nữ ti” là nam nữ khác nhau, là sự phân biệt tự nhiên và đó cũng là trạng thái tự nhiên.
‘Nam tôn’ ngụ ý rằng: nam giới là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên, để hợp với đạo thì phải công bằng, đường hoàng như trời, phải ‘tự cường bất tức’, tức là ‘sức mạnh không ngừng nghỉ’. ‘Nữ ti’ mang hàm nghĩa rằng: nữ giới là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên, để hợp với đạo thì phải khiêm nhường và bao dung như đất, phải ‘hậu đức tải vật’ tức là ‘đức dày để bao dung vạn vật’.
‘Nam tôn nữ ti’ như âm và dương, mỗi người phải làm trọn vị trí của mình mới tạo nên được sự hài hòa của tự nhiên. Vì vậy ‘nam tôn nữ ti’ trong cuộc sống thường nhật và trong quan hệ hôn nhân không mang hàm nghĩa nam nữ bất bình đẳng. Phẩm hạnh của nam nhân cao thượng thì nữ nhân sẽ tự nhiên tôn trọng và nghe theo. Nam nhân chính trực và cao thượng, nữ nhân khiêm tốn và bao dung thì gia đình sẽ hòa thuận. Gia đình và xã hội nếu đều như vậy thì nữ nhân sẽ không tự nhiên bị phân biệt đối xử mà sẽ được hưởng một vị trí tương xứng.
Mạnh Tử nói: “Giữa vua-tôi phải lấy cái nghĩa, giữa cha-con phải lấy tình thân, giữa vợ-chồng phải có sự hữu biệt, giữa người lớn tuổi và người nhỏ tuổi phải có trật tự, giữa bạn bè phải có sự tin tưởng. Đây chính là Ngũ Luân.
Chồng như trời, và vợ như đất. Mặt trời và mặt trăng mọc trên bầu trời rộng lớn, mây đến và đi để mưa rơi, làm cho đất ẩm ướt. Đất liền ôm núi sông, nuôi dưỡng vạn vật, bao thế hệ nối tiếp nhau thịnh vượng. Người chồng có trách nhiệm bảo vệ gia đình. Vợ có trách nhiệm sinh con, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên lý âm dương, nam nữ chia sẻ bổn phận tùy theo đặc tính của họ. Như vậy, nếu mỗi người trung thành với bổn phận của mình thì gia đình sẽ tự nhiên hòa thuận.
Ngược lại, nếu trời không mưa thì đất sẽ khô cạn, cuộc sống con người sẽ hỗn loạn. Tương tự, nếu người chồng không ủng hộ gia đình, người vợ sẽ mất đi chỗ dựa, gia đình đi chệch hướng, như thực vật không thể nảy mầm thoát khỏi lòng đất, hay cũng như một đứa trẻ mãi không thể vươn ra từ vòng tay mẹ. Từ đó chúng ta có thể thấy rằng mỗi cặp vợ chồng đều có những trách nhiệm khác nhau và không thể thay thế nhau.
Trong lịch sử đã ghi chép về ba thế hệ nàng dâu nhà Chu (Chu Thất Tam Mẫu) là Thái Khương, Thái Nhâm, Thái Tự. Họ là vợ của ba vị tộc trưởng khai sáng triều đại nhà Chu là Cơ Thái Vương, Cơ Quý Lịch và Chu Văn Vương-những vị quân vương hiền đức và thông minh. Ba vị hiền thê của họ đều là những người một lòng cung kính chồng. Là mẫu nghi thiên hạ, họ đã phò tá chồng mình cải cách quốc gia, lập nên nền móng cho cơ nghiệp 800 năm thịnh vượng của nhà Chu và khai sinh ra một nền văn hoá Nho giáo rực rỡ ở Trung Quốc.
Trong cuốn “Liệt nữ truyện – Mẫu nghi truyện – Chu thất tam mẫu” kể rằng Thái Tự ngày càng trở nên hiền thục hơn khi trở thành vợ của Văn Vương. Bà vô cùng ngưỡng mộ đức hạnh vĩ đại của tổ mẫu Thái Khương và mẹ chồng Thái Nhâm, tiếp tục kế thừa đức hạnh của họ. Bà cần kiệm chăm lo việc nhà, tương trợ chồng giáo dục con cái, tận tâm tận tuỵ phò tá Văn Vương, xử lý việc trong nội viện gọn gàng trật tự, để cho Văn Vương có thể chuyên tâm trị vì quốc gia, thi hành chính sách có lợi cho dân, giáo hóa đại chúng. Thái Tự được tôn xưng là “Văn Mẫu”, được khen tụng là “Văn Vương cai trị bên ngoài, mà Văn Mẫu cai trị nội các bên trong”.
Trong nhà có được người vợ tốt như quốc gia có được vị tể tưởng tốt. (Gia chi lương thê, do quốc chi lương tướng). Hoàng hậu Trưởng Tôn- vợ của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân, là một trong những vị hoàng hậu được tôn vinh về nhân phẩm, là một vị hoàng hậu vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Trưởng Tôn Vô Kỵ là anh ruột của Trưởng Tôn hoàng hậu. Ông có mối quan hệ thân thiết với Lý Thế Dân, phò tá Lý Thế Dân có được thiên hạ. Khi đó Thái Tông chủ ý phong Trưởng Tôn Vô Kỵ làm Tể tướng. Nhưng hoàng hậu Trưởng Tôn đã can ngăn rằng: “Thần thiếp có thể ở lại trong cung, được phong là Hoàng Hậu, hưởng vinh hoa phú quý, đó là phúc phận to lớn. Thiếp không muốn trèo cao, để gia tộc anh em nắm đại quyền, hoàn toàn không phải điều nên làm. Tiền lệ xảy ra với gia tộc của Lữ hậu và Hoắc Quang khi xưa chẳng phải là bài học giáo huấn sâu sắc hay sao? Thần thiếp kính mong Hoàng thượng đừng phong anh trai thần thiếp chức vị Tể tướng”. Vì hoàng hậu nhiều lần can ngăn chủ ý này, Đường Thái Tông chỉ có thể giữ lại chức Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, tước hiệu Triệu quốc công và chức vị riêng của Trưởng Tôn Vô Kỵ
Con gái lớn của Trưởng Tôn Hoàng Hậu là Trường Lạc công chúa khi đến tuổi kết hôn, Lý Thái Tông đã tặng của hồi môn cho ái nữ của mình nhiều gấp 2 lần so với của hồi môn của em gái ông là Vĩnh Gia Trường Công chúa. Tuy nhiên, đại thần Ngụy Trưng đã trực tiếp kiến nghị vấn đề này. Trưởng Tôn Hoàng Hậu không hề tức giận với Nguỵ Trưng mà trái lại đã cực kỳ tán thưởng. Theo sự an bài của Trưởng Tôn Hoàng Hậu, Trường Lạc công chúa xuất giá với một lượng của hồi môn đúng với quy định lễ nghi.
Hoàng hậu Trưởng Tôn trung thành tuân thủ các quy tắc và cách cư xử trong lời ăn tiếng nói và hành vi của mình, bà không bao giờ can thiệp vào công việc triều đình. Ngoài ra, bà cũng là một người thẳng thắn và có khiếu hài hước. Đường Thái Tông rất tin tưởng vào hoàng hậu và thường thảo luận những vấn đề liên quan đến những việc trọng đại của đất nước cũng như phần thưởng và hình phạt. Sở dĩ hoàng hậu không muốn can thiệp vào công việc của đất nước vì bà cho rằng nam nữ có sự phân biệt và mỗi người phải trung thành với bổn phận của mình.
Mặc dù Hoàng hậu Trưởng Tôn không can thiệp vào công việc của triều đình, nhưng lại có thể cho Lý Thế Dân những lời khuyên hữu ích qua những buổi tâm tình trò truyện, bà đã giúp vua giải quyết một cách khôn ngoan trong các mối quan hệ quân sự, lắng nghe người hiền, xa lánh tiểu nhân.
Thừa tướng Nguỵ Trưng là một người có tiếng thẳng thắng can gián. Ông luôn có những can ngôn mỗi khi Lý Thế Dân làm sai. Một lần, trong một chuyến dã ngoại, Đường Thái Tông đang muốn đi săn ở vùng ngoại ô và tình cờ gặp Nguỵ Trưng. Biết được sự việc này, Nguỵ Trưng ngay lập tức can ngăn Đường Thái Tông: “Bây giờ là mùa xuân, vạn vật đâm chồi nảy lộc, động vật đang nuôi con non nên không thích hợp để săn bắn. Bệ hạ, xin hãy trở về hoàng cung”. Tuy nhiên, Đường Thái Tông vẫn nhất quyết đi săn. Nguỵ Trưng không hề lùi bước, liền chặn đường vua. Đường Thái Tông quay về cung với gương mặt giận dữ.
Đường Thái Tông hầm hầm trở về nội cung, thấy Trưởng Tôn hoàng hậu, liền bực tức nói: “Thế nào cũng có ngày ta phải giết chết lão già nhà quê đó”. Hoàng hậu ngồi ở bên, thấy thế liền hỏi: “Là ai đã khiến ngài nổi giận?”. Nghe xong sự việc, Hoàng hậu quay lại phòng ngủ và mặc một bộ đồ trang trọng nhất, cung kính lạy Thái Tông. Hoàng thượng ngạc nhiên hỏi vì sao, thì Trưởng Tôn hoàng hậu nói: “Thần thiếp nghe nói, chỉ có minh quân mới có được những thần tử chính trực. Nay Ngụy Trưng tính tình khẳng khái thanh liêm như vậy, chẳng phải là vì Hoàng thượng là một minh quân sao? Thiếp không thể không chúc mừng hoàng thượng”. Nhờ đó mà Thái Tông hiểu ra vấn đề, trở nên vui vẻ và không trách phạt Ngụy Trưng.
Vào năm Trinh Quán thứ 8 (634), Trưởng Tôn hoàng hậu cùng Đường Thái Tông đến Cửu Thành cung (九成宮) để tránh nóng, bà đột ngột nhiễm nhiệt tại đây, khiến bệnh hen suyễn trở nặng. Mặc dù đã uống rất nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng. Thái tử Lý Thừa Càn lo lắng cho mẫu thân, ngỏ ý muốn ân xá cho tù nhân đồng thời truyền bá Phật Giáo và Đạo Giáo để cầu phúc cho mẫu hậu, nhưng hoàng hậu đã thẳng thừng từ chối: “Đại xá tội cho tù nhân là việc lớn của đất nước, cả Phật giáo và Đạo giáo cũng đều có giới luật riêng. Nếu các tù nhân được ân xá hoặc nhiều đạo đều cùng được phổ cập, điều đó chắc chắn sẽ làm tổn hại đến chỉnh thể của đất nước. Đây không phải là điều mà phụ hoàng con mong muốn. Sao có thể làm đảo lộn thiên hạ chỉ vì một người phụ nữ như vậy? ”. Nghe vậy, thái tử đã không thỉnh cầu ý nguyện của mình đến phụ hoàng nữa. Khi biết được câu chuyện, Đường Thái Tông vô cùng xúc động, cổ họng nấc nghẹn, nước mắt tuôn rơi.
Năm Trinh Quán thứ 10, hoàng hậu Trưởng Tôn qua đời, hưởng dương 36 tuổi. Đường Thái Tông vô cùng đau buồn, nói: “Trẫm đã mất đi một người phò tá vĩ đại”. Trong thời trị vị của mình, với những quy tắc khôn khéo và anh minh, Đường Thái Tông đã xây dựng đất nước phát triển kinh tế thịnh vượng. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông không có một hiền thê tài đức phò trợ, hoặc nếu ông gặp phải một thê tử đi ngược lại phẩm hạnh và đạo lý nam nữ?
Theo Epoch Times Hàn Quốc
An Nhiên biên dịch