Giá được tận mắt chứng kiến cảnh ấy thì thật tuyệt vời. Nhưng đây là chuyện cũ hồi trước ông bà kể lại, không tin ư - có cây gáo trăm ngàn vết xước làm nhân chứng, đầy những dấu cọp quào. Bây giờ cả bãi đất và cây gáo cổ thụ chìm dưới lòng hồ chứa nước, cổ tích trọn vẹn cổ tích.
Cọp núi Lá, cá sông Hinh
Trong một bài viết trên tạp chí Đại Việt (Sài Gòn, 1943), học giả Lê Thọ Xuân thuật lại chuyến đi khảo sát vùng cao nguyên Vân Hòa và thung lũng Lỗ Chảo thuộc huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Đoàn của ông từ Tuy Hòa theo đường núi đến chân dốc Đồng Tranh, gặp “tốp người quảy gói gánh đồ, không cần ai rủ ai mà tự nhiên cùng nhau vầy đoàn leo núi. Cọp Phú Yên chắc đâu hiền hơn cọp Khánh Hòa”. Lê tiên sinh có nhắc câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, không rõ cụ có nghe câu “Cọp núi Lá, cá sông Hinh” cùng những chuyện cọp ở truông Bà Viên trên cao nguyên Vân Hòa và các nơi khác ở Phú Yên?
Núi Lá ở phía tây nam tỉnh, bên hữu ngạn sông Ba, trước thuộc huyện Sơn Hòa, nay thuộc huyện Sông Hinh. Núi Lá không cao nhưng đi sâu vào là vùng nhiều núi cao. Thật ra cọp không ở chỗ núi thật cao, những nơi ấy thiếu dã thú, lấy đâu làm mồi. Cọp núi Lá hay lang thang ra nơi rừng bụi thấp săn bắt.
Có câu chuyện một người thợ rừng khoe giỏi võ, cho rằng cọp hay chặn đường người giỏi võ để thử tài, hôm đó anh ta đi sớm, mấy phút sau đồng bạn mới theo chân, tại chỗ ấy họ thấy anh chống đòn xóc đứng yên, phía trước là con cọp nằm trong tư thế chuẩn bị tấn công. Họ hô hoán xua đuổi, con cọp phóng mất, anh thợ rừng kia mới hoàn hồn, mặt mày còn xanh xám.
Giây phút sau anh lắp bắp: “Tôi tới đây thì gặp... ổng, thấy ổng muốn xông lên tôi... tôi xuống tấn đợi, ổng sợ quá nằm yên thì mấy anh tới”. Các bạn hiểu rằng anh ta chết điếng, đứng như trời trồng và con cọp nhìn cây đòn xóc dựng đứng ngỡ anh ta thủ vững, còn chờ xem. Nếu họ không đến kịp, chưa biết sự thể sẽ ra sao.
Cao nguyên Vân Hòa, truông Bà Viên là nơi có tiếng nhiều cọp. Truông bắt đầu từ một con suối nhỏ, trải qua một đoạn dốc dài. Hai đầu truông là rừng thưa cây thấp rồi gò cỏ mênh mông. Cọp rình rập hai bên truông và những ngày mưa phùn lắc rắc còn ra kiếm mồi ở khoảnh rừng thưa. Phải đợi bốn năm người mới dám đi qua truông, mỗi đầu truông đặt sẵn nhiều cây gậy vót nhọn, mỗi người cầm lấy vác đứng trên vai, cọp không dám phủ xuống. Hết truông để gậy lại cho những bộ hành ngược chiều dùng tiếp.
Ở xóm Láng có ông Mười Lập chuyên gài cọp. Ông có tướng tinh dữ, cọp cũng phải ngán. Ông đã giết nhiều cọp, nhưng đi rừng một mình không bao giờ gặp cọp. Sợi dây gài cọp gọi là sợi đỏi. Người tuổi cao, đạo đức mới đánh được sợi đỏi săn và chắc, khi bị cọp trì kéo không giãn, không đứt vì lỡ sợi đỏi đứt, tai họa khôn lường. Cọp bị mắc bẫy, ta dùng một sợi dây mây thắt thòng lọng tròng vào cổ nó để kết liễu cuộc sống nhanh chóng, nếu đâm bằng giáo mác cọp sẽ bắt lấy, vùng vẫy chống cự. Người ta nói: “Ổng chỉ sợ thần vòng”.
![]() |
Những chủ đồn điền người Pháp săn cọp tại Tây nguyên hồi đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu của Bảo tàng Albert Kahn |
Chuyện cọp dân gian
Tục ngữ về kinh nghiệm dân gian có câu: cẩu kỵ thổ, hổ kỵ thạch. Giải thích: gặp con chó hỗn ta ngồi xuống đất, vói tay ra sau, chó không dám đến. Gặp cọp, ta nhặt viên đá giơ lên, chứng tỏ ta cũng có vũ khí, nhưng không được ném. Nếu ta ném, cọp biết ta không còn gì phòng thân, vồ ngay.
Thiên hạ kể với nhau hồi Pháp thuộc có một ông Tây và anh bồi đi đường núi, chợt đằng xa xuất hiện một con cọp. Anh bồi không biết tiếng Tây gọi cọp là gì, đành vừa run run chỉ trỏ, vừa dài dòng nói cho chủ biết: “Me-xừ, me-xừ. Lũ, lũy... Lũy tí ti rôn, lũy tí ti noa, lũy com-mơ bớp, lũy nơ ba bớp, lũy gầm, lũy gừ, lũy măng-rê me-xừ, lũy măng-rê moa (Ông, ông. Nó, nó... Nó tí ti vàng, nó tí ti đen, nó như con bò, nó không - phải - con bò, nó gầm, nó gừ, nó ăn ông, nó ăn tôi)”. Một bài văn miêu tả song ngữ, hay đấy chứ!
Xưa hơn nữa, khi cọp vào làng, người ta gõ mõ, đánh trống, cùng nhau la lối xua đuổi. Cọp chả sợ. Cũng như cọp ít sợ súng bắn. Khi tiếng nổ phát ra, ánh lửa lóe lên, nếu đạn không trúng ngay chỗ nhược chết liền, cọp sẽ tức khắc theo hướng sáng phóng tới vồ xạ thủ. Cọp chỉ sợ bắn cung, một tiếng xào nhẹ nhàng, mũi tên bay tới không biết hướng nào để đoán định. Bởi vậy, cọp nói với người: “Lốc cốc là gốc tre khô, thùng thùng là da trâu thúi, hụi hụi là mầy đuổi tao, nghe cái xào tao mới sợ”. Không biết nhà tư vấn nào gà cho cọp câu ấy?
Đọc sách thấy thời Minh Mạng, vua sai bộ Binh cử lính thiện xạ đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận trừ ác thú. Mỗi người lĩnh 100 phát thuốc đạn, giết được một con cọp thưởng 15 quan, sau tăng lên 30 quan. Nếu toàn bắn sẩy, căn cứ vào số đạn dược phí tổn phạt đánh roi.
Thế thì số lượng cọp ở Phú Yên đâu thua các tỉnh bạn, tuy không rùng rợn, ma quái như Tchya từng kể trong các tác phẩm Thần hổ hay Tiếng ai hú giữa rừng khuya. Nổi tiếng dữ nhất là “ông Đụng”, con cọp ba chân bị giết sau này tại Bình Thạnh, nay thuộc thị xã Sông Cầu, đầu thế kỷ 20, được công sứ A. Laborde thuật lại trong bài viết trên tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH-1929). Các quan An Nam chỉ cho A. Laborde thấy 17 vết xước trên tai cọp, giải thích là mỗi khi hạ một người, cọp cào lên tai một đường làm dấu, như vậy con cọp đã ăn 17 người!
Trước đó, hồi cuối thế kỷ 19, một buổi sáng người ta thấy một con cọp lớn gầy ốm, buồn bã, ủ rũ nằm bên chân dốc Trạm, xóm Chợ Đồn, huyện Sơn Hòa. Trai tráng rủ nhau đến xua đuổi, con cọp uể oải, chậm chạp vào nằm trong sân chùa Linh Phước, hôm sau biến mất không biết đi đâu. Dân xóm bảo là “ông cọp tu”.
Chuyện cọp nơi làng quê nói với nhau khi xúm xít trên thềm, hoàng hôn vừa xuống, ngoài sân tranh tối tranh sáng, thích mà sợ, mỗi người đều nhẹ nhàng len lén ngồi lấn vào phía trong mới thú vị. Bây giờ thường thấy trên tivi nào cọp, beo, sư tử, voi, gấu, tê giác... thành ra gần gũi, thỉnh thoảng vào sở thú xem mấy con cọp thẫn thờ, không còn chút oai vệ. Cụ Nhất Linh và cụ Thế Lữ đều đã ra người thiên cổ, chẳng còn ai để nhớ rừng nên những chuyện cọp hóa ra lạt xèo vậy!
TRẦN HUIỀN ÂN
Hình ảnh thêm về Cọp đâu chỉ ở Khánh Hòa