Trong bài “Người Anh đầu tiên đến Đại Việt” (Trần Thanh Ái 2022), chúng ta đã nghe trưởng thương điếm R. Cocks ở Hirado (Nhật) có lần nói đến cuộc tàn sát một thị trấn Đàng Trong do người Hà Lan gây ra như là nguyên nhân sâu xa của vụ tấn công vào người Anh và Hà Lan năm 1614. Vì nhận thông tin này từ một số thương nhân người Trung Hoa và Nhật ở Hirado tới lui buôn bán tại Đàng Trong lúc bấy giờ, nên R. Cocks cũng không biết được nhiều tình tiết hơn về cuộc tàn sát ấy. Còn phía Hà Lan thì vẫn rất hậm hực, vì cho rằng trong vụ tấn công ấy, họ chỉ vô tình bị liên lụy: mãi đến năm 1633 họ còn gửi phái bộ sang Đàng Trong đòi bồi thường, vì không thể dùng biện pháp nào khác (Buch W.J.M. 1936, tr. 117).
Trong các bộ sử cổ của Việt Nam, không có sách nào ghi chép những việc có liên quan đến người Hà Lan vào đầu thế kỷ XVII, mặc dù Đại Việt Sử ký toàn thư được bổ sung lần cuối vào năm 1697. Còn các bộ sử được biên soạn dưới triều Nguyễn cũng chỉ bắt đầu nói đến người Ô Lan trong trận hải chiến được ghi là đã xảy ra vào năm Giáp Thân, tức 1644 (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn 2002, tr. 55-56). Nhiều tài liệu Việt Nam hiện đại khi nhắc đến Hà Lan cũng chỉ thường nhắc đến cuộc xung đột quân sự này. Từ hai thập niên gần đây, một số tài liệu bắt đầu nói đến những xung đột giữa Hà Lan và Việt Nam vào đầu thế kỷ XVII nhưng với một số chi tiết khác với những điều mà chúng tôi đã kiểm chứng (x. Trần Thanh Ái 2022). Trong luận án tiến sĩ của mình, Hoang Anh Tuan đã viết:
“Vào năm 1613, thương điếm Hà Lan ở Nhật cử hai thương nhân và một chuyến hàng nhỏ trị giá 9.000 guilders đến Hội An. Chuyến đi thử nghiệm này lại kết thúc bằng sự mất mát cay đắng gồm hai mạng người và toàn bộ tài sản. Một trong hai người ấy bị giết cùng với một thương nhân người Anh cũng vừa từ Nhật Bản đến. Nguyên nhân của vụ giết hại này chưa hề được phanh phui đầy đủ mặc dù có cuộc điều tra của hai thương nhân được thương điếm Anh ở Nhật phái đến Hội An.” (Hoang Anh Tuan 2007, tr. 62)
Và khi tham khảo tài liệu này, Trần Nam Tiến đã rút gọn nỗ lực thiết lập thương mại với Đàng Trong trong một câu, mà không hề nhắc đến vụ xung đột gây chết người: “Năm 1613, Giám đốc thương điếm Hirado (Nhật Bản) [của Hà Lan] đã cho thuyền chở các thứ ngà voi, len dạ, chè đến Đàng Trong xin buôn bán, nhưng không đạt kết quả” (Trần Nam Tiến 2011, tr. 66).
Vì thế, để tìm hiểu ngọn ngành về những ngày đầu người Hà Lan khi đến Đàng Trong, ngoài nguồn tài liệu của Công ty Đông Ấn Anh nói về vụ va chạm năm 1614 giữa quan quân trấn Quảng Nam và hai đoàn thương nhân người Anh và người Hà Lan, cũng cần phải khảo sát tài liệu từ phía người Anh, người Hà Lan, người Bồ Đào Nha, kể cả ghi chép của các nhà truyền giáo để có thể đối chiếu và bổ sung cho nhau.
Tài liệu sớm nhất có nhắc đến sự xuất hiện của người Hà Lan trên đất Đại Việt có lẽ là quyển Relatione della nvova missione delli PP. della Compagnia di Giesu al Regno della Cocincina của nhà truyền giáo người Ý C. Borri, xuất bản lần đầu tiên năm 1631 tại Roma và Bologna. Không rõ vì lý do gì mà các bản tiếng Pháp của Antoine de la Croix xuất bản tại Lille và Rennes cùng năm 1631 và bản tiếng Anh của Robert Ashley tại London năm 1633 đã bỏ một đoạn dài từ giữa trang 99 đến gần cuối trang 100 trong bản Roma 1631 (Chương 8 của Phần 1)(1), mặc dù các dịch giả này đều nói là dịch từ nguyên bản tiếng Ý. Đó là đoạn nói về vụ xung đột giữa các thương nhân Hà Lan với quan quân người Việt ở Đàng Trong, khiến mối bang giao giữa hai dân tộc vốn đã từng có lần va chạm nhau, càng trở nên căng thẳng. Mãi đến năm 1931 A. Bonifacy mới giới thiệu bản dịch đầy đủ bằng tiếng Pháp trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huê (2). Điều bất ngờ thú vị là Bonifacy dịch lại sách của Borri không phải bởi vì ông biết bản dịch của A. de la Croix bị cắt xén, mà chỉ là vì bản tiếng Pháp quá hiếm hoi, gây khó khăn cho nhu cầu tìm hiểu lúc bấy giờ: mãi đến khi đã dịch xong rồi thì ông mới đọc được bản dịch của A. de la Croix như lời thố lộ của ông (tr. 403). Và trước khi qua đời, ông cũng chỉ kịp phát hiện ra A. de la Croix đã không dịch Chương 11 của Phần 2 có tựa tiếng Ý là Del Regno del Tunchim (Về Vương quốc Đàng Ngoài) mà thôi. Ngay cả L. Cadière cũng không phát hiện ra những cắt xén này mặc dù ông đã khảo sát khá tỉ mỉ bản in Rennes (1631) và bản Bonifacy (1931) để chú giải bức thư năm 1621 của Gaspar Luis tường trình về tình hình Đàng Trong (Cadière L. 1931, tr. 409-432).
Bản dịch tiếng Anh đầy đủ được Awnsham và John Churchill xuất bản năm 1704 trong bộ A Collection of Voyages and Travels, và được J. Pinkerton in lại năm 1811 trong bộ A General Collection of the Best and Most Interesting Voyages and Travels.
Bản tiếng Ý, xuất bản năm 1631 tại Roma | Bản tiếng Pháp của A. de la Croix, xuất bản năm 1631 tại Rennes (Pháp) |
Về bản tiếng Việt, Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị (2014), ngoài việc không dịch nhiều chương ở Phần 2, cũng đã bỏ đoạn nói về cuộc xung đột giữa người Việt và Hà Lan ở Đàng Trong, giống như bản dịch của A. de la Croix. Nhiều chi tiết cho thấy là chương này được dịch dựa theo bản tiếng Pháp năm 1631 của A. de la Croix(3), mặc dù trong phần “Lời giới thiệu” họ cũng đã nhắc đến bản tiếng Pháp của Bonifacy năm 1931. Còn bản dịch của Nguyễn Cửu Sà và Thanh Thư(4) tuy hoàn toàn dựa vào bản tiếng Pháp của Bonifacy nhưng lại có một số sai sót đáng tiếc. Để tiện việc tham khảo, sau đây chúng tôi dịch lại đoạn có các chi tiết bị cắt xén liên quan đến vụ xung đột nói trên, dựa theo bản tiếng Pháp của Bonifacy, có đối chiếu với bản tiếng Ý năm 1631 và bản tiếng Anh năm 1704 khi cần:
“Vua Đàng Trong cho phép người nước ngoài được tự do thông thương, người Hà Lan cũng đổ xô đến với những tàu thuyền chở đầy hàng hóa. Chính vì thế mà người Bồ Đào Nha ở Ma Cao quyết định gửi một sứ giả đi gặp nhà vua, nhân danh tất cả để yêu cầu ông trục xuất người Hà Lan ra khỏi lãnh thổ Đàng Trong, vì đó là kẻ thù tệ hại nhất của nước họ. Người được chọn làm sứ giả là thuyền trưởng Fernando da Costa, rất quen thuộc và có tiếng là gan dạ trong chiến đấu. Costa trình bày lý do của việc đi sứ, nhà vua lắng nghe ông ta một cách lịch sự và hứa sẽ làm những gì ông ta thỉnh cầu. Tuy nhiên, khi ông ta còn ở kinh thành thì một chiếc thuyền Hà Lan đến thả neo trong cảng, rồi một số người rình rang hớn hở lên bờ, và ngay sau đó họ được đưa về kinh đô cùng với nhiều lễ vật đắt tiền. Nhà vua vui vẻ nhận lễ vật và ban cho họ lệnh chỉ quen thuộc cho phép họ được tự do buôn bán trong vương quốc mình.
“Khi hay tin này, Costa ngay lập tức đến gặp nhà vua, và tức tối khi thấy nhà vua không giữ lời hứa, ông ta vừa phàn nàn vừa giậm chân với vẻ hậm hực thường thấy ở người Bồ Đào Nha. Nhà vua và các cận thần rất khen ngợi hành động quả cảm ấy, họ nói anh ta cần phải chịu đựng chuyện này trong một thời gian, và chờ đợi kết cục, chứ không nên phàn nàn, và rồi họ đưa ông ta ra ngoài.
“Trong lúc ấy, họ ra lệnh cho người Hà Lan lên bờ và mang tất cả hàng hóa trên thuyền ra hội chợ(5), như người Bồ Đào Nha đã làm. Thế là người Hà Lan tuân thủ nghiêm chỉnh mệnh lệnh này, nhưng khi đang ngược thuyền trên sông, họ bị thuyền chiến nhiều chèo tấn công bất chợt, đến độ hầu hết các thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đều bị giết chết. Nhà vua chiếm giữ số hàng hóa, và biện minh cho hành vi ấy là ông ta thừa biết rằng người Hà Lan như là những tên cướp biển khét tiếng, bọn họ hoành hành cả vùng biển này, nên đáng phải nhận những hình phạt nghiêm khắc nhất. Thế là ông ban chỉ dụ trong tương lai không ai trong số họ còn dám bén mảng đến lãnh thổ của ông. Và sự thật là người ta còn nhớ người Hà Lan đã từng cướp bóc vài chiếc thuyền của Đàng Trong, vì thế ông muốn thực hiện sự trả thù chính đáng, và chấp nhận người Bồ Đào Nha như là những người bạn thân tình.” (Borri C. 1931, tr. 335)
Thuyền buôn Hà Lan ở Viễn Đông đầu thế kỷ XVII (Leson Holman, Library Dirk Teeumwen, Holland)
Khi biên soạn tài liệu này, chắc hẳn rằng Borri chủ yếu dựa trên những tìm hiểu tại thực địa. Tác giả thu thập những điều mắt thấy tai nghe từ nhiều nguồn khác nhau, từ người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đến những thương nhân thường lui tới ở Hội An và Đà Nẵng, hoặc những quan chức người Việt mà ông có thể tiếp cận được. Vì thế chắc chắn rằng những ghi chép của Borri không thể tránh khỏi sự phiến diện, chủ quan, thậm chí sai lệch mà người cung cấp thông tin gây ra. Cũng chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy lúng túng, hoài nghi, kể cả hiểu không đúng các sự kiện do thiếu đối chiếu những ghi chép này với các tài liệu khác.
2.1. Sự lúng túng của Ch.-B. Maybon
Trong phần đề cập đến việc buôn bán giữa người châu Âu với Đại Việt vào thế kỷ XVII của quyển Histoire moderne du pays d’Annam (1919), Maybon nhắc đến người Hà Lan ở hai đoạn khác nhau, một nói về quan hệ của Bồ Đào Nha với Đàng Trong, và một trong đoạn nói về quan hệ giữa Hà Lan và Đàng Trong.
Trong đoạn nói về người Bồ Đào Nha ở Đàng Trong, qua các trích dẫn từ Borri, Maybon cung cấp những chi tiết cho thấy sự hiềm khích của người Bồ Đào Nha đối với người Hà Lan, cũng như sự ưu ái của chúa Nguyễn dành cho người Bồ Đào Nha:
“Thuyền trưởng Ferdinand da Costa […] được giao nhiệm vụ này và ông ta đã ‘hoàn thành nhiệm vụ mặc dù không phải không có khó khăn’. Thật vậy, dường như ông đã nhận được một chiếu chỉ cấm người Hà Lan buôn bán. Không hài lòng về kết quả đầu tiên, người Bồ Đào Nha cử thêm một đoàn sứ giả khác để ‘làm cho vua hiểu rằng việc này có liên quan đến chính quyền lợi của nhà vua, và nếu không đề phòng, thì có ngày người Hà Lan sẽ chiếm lấy một phần vương quốc Đàng Trong như họ đã làm ở một vài nơi trong vùng, vì họ rất khéo léo và mưu mẹo’.” (Maybon Ch.-B. 1919, tr. 54-55, trích từ Borri 1631, tr. 94-95)
Mặc dù trích dẫn nhiều đoạn từ sách của Borri, nhưng Maybon lại không hề nhắc tới cuộc tấn công của quan quân chúa Nguyễn khiến nhiều người trong đoàn thương nhân Hà Lan thiệt mạng (đoạn cuối Chương 8 – Phần 1). Chúng tôi sẽ chỉ ra nguyên nhân của sự thiếu sót này trong phần sau của bài viết này.
Trong đoạn nói về quan hệ giữa Hà Lan với Đàng Trong (tr. 55-64), tác giả bắt đầu từ hai bức thư của chúa Nguyễn viết năm 1617 và 1618 để mời gọi thương nhân Hà Lan đến buôn bán, mà không nói gì đến những lần tiếp xúc trước đó, kể cả các cuộc xung đột gây chết người như báo cáo của R. Cocks gởi về Công ty Đông Ấn Anh.
Đặc biệt là trong đoạn giới thiệu chuyến buôn đầu tiên của người Anh ở Đàng Trong năm 1614 với kết cục bi thảm, Maybon không hề nói gì đến người Hà Lan cùng chung số phận, mặc dù ông đã tham khảo các tài liệu quan trọng của Công ty Đông Ấn Anh những năm đầu mới thành lập của chi nhánh Hirado ở Nhật:
“Năm 1613 [phải đọc là 1614], Richard Cocks, trưởng thương điếm Hirado vừa mới được John Saris thành lập, phái một chiếc thuyền buôn do Peacock chỉ huy đến Đàng Trong. Khi đến Hội An, Peacock cho một nhân viên tên là Walter Carwarden lên bờ mang thư của vua nước Anh và quà biếu. Carwarden được tiếp đón nồng hậu, và bán cho vua nhiều tấm vải khổ rộng(6) của Anh. Công việc buôn bán khởi đầu thuận lợi như thế, nên viên trưởng đoàn tin là có thể đến dinh thự của vua để nhận tiền bán hàng. Nhưng vào lúc ông rời thuyền, người An Nam ào ra sát hại ông cùng với người phiên dịch và tất cả những người đi cùng.” (Maybon Ch.-B. 1919, tr. 65)
Sự né tránh này khiến người đọc có thể nghĩ là Maybon nghi ngờ sự chính xác của tài liệu của công ty Đông Ấn Anh về sự hiện diện của người Hà Lan cùng lúc với người Anh ở Đàng Trong. Khiếm khuyết này cùng với việc ghi sai năm đến Đàng Trong như chúng tôi đã chỉ ra trong bài báo trước, đã khiến người đọc tưởng rằng đó là những sự kiện rời rạc, không liên quan với nhau, và cũng khiến nhiều nhà nghiên cứu sau này lặp lại chuỗi nhầm lẫn nói trên đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, nếu Maybon không kết luận gì về việc hai nhóm thương nhân Anh và Hà Lan có liên quan với nhau hay không trong chuyến đi đến Đàng Trong nói trên, thì Hoang Anh Tuan (2008) lại nói rõ ra đó là hai vụ khác nhau: một mặt tác giả này tường thuật chuyến đi đầu tiên của người Anh đến Đàng Trong cùng lúc với người Hà Lan (Hoang Anh Tuan 2008, tr. 62, đã trích dẫn bên trên), mặt khác trong một ghi chú cuối sách (mà tác giả này ghi 1613) giữa đoàn thương nhân người Anh và Hà Lan với quan quân Đàng Trong, Hoang Anh Tuan cho rằng cuộc tấn công mà Borri đã đề cập “xảy ra vài năm sau vụ thảm sát này”:
“Có một vụ sát hại tương tự như vậy đã xảy ra vài năm sau vụ thảm sát này [tức vụ năm 1614], được nhà truyền giáo người Ý Christopher Borri ghi lại trong tường trình của ông, nhưng không nói năm nào, lúc ông sống ở Hội An từ 1618 đến 1622. Theo giải thích của Borri, vụ sát hại đã được các quan nhà Nguyễn tiến hành để làm vui lòng người Bồ Đào Nha. Theo Borri, nạn nhân trong vụ này chỉ có thương nhân người Hà Lan mà thôi” (Hoang Anh Tuan, 2007, tr. 250)
Nghĩa là tác giả cho rằng cuộc tấn công được Borri tường thuật là cuộc tấn công thứ hai mà người Hà Lan đã hứng chịu, khoảng “vài năm sau” vụ tấn công năm 1614, và cả hai đều xảy ra ở vùng Hội An!
2.2. Nghi vấn của Bonifacy
Khi dịch sách của Borri ra tiếng Pháp năm 1931, Bonifacy nghi ngờ rằng vụ va chạm với người Bồ Đào Nha được tường thuật ở cuối Chương 8 – Phần 1 có vẻ liên quan đến người Anh chớ không liên quan đến người Hà Lan như Borri đã viết. Bonifacy lưu ý rằng trong quyển Histoire moderne du pays d’Annam Maybon đã không hề nhắc đến người Hà Lan khi tường thuật cuộc va chạm với người Việt (Borri C. 1931, tr. 335-336, chú thích 82). Khi nghi ngờ như thế tức là Bonifacy cũng nhận ra rằng vụ xung đột mà Borri nói đến cũng chính là vụ người Anh Peacock bị giết mà Maybon đã tường thuật, tức là vụ tấn công xảy ra vào năm 1614 mà nhiều tài liệu ghi nhầm là 1613 (x. Trần Thanh Ái 2022). Bonifacy lập luận rằng có lẽ Borri đã nhầm lẫn về nguồn gốc của đoàn người nước ngoài, vì công trình khảo cứu của Maybon rất tỉ mỉ mà lại chỉ nói về người Anh và không đếm xỉa gì đến người Hà Lan như Borri đã viết. Sự nghi ngờ của Bonifacy càng tăng lên khi Maybon giới thiệu một loạt tài liệu nghiên cứu hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan, nhất là công trình của L.-C.-D. Van Dijk xuất bản năm 1862 tại Amsterdam, và được Winkel tóm tắt bằng tiếng Pháp trong số 12 của tạp chí Excursions et Reconnaissances xuất bản năm 1882 tại Sài Gòn. Theo tài liệu này, chúa Nguyễn đã hai lần cho người viết thư gửi đại diện công ty Đông Ấn Hà Lan ở Patani và Ligor (bán đảo Malacca) để thuyết phục họ đến buôn bán ở Đàng Trong. Thật vậy, Maybon cho biết lời mời của chúa Nguyễn được báo cáo trong bức thư đề ngày 20 tháng 9 năm 1617 của viên đại diện thường trú Hà Lan ở Xiêm là Cornelius van Nyenrode gửi Toàn quyền Hà Lan ở Batavia, và thư đề ngày 4 tháng 10 năm 1618 của nhân viên ở Patani gửi Hội đồng Công ty ở Hà Lan. Các tác giả của hai bức thư đã mô tả vịnh Quinam rất tuyệt vời, việc buôn bán với người Trung Hoa và Bồ Đào Nha rất phát triển, và tơ lụa ở đây có chất lượng rất tốt (Winkel, 1882 tr. 508). Những thông tin này đã khiến Bonifacy và người đọc dễ đặt niềm tin ở sự chính xác của Maybon hơn là tường thuật của Borri.
Nghi vấn này càng có vẻ hợp lý vì mãi đến năm 1618 Borri mới tới Hội An, trong khi sự kiện nói trên xảy ra vào năm 1614, có nghĩa là Borri không chứng kiến trực tiếp sự việc, mà chỉ dựa trên lời kể của những người khác. Đã thế, Bonifacy còn lưu ý chỗ nhấn mạnh của Winkel là mãi đến năm 1633 người Hà Lan mới đến Hội An với thương thuyền do Paulus Tradenius chỉ huy, và đến 1636 mới đặt thương điếm tại Qui-Nam do Abraham Duijeker điều hành (Winkel 1882, tr. 335-336).
Và 70 năm sau, O. Dror làm sống lại nỗi ngờ vực giống như Bonifacy (Dror 2006, tr. 66), trong khi các dịch giả Nguyễn Cửu Sà và Thanh Thư vô tư dịch sang tiếng Việt các chú giải của Bonifacy, khiến độc giả có ấn tượng như những nghi ngờ đó vẫn còn lơ lửng trên tác phẩm của Borri.
Những chuyện xảy ra xung quanh mối quan hệ giữa thương nhân người Anh và người Hà Lan với Đàng Trong năm 1614 đã được các nhân viên thương điếm Anh ở Hirado ghi chép khá đầy đủ như quy định của Công ty Đông Ấn Anh (Villars P. 1903, tr. 262). Vì thế các tài liệu này góp phần quan trọng trong việc bổ sung cho những ghi chép thuộc các nguồn tài liệu khác, như tài liệu của C. Borri và A. de Rhodes. Cũng cần nhắc lại là vào đầu thế kỷ XVII, đặc biệt là sau vụ Hà Lan tấn công và bắt giữ thuyền Santa Catarina của Bồ Đào Nha năm 1603 ở ngoài khơi Singapore, người Bồ Đào Nha xem Hà Lan là kẻ thù nguy hiểm nhất của họ, như F. da Costa đã nói, bởi vì thế độc quyền của họ đã bị phá vừa trên phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, mà còn cả trên phương diện tôn giáo.
3.1. Xung đột với Hà Lan mà Borri tường thuật xảy ra năm nào?
Tài liệu của Công ty Đông Ấn Anh còn ghi lại là năm 1614 người Anh đầu tiên đến Đại Việt; ban đầu họ định cho thuyền đi Xiêm, nhưng vì chưa mua được thuyền nên họ tháp tùng cùng một thương nhân người Nhật đang chuẩn bị đi Đàng Trong. Chính trong lần đi này người Hà Lan ở thương điếm Hirado cũng tình cờ có mặt, và cùng chịu chung số phận bi thảm như người Anh (x. Trần Thanh Ái 2022). Đó có lẽ là điều đã rõ ràng, không cần phải tranh luận nữa.
Vấn đề cần làm sáng tỏ là sự kiện mà Borri tường thuật ở cuối Chương 8 – Phần 1 giữa Đàng Trong và người Hà Lan xảy ra vào năm nào? Nó có liên quan gì đến cuộc xung đột năm 1614 nói trên giữa Đàng Trong và người Anh hay không? Nếu nó xảy ra “vài năm sau vụ thảm sát này [1614]” như Hoang Anh Tuan đã viết, thì sự kiện mà Borri tường thuật không có liên quan gì đến sự kiện năm 1614 khiến nhân viên thương điếm Anh Peacock và một nhân viên Hà Lan mất mạng. Tuy nhiên, ghi chép của A. de Rhodes sau đây cho thấy là sau khi từ Đàng Trong trở về Ma Cao, F. da Costa đã đến báo cáo tình hình cho các bề trên Tỉnh dòng Ma Cao, rồi Tỉnh dòng mới quyết định cử linh mục Buzomi đi truyền giáo ở Đàng Trong và đến ngày 18 tháng 1 năm 1615 thì đến nơi:
“Người mang lại cơ hội khởi sự công cuộc truyền giáo ở nước này là Ferdinand à Costa(7), một quý ông người Bồ Đào Nha, khi trở về Ma Cao sau một chuyến đi đến Đàng Trong, đã đến tìm các đức cha ở Tỉnh dòng và kể cho họ nghe những điều ông ta đã trông thấy, về triển vọng cải đạo cho dân nước này. Ngay sau khi nghe được lời này, cha Buzomi liền đến quỳ dưới chân đức cha bề trên cầu xin ông cho phép đến xứ sở xinh đẹp ấy, nơi mà Thượng đế vẫy gọi cha. Lời cầu xin của ông được chấp thuận ngay lập tức; đầu năm 1615 ông lên đường, và đến nơi vào ngày lễ Ngai tòa Thánh Phê-rô(8), ngày 18 tháng 1.” (Rhodes A. de, 1653, tr. 68)
Điều đó có nghĩa là chuyến đi sứ đến Đàng Trong của F. da Costa diễn ra vào năm 1614. Ấy thế mà cuộc tấn công mà Borri thuật lại xảy ra trong thời gian ông ta có mặt ở Đàng Trong, nghĩa là vào năm 1614! Vì thế không có chút cơ sở nào ủng hộ quả quyết của Hoang Anh Tuan là cuộc tấn công vào người Hà Lan mà Borri đã tường thuật xảy ra sau cuộc tấn công 1614 vài năm cả. Thật vậy, khi thấy người Hà Lan tìm cách tiếp cận Hội An và Đà Nẵng năm 1614, và nhất là khi nhận thấy thái độ cởi mở của chúa Nguyễn đối với mọi thương nhân nước ngoài, thuyền trưởng người Bồ Đào Nha này đã đề nghị giới hữu trách Ma Cao nhanh chóng cử người đến Đàng Trong trước khi người Hà Lan thiết lập quan hệ vững chắc ở đó.
Nhưng đó là hai cuộc tấn công riêng biệt xảy ra cùng năm 1614 ở cùng địa điểm, hay chỉ là một? Nhiều chi tiết phủ định đó là hai cuộc tấn công riêng biệt xảy ra cùng một năm, chẳng hạn như vào lúc ấy số lượng tàu bè châu Âu đến Hội An vẫn còn rất thưa thớt: từ khi thương điếm Anh được thành lập ở Hirado đến khi đóng cửa (1613 đến 1623), người ta chỉ ghi nhận được có 2 chuyến hàng của người Anh đến Đàng Trong và 1 đến Đàng Ngoài mà thôi, đó là chuyến năm 1614 mà T. Peacock gặp nạn, chuyến năm 1617 của W. Adams và Ed. Saris đi tìm hiểu tình hình ở Hội An, và chuyến 1619 của hai người này đi Đàng Ngoài. Về phía Hà Lan, từ khi thành lập chi nhánh ở Hirado năm 1609, người ta cũng chỉ đếm được số lượng ít ỏi các chuyến hàng đến Đàng Trong: một thương nhân tên là John Joosen gặp nạn trên biển và tấp vào Quảng Nam hai hay ba năm trước sự kiện 1614 (Foster W. 1897, tr. 197), sau sự kiện này thì năm 1619 thủy thủ đoàn một chiếc thuyền chống lệnh cặp bến Hội An (Winkel 1882, tr. 509) Vì thế hoàn toàn có thể là cuộc tấn công mà Borri tường thuật cũng chính là cuộc tấn công vào người Anh mà Maybon đã ghi lại, nghĩa là đó chỉ là một vụ mà thôi, và nó xảy ra vào năm 1614, trong đó có cả người Anh lẫn người Hà Lan bỏ mạng như tài liệu của Công ty Đông Ấn Anh đã nói. Và sau này, các nguồn tài liệu Hà Lan cũng lần lượt cho biết chuyện người Hà Lan mang hàng đến bán ở Hội An và Đà Nẵng rồi bị tấn công chỉ xảy ra một lần duy nhất, và trong lần ấy cũng có mặt hai thương nhân người Anh, chớ không có cuộc tấn công nào “sau đó vài năm” cả. Thật vậy, trong bản tiếng Pháp luận án tiến sĩ của mình, Buch W.J.M. cũng đã cung cấp thông tin xác nhận điều này:
“Vào năm 1613 hay 1614, giám đốc thương điếm ở Firando(9), ông Henri Brouwer, cử hai người Hà Lan đi Đàng Ngoài và Đàng Trong trên chiếc thuyền mành để buôn bán. […] Gần như là ngay lúc ấy, thương điếm Anh mới mở ở Firando cũng cho một thuyền đi Đàng Trong. Thương gia người Anh này đã phải trả giá về việc dùng những lời lẽ nhục mạ vua Đàng Trong. Anh ta bị giết và hàng hóa của anh ta rơi vào tay nhà vua. Sự việc không dừng lại ở đó. Người An Nam phân biệt rất rõ người Hà Lan với người Anh, họ không biết mối quan hệ căng thẳng giữa hai dân tộc này ở nước ngoài; họ đối xử với thuyền buôn Hà Lan cũng giống như với người Anh, và giết chết hai người: một người Hà Lan tên là Cornelis Claesz van Toornenbuch và một người Nhật tên là Bastiaan Coymea, và tịch thu hàng hóa của họ.” (Buch W.J.M. 1936, tr. 117)
Thái độ phân vân về năm xảy ra sự kiện (1613 hay 1614) được Buch nêu ra nguyên nhân(10) và để ngõ kết luận, tuy nhiên sự thận trọng này càng giúp người đọc có thêm bằng chứng khẳng định những thông tin của Công ty Đông Ấn Anh. Vấn đề còn lại là phải giải thích tại sao Borri không nhắc đến người Anh có mặt trong vụ đó, còn Maybon thì không nhắc đến người Hà Lan?
3.2. Tại sao Borri không nhắc đến người Anh?
Mãi đến cuối năm 1613 đội thuyền của người Anh do J. Saris chỉ huy mới xuất hiện trong vùng biển Đông Nam Á trên đường đến Nhật, và đến tháng 3 năm 1614 họ mới cử đại diện đầu tiên là Peacock đến Đàng Trong, còn người Hà Lan xuất hiện trong vùng biển Đông Nam Á từ năm 1600, đặt thương điếm ở Hirado năm 1609. Điều đó có nghĩa là sự hiện diện của người Anh trong khu vực hoàn toàn mới lạ, nên nếu có người không nhận ra lai lịch của họ, nhầm họ với người Hà Lan đã từng đến Đàng Trong từ nhiều năm trước đó là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Hơn nữa, trong chuyến đầu tiên đến Đàng Trong, người Anh lại đi trên một thuyền buôn của người Nhật, vì thương điếm Anh ở Hirado chưa kịp mua thuyền riêng như báo cáo của R. Cocks đề ngày 25 tháng 11 năm 1614 gửi về Công ty cho biết (Foster W. 1897, tr.196-197). Có lẽ vì thế mà sự xuất hiện của họ ở Đàng Trong không gây chút ấn tượng nào đối với cư dân và thương khách ở đây, và thông tin lan truyền đến tai Borri xuất phát từ bối cảnh như vậy. Vì thế điều hoàn toàn có thể xảy ra là những người cung cấp thông tin cho Borri, chẳng hạn như thương nhân người bản xứ hoặc thương nhân các nước lân cận như Trung Hoa và Nhật, họ không thể phân biệt được người Anh mới xuất hiện và người Hà Lan đã khá quen mặt. Được biết vào thời ấy, tất cả những thương nhân đến từ phía Nam, Ấn Độ dương… đều được người Nhật gọi chung là Nanban 南蛮 (Nam Man), còn người Trung Hoa thì gọi là ang mo lang 紅毛儂 (Hồng mao lang, người tóc đỏ).
Cũng cần nhắc lại là nguồn tin đầu tiên mà R. Cocks nhận được về cuộc tấn công ở Đàng Trong là do thương nhân Li Tan người Trung Hoa cung cấp khi họ trở về Hirado vào tháng 7 năm 1614. Họ nói là người Đàng Trong trả thù Hà Lan vì đã tàn sát dân cư một thị trấn, và người Anh chỉ vô tình bị liên lụy mà thôi. Trong bức thư đề ngày 10 tháng 12 năm 1614 gửi Thomas Wilson, R. Cocks đã viết:
“Lời tường thuật lan truyền trong cộng đồng người Trung Hoa và người Nhật cho là vua xứ Đàng Trong đã làm việc đó [cuộc tấn công] để trả thù việc mấy năm trước người Hà Lan đã đốt phá một thị trấn trên đất nước ông, và giết hại không thương xót dân chúng ở đó. (Purchas S. 1625, tr. 409).
Điều đó cho thấy là nhiều tình tiết có liên quan đến lời tường thuật của Borri được ghi nhận trong tài liệu của người cùng thời đã gián tiếp xác nhận sự hiện diện của người Hà Lan là có thật. Vì thế việc Borri chỉ nhắc đến người Hà Lan mà không nói gì đến người Anh có mặt tại Hội An là hoàn toàn có thể hiểu được. Vì thế, nghi vấn của Bonifacy chỉ đúng một phần, ở chỗ nguồn tin cung cấp cho Borri đã không nhận ra có mặt của người Anh trong vụ tấn công ấy.
3.3. Tại sao Maybon không nhắc đến người Hà Lan trong vụ xung đột 1614?
Như đã nói ở trên, Maybon dành khá nhiều trang để nói về những nỗ lực của người Hà Lan trong việc tiếp cận với Đàng Trong. Ông cũng đã trích dẫn nhiều đoạn từ sách của Borri, nhưng lại không nói gì đến vụ quan quân Chúa Nguyễn tấn công người Hà Lan. Vì không phát hiện ra vụ xung đột này có liên quan đến cả hai đoàn Hà Lan và Anh cùng một lúc nên ông đã viết như thể là sự kiện này chỉ liên quan đến người Anh mà thôi. Và chính vì Maybon không nhắc đến sự hiện diện của người Hà Lan trong vụ xung đột này mà Bonifacy càng củng cố sự nghi ngờ của mình. Vậy đâu là lý do của sự thiếu sót này, khiến Bonifacy nghi ngờ về tính chính xác của tài liệu do Borri biên soạn? Có phải là Maybon cũng nghi ngờ Borri như Bonifacy? Thật ra lý do rất đơn giản mà Bonifacy và nhiều nhà nghiên cứu sau này đã không phát hiện ra: Maybon không tham khảo bản tưởng trình của Borri bằng tiếng Ý năm 1631 mà chỉ dựa vào bản tiếng Pháp không đầy đủ của A. de la Croix mà thôi, nên ông cũng đã không biết đến vụ va chạm giữa người Hà Lan với người Việt mà chúng tôi đã dịch lại ở trên. Thật vậy, người đọc có thể dễ dàng nhận ra những đoạn văn bằng tiếng Pháp của A. de la Croix mà Maybon đã trích dẫn(11).
Tóm lại, nếu Bonifacy đọc được các tài liệu của Công ty Đông Ấn Anh được công bố vào cuối thế kỷ XIX, thì chắc chắn là ông đã không có nghi ngờ như vậy. Thậm chí chỉ cần Bonifacy đọc được luận án tiến sĩ của W.J.M. Buch tựa là De Oost-Indische Compagnie en Quinam… được bảo vệ tại Hà Lan năm 1929 thì các nghi ngờ của ông đã bị đánh tan. Tiếc cho ông là sau khi dịch xong tác phẩm của Borri rồi qua đời thì mãi đến 5 năm sau đó bản tiếng Pháp của luận án này mới bắt đầu được công bố trên tạp chí BEFEO (1936-1937), khiến ông không còn có dịp để tự giải tỏa nghi vấn của mình.
Trong phần trên, chúng ta đã nghe trưởng thương điếm Anh ở Hirado, ông R. Cocks nhắc đến việc trả thù vụ người Hà Lan cướp bóc, đốt phá và tàn sát một ngôi làng như là nguyên nhân của vụ tấn công năm 1614. Vì chỉ nghe các thương nhân người Trung Hoa và Nhật trở về từ Hội An nói lại, nên người Anh không biết đó là ngôi làng nào, việc xảy ra vào năm nào, mà chỉ ghi nhận được thêm chi tiết là vụ xung đột ấy xuất phát từ việc người Hà Lan dùng đô la giả để mua bán (x. Trần Thanh Ái 2022, tr. 19). Vậy mức độ chính xác của thông tin này như thế nào? Để tìm hiểu sự việc, cần phải khảo sát các ghi chép của người Hà Lan về cuộc tiếp xúc đầu tiên của họ với người Việt ở Đàng Trong.
4.1. Vụ va chạm trên đường ra Hội An
W.J.M. Buch dựa vào tài liệu của các nhà nghiên cứu Hà Lan như L.C.D. van Dijk (1862), J.K.J. de Jonge (1864), W. P. Groeneveldt (1898) để cho chúng ta biết những chuyện đã xảy ra với đoàn thương nhân Hà Lan trong những ngày đầu đến vùng đất mà sau này người châu Âu gọi là bán đảo Đông dương:
“Jacob van Neck ra lệnh cho hai chiếc thuyền đi Trung Hoa. Chiếc Harlem và chiếc Leyde được giao nhiệm vụ này, dưới sự chỉ huy của Caspar van Groensbergen(12) Trên đường đi về hướng Bắc, hai chiếc thuyền này thả neo ở một nơi nào đó thuộc Chiêm Thành hay An Nam. Không ai có thể hình dung ra một sự tiếp đón tồi tệ hơn cuộc tiếp đón hai chiếc thuyền tại đây: 23 người bị tàn sát, và ngay cả van Groensbergen cũng bị bắt làm tù binh trong một khoảng thời gian.” (Buch W.J.M. 1936, tr. 114)
Buch viết đoạn này dựa theo tài liệu của J.K.J. de Jonge (1864, tr. 95), và ông phân vân không biết địa điểm xảy ra vụ tấn công là thuộc Chiêm Thành hay An Nam, cũng như không cho chúng ta biết sự việc trên xảy ra vào lúc nào. Bù lại, một tài liệu mà Buch không tham khảo, là nhật ký của Roelof Roelofsz(13), một tuyên úy trong đoàn du hành lần thứ hai của van Neck, trong đó có ghi rõ ràng và chi tiết hơn:
“…ngày 10 tháng 9 [1601] họ trông thấy Campuchia và ngay tối đó họ thả neo. […] Ngày 12 tháng 1 năm 1602 dân chúng trong vùng đang chuẩn bị âm mưu chống thuyền của họ, nhưng không thành. Mặc dù vậy người Hà Lan tổn thất trong vụ này 23 người, gồm 12 người của thuyền Haerlem và 11 người của thuyền Leide. Những thủy thủ thuyền Leide bị sát hại khi họ bị dụ lên bờ với những lời hứa hẹn và phỉnh nịnh là sẽ bán trâu bò cho họ, còn các thủy thủ thuyền Haerlem thì bị đầu độc ngay trên thuyền.” (Constantin de Renneville R.A. 1703, tr. 243-245)
Về thời gian thì đã rõ, còn về địa điểm xảy ra cuộc tấn công, đoạn ghi chép trên cho chúng ta biết có lẽ nó nằm trên lãnh thổ thời ấy còn do Campuchia kiểm soát, vì sau khi đi ngang qua Côn Đảo và trông thấy đất Campuchia thì họ thả neo ngay tối hôm đó nên chắc chắn là không thể đi xa được. Họ ở lại đó để trú đông đợi gió mùa Tây Nam để tiếp tục lên đường đi về phương Bắc. Không biết tác giả A. Leclere dựa vào tài liệu nào để khẳng định nơi đó là Campuchia, thậm chí còn cho biết thêm là người Campuchia chính là thủ phạm của vụ giết hại 23 thủy thủ Hà Lan (1914, tr. 321).
4.2. Vụ va chạm ở Hội An
Sau tai họa này, Groensbergen cho thuyền đi về hướng Đàng Trong, rồi ghé vào vịnh mà Roelof Roelofsz gọi là Kayhan (Kẻ Hàn?). Diễn biến tiếp theo được Buch thuật lại như sau:
“Caspar van Groensbergen cho thương nhân Jeronimus Wonderaar và người phụ tá Albert Cornelisz Ruij lên bờ. Wonderaar đi về phủ chúa ở Tachem, ngang qua thành phố Thoulon gần đảo Poulo Cham, và thành phố thương mại Fundoa, nơi thu hút được một số lượng lớn thương nhân Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Nằm chếch về phía Nam là thành phố biển Sinoa, nơi con vua trấn giữ. Ở Tachem, nhà vua tiếp đón phái đoàn rất nồng hậu, nhưng cuộc viếng thăm không có kết quả như mong muốn. Được tin có một âm mưu đang rình rập tấn công mình nên Van Groensbergen vội vã nhổ neo sau khi cho hai chiếc thuyền nhỏ cướp bóc và thiêu hủy một ngôi làng.” (Buch W.J.M. 1936, tr. 115)
Thông tin trên đây được Buch lấy từ Jonge (1864, tr. 246) kèm theo các chú thích lần lượt về các địa danh ở cuối trang: Thoulon là Tourane, Poulo Cham là Cù lao Chàm, Fundoa là Faifo và Sinoa là Qui Nhơn. Mặc dù tài liệu này còn có nhiều chi tiết mơ hồ liên quan đến giai đoạn này, nhưng các nhà nghiên cứu gần đây thường trích dẫn (Li Tana 1998, Hoang Anh Tuan 2007, J. Kleinen 2008, …) không có ai thắc mắc hay phản bác gì. Thuyền của Groensbergen cập bến và sau đó xung đột với người Việt năm nào? Buch chỉ liệt kê nhiều sự kiện nối đuôi nhau từ 1601 mà không cho biết chính xác các mốc thời gian quan trọng, khiến nhiều người trích dẫn tỏ vẻ lúng túng. Li Tana dè dặt cho rằng “cuộc tiếp xúc đầu tiên của Wonderaer và Ruyll với triều đình Đàng Trong có lẽ là vào năm 1601” (Li Tana 1998, tr. 73), vì không nhớ rằng đoàn thuyền dừng chân ở vùng biển miên Trung ngày 13 tháng 10 năm 1601 ở tọa độ 110 45’ (tức Cam Ranh) là do Van Neck chỉ huy từ Trung Hoa về, và dừng chân ở đó chỉ để lấy nước ngọt mà thôi (Buch 1936, tr. 114). Còn thuyền của Groesnbergen được cử đi Đàng Trong thì đầu năm 1602 mới rời vùng biển Campuchia, và ngày 8 tháng 11 cùng năm mới thả neo ở Kẻ Hàn (Constantin de Renneville R.A., 1703, tr. 248).
Tại sao Buch lại chú thích rằng theo de Jonge thì Sinoa là Qui Nhơn? Có lẽ ở đây có sự nhầm lẫn nào đó: như chúng ta đã biết, người phương Tây từ thời Bồ Đào Nha đặt chân lên vùng đất hình chữ S đều dùng chữ Sinoa, Sinua, vv. để gọi vùng đất Thuận Hóa, nằm ở phía Bắc trấn Quảng Nam, chứ không thể “chếch về phía Nam”. Hơn nữa, Buch viết Sinoa là một “thành phố biển” (nguyên văn tiếng Pháp là “ville maritime”), thì chắc chắn Sinoa mà de Jonge nói không phải là trấn Thuận Hóa. Thật vậy, sau đó Jonge nói thêm:
“Có lẽ Tachem là cách viết chệch của chữ Fuchim, là một nơi nằm sâu hơn trong đất liền, gần Faifo. Còn Cayhan hay Coaynam có lẽ phải đọc là Quangnam hay Quinam, và Sinoa, Sinoha hay Qinoha được xem là cảng Quinhon là cảng cuối cùng ở phía Nam của đất nước.” (Jonge J.K.J. de, tr. 247)
Như vậy đây chỉ là sự chệch choạc về chính tả của người Hà Lan khi viết địa danh, chớ không phải là nhầm lẫn về địa lý.
Cùng với một số chi tiết mơ hồ về thời gian và không gian còn nổi lên nghi vấn về nhân vật mà Buch gọi là vua: theo lời của Buch, có lẽ Tachem là Thanh Chiêm là nơi trấn thủ Quảng Nam lập dinh. Vậy ở Tachem ai đã tiếp đón phái đoàn Hà Lan? Cần nhớ là năm 1600 Nguyễn Hoàng từ Đàng Ngoài trở về đóng đô ở Dinh Cát (Quảng Trị), và hai năm sau, vào năm “Nhâm dần, năm thứ 45, mùa thu, tháng 7”, Nguyễn Hoàng “đi chơi chùa Thiên Mụ”, và sau đó “đi chơi núi Hải Vân”, thấy Quảng Nam đất đai trù phú, tài nguyên phong phú, bèn cho “xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ” (Quốc Sử Quán, 2002, tr.35-36). Tháng 7 Nhâm dần năm thứ 45, tức là nhằm tháng 8-9 năm 1602: như vậy người mà Buch gọi là “nhà vua” đã đón tiếp phái đoàn Hà Lan ở Tachem lúc ấy không thể là Nguyễn Hoàng vì ông đã trở về Thuận Hóa, mà chỉ có thể là hoàng tử thứ sáu, tức hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên, được giao làm trấn thủ Quảng Nam. Li Tana cũng đã nhận ra sự nhầm lẫn khá phổ biến của người phương Tây về cách gọi “vua” trong giai đoạn này: có khi họ viết rõ ràng là “vua già” và “vua trẻ” (old king và young king) như R. Cocks, nhưng cũng có khi họ cũng gọi quan trấn thủ hoặc một quan to của Quảng Nam là “vua”. Giải thích sự lộn xộn này, Li Tana cho rằng vì các vị quan này có quyền cấp giấy phép cho thuyền nước ngoài cập bến Đàng Trong nên quyền lực của họ rất lớn (Li Tana 1998, tr. 173-174)
Còn về vụ “cướp bóc và thiêu hủy một ngôi làng”, Buch đã tường thuật quá sơ lược, đến độ khó mà thuyết phục được độc giả về một âm mưu vô cớ tấn công khách phương xa mới đến, nhất là sau khi “nhà vua” đã tiếp đãi ân cần. Thật vậy, đây là lần tiếp xúc đầu tiên giữa người Hà Lan với người Việt, nên cả hai bên đều không có chút hiểu biết nào về nhau và cũng không có ân oán gì với nhau, do đó giải thích nguyên nhân của sự xung đột như thế thật là phi lý. Vì thế các chi tiết mà Roelof Roelofsz cung cấp trong ghi chép của mình có ý nghĩa rất quan trọng cho việc tìm hiểu nguyên nhân xung đột; nó dần hé lộ cho chúng ta biết thêm một số tình tiết góp phần làm sáng tỏ câu chuyện:
“Không có chuyện gì đặc biệt trên đường đi cho đến ngày 8 tháng 11 [năm 1602] họ thả neo tại Kayhan [Kẻ Hàn?], nơi mà họ được cảnh báo là phải đề phòng cẩn thận, bởi vì nhà vua đã có ý định phục kích tàu thuyền. Ngày 15 nhà vua phái một vị quan đi trên một chiếc thuyền đến, ông ta bảo họ cho người lên bờ để nhận hồ tiêu mà nhà vua phải giao cho đô đốc. Người đại diện của thuyền đến đó, và nhận ra rằng vị quân vương này chỉ tìm cách lẫn tránh, để không phải giao hàng, đến nỗi người đại diện buộc phải quay về thuyền mà không làm được gì. Ngày 17 người đại diện lại đến đó với hai chiếc thuyền nhỏ trang bị vũ khí đầy đủ và tìm hiểu xem nhà vua có ý định giao hồ tiêu hay không. Vì nhà vua tỏ thái độ khá rõ ràng là không muốn giao hàng, nên toán người kia lên bờ cướp phá một ngôi làng, rồi phóng hỏa thiêu rụi và quay trở về thuyền.” (Constantin de Renneville R.A. 1703, tr. 248)
Vừa mới bị giết mất 23 thành viên một cách đột ngột, nên người Hà Lan cảm thấy như kẻ thù ở khắp nơi đang chực chờ hãm hại họ, hay là họ thực sự nhận được tin chúa Nguyễn có âm mưu chống lại họ? Có lẽ là kinh nghiệm của những kẻ phiêu lưu đã báo cho họ biết hiểm nguy đang rình rập họ. Nhìn từ một góc độ khác, chúng ta thấy manh mối của cuộc xung đột dần hiện ra: khi đối chiếu ghi chép của Roelof Roelofsz với tài liệu của Công ty Đông Ấn Anh, ta thấy có nhiều chi tiết trùng khớp với nhau. Đúng như R. Cocks đã báo cáo về Công ty, cuộc xung đột bắt nguồn từ một vụ mua bán giữa hai bên, rồi xảy ra tranh chấp và dẫn đến việc người Hà Lan cướp bóc, đốt phá và tàn sát một ngôi làng, chứ không phải đơn giản như Buch đã tường thuật.
Và hơn thế nữa, nguồn tin của các thương nhân Anh còn cho biết thêm là cuộc tranh chấp xuất phát từ việc người Hà Lan được cho là đã sử dụng đồng đô la giả(14) để mua hàng hóa, khiến tranh chấp biến thành một chuỗi hành vi bạo lực qua lại. Chi tiết này không có trong bất cứ tài liệu Hà Lan nào, kể cả ghi chép của các thành viên trong đoàn như là van Neck, Roelof Roelofsz, Wonderaer, nên có thể suy luận là thông tin chỉ lan truyền trong giới thương nhân tại chỗ, và người Hà Lan đã không nắm bắt được sự việc để có thể giải quyết trong hòa bình. Vì thế sự hiểu nhầm đã đạt đến cao trào: các thương nhân Đàng Trong thì cho rằng tiền mà người Hà Lan đưa là tiền giả, còn người Hà Lan lại nghĩ rằng các thương nhân này đã nhận tiền rồi mà không chịu giao hàng.
4.3. Những mầm mống của xung đột
Tình thế tồi tệ như trên không đơn giản chỉ là hậu quả của vài chuyện va chạm ngẫu nhiên đưa đẩy, mà thường là do bên thứ ba có quyền lợi liên quan tác động vào. Trong vụ xung đột này không loại trừ khả năng có bàn tay của người Bồ Đào Nha muốn ngăn cản người Hà Lan thiết lập quan hệ thương mại với các nước trong vùng, như nhiều tài liệu đã tiết lộ. Thật vậy, sự xuất hiện của người Hà Lan ở vùng Viễn Đông đã đe dọa trầm trọng đến thế lực của Bồ Đào Nha, vì thế người Bồ Đào Nha đã tiến hành hàng loạt động thái thù địch nhắm vào người Hà Lan, từ nói xấu, vu khống, đến kích động các vương quốc trong vùng. Trong nhật ký của mình, Roelof Roelofsz cũng có ghi lại được nội dung một bức thư của người Bồ Đào Nha gửi cho tiểu vương trên đảo Ternate (quần đảo Maluku) tháng 6 năm 1601 với những chi tiết bôi nhọ người Hà Lan như sau:
“Khi người Bồ Đào Nha biết được kế hoạch này [tiểu vương họp triều đình bàn về việc người Bồ Đào Nha muốn thăm đảo lúc người Hà Lan có mặt ở đó], họ đã viết một bức thư cho vị quân vương, trong đó họ mô tả người Hà Lan bằng những gam màu đen tối. Họ nói rằng đó là một dân tộc luôn tìm cách tước đoạt quyền hành của các vì vua, và xua đuổi vua chúa ra khỏi vương quốc mình; rằng người Hà Lan không có luật lệ cũng như tôn giáo, rằng con trai ngủ với mẹ mình, anh trai ngủ với em gái, và rằng ngay cả giữa đàn ông với nhau họ cũng phạm nhiều tội ghê tởm.” (Constantin de Renneville R.A. 1703, tr. 192-193)
Tiểu Vương Ternate chiêu đãi đoàn của Van Neck (29/6/1601). Nguồn: World History Archive
Sau khi rời Ternate, đoàn thuyền của Van Neck đi Trung Hoa để thăm dò việc mua bán và ngày 20 tháng 9 năm 1601 thả neo ở vùng cửa biển Quảng Đông, để rồi sau đó đoàn tiền trạm bị tấn công và bị bắt giữ khi đến gần Macao. Ngày 3 tháng 10 sau nhiều nỗ lực không có kết quả nhằm giải thoát 20 thuyền viên bị bắt làm tù binh, đoàn thuyền buộc phải quay trở về Patani mà không biết số phận của các thuyền viên bị bắt như thế nào. Sự thật chỉ được phanh phui khi vào tháng 4 năm 1602 đô đốc Jacob van Heemskerck tìm thấy tài liệu nói về các tù binh này trên một con thuyền Bồ Đào Nha bị bắt ngoài khơi đảo Java. Trừ hai người Hà Lan được giải về Goa, số còn lại bị người Bồ Đào Nha hành quyết vào tháng 11 như là cướp biển, mặc dù đã cố tìm đường sống bằng cách cải đạo theo Thiên Chúa giáo vào giờ phút cuối cùng (Boxer 1948, dẫn lại từ Blussé 1988, tr. 649). Sau này người ta còn biết thêm là người Bồ Đào Nha đã làm mọi cách để ngăn cản người Hà Lan tiếp xúc với quan chức Trung Hoa, từ việc làm sai lệch nội dung phiên dịch, đến việc đút lót các quan lại. Chính vì thế mà họ đã vội vã treo cổ các thủy thủ Hà Lan trước khi chính quyền sở tại có lệnh giải họ lên quan chức có thẩm quyền.
Ngay khi hai chiếc thuyền Haerlem và Leide đang trú đông chờ gió thuận để đi Đàng Trong, thì một đội thuyền khác của Hà Lan cũng rơi vào tầm ngắm của người Xiêm là đối tác lâu năm của người Bồ Đào Nha:
“Ngày 26 tháng 1 năm 1602, người Hà Lan được vài người bạn báo cho biết là phải thận trọng, vì người Xiêm đang có mặt ở đó, với 6 thuyền được cho là đang phục kích và tấn công thuyền của họ. Để thực hiện mục tiêu đó, ngoài thủy thủ của họ ra còn có 200 người Nhật mà họ họ đã dễ dàng tuyển dụng để đánh thuê cho họ, bởi vì bọn họ đều là bạn bè thân thiết của người Bồ Đào Nha.” (Constantin de Renneville R.A. 1703, tr.212)
Còn trong vụ sát hại 23 thủy thủ của hai chiếc thuyền Haerlem và Leide thì theo A. Leclere, chính người Bồ Đào Nha đứng đằng sau vụ này:
“Người Bồ Đào Nha thù ghét chủ yếu người Hà Lan. Năm 1601, họ tác động để người Campuchia sát hại một phần thủy thủ đoàn trên hai con thuyền Harlem và Leide, mà ban đầu nhà vua đã tiếp đón nồng hậu, và qua vụ này họ liên kết với người Mã Lai Hồi giáo đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh do những người mới tới [Hà Lan] gây ra.” (Leclere A. 1914, tr. 321)
Nhìn chung, hàng loạt sự cố đã liên tiếp xảy ra ở những nơi nào người Hà Lan xuất hiện, và đều có sự nhúng tay của người Bồ Đào Nha nhằm cản bước tiến của người Hà Lan để giữ thế độc quyền trong vùng Viễn Đông. Phải chăng vụ tiền giả nói trên cũng là một trong những chiến dịch tuyên truyền của người Bồ Đào Nha có mặt tại Hội An, nhằm tác động đến các quan lại người Việt để họ xa lánh người Hà Lan như R. Jacques đã quả quyết:
“Cuộc phiêu lưu do Đại úy(15) Cornelius Groensbergen điều khiển đã kết thúc tồi tệ, và một giáo sĩ Bồ Đào Nha, không ngoài ai khác là Rafael da Madre de Deus đã có liên lụy trong đó. Ông đã sử dụng tiếng nói của mình thuyết phục viên chức chính quyền Việt Nam rằng người Hòa lan chỉ là ‘những kẻ phản nghịch, cướp biển, trộm cắp’, những con người không có uy tín. Đó là một bài diễn văn chung trên miệng mọi người Bồ Đào Nha.” (Jacques R. & Aparicio López, 2005)
Mãi đến giữa thế kỷ XVIII, khi đặt chân đến Đà Nẵng và Hội An, thương nhân người Pháp P. Poivre còn nhận ra lòng hận thù mà người Bồ Đào Nha đã gieo vào đầu người Đàng Trong. Ông nhận xét: “Người Bồ Đào Nha và các nhà truyền giáo có vẻ cố kềm giữ người Đàng Trong trong nỗi thù hận của họ đối với người Hà Lan, mà còn với tất cả các quốc gia châu Âu” (Poivre P. 1887, tr. 121).
Tóm lại, dù chỉ là một va chạm trong mua bán giữa một thuyền buôn phương Tây và dân địa phương, nhưng không phải vì thế mà cho đó là một việc đơn giản, nhất là khi một cường quốc mới xuất hiện trực tiếp cạnh tranh buôn bán với cường quốc đã quen thuộc trên địa bàn hơn nửa thế kỷ. Vì thế không thể vội vã kết luận phản ứng của người Hà Lan là “sự hiếu chiến của thương nhân Hà Lan năm 1601” như Hoàng Anh Tuấn (2011, tr. 24) đã nhận định khi nói về vụ xung đột “ở Hội An năm 1613” (thật ra lần lượt là 1602 và 1614). Điều cần làm là phải xem xét đến bối cảnh quốc tế và khu vực lúc bấy giờ, trong đó Đại Việt cũng như nhiều quốc gia khác trong vùng thường bị lợi dụng như là những con tốt trong tay các thế lực phương Tây.
Vụ xung đột năm 1602 khiến người Việt không thể nhanh chóng quên đi, và chắc rằng người Hà Lan cũng có ấn tượng không hay về vùng đất mới bắt đầu khai phá này. Vụ tấn công năm 1614 đã để lại ấn tượng xấu đối với người Hà Lan, nhất là trong giới thủy thủ: việc thủy thủ đoàn của hai chiếc thuyền Hà Lan không tuân lệnh cặp bến Hội An năm 1619 (Winkel 1882, tr. 509) cũng có thể cho thấy tình trạng u ám của mối bang giao giữa hai bên lúc bấy giờ, và đến năm 1633, người Hà Lan vẫn còn giữ ý định đòi bồi thường thiệt hại (Buch 1936, tr. 117). Khi điểm lại các sự kiện bang giao đã xảy ra, O. Dror cho rằng đó là do cách đối xử bất nhất của chúa Nguyễn đối với người Hà Lan(16) (Dror O. 2006, tr. 66). Vậy chính sách đối ngoại của Chúa Nguyễn như thế nào? Có phải Chúa Nguyễn đối xử thiếu nhất quán đối với người Hà Lan không? Trong mấy thập niên đầu thế kỷ XVII, có lý do gì để Chúa Nguyễn thành kiến với người Hà Lan không? Thiết nghĩ muốn trả lời câu hỏi này cần phải có cái nhìn toàn cảnh để tránh những nhận xét hấp tấp, vội vàng.
5.1. Những hành vi thân thiện của Chúa Nguyễn đối với phương Tây
Có thể nói thái độ mến khách của chúa Nguyễn đối với người phương Tây đã được thể hiện từ rất sớm: ngoài tàu thuyền Bồ Đào Nha thường tới lui buôn bán thuận hòa từ thế kỷ XVI, người Hà Lan cũng được tiếp đón ân cần ngay từ lần đầu đặt chân đến Đàng Trong năm 1602, mặc dù lúc ấy công cuộc khai phá Quảng Nam cũng mới chỉ bắt đầu:
“Thương nhân Jeronimus Wonderaer và viên phụ tá Albert Corneliszoon Ruyll vào đất liền để ký kết các thỏa thuận thương mại với Chúa Nguyễn ở nơi được gọi là Dinh Chúa Thachem (biến âm của Đại Chiêm, tên gọi xưa của Hội An ngày nay). Ở đó họ chạm mặt người Bồ Đào Nha đang bận bịu việc mua bán. Họ được một thương nhân bản địa lo chỗ ăn ở theo lệnh của nhà vua. Hai người nữ phiên dịch đứng tuổi dẫn Wonderaer vào chầu Nguyễn Hoàng, Chúa hứa sẽ trừng phạt bất cứ ai tấn công người Hà Lan.” (Kleinen J. 2008, tr. 20)
Hoặc là chuyện thương nhân Hà Lan John Joosen thuộc chi nhánh ở Hirado đã từng nói với R. Cocks về lòng mến khách của vua Đàng Trong khi ông gặp nạn phải tấp vào Hội An mấy năm trước 1614, khiến R. Cocks bỏ kế hoạch đi Xiêm mà chuyển hướng sang buôn bán ở Đàng Trong (Foster W. 1897, tr. 197). Hoặc trong chuyến đi năm 1614, như tường thuật của Borri, trong những ngày đầu nhà vua đã đón tiếp nồng hậu thương nhân Hà Lan cũng như đã đón tiếp thân thiện với thương nhân Bồ Đào Nha. Ngay như đoàn Anh của Peacock lần đầu tiên đến Đàng Trong nhưng vẫn được tiếp đãi trọng thị, được cấp phép buôn bán như R. Cocks đã ghi nhận (Thompson E. M., 1883, tr. 296).
Và như đã nói ở phần trên, trong thư viết ngày 20 tháng 9 năm 1617, Corneille Van Nyenrode, nhân viên công ty VOC thường trú ở Xiêm đã báo cho toàn quyền biết là vua Đàng Trong đã hai lần viết thư cho đại diện công ty ở Ligor và Patani để khích lệ người Hà Lan đến buôn bán. Lời mời gọi này cũng đã được Druyf xác nhận trong thư gửi Hội Đồng tối cao của Công ty đề ngày 4 tháng 10 năm 1618 (Winkel 1882, tr. 508-509). Sau đó, năm 1626 Trấn thủ Quảng Nam lúc ấy là Nguyễn Phúc Kỳ lại có thư gửi người đứng đầu Batavia mong thiết lập bang giao. Thư này cũng có nhắc đến việc trước đây Trấn thủ đã cử người mang thư nhưng không có hồi âm (Võ Vinh Quang 2016, tr. 21).
Thư của Nguyễn Phúc Kỳ (安南國儲君致書于 An Nam quốc trữ quân trí thư vu) gửi J.P. Cohen năm 1626, hiện được lưu trữ ở Central Library of Leiden University. Nguồn: Kleinen J. 2011.
Những sự kiện này cho thấy thái độ cởi mở trong bang giao quốc tế của Đàng Trong: sau chuyến đi thị sát năm 1602, Nguyễn Hoàng đã phác họa kế hoạch khai thác vùng đất này, như Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã ghi: “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh đất này” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 2002, tr. 35). Và mấy chục năm sau, Borri cũng đã tận mắt chứng kiến những bằng chứng của chủ trương ngoại thương rộng mở của chúa Nguyễn. Li Tana hoàn toàn có lý khi nhận xét: “đối với Đàng Trong thời khai phá, ngoại thương là vấn đề sinh tử” (Li Tana 1998, tr. 60).
5.2. Vòng xoáy bạo lực giữa Hà Lan và Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha
Cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII các cuộc đối đầu quyết liệt giữa các cường quốc phương Tây lan rộng sang vùng Viễn Đông, khi họ đổ xô về đây để tìm kiếm nguồn hương liệu và thị trường mới. Người Bồ Đào Nha cảm thấy bị đe dọa nghiêm trọng vì sự xuất hiện của người Hà Lan vừa mới giành độc lập từ tay người Tây Ban Nha. Tuy đã được tuyên bố độc lập từ năm 1581, nhưng mãi đến năm 1648 nước Cộng Hòa Hà Lan mới được vua Tây Ban Nha công nhận. Điều đó có nghĩa là trong suốt nhiều thập niên hai nước vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.
“Người Tây Ban Nha thấy rằng họ không phải là kẻ mạnh nhất, họ bắt đầu áp dụng mọi thứ mưu kế nhằm hủy hoại người Hà Lan. Họ gửi nhiều sứ giả đến các vị vua vùng Đông Ấn để gièm pha những người mới tới. Họ gọi người Hà Lan là cướp biển, là người không tín ngưỡng và không trọng danh dự, bội phản, và họ làm mọi cách có thể để triệt hạ người Hà Lan.” (Constantin de Renneville R.A, 1702, Avertissement)
Mặt khác, vì từ năm 1580 đến 1640 Bồ Đào Nha bị đặt dưới quyền cai trị của vua Tây Ban Nha nên người Hà Lan phải đối đầu cả Tây Ban Nha lẫn Bồ Đào Nha trên đường đi đến Viễn Đông. Vì thế mà nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra ở khắp nơi trong vùng, khiến nhiều dân tộc bị cuốn theo dòng xoáy bạo lực giữa ba cường quốc này trong một thời gian dài. Căm giận vì người Hà Lan ký kết hiệp ước liên minh với đảo Amboine (người Bồ Đào Nha đã phát hiện năm 1515), và giành quyền buôn bán với tất cả các tiểu vương trong quần đảo Moluques, người Bồ Đào Nha quyết định ra tay:
“Để ngăn cản mối quan hệ của họ phát triển trong vùng quần đảo Moluques, năm 1601 người Bồ Đào Nha đã triển khai một hạm đội gồm 36 thuyền các cỡ, đặt dưới quyền chỉ huy của André Hurtado de Mendoça để tấn công tàu thuyền Hà Lan buôn bán ven bờ các đảo này. Họ hy vọng rằng sau khi tiêu diệt người Hà Lan họ sẽ buộc các đảo đã liên kết với Hà Lan từ bỏ liên kết ấy và chỉ buôn bán với nước họ mà thôi.” (Bruzen La Martinière A. A. 1726, tr. 310-311)
Và không chỉ có ở Moluques, người Hà Lan đã chịu tổn thất không nhỏ trên suốt chặng đường đi từ Vịnh Thái Lan đến Trung Hoa. Vụ giết hại dã man 17 thủy thủ ở Macao năm 1601 đã trở thành lý do tuyên chiến để Van Heemskerck bắt giữ chiếc thuyền siêu trọng (carrack) của Bồ Đào Nha Santa Catarina vào ngày 25 tháng 2 năm 1603 ở ngoài khơi Singapore (Blussé L. 1988, tr. 649). Nó khơi mào giai đoạn chiến tranh trực tiếp giữa hai cường quốc này ngày càng khốc liệt hơn. Mặt khác, vụ tấn công này càng làm cho những tin đồn về người Hà Lan thêm sức thuyết phục, và và vòng xoáy bạo lực lại càng lan rộng ra.
Thuyền Santa Catarina bị Hà Lan bắt giữ năm 1603 ở ngoài khơi Singapore (Nguồn: https://peacepalacelibrary.nl/blog/2018/capture-santa-catarina-1603)
Tóm lại, trong những thập niên đầu thế kỷ XVII các chúa Nguyễn đã áp dụng đường lối bang giao cởi mở, mặc dù bộ máy chính quyền còn rất non trẻ, luật lệ còn sơ sài và lỏng lẻo. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã xảy ra một số vụ xung đột với người Hà Lan và Anh, ngược lại với khuynh hướng thân thiện, hiếu khách của chúa Nguyễn. Đó cũng là lý do tại sao Bonifacy không tin rằng người Hà Lan bị tấn công như Borri đã kể, vì khó có thể hình dung ra chuyện thương nhân nước ngoài bị tấn công gây thiệt hại người và của, lại còn bị cấm bén mảng đến Đàng Trong, rồi vài năm sau đó lại nhận được quốc thư mời đến buôn bán.
Tình huống trớ trêu này không đơn giản là sự bất nhất trong cách đối xử của Chúa Nguyễn, mà là hậu quả của sự xung đột quyền lợi của các cường quốc châu Âu đang tìm cách mở rộng thị trường. Nước Đại Việt thời ấy nằm trên con đường hàng hải huyết mạch dẫn đến hai thị trường đầy tiềm năng dưới mắt người phương Tây là Trung Hoa và Nhật Bản nên không thể thoát ra khỏi vòng xoáy xung đột ấy.
Tài liệu tham khảo
Blussé L. 1988. Brief Encounter at Macao. Trong tạp chí Modem Asian Studies 22, 3 (1988).
Bonifacy A. 1931. Notes finales. Trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue, số 3-4 tháng 7&12-1931.
Borri C. 1631a. Relatione della nvova missione delli PP. della Compagnia di Giesu al Regno della Cocincina. Roma: Per Francesco Corbelletti.
Borri C. 1631b. Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine. Bản tiếng Pháp của A. de la Croix. Rennes: Chez Iean Hardy.
Borri C. 1931. Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine (A. Bonifacy dịch). Trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue, số 3-4 tháng 7&12-1931.
Bruzen La Martinière A.A., 1726. Le Grand Dictionnaire Géographique et Critique, Tome Premier. La Haye: Chez P. Gosse, R.C. Alberts, P. de Hondt.
Buch W.J.M. 1936. La Compagnie des Indes néerlandaises et l’Indochine. Trong tạp chí BEFEO, số 36 (1936).
Cadière L. 1931. Annotations à la Lettre de Gaspar Luis. Trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue, số 3-4 tháng 7&12-1931.
Constantin de Renneville R.A. 1702. Recueil des Voiages qui ont servi à l’Etablissement et aux Progrès de la Compagnie des Indes Orientales. Amsterdam: Estienne Roger.
Constantin de Renneville R.A. 1703. Recueil des Voiages qui ont servi à l’Etablissement et aux Progrès de la Compagnie des Indes Orientales, Tome Second. Amsterdam: Étienne Roger.
Cortambert E. & L. de Rosny 1862. Tableau de la Cochinchine. Paris: Armand Le Chevalier Editeur.
Dror O. 2006. Phantasmatic Cochinchina. Trong Dror O. & Taylor K.W., Views of Seventeenth-Century Vietnam. New York: Cornell Southeast Asia Program Publications.
Foster W. 1897. Letters received by the East India Company from its Servants in the East, Vol. 2. London: Sampson Low, Marston & Company.
Hoang Anh Tuan 2007. Silk for Silver Dutch-Vietnamese Relations, 1637-1700. Leiden – Boston: Brill.
Hoàng Anh Tuấn, 2011. Mạng lưới thương mại Nội Á và bang giao Hà Lan – Đại Việt (1601-1638). Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6.2011.
Jacques, R., Aparicio López 2005. T., Huynh Rafael da Madre de Deus (1571-1606), nhà truyền giáo dòng Augustinô ở Quảng Nam vào khoảng năm 1595-1605. Tập san Định hướng số 45.
Jonge J.K.J. de, 1864. De Opkomst van het Nederlandsche Gezag in Oost-Indie. Amsterdam: Frederik Muller.
Kleinen J. 2008. Dutch relations with ‘Quinam’ in the 17th century. Trong Lion and Dragon. Four centuries of Dutch-Vietnamese relations. Amsterdam: Boom.
Kleinen J. 2011. Towards a Maritime History of Vietnam: Seventeenth-century Vietnamese-Dutch confrontations. Trong Gabrowsky V. (ed.), Southeast Asian historiography: unravelling the myths: essays in honour of Barend Jan Terwiel. Bangkok: River Books.
Leclere A. 1914. Histoire du Cambodge depuis le 1er siècle de notre ère. Paris: Paul Guethner.
Li Tana 1998. Nguyễn Cochinchina. Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries. New York: Southeast Asia Program Publications.
Maybon Ch.-B. 1919. Histoire moderne du pays d’Annam. Paris: Plon.
Poivre P. 1887. Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine. Tạp chí Revue de l’Extrême-Orient, số 3 năm 1887.
Purchas S. 1625. His Pilgrimes, The First Part. London: Henrie Fetherstone.
Quốc Sử Quán Triều Nguyễn 2002. Đại Nam Thực lục, Tập 1. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo Dục.
Rhodes A. de 1653. Divers voyages et missions dv P. Alexandre de Rhodes en la Chine & autres Royaume de l’Orient. Paris: Sebastien Cramoisy & Gabriel Cramoisy.
Thompson E. M. 1883. Diary of Richard Cocks Cape-Merchant in the English Factory in Japan 1615-1622 with Correspondence, Vol. 2. London: Hakluyt Society.
Trần Nam Tiến 2011. Liên minh quân sự giữa Chúa Trịnh với Hà Lan trong cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn thế kỷ XVII. Trong tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 11(134).
Trần Thanh Ái 2022. Người Anh đầu tiên đến Đại Việt (tiếp theo). Tạp chí Xưa & Nay, số 537 tháng 3 năm 2022.
Villars P., 1903. Les Anglais au Tonkin. Trong tạp chí Revue de Paris, Tome 6(1903).
Võ Vinh Quang 2016. Về bức quốc thư của trấn thủ Đàng Trong gởi Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Batavia (Indonesia) năm 1626. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1(127).
Winkel 1882. Les Relations de la Hollande avec le Cambodge et la Cochinchine au XVIIe siècle. Tạp chí Excursions et Reconnaissances, n° 12(1882).
(1)Olga Dror đã suy luận quá xa khi nói về việc Ashley cắt xén của Borri (2006, tr. 66 và 134). Nếu chịu khó khảo sát các bản dịch, O. Dror sẽ thấy rằng có nhiều bằng chứng cho thấy Ashley đã dịch từ bản tiếng Pháp của A. de la Croix 1631, khiến cho sai sót trong bản tiếng Pháp lại chuyển sang bản tiếng Anh của Ashley.
(2) Ch.-B. Maybon cho biết rằng năm 1852 có một bản dịch tiếng Pháp tựa là Mission en Cochinchine xuất bản tại Paris, nhưng chúng tôi chưa tìm ra. Có lẽ Maybon đã nhầm, hoặc do nhà in mắc lỗi, vì tài liệu mà ông dẫn lại từ A. de Bellecombe ghi là 1652 (E. Cortambert & L. de Rosny 1862, tr. 338).
(3) Có điều lạ là Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị cũng đã dùng bản của Bonifacy để dịch Chương 11 – Phần 2 (mà A. de la Croix đã bỏ). Có lẽ là hai dịch giả này đã không phát hiện ra sự cắt xén của A. de la Croix trong Chương 8 – Phần 1. Khi đối chiếu với bản tiếng Anh (mà lẽ ra phải đối chiếu với bản tiếng Ý), Olga Dror (2006, tr. 67) thiếu kiểm chứng khi trách Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị đã dịch tùy tiện một số từ ngữ, mà không ngờ rằng các chỗ “tùy tiện” này được lưu truyền từ bản tiếng Pháp của A. de la Croix, và thậm chí từ bản tiếng Ý. Borri dùng chữ leggi (tr.98), de La Croix dịch là lois et coustumes particulieres (tr.93), Bonifacy dịch là lois (tr.334), Awnsham và John Churchill dịch là laws (tr.808), còn Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch là tập tục. Như vậy thật vô lý khi Olga Dror trách hai dịch giả này tránh né chữ religion (tôn giáo) và thay bằng chữ laws and practices (tr.72).
(4) Nguyễn Cửu Sà (2003), Những người bạn Cố đô Huế, số 18 năm 1931, Nhà xuất bản Thuận Hóa, và Thanh Thư (2019), Xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Omega & Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
(5) Bản tiếng Ý 1631 và tiếng Anh 1704 đều viết rõ là “ở Turon”.
(6) Ch.-B. Maybon viết là drap, nguyên văn tiếng Anh trong thư của R. Cocks gửi T. Wilson (S. Purchas 1625) là broad-cloath, nghĩa là vải dệt khổ rộng.
(7) Lần xuất bản năm 1653 và 1666 của A. de Rhodes đều viết là Ferdinand à Costa, còn lần xuất bản năm 1854 ghi là Ferdinand de Costa. Một số tài liệu hiện nay ghi là Fernand da Costa. Borri trong bản tiếng Ý viết là Fernando da Costa.
(8) Trước đây, ngày lễ này được tổ chức ở Rome ngày 18 tháng 1, và ở Antioche ngày 22 tháng 2. Nhưng từ cuộc cải cách của Giáo Hoàng Phao-lồ đệ Lục, giáo hội La Mã thống nhất tổ chức lễ này vào ngày 22 tháng 2 hằng năm.
(9) Tên gọi khác của Hirado.
(10) Buch (1936, tr. 117) cho biết là có hai ghi chép mâu thuẩn nhau: báo cáo của trưởng thương điếm J. Specx gửi Pietersz Cohen từ Firando đề ngày 29 tháng 12 năm 1614 thì ghi sự kiện nói trên xảy ra vào “năm nay”, còn huấn thị gửi cho Hội đồng hải hành của hai chiếc thuyền Brouwershaven và Sloterdijk đề ngày 31 tháng 5 năm 1633 hướng dẫn việc đòi bồi thường thiệt hại về vụ xung đột ghi là sự việc xảy ra “vào năm 1613”. Vì báo cáo của J. Specx được thực hiện cùng năm với sự việc nên hoàn toàn đáng tin cậy hơn huấn thị được soạn sau đó 20 năm.
(11) Chẳng hạn các đoạn trích ở trang 54-55 là từ bản tiếng Pháp của A. de La Croix (tr. 93-94).
(12) Nguyên văn của de Jonge viết lần lượt là Haarlem và Gaspar van Groesbergen (Jonge, 1864, tr. 95).
(13) Nhật ký này xuất bản lần đầu bằng tiếng Hà Lan tại Amsterdam năm 1646, in trong bộ Begin ende voortgangh, van de Vereenighde Nederlantsche Geoctroyeerde Oost-Indische Compagnie, và được dịch ra tiếng Pháp năm 1703.
(14) Nguyên văn tiếng Anh là “False dollars or rial of eight” là một loại tiền do Tây Ban Nha phát hành được dùng khá phổ biến trong ngoại thương thời ấy. Không thấy tài liệu nào đề cập đến vụ này ngoài quyển từ điển The Universal Dictionary of Trade and Commerce, mục từ Cochinchina (1774, tr. 569).
(15) Người dịch lẫn lộn hai nghĩa ‘thuyền trưởng’ và ‘đại úy’của chữ captain.
(16) Nguyên văn “a fickle Cochinchinese ruler’s conduct towards the Dutch”
Hình ảnh thêm về Người Hà Lan đến Đại Việt