Nếu như cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần kéo theo những hệ lụy bi thương là cái chết của Lý Huệ Tông và hàng trăm tôn thất nhà Lý thì cuộc chuyển giao từ nhà Trần sang nhà Hồ cũng gắn với những thảm kịch không kém. Vua Trần Phế Đế bị phế xuống làm Linh Đức vương rồi bị thắt cổ chết năm 1388. 11 năm sau, 370 tướng lĩnh và tôn thất nhà Trần bị Hồ Quý Ly hạ lệnh xử tử. Ta không khỏi giật mình nhớ lại lời nguyền của Lý Huệ Tông năm nào: “Thiên hạ của nhà ta đã về nhà ngươi rồi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến ngày khác con cháu nhà ngươi cũng lại như thế”.
Những suy vi cuối đời Trần
Từ năm Đại Trị (niên hiệu thứ hai của đời vua Trần Dụ Tông), cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy vi bởi vua Trần chơi bời quá độ. Trần Dụ Tông không những bắt các vương hầu dâng trò chơi mà còn chiêu tập các người giàu có trong nước vào cung đánh bạc. Có canh bạc tiêu hết 1000 quan tiền. Trong khi đó, có những đợt mất mùa đói kém, nhân dân phải bán cả con cái của mình với giá chỉ một quan tiền một người. Vua còn mở tiệc bắt các quan thi nhau uống rượu, ai uống 100 thăng thì sẽ thưởng cho 2 trật. Quan lại trong triều thì lộng quyền. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã chép về thời kỳ này với những câu như: “Bọn quyền thần nhiều người làm điều trái phép. Kẻ thì chỉ về công danh, kẻ thì chỉ về phú quý, kẻ thì hào quang đồng trần kẻ cốt ăn lộc giữ mình”. Đây cũng là thời kỳ mà Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần nhưng nhà vua không nghe, ông đã bỏ quan về dạy học. Nhiều trí sĩ khác cũng từ giã triều đình để về ở ẩn trong thời kỳ này.
|
Chân dung Vua Hồ Quý Ly |
Thời kỳ này còn xảy ra những biến động triều chính khác mà đỉnh điểm là việc Dương Nhật Lễ cướp ngôi muốn lật đổ triều Trần để lập ra họ Dương, các quý tộc triều Trần phải hợp lực lại để tiêu diệt Dương Nhật Lễ và đưa Trần Nghệ Tông lên ngôi. Từ đời vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372) cho đến 3 vị vua sau đó là Trần Duệ Tông (1372 - 1377), Trần Phế Đế (1377 - 1388), Trần Thuận Tông (1388 - 1398), quân Chiêm Thành đã tấn công Đại Việt tất cả 16 lần, trong đó có 2 lần tiến thẳng vào Thăng Long đốt phá kinh thành, cướp bóc của cải và một lần tiến đến Quảng Oai uy hiếp kinh thành.
Trong cuộc chiến với Chiêm Thành, một trong những đỉnh điểm thất bại của quân đội Đại Việt là cái chết của vua Trần Duệ Tông vào tháng giêng năm Đinh Tỵ (1377) trong cuộc tiến quân vào cửa Thị Nại (Quy Nhơn) định đánh lấy đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang để tiến thẳng vào kinh đô Đồ Bàn. Nhân vật giữ vai trò chủ chốt trong quân đội Chiêm Thành, tạo nên những thắng lợi trước quân đội Đại Việt là vua Chế Bồng Nga. Cuộc chiến Việt – Chiêm chỉ thực sự dừng lại khi vào năm 1390, do may mắn, quân đội do tướng Trần Khát Chân chỉ huy biết được chiếc thuyền đang chở Chế Bồng Nga bèn tập trung các loại hỏa lực, vũ khí bắn vào. Chế Bồng Nga trúng tên mà chết. Từ đó giặc giã Chiêm Thành mới không còn quấy nhiễu bờ cõi nước ta.
Sự xuất hiện của Hồ Quý Ly
Hồ Quý Ly, trước đó có tên là Lê Quý Ly, tự là Lý Nguyên, sinh năm Ất Hợi (1335), quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Về dòng dõi Hồ Quý Ly, Đại Việt sử kỷ toàn thư chép: “Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Triết Giang bên Trung Quốc, thời Hậu Hán(947-950) được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn (tức vùng Diễn Châu, Nghệ An). Đến thời loạn mười hai sứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến thời Lý, trong họ có người lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ...”. Mẹ Hồ Quý Ly là con gái Phạm Bân, một thầy thuốc giỏi người huyện Vĩnh Lộc, là quan Thái y dưới triều Trần Anh Tông. Hồ Quý Ly còn có hai người cô trong họ làm phi tần của Trần Minh Tông, một bà sinh ra Trần Nghệ Tông, một bà sinh ra Trần Duệ Tông. Vì có một thân thế như vậy nên Hồ Quý Ly được trọng dụng rất sớm. Dân gian còn tương truyền một câu chuyện có tính chất kỳ ảo về mối tình của Quý Ly với công chúa Nhất Chi Mai.
|
Thành nhà Hồ tại Thanh Hoá |
Chuyện kể rằng khi Quý Ly còn chưa làm quan, thường theo người cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi cát có ai đã vạch một câu thơ rằng: Quảng Hàn cung lý nhất chi mai, liền nhẩm thuộc lòng câu thơ đó. Sau này đến lúc đã làm quan, trong một lần hộ giá vua Trần đi chơi, nửa chừng vào tránh nắng ở điện Thanh Thử. Thấy trước điện có rất nhiều cây quế, vua liền ta vế đối: Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế (Phía trước điện Thanh Thử có ngàn cây quế). Các quan còn chưa kịp đối thì Quý Ly nhớ lại câu thơ trên bãi biển năm nào, bèn đọc luôn: Quảng Hàn cung lý nhất chi mai (Sâu trong cung Quảng Hàn có một cành mai). Hai câu ghép lại thành một vế đối rất chỉnh. Các quan thì phục tài Quý Ly còn vua thì vô cùng kinh ngạc bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai,vẫn ở trong cung cấm chưa từng bước chân ra ngoài, nơi ở của công chúa lại có tên là Quảng Hàn do chính nhà vua đặt, người ngoài không thể biết. Quý Ly thực tình tâu lại sự việc trước. Nhà vua cho là duyên trời định, bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Chính sử thì chỉ chép Trần Nghệ Tông gả em gái là công chúa Huy Ninh (con của vua Trần Minh Tông, chồng của nàng là Trần Nhân Vinh đã bị Dương Nhật Lễ giết) cho Hồ Quý Ly vào năm 1371. Từ đó, mối quan hệ giữa Quý Ly và vương triều Trần càng trở nên khăng khít, chặt chẽ.
Từ cái chết của Trần Phế Đế đến 370 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần
Hồ Quý Ly ngày càng được nắm giữ nhiều quyền hành quan trọng trong triều đình. Tháng 5 năm 1371, Quý Ly được thăng chức Khu mật viện đại sứ, đứng đầu Khu mật viện, được tham dự chuyện triều chính. Đến tháng 9 cùng năm lại được gia phong danh hiệu Trung tuyên quốc thượng hầu. Năm 1379 lại được giữ chức Tư không kiêm Hành khu mật đại sứ, năm sau 1380 lại được giữ chức Nguyên nhung hành Hải Tây Đô thống chế, năm 1387 lại được phong làm Đồng chương bình sự, có quyền tham gia công việc quan trọng trong triều. Vua Trần Phế Đế (tức Trần Hiễn) thấy Quý Ly có nhiều mưu đồ phát triển thế lực riêng mới bàn với Thái úy Trần Ngạc (con trưởng Trần Nghệ Tông) tìm cách trừ đi để đề phòng hậu họa. Không ngờ chuyện đến tai Quý Ly do có người hầu vua học tên là Vũ Như Mai mật báo.
Quý Ly bèn chạy đến gặp Thượng hoàng Nghệ Tông mà tâu rằng: “Cổ lai chỉ bỏ cháu nuôi con, chứ ai thấy bỏ con nuôi cháu bao giờ”. Thượng Hoàng nghe lời Quý Ly, liền xuống chiếu trách vua Phế Đế trẻ con, có ý làm hại kẻ công thần, làm nguy cho xã tắc nên giáng xuống làm Minh Đức đại vương và lập Chiêu Định Vương (con của Nghệ Tông) nối ngôi, tức là vua Trần Thuận Tông. Thấy Thượng Hoàng mê muội, một số tướng lĩnh gồm Thiết liêm quân Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi; Thiết giáp quân Nguyễn Kha, Lê Lặc, Thiết sang quân Nguyễn Bát Sách, Tri thẩm hình viện sự Lê Á Phu và học sinh Lưu Thường muốn đem quân vào cứu nhưng Phế Đế viết hai chữ “Giải Giáp” ngăn lại, ý muốn không được làm trái với lời Thượng Hoàng. Sau đó Phế Đế bị thắt cổ chết, tất cả các tướng lĩnh trên cũng đều bị giết hại.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 5/1391, Quý Ly sai Nguyễn Nhân Liệt giết nốt Thái úy Trần Ngạc là người tán thành với Phế Đế kế hoạch trừ khử Quý Ly. Tháng 2/1932, thêm một tôn thất nhà Trần nữa là Trần Nhật Chương cũng bị giết vì muốn trừ bỏ Quý Ly. Cho đến tháng 2/1935, thêm một loạt tôn thất nhà Trần cùng các tướng lần lượt bị Hồ Quý Ly tiêu diệt bao gồm Trần Nguyên Uyên, Trần Nguyên Dận, tướng Phan Mãnh, tướng Chu Bình Khuê. Năm 1397, Quý Ly ép vua Thuận Tông phải nhường ngôi cho con để đi tu. Quý Ly lúc đó đã giữ đến chức Phụ chính Thái sư, quyền lực lên đến tột đỉnh. Một năm sau đó, Quý Ly sai người về Thanh Hóa giết nốt vua Thuận Tông (vua Thuận Tông lấy Khâm Thánh là con gái Quý Ly, như vậy cũng chính là con rể của Quý Ly).
Năm 1399, một số tôn thất nhà Trần với những người đứng đầu gồm Thái Bảo Trần Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân và em là Trần Nguyên Hạng mở Hội thề trên núi Đốn Sơn, cùng mưu diệt Quý Ly. Quý Ly khi đó cũng ngồi trên lầu cao để xem. Phạm Thu Tổ và Phạm Ngưu Tất cầm gươm tiến lên lầu, định xử trí ngay tại chỗ. Nhưng không hiểu vì sao lúc đó Trần Khát Chân trừng mắt ngăn lại. Quý Ly chột dạ đi xuống lầu về ngay, có vệ sĩ theo cùng. Ngưu Tất mới vứt gươm xuống đất mà than rằng: “Cả lũ chết thôi!”. Quả nhiên việc bại lộ, toàn bộ tôn thất, các tướng và thân đảng liên quan tới vụ việc gồm 370 người cùng gia quyến đều bị giết sạch, con gái bị bắt làm tì, con trai từ một tuổi trở lên hoặc chôn sống, hoặc dìm nước cho chết. Những nhân vật chủ chốt bị hành hình bao gồm Trụ quốc Trần Nhật Đôn, Thái Bảo Trần Hãng, các tướng Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hạng, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất...đều bị chém trên núi Đốn Sơn. Sử chép rằng khi Trần Khát Chân sắp bị hành hình, gào lên ba tiếng. Chết qua ba ngày mà sắc mặt vẫn như lúc còn sống, ruồi nhặng không dám đậu vào. Sau đó, nếu vùng ấy gặp đại hạn mà khấn ngài cầu mưa thì linh ứng ngay.
Sau cuộc đại thanh trừng này, đến năm 1400, Hồ Quý Ly phế truất hẳn vua Trần mà lập nên nhà Hồ. Nhưng nhà Hồ cũng chỉ tồn tại được 7 năm thì sụp đổ. Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng đều bị bắt giải về Kim Lăng (Trung Quốc) rồi chết bên đó.
Hình ảnh thêm về Giải mã kỳ án Hồ Quý Ly và vụ thảm sát 370 tướng lĩnh, tôn thất nhà Trần