“Tùng hạ vấn đồng tử, ngôn sư thái dược khứ, chỉ tại thử sơn trung, vân thâm bất tri xứ” (tạm dịch: Dưới gốc thông hỏi trẻ, rằng thầy hái thuốc xa, bên trong ngọn núi này, mây nhiều biết nơi đâu), đây là một bài thơ nổi tiếng mà người dân Trung Quốc ai ai cũng biết đến, bài thơ này nói về Giả Đảo ôm hy vọng đi thăm hỏi một vị ẩn sĩ, nhưng vì ẩn sĩ đang đi hái thuốc ở trong núi, vì không gặp mặt được mà cảm thấy thất vọng, nên ông viết bài thơ “tầm ẩn giả bất ngộ” – tìm ẩn sĩ không gặp.
Những ẩn sĩ của thời xưa xem nhẹ danh lợi, gửi tâm tư tình cảm của mình vào trong thú điền viên, thong dong nơi núi rừng, lánh xa nhân thế để che đậy ánh hào quang của mình, không đáp lại lời mời gọi tốt đẹp của triều đình, đứng trước vinh hoa phú quý vẫn không chút lay chuyển, mà chỉ tu thân để tự thăng hoa siêu xuất.
Cách thức kết giao của các ẩn sĩ thời xưa rất đặc biệt, có người uống rượu ca hát, dùng văn thơ để kết giao bằng hữu, cùng nhau bàn luận đạo lý kỳ diệu của Huyền học và Kinh Dịch. Cũng có người thì dùng những khúc nhạc, ngân giọng để kết giao bạn bè, không cần dùng lời nói mà đã hiểu rõ tâm ý của nhau.
Đào Uyên Minh, tự Nguyên Lượng, khi về già đổi tên thành Đào Tiềm, tự là Uyên Minh, ông là người ở huyện Sài Tang quận Tầm Dương. Uyên Minh cùng cao tăng Tuệ Viễn, Lưu Khiển Dân được gọi là Tầm Dương tam ẩn – tức ba ẩn sĩ của đất Tầm Dương. Tổ tiên của Đào Tiềm bắt đầu từ Đào Đường Thị, tổ tiên xa là Đan Chu tộc từng được vua Thuấn đãi ngộ, trải qua mấy triều đại. Vì thời thế hỗn loạn và ngày càng trở nên tồi tệ, nên các thế hệ tiền nhân của Đào Tiềm có người ra làm quan, có người sống ẩn cư. Ông cố của Đào Tiềm là Đào Khản, là Đại tư mã của Đông Tấn.
Đào Uyên Minh từ nhỏ đã có chí hướng cao xa, vì bên cạnh nhà ông có 5 cây liễu, nên ông từng sáng tác tác phẩm “Ngũ Liễu tiên sinh truyện”, dùng để so sánh bản thân mình. Vì vậy mọi người gọi ông là “Ngũ Liễu tiên sinh”. Tính cách của ông an nhàn yên tĩnh, rất ít nói, không tính toán thiệt hơn, an nhiên vui với Đạo, không ham muốn vinh hoa lợi lộc, khi đọc sách thường hay quên ăn quên ngủ. Ông đã để lại tác phẩm mang khí chất “không vì năm đấu gạo mà cong lưng” với ý cảnh rộng lớn cao xa.
Đào Uyên Minh đã từng ra làm quan mấy lần, ông từng làm quan Tư tế Giang Châu, sau lại giữ chức Tham mưu, tuy nhiên trong cục diện chính trị hỗn loạn của thời bấy giờ, quan trường chỉ toàn sự giả dối và tâng bốc nịnh hót. Đào Uyên Minh xưa nay luôn là một người sống thật với tính cách của mình, nên ông hoàn toàn không thể thích ứng được với môi trường làm quan. Cuối cùng có một lần Uyên Minh đảm nhận chức huyện lệnh Bành Trạch, mới được hơn 80 ngày, ông liền nói rằng mình “đâu thể vì năm đấu gạo mà cong lưng?”, ông cởi mũ quan xin được rời đi, và viết ra bài văn “quy khứ lai từ”, quay về với tiếng gọi của núi rừng:
“Quy khứ lai hề, điền viên tương vu hồ bất quy?….. Đăng đông cao dĩ thư khiếu, lâm thanh lưu nhi phú thi, liêu từ hóa dĩ quy tận, lạc phu thiên mệnh phục hề nghi”.
Diễn giải ý tứ là: Hãy quay về đi! Ruộng vườn sắp trở nên hoang vu, tại sao ta vẫn không quay về chứ? Leo lên ngọn núi phía đông ta huýt sáo bày tỏ cảm xúc của mình, đứng trước dòng nước trong vắt ta ngâm đọc thơ ca. Đi theo con đường số phận chỉ đi đến tận cùng của cuộc sống, an nhiên vui vẻ với số phận trời định cho mình, không còn hoài nghi gì nữa.
Đào Uyên Minh không muốn tranh giành danh lợi trong quan trường, ông nghe theo tiếng gọi “chân thật” trong lòng mình, từ quan về ở ẩn, “thuyền trôi chầm chậm về nơi xa, gió thổi nhè nhẹ bay tay áo”, ông nóng lòng muốn bước lên con thuyền nhỏ trở về nhà, để cho những cơn gió dịu nhẹ thổi bay tay áo. Có lẽ những lối nhỏ trong ruộng vườn có chút hoang vu, cây thông và hoa cúc mà mình tự tay trồng vẫn ngang nhiên đứng thẳng. Thật sự vui sướng biết bao khi đối mặt với tất cả những tâm tư tình cảm này, cuộc sống ruộng vườn với hình ảnh chồng cày ruộng phía trước, vợ cuốc đất sau nhà thật yên bình và tuyệt đẹp biết bao!
Đào Uyên Minh (ảnh minh họa: Wikipedia).
Bàng Đức Công – tự Thượng Trường, là người nổi tiếng ở Tương Dương (nay thuộc Tương Dương, Hồ Bắc). Ông sống vào những năm cuối Đông Hán – tức những năm Kiến Ninh của Hán Linh Đế, cho đến những năm Chương Vũ của Chiêu Liệt Đế Lưu Bị nhà Thục Hán vào thời Tam Quốc.
Một số thành phần trí thức của xã hội Trung Quốc thời xưa xem việc vừa canh tác trồng trọt vừa học tập chữ nghĩa hoặc dạy học là cách sống hợp lý, hình thức này gọi là canh độc, “canh độc truyền gia” nghĩa là vừa học làm người và vừa lao động mưu sinh, từ đó hình thành một loại “văn hóa canh độc”.
Trong “Bàng Thống truyện” của Thục Thư nằm trong Tam Quốc Chí có ghi chép: Bàng Đức Công thường xuyên qua lại với Từ Thứ, Tư Mã Huy, Gia Cát Lượng khi đó đều đang ẩn cư tại Tương Dương, họ thường hay cùng nhau uống rượu trò chuyện, hoặc gảy đàn tâm sự, an nhiên tự tại. Bàng Đức Công gọi Gia Cát Lượng là “Ngọa Long”, Tư Mã Huy là “Thủy Kính”, Bàng Thống là “Phượng Sồ”.
Mỗi lần Gia Cát Lượng đến thăm Bàng Đức Công, ông luôn quỳ lạy ở bên dưới giường, vô cùng cung kính. Sau này mọi người dùng câu “sàng hạ bái Bàng” (Bàng lạy dưới giường) để thể hiện sự tôn kính nhân tài kiệt xuất. Vì vậy mà Hoàng Đình Kiên để lại câu thơ “sàng hạ bái lão Bàng”. Tư Mã Huy và Bàng Đức Công qua lại thân thiết, mỗi lần gặp lúc Bàng Đức Công không có nhà, Tư Mã Huy đều đi thẳng vào trong nhà của Bàng Đức Công, kêu người nhà của Bàng Đức Công nấu cơm tiếp đãi mình.
Cháu trai của Bàng Đức Công là Bàng Thống, khi Bàng Thống còn nhỏ, không ai có thể nhận biết được tài trí của Bàng Thống, chỉ có một mình Bàng Đức Công xem trọng và đào tạo Bàng Thống. Sau này Bàng Thống trở thành Trung lang tướng dưới trướng của Lưu Bị, cùng với Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị.
Bàng Đức Công cùng vợ mình sống trên Ngư Lương Châu ở Miên Thủy của núi Hiện Sơn, ngày thường trồng trọt ở đồng ruộng, vợ chồng kính trọng nhau như khách quý. Những lúc rảnh rỗi, gảy đàn đọc sách để làm niềm vui.
Thứ sử Kinh Châu Lưu Biểu nhiều lần mời gọi Bàng Đức Công vào phủ, nhưng đều bị Bàng Đức Công từ chối. Lưu Biểu vì muốn thể hiện thành ý nên đã đích thân đi mời Bàng Đức Công, nhưng vẫn bị Bàng Đức Công từ chối, còn Lưu Biểu thì thành khẩn muốn tìm được nhân tài. Lưu Biểu nói với Bàng Thống rằng: Ngài bảo toàn bản thân mình, tại sao không ra làm quan để bảo toàn thiên hạ?
Bàng Đức Công mỉm cười nói rằng: Chim hồng chim hộc vì an toàn mà xây tổ trên cây cao, rùa và cá sấu vì an toàn mà đào hang nơi nước sâu, chúng đều là vì muốn có một nơi an toàn để nghỉ ngơi. Hành vi và sự lựa chọn của con người cũng giống như tổ ấm của con người, vạn vật trên thế gian đều là mong muốn có được một nơi an toàn để nghỉ ngơi thư giãn, thiên hạ đâu phải tôi và ông có thể bảo toàn được”.
Lưu Biểu chỉ tay vào người vợ và con cái của Bàng Đức Công đang trồng trọt ngoài ruộng, và hỏi Bàng Đức Công rằng: “Tiên sinh khom lưng trồng trọt trong ruộng, không vì công danh lợi lộc, ngài có thể để lại cho con cháu được gì chứ?”.
Bàng Đức Công đáp rằng: “Người trong thiên hạ để lại danh lợi cho con cháu, chỉ mang đến nguy hiểm cho con cháu. Thứ mà tôi để lại cho con cháu là canh độc an cư, chẳng qua thứ mà tôi và người đời để lại không giống nhau mà thôi”.
Sau đó, Bàng Đức Công dẫn theo vợ con cùng nhau đi lên núi Lộc Môn hái thuốc và không quay trở lại nữa. Lý Bạch có câu thơ: “Chung thân tê Lộc Môn, bất nhập Tương Dương thị” (dịch nghĩa: cả đời ở Lộc Môn, không vào thành Tương Dương). Những câu thành ngữ “sống ẩn Lộc Môn”, “không qua tường thành”, “hái thuốc Bàng Công”, “Lộc Môn hái thuốc”, “hái thuốc không về”, “ông Bàng dời nhà” đều được bắt nguồn từ đây.
Tranh vẽ Bàng Đức Công trong “Vãn tiếu đường trúc trang họa truyện”.
Tôn Đăng, tự Công Hòa, hiệu là Tô Môn tiên sinh, là người của huyện Cộng quận Cấp trong thời kỳ Tam Quốc. Quanh năm ẩn cư tại núi Tô Môn, ông học rộng hiểu nhiều, đọc thuộc các cuốn “Dịch Kinh”, “Lão Tử”, “Trang Tử”, am hiểu âm luật, thường xuyên gảy nhất huyền cầm, sở trường là trường khiếu (một kiểu hát ngân nga thời xưa, người hát tạo ra âm thanh rất cao và xa, gần như tiếng hú vang vọng khắp một vùng). Trước tác của ông gồm có “Lão Tử chú”, “Trang Tử âm” đã bị đánh mất. Nguyễn Tịch và Kê Khang trong trúc lâm thất hiền (7 ẩn sĩ sống vào cuối nhà Ngụy và đầu nhà Tấn) đều từng thỉnh cầu Tôn Đăng chỉ giáo.
Tôn Đăng không có người nhà, một mình đào hang trên ngọn núi phía bắc ở trong quận để cư trú. Mùa đông hay mùa hè đều chỉ mặc một chiếc áo trên người, mùa đông tóc dài che khắp người, tóc dài hơn một trượng, sắc mặt hồng hào, sau nhiều năm mà dung nhan không thay đổi. Tôn Đăng có tính tình ôn hòa lương thiện, không bao giờ nổi nóng. Có người cố tình trêu chọc ông, đẩy ông xuống nước, muốn nhìn thấy bộ mặt nổi giận của ông trông như thế nào, nhưng Tôn Đăng từ trong nước bò lên bờ, không những không tức giận mà còn cười lớn tiếng, không để bụng gì cả.
Tôn Đăng sống ở núi Tô Môn, sau khi Ngụy Văn Đế nghe kể về ông, liền ra lệnh cho Nguyễn Tịch đi đến đó thăm hỏi. Nguyễn Tịch bàn luận đạo lý của Huyền học và Kinh Dịch với Tôn Đăng, Nguyễn Tịch nói rất lâu nhưng Tôn Đăng cũng không để ý, Nguyễn Tịch ngân nga một tiếng dài, chuẩn bị rời đi. Lúc này Tôn Đăng liền lên tiếng, nói rằng “hay là ngân thêm một tiếng”. Nguyễn Tịch ngân giọng lần nữa, âm thanh trong trẻo sáng chói, nhưng Tôn Đăng lại không để ý ông nữa. Nguyễn Tịch không biết phải làm gì hơn nên đành xuống núi, đi được một nửa đường thì bỗng nhiên nghe thấy có âm thanh giống như tiếng chim loan phượng, vang vọng khắp thung lũng một hồi lâu, thì ra là Tôn Đăng đang dùng cách hát trường khiếu để diễn đạt tâm ý. Sau khi Nguyễn Tịch quay trở về kinh thành, dựa vào trí nhớ để ghi chép lại giai điệu, viết thành “Tô Môn Khiếu Chỉ”, đây chính là nguồn gốc của “Tô Môn Khiếu”, sau này được dùng làm nguồn gốc của câu “du dật sơn lâm, trường khiếu phóng tình”, câu này nghĩa là dạo chơi nơi núi rừng, thỏa thích ngân nga tâm tình.
Người xưa luận âm nhạc nói rằng: “dây không bằng tre, tre không bằng thịt”, là muốn nói rằng tay gảy dây đàn không bằng miệng thổi ống tre, miệng thối ống tre không bằng âm thanh phát ra trực tiếp từ cổ họng và lưỡi. Đây không phải nói về đẳng cấp âm nhạc mà là nói về đỉnh cao giữa âm nhạc và tâm cảnh, hát kiểu ngân giọng là cách dễ nhận biết tính cách tình cảm của một người nhất.
Danh sĩ Tạ An của nhà Tấn cùng bằng hữu chèo thuyền trên biển, đột nhiên sóng gió nổi lên, mọi người đều hoảng sợ, chỉ có một mình Tạ An “ngâm khiếu tự nhược” (ngân giọng như không có chuyện gì” ung dung huýt sáo. (Trung Quốc thời xưa gọi những thành phần tri thức nổi tiếng mà chưa ra làm quan là danh sĩ).
Sau này, Kê Khang theo học Tôn Đăng trong ba năm, trước khi Kê Khang xuống núi, Tôn Đăng nói với Kê Khang rằng: Tài hoa của ông xuất chúng như vậy, nhưng lại không biết thời cuộc, kiến thức nông cạn, chỉ e rằng ông sẽ không được thời thế hiện nay tiếp nhận. Kê Khang không thể hiểu hết toàn bộ lời căn dặn sâu sắc này của thầy mình, cuối cùng sự lo lắng của Tôn Đăng đã trở thành sự thật. Sau này Kê Khang bị Tư Mã Chiêu hãm hại, trước lúc chết sáng tác “U Phẫn Thi”, trong đó có câu “tịch tàm Liễu Hạ, kim quỷ Tôn Đăng” (dịch nghĩa: xưa thẹn với Liễu Hạ Huệ, nay xấu hổ với Tôn Đăng), hối hận năm xưa đã không nghe lời của Tôn Đăng. Khúc cổ cầm “Quảng Lăng Tán” chính vì Kê Khang mà lưu truyền ngàn năm, trở thành một chương bất hủ trong lòng người dân Trung Quốc.
Khi đó, rất nhiều người cho rằng Tôn Đăng là kẻ điên, Tôn Đăng từng tiên đoán rằng thái phó Dương Tuấn sẽ phải chịu tội. Tôn Đăng dùng cách thức cắt vụn vải áo bào để khuyến cáo Dương Tuấn. Nhưng Dương Tuấn không hiểu, ngược lại còn bắt giữ Tôn Đăng. Tôn Đăng dùng cách “thi giải” – giả chết – để rời khỏi. Sau này, Dương Tuấn vì phạm tội mà bị chém đầu. Lúc này mọi người mới hiểu ra năm xưa Tôn Đăng cắt áo bào chính là một lời tiên tri.
Tôn Đăng không muốn dựa dẫm quyền quý, không thích sự giả dối và tranh giành nơi quan trường, ông dùng phương pháp “thi giải” để đoạn tuyệt qua lại với Dương Tuấn, quay về núi rừng làm bạn với cây xanh mây trắng, tìm kiếm chính mình.
Chú giải:
Thi giải: Thông thường muốn nói đến các đạo sĩ tu hành thời xưa để lại xác chết để rời khỏi thế tục, xác chết mà họ để lại không phải là thi thể thực sự, mà là dùng một vật nào đó để biến thành. Có người sử dụng gậy tre để thi giải, như “thi giải thần trượng pháp” chính là một loại thi giải bằng gậy tre, yêu cầu phải lấy cây tre dài bảy thước hướng về phía ánh sáng mặt trời, rồi làm thành thần trượng (cây gậy thần) để thay thế cho cái xác của mình. Trong dã sử có ghi chép về truyền thuyết “mở quan tài không thấy xác chết, chỉ có một gậy tre xanh”.
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch