Giai đoạn leo thang căng thẳng
Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 80, sự hiện diện của lực lượng hải quân Liên Xô đóng tại Vịnh Cam Ranh – Việt Nam đã hạn chế nghiêm trọng không gian chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, với chính sách triệt thoái của Tổng thống Liên Xô Gorbachev từ năm 1986, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn trong khu vực Biển Đông.1 Quyết định của Trung Quốc vào đầu năm 1987 nhằm thiết lập một chỗ đứng lâu dài trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa là một trong những dấu hiệu ban đầu cho thấy chính sách hàng hải và lãnh thổ hung hăng của Trung Quốc trong những năm cuối cuộc Chiến tranh Lạnh. Tại cuộc họp lần thứ mười bốn của Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC) của UNESCO, Trung Quốc đã đồng ý thiết lập năm trạm quan sát như một phần của cuộc khảo sát đại dương trên toàn thế giới, trong đó có một trạm ở quần đảo Trường Sa. Dự án của đã cung cấp vỏ bọc ngoại giao cho việc Trung Quốc tiến vào Biển Đông. Tháng 3 năm 1987, IOC của UNESCO đã giao cho Trung Quốc nhiệm vụ xây dựng một trạm quan sát ở Trường Sa. Trung Quốc bắt đầu tiến hành một loạt cuộc khảo sát và tuần tra hải quân để chuẩn bị cho việc thiết lập trạm phù hợp. Vào tháng 4, Trung Quốc đã chọn Đá Chữ Thập là ứng cử viên hàng đầu cho trạm quan sát không chỉ vì kích thước của rạn đá ngầm (reef) đủ lớn mà còn vì rạn đá ngầm không có ai chiếm giữ và nằm cách biệt với những thực thể mà các nước tuyên bố chủ quyền khác chiếm đóng. Trung Quốc có thể tin rằng vị trí biệt lập của Đá Chữ Thập và sự ủy thác của UNESCO sẽ làm giảm bớt những lo ngại của các bên tuyên bố chủ quyền khác. Tính toán của Trung Quốc đã được chứng minh là hoàn toàn sai khi động thái của họ ngay lập tức làm gia tăng căng thẳng và tạo điều kiện dẫn cuộc đụng độ chết người với Việt Nam. Từ tháng 1 đến tháng 2, các lực lượng Việt Nam đã chiếm đóng một số bãi đá ngầm trống và bắt đầu theo dõi chặt chẽ các động thái của Trung Quốc, điều này chắc chắn dẫn đến một loạt cuộc đối đầu khi các đơn vị Hải quân Trung Quốc (PLAN) tìm cách bảo vệ vị trí mới của mình (Fravel 2003: 388–95).
Các cuộc đụng độ
Cuộc đối đầu đầu tiên xảy ra vào ngày 31 tháng 1 năm 1988 khi hai tàu chở hàng vũ trang của Việt Nam chở vật liệu xây dựng tiến đến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), dường như đang tìm cách xây dựng một số cấu trúc để tượng trưng cho tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng PLAN ngay lập tức chặn những chiếc tàu đó và đuổi chúng đi.
Cuộc đối đầu thứ hai xảy ra vào ngày 17 tháng 2 tại Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), nằm giữa Đá Chữ Thập và căn cứ hoạt động chính của Việt Nam trong khu vực, Đảo Trường Sa. Một tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu vận tải của PLAN đang khảo sát khu vực này thì một tàu quét mìn và vận tải vũ trang của Việt Nam tiếp cận. Cả hai bên đều tổ chức đổ bộ, nhưng phía Việt Nam buộc phải rút lui trước đối thủ Trung Quốc.
Cuộc đối đầu thứ ba là một trận chiến bạo lực xảy ra vào ngày 13–14 tháng 3. Cuộc đụng độ tập trung vào Đá Gạc Ma (Johnson Reef) ở phía đông của Đá Chữ Thập. Một tàu hộ tống tên lửa dẫn đường của PLAN đang khảo sát bãi đá ngầm thì ba tàu Việt Nam tiến vào khu vực này. Thủy thủ của cả hai bên đổ bộ vào Đá Gạc Ma, trong khi các tàu của họ đối đầu nhau trên biển. Sau khi bắn vào Đá Gạc Ma, các tàu của cả hai bên đã nổ súng vào nhau. Tàu của PLAN rõ ràng đã áp đảo lực lượng Việt Nam, đánh chìm tất cả các tàu Việt Nam trong vòng nửa giờ và giết chết 74 lính Việt Nam. Kết quả của chiến thắng là Trung Quốc đã chiếm sáu rạn đá ngầm và đảo san hô (atolls) ở nhóm Trường Sa vào cuối năm 1988 (McGregor 1988: 16–8; Sheng 1995: 26; Chen 2000: 100–2; Fravel 2003: 395–6).
Kết luận
Rõ ràng là Trung Quốc đã quyết đoán hơn bao giờ hết trong các tuyên bố chủ quyền của mình đối với khu vực Biển Đông giàu năng lượng. Đối với Trung Quốc, ý thức ngày càng tăng về nhu cầu kinh tế cũng như cơ hội bị mất, đã làm tăng giá trị của việc thiết lập sự hiện diện thực tế ở quần đảo Trường Sa. Với chính sách cải cách của Đặng, trọng tâm kinh tế của Trung Quốc đã chuyển từ các tỉnh nội địa ra các tỉnh ven biển vào những năm 1980. Ngoài việc nâng cao tầm quan trọng của phòng thủ hàng hải, chính sách cải cách cũng nâng cao giá trị của việc đảm bảo tiếp cận các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là năng lượng hydrocacbon, để duy trì phát triển kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà thăm dò dầu khí ngoài khơi là một trong những dự án đầu tiên mà Trung Quốc mở cửa cho nước ngoài tham gia vào đầu năm 1979 (Lo 1989: 126; Chung 2004: 5–6).
Không giống như những năm 1970, sự trỗi dậy của PLAN và việc cải thiện năng lực hoạt động tầm xa của hải quân trong những năm 1980 đã thúc đẩy Bắc Kinh hành động hung hăng hơn ở Biển Đông. Các lợi ích bè phái của những người theo chủ nghĩa hướng biển (maritimist) trong giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo này. Thực tế, nhận thức của Trung Quốc về tầm quan trọng của chiến lược hải quân đã có sự thay đổi rõ rệt trong những năm 1980 và Bắc Kinh ngày càng quyết tâm phát triển lực lượnghải quân xa bờ. Đáng chú ý nhất, Tư lệnh Hải quân, Lưu Hoa Thanh đã sử dụng sứ mệnh bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc ở Trường Sa để biện minh và tài trợ cho các nỗ lực hiện đại hóa của PLAN, đặc biệt là phát triển năng lực [hoạt động] độc lập xa bờ. Lưu đã giám sát những thay đổi trong học thuyết hải quân, trước hết nhấn mạnh đến mối đe dọa của Liên Xô, sau đó là nhu cầu bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở ngoài khơi (McGregor 1988: 16–8; Garver 1992).2
Sự phát triển của đảo Hải Nam đã tạo thêm yếu tố dễ bùng phát tranh chấp vấn đề Biển Đông. Đảo Hải Nam chỉ cách Việt Nam khoảng 160 hải lý qua Vịnh Bắc Bộ. Vào tháng 4 năm 1988, chính phủ Trung Quốc đã thông qua đạo luật biến Hải Nam thành một tỉnh riêng biệt và cũng trở thành một đặc khu kinh tế. Lo ngại về nhược điểm chiến lược của Hải Nam trong trường hợp tái xảy ra các hành động thù địch quy mô lớn với Việt Nam, Bắc Kinh đã tăng cường hiện diện quân sự trên hòn đảo này.
Hà Nội hy vọng rằng sự hiện diện của hải quân Liên Xô trong khu vực và sự tham gia của Liên Xô vào việc Việt Nam tìm kiếm dầu ở Biển Đông, sẽ làm tăng rủi ro cho Trung Quốc khi Liên Xô bị lôi kéo tham gia bất kỳ cuộc giao tranh nào ở Trường Sa. Nhưng việc thiếu sự hỗ trợ của Liên Xô trong các sự kiện đầu năm 1988 chỉ tạo ra chút ít an ủi cho Hà Nội, đồng thời khuyến khích Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Việt Nam trên quần đảo (McGregor 1988: 17–9; Catley và Keliat 1997: 79–82).3
Cuối cùng, trong thời gian từ cuối những năm 1970 đến cuối những năm 1980, việc Việt Nam theo sát mô hình kinh tế của Liên Xô đã có tác động bất lợi cho thương mại quốc tế của Việt Nam. Thiên về chuyên quyền, đó là một hệ thống hướng nội có xu hướng hạn chế các mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với thế giới bên ngoài khối Liên Xô. Không có gì ngạc nhiên khi thương mại song phương chính thức giữa Trung Quốc và Việt Nam giảm xuống con số không, mặc dù thương mại biên giới đã bắt đầu trở lại trên cơ sở không chính thức, chủ yếu bằng hàng đổi hàng và nhờ những người khuân vác đi qua biên giới (Sharpe 2005: 150–8). Từ quan điểm hòa bình tự do (Liberal peace), do sự vắng mặt của các quan hệ thương mại thật sự giữa Trung Quốc và Việt Nam nên có rất ít công cụ để ngăn cản cuộc đụng độ bạo lực năm 1988. Do đó, có thể thấy [ở đây] một kiểu hành vi xung đột xác định: cả Trung Quốc và Việt Nam đều không bị ràng buộc, như trong các trường hợp trước đây, khi leo thang tranh chấp biển đảo lên mức thù địch cao hơn.
Chú thích
1. Các cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Liên Xô từ đầu những năm 1980 khiến việc cải thiện quan hệ Xô-Trung càng trở nên quan trọng hơn đối với Mátxcơva. Tuy nhiên, đàm phán Trung-Xô về việc tái thiết trong thời kỳ Andropov và Chernenko đã không thành công do Trung Quốc có ba điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ ngoại giao: (1) Việt Nam rút khỏi Campuchia; (2) Liên Xô rút khỏi Afghanistan; và (3) giảm quân dọc biên giới Xô-Trung. Bắc Kinh đưa ra cho Mátxcơva lựa chọn giữa quan hệ Xô-Trung được cải thiện (và do đó làm suy yếu quan hệ Xô-Việt) và hiện trạng trong cuộc khủng hoảng Campuchia. Đối mặt với sự sụp đổ kinh tế và sự nổi loạn chính trị ở các chế độ Cộng sản ở Đông Âu và trong Liên Xô, Gorbachev đã vươn lên vị trí lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản. Gorbachev đã tiến hành cải tổ (perestroika), hay tự do hóa dân chủ, một quá trình cuối cùng dẫn đến Liên Xô sụp đổ và sự độc lập của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở châu Âu và. Chính sách buông tay (hands-off policy) của Matxcơva trong cuộc đụng độ hải quân Trung – Việt tháng 3 năm 1988 đã đặt ra câu hỏi về giá trị thực của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Xô – Việt 1978 (Ross 1991: 1174; Austin 1998: 84; Sloreby 2002: 43).
2. Sau cái chết của Mao năm 1976, PLAN là công cụ đã đưa các nhà lãnh đạo cải cách lên nắm quyền và giữ họ ở vị trí quyền lực. Từ năm 1977 đến năm 1993, Đặng Tiểu Bình đã tham gia vào một cuộc đấu tranh mệt mỏi với giới lãnh đạo quân đội của mình và Đặng chọn tăng cường cơ sở quyền lực của PLAN ở Bắc Kinh để làm đối trọng với quân đội. Không phải ngẫu nhiên mà Đặng đưa Lưu Hoa Thanh vào Quân ủy Trung ương với tư cách là cố vấn cá nhân vào năm 1979. Đúng như hy vọng của Đặng, Lưu và các đồng đội PLAN của ông đã hỗ trợ cốt lõi cho tất cả các khía cạnh của cải cách và mở cửa, bao gồm cả sự phụ thuộc của quân đội trong việc đẩy mạnh các nhiệm vụ lớn hơn là tái thiết kinh tế (Heginbotham 2002: 112–3).
3. Liên xô hầu như không thể ủng hộ Hà Nội thách thức Bắc Kinh về mặt vật lý do khả năng quân sự hạn chế của quốc gia này và các vấn đề kinh tế to lớn ở quê nhà. Từ năm 1979 đến năm 1988, đã có một sự thay đổi đáng kể về quyền lực tương đối của hai quốc gia. Trong những năm 1980, Việt Nam hoàn toàn không thể sánh được trong cuộc chiến hải quân chống lại Trung Quốc được cho là đã triển khai 25 tàu ngầm, 5 tàu khu trục và 200 tàu tấn công ven biển gần khu vực tranh chấp. Hơn nữa, Việt Nam đã giải ngũ một nửa lực lượng vũ trang kể từ năm 1987, từ khoảng 1,2 triệu xuống còn 600.000 binh sĩ. Do đó, 260.000 của PLAN Trung Quốc vượt xa Việt Nam vốn chỉ có 31.000 người trong hải quân và bộ binh hải quân (Catley và Keliat 1997: 96).
Người dịch: Nguyễn Tuấn Anh