Dương Kỵ trong quyển Việt sử khảo lược, xuất bản năm 1949 tại Thuận Hóa, dựa vào ghi chép của Đại Nam thực lục tiền biên mà viết lại là “Năm 1585 có người Âu là Hiển Quý đem 5 chiếc thuyền đến cướp phá cửa Việt…” kèm theo chú thích cuối trang cùng với nghi vấn:
“…không biết tên Âu của tướng này là gì. Hiển Quý phải chăng là viên tướng Tây Ban Nha Joan Suarez Gallinato đem ba chiếc tàu đánh Cao Mên, giúp Mên vương Chau-Ponha-Tan, thất bại, rồi kéo ra định gỡ gạc ở vùng cửa Việt chăng? Nhưng các giáo sĩ lại chép việc thủy quân Tây Ban Nha bị Nguyễn phá như thế vào khoảng năm 1595” (Dương Kỵ 1949, tr. 158).
Thật ra, Đại Nam thực lục tiền biên viết là “nước Tây Dương” chớ không phải “người Âu” như Dương Kỵ đã viết, và ngày nay, qua tài liệu Ngoại phiên thông thư của Kondo Juzo được biên soạn vào thế kỷ XIX, người ta biết được rằng Hiển Quý là tên hiệu một thương nhân người Nhật đã từng buôn bán ở xứ Đàng Trong. Sự mơ hồ của Quốc sử quán triều Nguyễn khiến người đọc không khỏi thắc mắc: làm sao có thể nhầm lẫn giữa người Nhật với người phương Tây được, nhất là khi đã xác định được tên hiệu của người chỉ huy? Từ phát hiện ra điểm đáng ngờ trong thông tin ấy mà Dương Kỵ đã liên tưởng đến một sự kiện khá nghiêm trọng xảy ra vào năm 1596 mà Quốc sử quán đã bỏ qua: đó là cuộc xung đột đầu tiên giữa đoàn quân viễn chinh Tây Ban Nha và nước Đại Việt thời ấy.
Sau khi Bồ Đào Nha thuộc quyền cai trị của vua Tây Ban Nha Felipe đệ Nhị từ năm 1580, và nhất là sau khi guồng máy cai trị ở Philippines đã ổn định, người Tây Ban Nha bắt đầu lên kế hoạch chinh phục bán đảo Đông dương và quần đảo Malucas tức Maluku ngày nay. Họ muốn chiếm càng nhiều thuộc địa càng tốt trước khi người Hà Lan và người Anh đặt chân tới được vùng Viễn Đông, điều mà họ biết chắc chắn là chẳng bao lâu nữa sẽ xảy ra. Tuy nhiên, các bộ sử trước đây chỉ cho biết một vài chi tiết vụn vặt liên quan đến sự kiện người Tây Ban Nha đến Đại Việt, khiến người đọc dễ có cái nhìn méo mó.
Sử gia cùng thời người Tây Ban Nha M. Ribadereyna có nói đến việc quân Tây Ban Nha rút lui khỏi Campuchia năm 1596 nhưng không nhắc gì đến việc đoàn thuyền cập cảng ở Đàng Trong. Thậm chí tác giả cũng không biết tên các nhân vật chủ chốt trong đoàn quân này như Gallinato, Blas Ruiz, Beloso. Duy chỉ có tên nhà truyền giáo Ximenez(1) được nhắc đích danh: “Trên hai con thuyền này có hơn 90 lính Tây Ban Nha, cha Juan Ximenez, giám tỉnh dòng Đa Minh, làm sứ giả cùng với một nhà truyền giáo khác cùng dòng tu” (Ribadereyna M., 1601, tr. 185). Sau đó ít lâu, B. L. de Argensola trong bộ sử nổi tiếng của ông Conquista de las islas Malucas xuất bản năm 1609 tại Madrid, có nhắc đến sự can thiệp của Tây Ban Nha vào nội tình Campuchia, và việc họ dừng chân ở Đại Việt để cho Blas Ruiz và Diego Beloso đi Lào tìm vua Campuchia bị truất phế, nhưng lại bỏ qua vụ xung đột nói trên. Sự nghèo nàn về thông tin của hai bộ sách này cũng là điều dễ hiểu, vì các tài liệu này xuất bản chỉ sau các sự kiện xảy ra có mấy năm, nên nhiều tình tiết chưa được công bố, các tác giả lại ngồi ở Tây Ban Nha mà biên soạn trong khi thông tin đến từ Philippines rất hiếm hoi, nhất là vì chiến dịch can thiệp vào Campuchia được tổ chức khá vội vã, lại gặp ý kiến không thuận lợi của một số nhân vật quan trọng trong bộ máy cai trị ở Philippines.
Năm 1877, Trương Vĩnh Ký có nói đến sự kiện này nhưng lại tách rời sự có mặt của Diego Aduarte và đoàn thuyền của Gallinato đến Hội An thành hai sự kiện riêng biệt, khiến bản chất của vụ việc hoàn toàn sai lệch. Tuy nhiên, ông cũng cung cấp thêm thông tin về cuộc đụng độ khiến người Tây Ban Nha phải vội vã rời đi, sự kiện mà Ribadereyna và Argensola không nói tới:
“Nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên đất Đàng Trong vào năm 1596 dưới thời Sãi Vương; đó là một giáo sĩ thuộc dòng Đa Minh người Tây Ban Nha, tên là Diego Aduarte. Nhưng sau khi ông đến thì nhiều tàu thuyền Tây Ban Nha cũng đến, sự trùng hợp này khiến nhà cầm quyền nghi ngờ ông, họ sợ rằng ông còn quan tâm đến việc khác ngoài việc cứu rỗi linh hồn. Diego Aduarte phải vội vã xuống thuyền rời đi dưới trận mưa tên. Thậm chí ông còn bị hai mũi tên bắn trúng.” (Trương Vĩnh Ký 1877, tr. 113)
Năm 1906, A. Schreiner xuất bản ở Sài Gòn một quyển sách khá đồ sộ Abrégé de l’histoire d’Annam, trong đó có đề cập đến sự kiện năm 1596 với nhiều chi tiết giống với Trương Vĩnh Ký (1906, tr. 69). Hơn mười năm sau, Ch.-B. Maybon viết về cuộc xung đột ấy với nhiều tình tiết mới, đặc biệt là ông khẳng định Diego Aduarte tháp tùng với đội quân Tây Ban Nha đến Đại Việt chớ không phải chỉ là ngẫu nhiên, cũng như hé lộ sự hiện diện của người Nhật ở Hội An vào thời ấy:
“Ba chiếc thuyền [đi Campuchia] được trang bị đầy đủ mang theo lính Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Juan Juarez Gallinato, và ba nhà truyền giáo dòng Đa Minh, trong số đó có linh mục Diego Aduarte. Sau nhiều biến cố [ở Campuchia], đoàn thuyền đi đến Cachan(2) (…) và xảy ra xung đột với người Nhật Bản được người An Nam ủng hộ. Một trận chiến xảy ra, một thuyền Tây Ban Nha bị đốt cháy, hai chiếc kia vội ra khơi, bỏ lại linh mục Diego Aduarte bị thương và một tu sĩ trên bờ.” (Maybon Ch.-B. 1919, tr. 28)
Các tác giả viết về lịch sử Campuchia cũng nói đến sự can thiệp của Tây Ban Nha vào nội tình nước này. J. Moura thì chỉ nhắc đích danh hai nhân vật chủ mưu Blas Ruiz và Diego Beloso, cùng với sự tham dự của nhà truyền giáo dòng Đa Minh nhưng không cho biết tên (Moura J. 1883, tr. 54). Còn A. Leclere thì, sau khi đã tường thuật cuộc tấn công của lính Tây Ban Nha vào cung vua, ông cho biết thêm thông tin về diễn biến tiếp theo của cuộc hành trình của đội quân này đi ra Đàng Trong nhằm mục đích đòi lại chiếc thuyền bị thủy thủ người Trung Hoa đánh cướp. A. Leclere còn cho biết thêm vai trò của các nhà truyền giáo: không như thông tin mà Trương Vĩnh Ký đã thu thập được, các giáo sĩ đóng một vai trò rất tích cực trong chiến dịch gửi quân sang hỗ trợ vua Campuchia, từ lúc vạch kế hoạch đến lúc thực hiện chiến dịch:
“Vì rất muốn Tây Ban Nha kiểm soát Campuchia để truyền đạo, và mở rộng phạm vi dòng tu của họ, các tu sĩ dòng Đa Minh và Âu Tinh ở Manila rất ủng hộ ý tưởng của Beloso [giúp vua bị truất phế]. Vì thế Beloso đã thuyết phục được thống đốc Luis Perez das Marinas là con trai của Gomez Perez das Marinas quá cố, và nhận được 3 chiến thuyền, 120 lính Tây Ban Nha đặt dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Juan Juarez Gallinato, và ba nhà truyền giáo dòng Đa Minh, trong đó có linh mục giám tỉnh Alonso Ximenez khoảng 70 tuổi và cha Diego Aduarte, một con người quả cảm.” (Leclere A. 1914, tr. 327)
Gần đây, một công trình tập thể tựa là Vùng đất Nam bộ (tập 3) có nhắc đến sự kiện xảy ra ở một cảng Đàng Trong mà tác giả chỉ nói là “vùng biển Đà Nẵng”, và chỉ ghi vài tình tiết sơ lược, trong những dòng chữ hừng hực khí thế như cách viết của sử quan nhà Nguyễn:
“Trên đường lui quân [khỏi Campuchia], hạm đội Tây Ban Nha đã ghé vào vùng biển Đà Nẵng, nước Đại Nam và được tiếp đãi tử tế. Đó là dịp cuối tháng 8-1596. Nhưng đáp lại tấm lòng hiếu khách của người Đại Việt lúc đó, chúng lại có thái độ hống hách, khiêu khích với quân, dân địa phương. Để trừng trị, nhiều chiến thuyền của chúa Nguyễn đã vây đánh hạm đội Tây Ban Nha gồm ba chiến thuyền, làm cho một chiếc bị chìm, một chiếc bị cháy, chiếc thứ ba phải tháo chạy.” (Nguyễn văn Kim, 2017, tr. 285)
Sự khác biệt giữa các tài liệu trên đây cũng là điều dễ hiểu, vì các nhà viết sử ngày trước không có điều kiện tham khảo nhiều tài liệu gốc, nên chủ yếu là sử dụng các nguồn thứ cấp, dễ mắc phải lỗi “tam sao thất bổn”, và suy luận chủ quan. Điều đáng tiếc đối với quyển Vùng đất Nam Bộ là mặc dù mới được biên soạn vào năm 2017, nhưng lại không tham khảo tài liệu do các tác giả thời bấy giờ biên soạn.
Thuyền Tây Ban Nha cuối thế kỷ XVI (họa sĩ khuyết danh, bảo tảng Archivo General de Indias)
Sau biến cố năm 1596, lần lượt nhiều ghi chép của người trong cuộc được công bố. Sau đây chúng tôi sẽ điểm lại những đoạn có liên quan đến biến cố này.
2.1. Thư của Thống đốc Phillippines gửi vua Tây Ban Nha năm 1597
Trong một tường trình ngắn báo cáo về tình hình Campuchia cho vua Tây Ban Nha, do Thống đốc lúc bấy giờ là Don Francisco Tello ký tên năm 1597, sau khi đã tóm tắt diễn biến sự việc xảy ra ở Campuchia năm 1596, ông nói lướt qua vụ chạm trán ở Đàng Trong với người Việt:
“[từ Campuchia] Gallinato lên đường trở về Philippines; nhưng thời tiết không thuận lợi cho việc đi biển, nên ông ta men theo bờ biển xứ Đàng Trong, ở đó ông tu sửa tàu thuyền và cử hai người rất thân quen với vua Campuchia là Blas Ruiz và Diego Beloso đi Lào, để thông báo cho ông ta biết chuyện gì đã xảy ra ở vương quốc của ông, để ông có thể trở về. Rồi sau đó ông rời Đàng Trong, nơi ông có vài cuộc chạm trán phiền phức với nhà vua và dân bản địa, tuy nhiên ông không bị tổn thất gì. Ông về đến đảo [Philippines] vào tháng 9 năm 1596 trên chiếc soái hạm. Chiếc thuyền kia bị hư hỏng và phải tấp vào cảng Malacca, và một năm sau mới về đến.” (Blair E. H. & Robertson J. A. 1904a, tr. 227-228)
Tường trình trên tuy không có nhiều chi tiết nhưng nó chính thức xác nhận là đoàn thuyền của Gallinato trong đó có Blas Ruiz và Diego Beloso đã đến cảng Đàng Trong vào năm 1596, cũng như khẳng định có cuộc đụng độ với lực lượng của chúa Nguyễn khiến đoàn thuyền phải rút lui.
2.2. Tường trình của nhà truyền giáo Gabriel de San Antonio năm 1604
Năm 1604 Gabriel de San Antonio cho xuất bản quyển Breve y verdadera relacion de los successos del Reyno de Camboxa tại Valladolid. Tuy không trực tiếp tham dự vào cuộc viễn chinh nhưng San Antonio có mặt ở Philippines trong nhiều năm, và là cha xưng tội của các nhân vật cao cấp ở Manila, trong đó có Phó Thống đốc (lieutenant-governor) Antonio de Morga. Vì thế, ông rất có uy tín và được tham vấn về nhiều việc quan trọng như các cuộc viễn chinh ở Moluccas, Mindanao và Campuchia. Thậm chí ông còn được ủy thác thành lập một quỹ phục vụ cho cuộc viễn chinh Campuchia. G. de San Antonio soạn bản tường trình này gửi vua Don Philipe II, với mục đích khiêm tốn là “tường trình những sự kiện đã xảy ra ở Campuchia để Bệ Hạ gia ân ghé mắt nhìn qua trong lúc rỗi rảnh không phải bận tâm về việc cai trị nhiều quốc gia […] để xua đi những đám mây mù thần thoại và sai trái đã lan truyền ở Tây Ban Nha về những sự kiện đã xảy ra ở các vương quốc này.” (Cabaton A. 1914, tr. 87). Điều đó có nghĩa là San Antonio đã nghe được nhiều thông tin không đúng sự thật về các hoạt động của chính quyền thuộc địa ở Philippines đang được phổ biến ở Tây Ban Nha. Trong đoạn nói về các tu sĩ tham gia cuộc viễn chinh Campuchia, San Antonio đã viết như sau:
“Các tu sĩ được chọn cho kế hoạch này là cha Alonso Ximenez, người xứ Lillo […], lúc ấy là giám tỉnh của Philippines, kế đến là cha Diego Aduarte, người Zaragoza […], cả hai là những người rất thông thái, và rất hăng hái như họ đã chứng tỏ từ khi có các sự kiện này. Hai tu sĩ này còn có bạn đồng hành là sư huynh Juan Deҫa, một chuyên viên giải phẫu giỏi, người xứ Cuenca và xuất thân từ tu viện San Pablo của thành phố.” (San Antonio G. de, 1604, tr. 15b)
San Antonio kể lại nguyên nhân của cuộc xung đột giữa binh lính Tây Ban Nha và quân đội Đại Việt, ban đầu chỉ là một va chạm giữa một binh sĩ Tây Ban Nha với một người Nhật trong đoàn thuyền đang neo đậu ở đó. Vì một lý do mà San Antonio không nói rõ ra nhưng lại cho là thỏa đáng, người lính Tây Ban Nha đã tát tai người Nhật, và thế là xung đột xảy ra. Vì không thể dàn xếp nên hai phe yêu cầu chính quyền phân xử:
“Mặc dù họ [các quan trấn thủ] đã hứa là sẽ không bênh vực phe người Nhật, nhưng họ đã không giữ lời hứa, và đã phái đến nhiều thuyền hỏa công để chống lại người Tây Ban Nha và yểm trợ người Nhật. […] Nhưng bằng mọi khả năng và lòng quả cảm, người Tây Ban Nha vẫn tiến lên có trật tự. Họ đánh chặn các mồi lửa và giết nhiều kẻ thù. Các phó vương(3) của Thuận Hóa và Quảng nam ở trên bờ mong cho người Nhật chiến thắng và người Tây Ban Nha bị đánh bại, nhưng tình thế trái ngược đã diễn ra, bèn bắt giữ vị sư huynh giám tỉnh Alonso Ximenez và sư huynh Pedro Ortiz, tu sĩ dòng Phan Sinh lúc ấy đang ở trên bờ và đã không kịp xuống thuyền khi thuyền hỏa công tiến đánh thuyền người Tây Ban Nha.” (San Antonio G. de, 1604, tr. 24b, Cabaton A., 1914, tr. 126)
2.3. Ghi chép của Cristoval de Jaque de los Rios de Mancaned
Ghi chép của Cristoval de Jaque đề năm 1606, nhưng mãi đến năm 1841 H. Ternaux-Compans mới phát hiện ra bản thảo rồi dịch sang tiếng Pháp và công bố tại Paris. Trong tài liệu này, tác giả kể lại cuộc hành trình từ khi rời Tây Ban Nha năm 1592 đến lúc trở về năm 1598, trong đó có cuộc hành quân qua Campuchia rồi đi thẳng ra Hội An, và xảy ra xung đột với người Việt mà tác giả đã mô tả rất chi tiết(4). Về việc này, C. de Jaque đã cho thông tin chi tiết hơn: họ cập bến cảng Hội An ngày 15 tháng 7 năm 1596, và sau khi đã có được các chỉ dẫn về đường sang Lào, Gallinato ra kỳ hạn 2 tháng cho Beloso và Blas Ruiz phải trở lại Hội An, nếu không đoàn sẽ rút lui mà không đợi hai người. Năm mươi ngày sau, tức sắp đến kỳ hạn đã định, Gallinato nhận được thư của Ruiz báo cho biết là đã đặt chân đến lãnh thổ nước Lào, và khi đến kinh đô chắc phải ở lại vài ngày để thu xếp công việc. Thế là Gallinato chuẩn bị giong buồm trở về Philippines. C. de Jaque kể chi tiết diễn biến tiếp theo như sau:
“Trong suốt thời gian chúng tôi ở Hội An, dân chúng đã tỏ thái độ rất thân mật với chúng tôi, nhưng thế rồi lúc sắp lên đường thì mọi việc đều bị phá hỏng bởi một sự cố sau đây: một phụ nữ người bản xứ đã bị một người Nhật tát tai trước mặt viên trung sĩ Juan Rodriguez. Người này thấy việc ngược đãi phụ nữ là sai trái nên đã trách móc anh ta. Anh người Nhật nổi cáu, làm động tác móc dao găm ra, và thế là Rodriguez tát tai anh ta và rút gươm cầm tay. Ngay lập tức tất cả người Nhật và người Tây Ban Nha đều lao vào bênh vực người đồng bào của mình. […] Người Nhật đi báo cáo cho trưởng nhóm của mình, ông này yêu cầu Gallinato giao Rodriguez cho họ trừng phạt, nhưng Gallinato từ chối.” (Jaque C. de, 1841, tr. 290)
Trong thời gian ấy, Gregorio de Vargas được cử ra Đàng Ngoài để thương lượng với nhà vua, nhưng sau đó đột ngột quay lại Hội An, vì cho rằng nhà vua muốn giết hại mình vì không muốn trả lại chiếc thuyền bị cướp. C. de Jaque cho biết là đoàn thuyền rời Hội An ngày 4 tháng 9 năm 1596, nghĩa là họ đã ở lại đó gần 2 tháng. Sau đó thuyền của Gallinato về đến Philippines trước, còn thuyền của Jaque bị dạt về tới Pulo Timon ngày 29 tháng 10 cùng năm. Ở đây, họ bị cướp biển tấn công làm nhiều người bị thương. Sau đó C. de Jaque đến Malacca rồi trở về Tây Ban Nha.
2.4. Ghi chép của Phó Thống đốc Antonio de Morga năm 1609
Năm 1609 Phó Thống đốc Antonio de Morga cho xuất bản quyển Sucesos de las Filipinas ở Mexico. Vì là quan chức cao cấp ở Philippines thời bấy giờ nên tài liệu của ông rất được chú ý. Trong quyển sách dày hơn 300 trang, Morga tường thuật chi tiết về cuộc viễn chinh. Cùng khởi hành ngày 19 tháng 1 năm 1596, nhưng soái hạm của Gallinato bị bão đánh dạt về Malacca nên tới chậm hơn hai thuyền kia. Vừa đến kinh đô Campuchia, Gallinato cảm nhận tình hình rất nghiêm trọng vì trước đó Beloso và Blas Ruiz đã gây ra cảnh chết chóc kinh hoàng. Ông ra lệnh rút quân sau khi đã thu hồi tất cả những gì mà hai thuyền đến trước cướp được. Beloso và Blas Ruiz cố thuyết phục Gallinato trước khi về Philippines nên đi ra xứ Đàng Trong, nơi được cho là đang giam giữ chiếc thuyền của toàn quyền Gomez Perez Dasmarinas bị tấn công, với hy vọng đòi lại được tài sản đã mất, còn họ sẽ đi sang Lào tìm vua bị truất phế.
“Họ hứa rằng trong khi Gallinato thương lượng [về chiếc thuyền bị cướp], họ sẽ đi bộ đến Lào, nơi vua Campuchia là Langara đang lánh nạn, để khôi phục ngai vàng cho ông ta. Thuyền trưởng Gallinato đồng ý với kế hoạch này, và cho thuyền đi dọc theo bờ biển đến rìa vịnh Cochinchina, ở đó mặc dù được dân bản địa đón tiếp nồng hậu nhưng ông không rời thuyền, mà cử Gregorio de Vargas đi gặp vua Đàng Ngoài, và cũng là chủ soái của Đàng Trong, để thương lượng về chiếc thuyền và tài sản bị cướp. Rồi ông cho phép Blas Ruiz và Diego Beloso lên bờ để đi Lào.” (Morga A. de, 1904, tr. 86)
Tường trình về vương quốc Campuchia (1604) của G. de San Antonio gửi vua Don Philipe | Ghi chép về quần đảo Philippines của Phó Thống đốc A. de Morga (1609) |
Blas Ruiz và Diego Beloso đi ra Thuận Hóa nơi con của vua Đàng Ngoài(5) đóng đô để yêu cầu ông giúp đỡ sang Lào. Hai người được được đối đãi tử tế, được cung cấp đầy đủ những thứ cần thiết và được phục vụ đến khi họ đến Alanchan, tức Lanxang, kinh đô của vương quốc Lào. Tới nơi, họ biết rằng Prauncar Langara và người con trai cả và con gái đã chết, chỉ còn lại con trai Prauncar và mấy người thân còn sống. Trong khi ấy, Gallinato ở lại Đàng Trong để thương lượng với vua Đại Việt về chiếc thuyền bị mất trên bờ biển nước này. Morga cho biết diễn tiến sự việc như sau:
“Chẳng những không chịu trả, mà ông ta còn mưu tính chiếm cả đoàn thuyền của Gallinato, nhưng vẫn vỗ về Gallinato với những lời nói phỉnh nịnh. Nhờ một bà lớn của Đàng Trong đến tận thuyền để mật báo, nên Gallinato canh phòng cẩn thận hơn, không cho ai lên bờ. Tuy nhiên lệnh này không hiệu quả đối với nhà truyền giáo Alonso Ximenez, một trong số mấy giáo sĩ dòng Đa Minh mà ông đã mang theo trong chuyến đi, ông là một trong những người cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc hành quân này. Khi ông lên bờ, họ đã bắt ông và giam giữ ở đó. […] Đoàn thuyền thoát khỏi vòng vây và rời xa bờ, và đáp trả thuyền của đối phương bằng pháo binh, và súng hỏa mai các loại, và đánh chìm mấy chiếc. Sau đó đoàn thuyền Tây Ban Nha không chờ lâu hơn nữa, mà bỏ Alonso Ximenez trên bờ cùng với hai tu sĩ đi chung với ông, rồi cho thuyền ra biển và rời vịnh Cochinchina và chạy về Philippines.” (Morga A. de, 1904, tr. 89)
Vậy là theo Antonio de Morga, người bị bỏ lại trên bờ và bị giam giữ không phải là Diego Aduarte, mà là linh mục Alonso Ximenez, cùng với 2 tu sĩ khác không được nêu tên. Tuy nhiên để xác định chi tiết này, cần phải đọc ghi chép của chính linh mục Aduarte được xuất bản vào năm 1640.
2.5. Ghi chép của nhà truyền giáo Diego Aduarte năm 1640
Năm 1640, nhà truyền giáo Diego Aduarte cho xuất bản tại Manila quyển Historia de la Provincia del Santo Rosario de Filipinas, Iapon, y China, và được dịch ra tiếng Anh năm 1905. Đây là người đã tham gia trực tiếp vào cuộc viễn chinh Campuchia và sau đó xảy ra cuộc xung đột ở Hội An năm 1596, nên chắc chắn rằng ông sẽ cung cấp nhiều chi tiết mà ông đã tận mắt chứng kiến.
Sách Lịch sử Philippines của D. Aduarte xuất bản năm 1640 tại Manila. | Bút tích của D. Aduarte được lưu trữ tại Sevilla. |
Tài liệu của Diego Aduarte ghi chép khá tỉ mỉ các vùng đất mà ông đã đi qua, từ khi đặt chân lên Philippines năm 1595 đến lúc qua đời năm 1636. Trong phần trình bày nguồn gốc của cuộc viễn chinh Campuchia, là bước mở đầu cho cuộc đụng độ ở Đàng Trong, Aduarte cho biết như sau:
“Vào năm 1595, có hai quân nhân đến thành phố Manila với tư cách là sứ giả của vua Campuchia, một người Bồ Đào Nha tên là Diego Beloso, và một người Tây Ban Nha tên là Blas Ruiz de Fernan Gonҫales. […] Nhà vua yêu cầu toàn quyền Manila chi viện binh lính để giúp họ bảo vệ vương quốc chống lại vua Xiêm; và cũng yêu cầu gửi giáo sĩ dòng Đa Minh để truyền đạo trong vương quốc của ông.” (Aduarte D. 1905, tr.76-77)
Mặc dù đội quân Tây Ban Nha ở Philippines lúc bấy giờ có ít người, lại phải căng ra trên nhiều mặt trận, nhưng vì muốn thâu tóm nhanh gọn các vùng đất mà các cường quốc châu Âu chưa thể với tới, nên toàn quyền Luis Perez Dasmarinas quyết định vẫn tiến hành cuộc viễn chinh.
“Dòng tu cũng cử cha giám tỉnh [Alonso Ximenez] vừa hết nhiệm kỳ. Viên toàn quyền phong ông làm đại sứ; cùng phối hợp với ông trong đoàn sứ giả là thuyền trưởng Juan Xuarez Gallinato chỉ huy đội quân. Tìm người cộng sự với cha giám tỉnh thật là khó khăn, vì những người được gợi ý đều không thể dứt ra khỏi công việc. Cuối cùng tôi được cử đi, vì nhiệm vụ này phù hợp với lời nguyền phụng mệnh của tôi. (Aduarte D. 1905, tr.77)
Vậy là chính nhà truyền giáo Aduarte đã nhìn nhận mình đi chung với đoàn viễn chinh, chớ không phải như Trương Vĩnh Ký viết. Aduarte cho biết ngọn ngành câu chuyện như sau:
“Ban đầu chúng tôi được tiếp đón trọng thị. Và rồi Gallinato cử thuyền trưởng Gregorio de Vargas làm sứ giả đi tiếp kiến nhà vua, và yêu cầu ông ta trả lại lá cờ hoàng gia, chiếc thuyền nhiều chèo, và dàn pháo binh, cũng như nhiều tài sản khác bị những kẻ phản trắc mang đến đây sau khi đã sát hại toàn quyền Gomez Perez das Marinas. Nhà vua lắng nghe yêu cầu này một cách rất khó chịu, đến độ ông ta tìm cách trừ khử viên sứ giả, nhưng ông này kịp trốn thoát. Một phần vì tức giận, một phần vì sợ tin tức về cách đối xử của ông với viên đại diện sẽ được người Tây Ban Nha truyền về nước, nhà vua đã cho hai đội thuyền và nhiều lính bộ binh để tiêu diệt chúng tôi.” (Aduarte D. 1905, tr. 99)
Trong dịp lễ Thánh Augustine, tức ngày 28 tháng 8, một số tu sĩ dòng Âu Tinh đang sống ở xứ này mời cha Alonso Ximenez đến dự lễ với họ. Trong lúc ấy, người Tây Ban Nha nghe được tin đồn là họ sẽ bị tấn công, nên không ai được phép lên bờ để sẳn sàng đối phó nếu tin đồn ấy là có thật. Rồi hạn định phải trở về Manila đã đến, họ phải giong buồm sớm để không phải nghỉ đông ở đó, nên không thể chờ linh mục Alonso Ximenez và đoàn của Beloso và Blas Ruiz đi Lào trở về. Cuộc xung đột diễn ra như sau:
“Vào ngày 3 tháng 9, thình lình một đám đông xuất hiện trên các ngọn đồi, và một đội thuyền tiến vào vịnh nhỏ nơi chúng tôi neo đậu. Có nhiều thuyền nhiều chèo và thuyền nhỏ, và trong số đó có 15 chiếc thuyền hai buồm lớn hơn, cứ ba chiếc kết lại thành một, trên đó không có ai ngoài một người lái. Thuyền chất đầy củi khô, để phóng hỏa thuyền chúng tôi […]. Hai chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi đã giương buồm, và nhờ một cơn gió nhẹ đã ra được giữa vịnh. Chiếc thuyền tôi đi thì lớn hơn, và mặc dù chúng tôi cố gắng nhưng sức gió không đủ để di chuyển, nên các thuyền hỏa công đã khiến chúng tôi rất vất vả. Các thuyền hỏa công xáp lại gần đến độ đứng trên nóc buồng hoa tiêu chúng tôi có thể thấy người lái, một số họ bị binh lính chúng tôi bắn, còn một số khác thì bỏ trốn qua các thuyển nhỏ được họ kéo đi. Các thuyền hỏa công không người lái trôi theo dòng nước, và thế là chúng tôi yên ổn.” (Aduarte D. 1905, tr. 100)
Và thế là Diego Aduarte ra khơi cùng với thuyền của Gallinato trở về Philippines mà không có Alonso Ximenez. Trên đường về, thuyền của ông bị phá nước, và trôi dạt về đảo Pulo Timon trong vịnh Thái Lan, ở đó đoàn bị hải tặc tấn công. Ông bị nhiều thương tích, phải đến nhà dòng ở Malacca điều trị trong 6 tháng rồi mới đáp thuyền trở lại Manila.
2.6. Những sự việc đã được nhiều người trong cuộc xác nhận
Các trích dẫn trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng nguồn tin mà Trương Vĩnh Ký đã tham khảo là không đúng với những điều kể lại của các nhân vật đương thời trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia sự kiện: Diego Aduarte không đi riêng mà là đi cùng với hai nhà truyền giáo khác là Ximenez và Deҫa trên thuyền của Beloso. Aduarte cũng không bị thương trong cuộc đụng độ với binh lính chúa Nguyễn mà bị thương trong cuộc tấn công của cướp biển gần đảo Pulo Timon trong vịnh Thái Lan. Ông cũng không bị bỏ lại ở Hội An như Maybon đã viết, mà là linh mục giám tỉnh Alonso Ximenez. Sau đây là một số dữ liệu liên quan đến cuộc viễn chinh rút ra được từ các nguồn tài liệu của những người trong cuộc:
– Năm 1595, Beloso và Blas Ruiz đến Philippines mang thư của vua Campuchia đề nghị Tây Ban Nha giúp đỡ về quân sự để đương đầu với vua Xiêm. Đổi lại, nhà vua hứa sẽ theo đạo Thiên Chúa.
– Ngày 19 tháng 1 năm 1596, đoàn quân 120 người Tây Ban Nha và vài chục người Nhật và người bản địa đi trên đội thuyền gồm một chiếc soái hạm do Gallinato chỉ huy, và hai thuyền mành Trung Hoa, một chiếc do Beloso làm thuyền trưởng chở ba tu sĩ Alonso Ximenez, Diego Aduate và Juan Deҫa, và chiếc còn lại do Blas Ruiz chỉ huy trên đó có một nhà phiêu lưu trẻ tuổi C. de Jaque.
– Ngày 24 tháng 2 năm 1596, thuyền của Blas Ruiz đến Campuchia, trước thuyền của Beloso 20 ngày, còn soái hạm của Gallinato bị bão đánh dạt về Vịnh Thái Lan. Sau các nỗ lực xin yết kiến vua soán ngôi bất thành thì vào ngày chủ nhật sau lễ Phục Sinh (nhằm ngày 21 tháng 4 năm 1596) một toán lính Tây Ban Nha xung đột đẫm máu với người Trung Hoa, và sau đó đột nhập vào hoàng cung hạ sát vị vua soán ngôi.
– Ngày 12 tháng 7, Gallinato mới đến được Campuchia và được báo cáo về tình hình trong thời gian ông vắng mặt, và ông ra lệnh đoàn thuyền rời Campuchia ngay lập tức, mặc cho những người tham gia cuộc xung đột muốn tận dụng thời cơ để áp đặt việc cai trị. Ban đầu họ định về thẳng Manila, nhưng Beloso và Blas Ruiz đã thuyết phục được Gallinato dừng lại Đàng Trong để họ đi Lào tìm vị vua bị soán ngôi, còn Gallinato sẽ ở lại Đàng Trong để thương lượng về chiếc thuyền của cố thống đốc Gomez Perez Marinas bị thủy thủ người Trung Hoa cướp và mang về Đại Việt.
– Ngày 15 tháng 7 năm 1596 đoàn viễn chinh đến Hội An. Sau đó Beloso và Blas Ruiz đi đường bộ sang Lào, còn Gregorio de Vargas được cử ra kinh đô nước Đại Việt gặp Chúa Tiên Nguyễn Hoàng để yêu cầu nhà vua trả lại súng ống, và tài sản trên thuyền. Theo tường thuật của C. de Jaque, Vargas được dặn dò là nếu thương lượng gặp khó khăn thì có thể chuyển cho Chúa Nguyễn thông điệp đe dọa: “nếu ông ta không đồng ý trả lại thì đức vua Tây Ban Nha hùng mạnh sẽ biết cách bắt ông ta phải trả lại” (Jaque C., 1841, tr. 289). Có lẽ đó là nguyên nhân khiến chúa Nguyễn nổi giận và định bắt Vargas, nhưng ông ta đã kịp trốn thoát.
– Gallinato và đoàn viễn chinh lưu lại Đàng Trong khoảng 50 ngày, để chờ tin tức về chuyến đi Lào của Beloso và Blas Ruiz và kết quả thương lượng ở Đàng Ngoài. Trong khi đoàn nằm chờ ở cảng thì xảy ra va chạm giữa một lính Tây Ban Nha và một người Nhật trong đoàn thuyền buôn ở đó, từ đó dẫn đến xung đột giữa hai phe, khiến quân đội nhà Nguyễn phải can thiệp: chi tiết này chỉ được C. de Jaque và San Antonio ghi lại mà thôi. Ngày 3 tháng 9 năm 1596, đoàn thuyền neo đậu ở Hội An bị tấn công.
– Ngày 4 tháng 9, sau cuộc đụng độ với quân triều đình, đoàn thuyền ra khơi về Manila, bỏ lại Ximenez và một tu sĩ khác bị triều đình bắt giữ. Gallinato về đến Philippines trong cùng tháng, trong khi thuyền của Aduarte và Jaque đã bị bão đánh dạt về vịnh Thái Lan.
– Ngày 29 tháng 10, thuyền của Aduarte và Jaque đến Pulo Timon. Ngày hôm sau bị cướp biển tấn công, khiến Aduarte bị nhiều thương tích, phải đến Malacca chữa trị trong một tu viện của dòng tu Đa Minh.
– Giữa tháng 11 Aduarte và Jaque về đến Malacca, ở đó Aduarte được các tu sĩ trong tu viện chữa trị trong 3 tháng, và đến 24 tháng 6 năm 1597 Aduarte mới về tới Manila. Một số binh lính qua Campuchia để nhập bọn cùng với Beloso và Blas Ruiz, còn Jaque đi qua Ấn Độ rồi về tới Tây Ban Nha năm 1598.
Ngoài ra có một số thông tin tuy là bên lề cuộc đụng độ, nhưng rất hữu ích cho giới nghiên cứu: năm 1596 các giáo sĩ dòng Âu Tinh và dòng Phan Sinh đã có mặt ở Hội An, cũng như tàu thuyền người Nhật đã đến đây buôn bán từ trước.
Cuộc đụng độ giữa Tây Ban Nha và Đại Việt năm 1596 tuy chỉ ở quy mô rất nhỏ, nhưng đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trên bình diện thế giới: theo sắc chỉ Inter cætera của Đức Giáo hoàng Alexandre VI năm 1493 thì Tây Ban Nha chỉ được mở rộng ảnh hưởng của mình từ châu Mỹ về hướng Tây đến Philippines mà thôi. Nhưng từ năm 1580, khi Bồ Đào Nha nằm dưới sự cai trị của vua Tây Ban Nha thì ranh giới ấy không còn ý nghĩa nữa, và thế là tham vọng chinh phục các nước ở phía Tây Philippines cũng lớn dần lên trong tâm trí người Tây Ban Nha. Việc các nước Hà Lan và Anh theo phái “thệ phản” miệt mài tìm đường sang Viễn Đông càng thôi thúc các giới chức quân sự và tôn giáo Tây Ban Nha ra tay trước. Điều đó giải thích tại sao toàn quyền Luiz Perez das Marinas và các nhà truyền giáo nhiệt tình ủng hộ cuộc viễn chinh Campuchia, mặc dù họ còn rất nhiều khó khăn ở Philippines.
Cuộc đụng độ này tuy mang tính tự phát, nhưng nó báo hiệu sự khởi đầu của vòng xoáy bạo lực mới trong khu vực do làn sóng chinh phục thuộc địa đẫm máu của các cường quốc phương Tây gây ra: bạo lực giữa đội quân đi xâm chiếm và các nước bị xâm chiếm, và có cả bạo lực giữa các cường quốc với nhau. Lịch sử các nước trong khu vực, ngoài những trang đen tối của chiến tranh nội bộ, lại ghi thêm những trang đau thương của thời kỳ thực dân hóa. Các nhà tư tưởng nhân văn thời Phục Hưng chắc hẳn không ngờ rằng những tiến bộ khoa học và kỹ thuật dẫn đến những phát kiến địa lý vĩ đại lại có một góc tối tệ hại, đó là sự ra đời của chủ nghĩa thực dân quái thai khiến nhiều dân tộc trên thế giới rơi vào vòng nô lệ trong suốt mấy thế kỷ.
(Bài đã đăng trong tạp chí Xưa & Nay số tháng 1 năm 2022)
Tài liệu trích dẫn
Aduarte D. 1905. History of the Dominican Province of the Holy Rosary. Trong Quyển XXXI của bộ The Philippine Islands, Blair E. H. và Robertson J. A. chủ biên.
Argensola B. L. de, 1609. Conquista de las islas Malucas. Madrid: Alonso Martin.
Blair E. H. & Robertson J. A., 1904a. The Philippine Islands, Vol. X. Cleveland, Ohio: The Arthur H. Clark Company.
Blair E. H. & Robertson J. A., 1904b. The Philippine Islands, Vol. XV. Cleveland, Ohio: The Arthur H. Clark Company.
Blair E. H. & Robertson J. A., 1905. The Philippine Islands, Vol. XXXI. Cleveland, Ohio: The Arthur H. Clark Company.
Dương Kỵ 1949. Việt sử khảo lược. Thuận Hóa: Tiên Hoa.
Jaque C. de, 1841. Voyage aux Indes orientales et occidentales…. Trong H. Ternaux-Compans, Archives des voyages, Tome 1, Paris: Arthus Bertrand, Libraire-Éditeur.
Leclere A., 1914. Histoire du Cambodge. Paris: Libraire Paul Geuthner.
Maybon Ch.-B. 1919. Histoire moderne du pays d’Annam. Paris: Librairie Plon.
Morga A. de, 1904. Events in the Filipinas Islands. Trong Blair E.H.& Robertson J.A. Vol. XV.
Moura J. 1883. Le Royaume du Cambodge, Tome 2. Paris: Ernest Leroux, Editeur.
Nguyễn Văn Kim (chủ biên), 2017. Vùng đất Nam bộ, tập 3. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
Ribadereyna M., 1601. Historia de las Islas del Archipielago, y Reynos de la Gran China, Tartaria, Cvchinchina, Malaca, Sian, Camboxa y Iappon. Barcelona.
San Antonio G. de, 1914. Brève et Véridique Relation des événements du Cambodge (bản tiếng Pháp của A. Cabaton). Paris: Ernest Leroux Editeur.
Trương Vĩnh Ký 1877. Cours d’histoire annamite, Vol. 2. Saigon: Imprimerie du Gouvernement.
(1) Cách viết tên các nhân vật liên quan đến sự kiện này rất khác nhau trong các tài liệu thời ấy, nên chúng tôi chọn một cách viết thống nhất trong bài này.
(2) A. Cabaton cho là Tourane (Đà Nẵng), còn P. Pelliot và Ch.-B. Maybon cho là Cacciam, tức Quảng Nam với thủ phủ là Faifo (Hội An). Vì khuôn khổ bài viết này không cho phép đi sâu vào chi tiết, nên chúng tôi chọn cách lý giải của Pelliot và Maybon.
(3) Nguyên văn bản tiếng Tây Ban Nha là “les Reyes de Sinoa Cachan”, bản dịch tiếng Pháp của Cabaton là “les rois de Sinoa et de Cachan”
(4) Vì H. Ternaux-Compans không cung cấp thông tin nào về bản viết tay nên một số nhà nghiên cứu đầu thế kỷ XIX đã rất thận trọng với tài liệu này. Nhưng đến năm 2008, nghi vấn đã được giải tỏa với việc xuất bản sách tại Sevilla bằng tiếng Tây Ban Nha, tựa là Viaje de las Indias Orientales y Occidentales.
(5) Các tác giả phương Tây thời ấy thường nhầm lẫn về các chức vụ của Nguyễn Hoàng: vào năm 1592 Nguyễn Hoàng với chức vụ Thái úy Đoan Quận công đã ra Bắc để giúp vua Lê dẹp giặc suốt 8 năm, trong thời gian đó ông giao hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam lại cho người con trai thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên cai quản.
Hình ảnh thêm về Ngày đầu đến Đại Việt của người Tây Ban Nha