Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận
Đại Sư Huệ Hải
Cúi đầu lễ mười phương chư Phật, chư đại Bồ Tát, đệ tử nay làm tập luận này. Nếu không hiển thánh tâm nguyện sẽ sám hối, nếu hợp thánh lý thì nguyện xin tất cả giống hữu tình kiếp sau sẽ thành Phật đạo.
1-Phải tu pháp nào để được giải thoát -Chỉ có tu pháp môn Đốn Ngộ mới được giải thoát.
2-Thế nào là giải thoát -Đốn là trừ vọng niệm, ngộ là biết không được gì.
3-Tu từ đâu -Tu từ gốc.
4-Thế nào là tu từ gốc -Tâm là gốc.
5-Làm sao biết tâm là gốc -Kinh Lăng Già nói: Tâm sinh thì chủng chủng pháp sinh, tâm diệt thì chủng chủng pháp diệt.
Kinh Duy Ma nói: Muốn được tịnh thổ, thì tâm phải tĩnh, tâm tĩnh thì Phật thổ tĩnh.
Kinh Di Giáo nói: Nếu để tâm ở một chỗ thì không việc nào không xong.
Kinh nói: Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, kẻ ngu cầu Phật chẳng cầu tâm. Người trí điều tâm, kẻ ngu điều thân chẳng điều tâm.
Kinh Phật Danh nói: Tội do tâm sanh và cũng từ tâm diệt.
Do đó ta biết thiện ác đều do tâm sanh. Vì đó tâm là gốc. Nếu muốn giải thoát, trước hết phải biết gốc. Nếu không biết lý này thì chỉ phí công uổng sức. Nếu cứ tìm tướng bên ngoài thì không có chỗ.
Kinh Thiền có nói: Nếu tìm tướng bên ngoài thì trải nhiều kiếp, kết quả cũng là không. Ngược lại nội quán, chỉ trong một niệm là chứng Bồ Đề.
6-Nếu tu gốc, lấy pháp gì tu -Chỉ tọa Thiền, thiền định là được.
Kinh Thiền có nói: Muốn cầu thánh trí của Phật thì phải thiền định, nếu không thiền định thì niệm tưởng náo động làm hại gốc lành.
7-Thế nào là Thiền, thế nào là Định -Vọng niệm chẳng sanh là Thiền, tọa kiến bản tánh là Định. Bản tánh là tâm chẳng sanh. Định là đối cảnh không tâm. Tám gió không thể động.
Tám gió là : lợi, suy, hủy, cử, xung, cơ, khổ, lạc. Nếu định được như thế thì tuy là phàm phu tức vào Phật vị. Vì sao ?
Kinh Bồ Tát Giới có nói: Chúng sanh thọ Phật giới tức vào Phật vị. Người được như thế gọi là người giải thoát, đạt được bờ bên kia, vượt sáu độ, vượt ba giới là bậc đại Bồ Tát, vô lượng lực tôn, là bậc đại trượng phu.
8-Tâm trú ở chỗ nào -Tâm trú ở nơi không trú.
9-Thế nào là ở nơi không trú -Không trú ở nơi nào cả là trú ở nơi không trú.
10-Thế nào là không trú ở một nơi nào cả -Là không trú ở một nơi nào. Thiện ác, có không, trong ngoài, trung gian, không, bất không, định, bất định, không trú ở bất cứ chỗ nào. Được tâm ấy gọi là tâm vô trú. Vô trú là tâm Phật.
11-Tâm giống vật gì -Tâm không xanh không vàng, không đỏ không trắng, không dài không ngắn, không đến không đi, không bẩn không sạch, không sanh không diệt, trạm nhiên thường tịch. Đó là bản tướng của bản tâm là bản thân, cũng là Phật thân.
12-Thân tâm lấy gì để thấy? Mắt, tai, mũi, thân tâm -Không dùng những loại này.
13-Không dùng những thứ đó thì dùng thứ nào -Dùng tự tánh, vì sao? Vì tự tánh bản lai thanh tịnh, vốn trống không. Trong cái không tịch này có thể sinh ra tánh đó.
14-Cái thể thanh tĩnh đó không nhận ra thì lý đó ở đâu mà có -Như trong gương không có một tướng nào, nhưng có thể chiếu tất cả mọi tướng, vì sao? Vì gương vô tâm. Nếu người học tâm không nhiễm, vọng tâm không sanh, tâm sở bị diệt, tâm liền thanh tĩnh, có thể hiểu lý đó.
Kinh Pháp Cú nói: Trong không có thể lập là thiện tri thức.
15-Trong kinh Niết Bàn, phẩm Kim Cang thân nói: Không thấy mà thấy, không biết mà biết là sao -Vì thể của tự tánh là vô hình nên không thể thấy. Thể tịch trạm nhiên, không có đến đi, không lìa đời mà cũng không bị đời lôi cuốn, thản nhiên tự tại, nên thấy rõ ràng. Vì tự tánh vô hình, vô phân biệt nên gọi là không có người biết, vì thế không phân biệt có nhiều Dụng, mà cái Dụng đó có thể phân biệt tất cả không cái gì là không biết nên gọi là chẳng gì không biết.
Kinh Bát Nhã nói rằng: Bát nhã vô tri, vô sự bất tri bát nhã vô kiến, vô sự bất kiến.
16-Kinh nói: Không thấy có không là chân giải thoát, thế nào là thấy có không - Chứng được tâm tĩnh là có. Tâm tĩnh không sanh vọng tưởng gọi là chẳng thấy có. Khi được tâm không sanh không trú mà không nghĩ rằng mình được tâm ấy được gọi là chẳng thấy không.
Kinh Niết Bàn nói: Thấy biết mà tạo ra chỗ thấy biết đó là gốc của vô minh, không tạo ra chỗ thấy biết gọi là giải thoát hay Niết Bàn.
17-Thế nào là không chỗ thấy -Nhìn người nam, nữ và tất cả mọi sắc tướng mà không khởi lòng yêu ghét.
18-Đối với sắc tướng thì gọi là thấy, khi không có sắc tướng có gọi là thấy không - Cũng thấy.
19-Có vật thì nói là thấy, không có vật sao cũng gọi là thấy -Chẳng kể có vật hay không đều thấy, vì sao? Vì tánh thấy thường có. Do đó vật tự đi đến, nhưng tánh thấy không đi, đến. Các căn khác đều như thế cả.
20-Ngay khi thấy vật, trong chỗ thấy có tạo ra vật không -Trong chỗ thấy không tạo ra vật.
21-Ngay khi thấy không vật, trong chỗ thấy không tạo ra không vật chứ -Trong chỗ thấy không tạo ra không vật.
22-Có tiếng thì có nghe, không tiếng thì còn nghe không -Có nghe.
23-Có tiếng thì có nghe, không tiếng thì làm sao nghe -Dù có tiếng hay không thì cũng có nghe, vì sao? Vì tánh nghe là thường có.
24-Vậy người nghe là ai -Là tự tánh, cũng gọi là cái biết.
25-Đốn ngộ lấy gì làm tông? Lấy gì làm Chỉ? Lấy gì làm Thể? Lấy gì làm Dụng - Lấy vô niệm làm tông, vọng tâm không khởi làm Chỉ, thanh tĩnh làm Thể, lấy trí làm Dụng.
26-Nói vô niệm làm tông, không biết vô niệm về cái gì -Vô niệm là vô tà niệm, chứ không nói chính niệm.
27-Sao gọi là tà niệm? Sao gọi là chánh niệm -Không niệm có, niệm không là tà niệm, không niệm có, không là chánh niệm. Các ý tưởng khổ, vui, sanh diệt, vui buồn . . . đều là tà niệm.
28-Thế nào là chánh niệm -Duy niệm Bồ Đề.
29-Bồ Đề có nắm được không -Không.
30-Nếu không nắm được sao chỉ niệm Bồ Đề -Bồ Đề là mượn chữ đặt tên, chứ không thật nắm được nó, nên không có chỗ niệm, không chỗ tâm bám vào nên là giải thoát.
31-Thế nào là Phật hạnh -Chẳng làm một hạnh nào cả, còn gọi chánh hạnh, hay thánh hạnh, chẳng làm có không, yêu ghét. Phẩm Bồ Tát quyển V của kinh Đại Luật có nói: Các vị thánh chẳng làm các hạnh chúng sanh.
32-Thế nào là chánh kiến -Thấy không chỗ thấy.
33-Thế nào là thấy không chỗ thấy -Khi thấy không bị ô nhiễm, mắt đó gọi là Phật nhãn.
34-Lấy trí làm Dụng, thế nào là trí -Nếu biết hai tánh đối lập là không thì được giải thoát. Biết hai tánh là không là biết phân biệt thiện ác, yêu ghét, . . . Đó là cái Trí. Biết phân biệt hai tánh là không là Thể, không nghi là Dụng.
35-Vào tu Đốn Ngộ, dùng phương pháp nào -Bố thí Ba La Mật.
36-Pháp tu của Bồ Tát là lục Ba La Mật, sao đây chỉ có Bố thí thì làm sao vào được -Người mê không hiểu vì từ Bố thí Ba La Mật mà các thứ kia sanh ra.
37-Thế nào là Bố Thí -Là buông bỏ.
38-Buông bỏ cái chi -Buông bỏ hai tánh.
39-Buông bỏ hai tánh nào -Là buông bỏ tốt xấu, có không, thương ghét, không và không không, định, không định, sạch bẩn. Buông hết, bố thí hết thì biết hai tánh là không. Đừng nghĩ mình biết hai tánh là không cũng đừng nghĩ là mình bố thí thì đó mới là Bố Thí Ba La Mật, là dứt hết mọi duyên. Duyên không, pháp tánh không nên được vô tâm. Vô tâm là thực tướng là Phật, cho nên kinh Kim Cương có nói: Lìa tất cả các tướng là Phật.
40-Phật nói sáu pháp, sao nay chỉ nói một pháp là đủ -Kinh Tư Ích nói: Võng Minh Tôn giả gọi một vị Phạm thiên và bảo: Bố Thí Ba La Mật : buông bỏ mọi phiền não, trì giới Ba La Mật chẳng khởi một vọng pháp nào, tinh tấn Ba La Mật : lìa tướng của vạn pháp, thiền định Ba La Mật: không bám vào một pháp nào, trí tuệ Ba La Mật: không bàn nhảm về một pháp nào. Đó là lục pháp Ba La Mật. Kẻ ngu thì thấy sáu là sáu nhưng người trí thì thấy sáu chỉ là một. Mỗi việc là một chuyên và dùng một phương pháp chỉ dùng chữ mà đặt tên khác thôi.
41-Tam học đẳng dụng là những thứ gì -Đó là :Giới, Định, Huệ.
42-Giới, Định, Huệ là gì -Giới: trong sạch, Định: không động, Huệ: là biết tâm trong sạch, không động về vật bên ngoài nhưng hành động như không biết.
43-Lúc tâm trú không, có chấp không -Không.
44-Khi tâm ở không thì không bám vào không sao -Nếu tâm nghĩ trú ở không thì dính vào không.
45-Khi tâm ở chỗ không trú thì không bám vào chỗ không trú sao -Khi tâm ở chỗ không trú thì chẳng có chỗ nào để trú cả. Quá khứ, vị lai, hiện tại: không nắm giữ được. Khi tâm muốn đi hay ở nhưng không đi hay ở theo thì tâm tự dứt, tức là Phật tâm, gọi là chứng được Vô sanh pháp nhẫn.
46-Chỉ khi ngồi mới dụng tâm sao -Cả khi đi, đúng, nằm, ngồi.
47-Kinh Phương Quảng nói: năm loại tướng pháp thân. Vậy năm pháp thân này ở thân là cái gì -Có:
Thực tướng pháp thân: không thể hư hoại. Công đức pháp thân: gồm nhiều loại sắc tướng. Pháp tính pháp thân: không có vọng tâm
Ứng hóa pháp thân: ứng.
Hư không pháp thân: không có gì để được.
48-Đẳng giác và Diệu giác là gì -Đẳng giác: biết sắc bằng không, không bằng sắc. Diệu giác: sắc và không đều là không.
49-Đẳng và Diệu giác là cùng hay khác -Đẳng giác và Diệu giác cùng một thể, khác nhau là một đằng thành Bồ Tát, một đằng thành Phật.
50-Kinh Kim Cương nói: chẳng nói ra được gọi là thuyết pháp, nghĩa là sao -Trí Bát nhã vốn trong sạch nên không nắm được một vật gì, lại có vô số diệu dụng nên không gì là không biết.
51-Kinh nói: Nếu một người tụng kinh Kim Cương bị người chê cười là bởi vì đáng lẽ ra vào đường dữ nhưng do bị khinh chê nên tội ác được tiêu trừ.
-Vì bị chê nên mới tìm cầu Phật đạo.
52-Kinh nói có năm loại mắt là gì -1 nhục nhãn: thấy sắc trong sạch -2 thiên nhãn: thấy bản thể
-3 huệ nhãn : thấy mức độ ô nhiễm
-4 pháp nhãn: không thấy chỗ thấy
-5 Phật nhãn: không gì không thấy.
53-Đại thừa và Tối thượng thừa là thế nào -Đại thừa: trở thành Bồ Tát Tối thượng thừa: trở thành Phật.
54-Tu thế nào để thành Phật -Tu Đại thừa sẽ thành Bồ Tát, Bồ tát không lo nghĩ gì nữa thì thành Phật.
55-Định nhiều, Huệ ít: không thoát được Vô minh
Định ít, Huệ nhiều: tà kiến
Định bằng Huệ: giải thoát
Nghĩa là sao -Biết phân biệt thiện ác là Huệ, không bị thiện ác lôi cuốn là Định. Định, Huệ bình đẳng là dùng ngang nhau.
56-Không nói ra lời là Định, trong khi đang nói có Định không -Có, vì đây là thường Định.
57-Thế nào là phàm thánh -Vì có đối lập.
58-Thế nào là ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt -Đạo thì nói thẳng ra lời, biết được ý Đạo thì được vô niệm, tâm không có chỗ định.
59-Như như là sao -Như như là không động.
60-Sắc tức không, không tức sắc phải là pháp Đốn Ngộ không -Phải.
61-Nghĩa là sao -Tâm nhiễm thì gọi là sắc, tâm không nhiễm thì gọi là không
62-Kinh nói: Pháp tận mà vô tận nghĩa là sao -Vì hai tánh đều là không nên tận hết vọng lại do đó có vô số Dụng nên vô tận.
63-Vậy tận và vô tận là một hay khác -Thể là một, nhưng nói ra thì khác.
64-Tại sao -Ví dụ trên không chỉ có một mặt trời, dưới đất có nhiều chậu nước. Mỗi chậu đều phản chiếu một mặt trời tròn, nhưng nếu nói chậu thì có khác.
65-Kinh nói các pháp chẳng sanh, chẳng diệt là các pháp nào -Ác pháp chẳng sanh, thiện pháp chẳng diệt.
66-Thế nào là ác, thế nào là thiện -Tâm nhiễm là ác, tâm không nhiễm là thiện. Khi tâm không nhiễm không lậu thì mới tròn đầy.
67-Kinh nói: Chúng sanh có giữ giới Phật thì mới thành Phật, nghĩa là sao -Giữ giới Phật nghĩa làm hạnh thanh tĩnh.
68-Phật và pháp cái nào có trước? Nếu Phật có trước thì Phật theo pháp nào? Nếu pháp có trước thì Phật nào nói pháp đó?
-Phật vừa có trước và sau pháp.
69-Vì sao có câu hỏi đó -Theo Vô vi thanh tịnh pháp thì pháp có trước, theo văn tự thì Phật có trước.
70-Thế nào là nói thông mà tông không thông -Lời nói và việc làm không đi đôi với nhau.
71-Thế nào là nói thông và tông cũng thông -Lời nói và việc làm ăn khớp với nhau.
72-Thế nào là đến mà chẳng đến, chẳng đến mà đến -Nói và làm phải ăn khớp với nhau.
73-Phật pháp chẳng dứt hữu vi, chẳng trú vô vi nghĩa là sao -Phật Thích Ca tu mọi pháp để được vô niệm nhưng không lấy vô niệm làm mục đích.
74-Có địa ngục hay không -Cũng có, cũng không.
75-Tại sao -Tâm nhiễm tạo ra địa ngục, tâm không nhiễm không có địa ngục. 76-Chúng sanh chịu khổ có Phật tánh không -Có.
77-Chúng sanh sa địa ngục, Phật tánh có cùng vào không -Không vào. 78-Vậy khi chúng sanh ở địa ngục thì Phật tánh ở đâu -Cũng cùng ở.
79-Khi chúng sanh chịu tội, Phật tánh có chịu không -Không.
80-Cùng ở địa ngục, sao lại không chịu khổ -Vì không có hình tướng.
81-Câu nói: Chuyển tám thức thành bốn trí, gom bốn trí thành ba thân, thì mấy thức thành một trí -Ba thức đầu: thành sở tác trí, thức thứ sáu: diệu quan sát trí, thức thứ bẩy: bình đẳng tánh trí, thức thứ tám: đại viên cảnh trí.
82-Bốn trí đó là cùng hay khác -Cùng thể, nhưng khác tên.
83-Dụng của các trí đó là sao -Vào các thức nhưng tâm vẫn bình thản phân biệt gọi là Thành sở tác trí, thấy hai tánh đều không là Bình đẳng tánh trí, thấy sắc mà tâm không là Đại viên cảnh trí.
84-Câu: Gom bốn trí thành ba thân, vậy có bao nhiêu trí thành một thân -Đại viên cảnh trí thành pháp thân. Bình đẳng tánh trí thành báo thân. Còn Thành sở tác trí và Diệu quan sát trì thành hóa thân.
85-Thế nào là thấy chân Phật -Chẳng thấy có, không.
86-Tại sao -Có, không nương nhau mà thành, cũng nương nhau mà diệt.
87-Có, không đã không thấy, sao thấy chân Phật -Không hỏi thì không đáp.
88-Thế nào là thường chẳng lìa Phật -Tâm không khởi niệm.
89-Vô vi là gì -Hữu vi.
90-Sao hỏi vô vi lại đáp hữu vi -Chân vô vi chẳng dính líu gì đến vô vi và hữu vi cả.
91-Trung đạo nghĩa là sao -Lìa hai bên.
92-Hỏi trung đạo sao lại đáp hai bên -Vì nương nhau mà có.
93-Năm ấm là thế nào -Sắc ấm: theo sắc mà thọ sanh. Thọ ấm: theo cảm thọ mà thọ sanh.
Tưởng ấm: theo tưởng thọ mà thọ sanh.
Hành ấm: theo hành thọ mà thọ sanh.
Thức ấm: theo thức thọ mà thọ sanh.
94-Kinh nói 25 cõi hữu là những cõi nào -Đó là những thân phải thọ sanh. 95- 25 cõi đó khác nhau thế nào -Gồm 10 điều ác, 10 điều thiện, năm ấm. 96-Xin nói thêm về pháp Vô niệm.
-Vô niệm là ở mọi nơi, tâm không động có 36 tướng tốt và ánh sáng vàng. Người được vô niệm vào Phật tạng có các Phật và các pháp.
97-Câu được vô niệm thì vào chỗ biết của Phật từ đâu ra -Từ vô niệm.
98-Thế nào là Đốn ngộ -Đốn: giải thoát ngay trong đời này. Tỷ dụ sư tử con vừa sanh ra đã là sư tử rồi. Ngộ là biết không có gì được.
99-Chân như có thật hay không? Có thật là còn có tướng, còn không thì là hết. Vậy chúng sanh phải theo pháp nào -Chân như là thân không diệu hữu. Chúng sanh phải tự độ chứ chư Phật không độ được ai.
100-Đời sau có những nhóm tạp học thì làm sao ở chung với họ -Hòa chung ánh sáng nhưng đừng chung việc làm.
Hãy nghe bài kệ sau:
Nhẫn nhục đệ nhất đạo
Trước tu trừ ngã, nhân
Sự đến không cảm thụ
Chính là Bồ Đề thân.
Kinh Kim Cương nói: Bồ Tát không chấp ngã và pháp mới thật là Bồ Tát. Kinh Niết Bàn nói: Như lai thấy Niết Bàn liền dứt sanh tử.
Sau đây là bài kệ:
Tôi nay có ý tốt
Người ta mắng chẳng buồn
Không nói lời nên chẳng.
Sanh tử Niết Bàn cùng
Gốc nhà đã được biết
Nguyên lai không cỏ xanh
Tất cả do phân biệt
Mới biết đời chẳng xong
Đã biết đời mạt thế
Rác rưởi đã dọn xong
Nay tôi bao dung lắm
Chẳng nói tâm rất an
Thong dong và giải thoát
Đi Đông Tây chẳng nan
Cả ngày im không nói
Mỗi niệm phân rõ ràng
Tự nhiên thấy được Đạo
Sanh tử được tương quan
Nay tôi có diệu ý
Chẳng vì người đời khi
Vinh hoa là hư ảo
Cơm áo có nghĩa gì Đạo gập người lười nói Người đời bảo tôi si
Bên ngoài là tối ám
Trong tâm sáng lưu ly
Hợp La Hầu mật hạnh
Người phàm có biết chi
101-Kinh Duy Ma có nói: Muốn vào Tịnh độ thì tâm phải tịnh. Làm sao để được tâm tịnh -Rửa tâm cho tịnh.
102-Làm sao cho tâm được sáng -Làm cho tâm không sáng mà cũng không không sáng đó là sáng.
103-Tại sao -Vì không mắc chỗ nào.
104-Người hành đạo lấy chỗ nào chứng -Lấy sự chứng.
105-Thế nào là chứng -Không chứng và không không chứng là chứng.
106-Là sao -Bên ngoài không nhiễm, bên trong không khởi vọng niệm.
107-Thế nào là tâm giải thoát -Không có giải thoát và không không giải thoát đó là chân giải thoát.
108-Thế nào là đắc Đạo -Lấy sự đắc rốt ráo.
109-Thế nào là đắc rốt ráo -Là không đắc rốt ráo và không không đắc rốt ráo là đắc rốt ráo.
110-Thế nào là trống không rốt ráo -Không trống không rốt ráo và không không trống rốt ráo là trống không rốt ráo.
111- Thế nào là chân như định -Không định và không không định là chân như định.
112-Thế nào là Trung Đạo -Không ở giữa, không ở hai bên. 113-Thế nào là hai bên -Có tâm này, tâm kia.
114- Sao gọi là tâm này, tâm kia -Tâm nhiễm sắc bên ngoài là tâm này, tâm vọng khởi niệm là tâm kia.
115- Nếu tu các hạnh được thành tựu Phật có thọ ký không -Không.
116- Nếu không tu hạnh nào mà được thành tựu Phật có thọ ký không -Không.
117- Vậy tu pháp nào mới được thọ ký -Chẳng tu hạnh và không không tu hạnh liền được thọ ký vì sao? Vì kinh Duy Ma có nói: Tánh tướng của các hạnh là vô thường .
Kinh Niết Bàn cũng có nói: Phật bảo Ca Diếp: Nếu nói các hạnh là thường tồn là vô lý. Tâm không vướng mắc thì chư duyên đều dứt, đó là được giải thoát. Nếu các ông không rõ thì hãy hỏi ngay, đừng để phí thời giờ. Nếu tu pháp này mà không được giải thoát thì tôi xin sa địa ngục và kiếp sau sẽ bị cọp và sư tử phanh thây; nhưng nếu các ông không tu vì không hiểu, thì thân này một khi đã mất thì muôn kiếp khó có lại. Cố lên. Cố lên. Cái hiểu rất quan trọng.