Mặc dù Trung Quốc có hơn 1,34 tỷ người, nhưng số người mù chữ khá lớn và theo thống kê, trên thế giới hiện có trên 1 tỷ người biết chữ Hán, nhưng số người giỏi thư pháp (nghệ thuật viết chữ) không nhiều.
Chữ Hán được phân thành 5 loại, đó là chữ Lệ, chữ Khải, chữ Thảo, chữ Hành và chữ Hiện đại. 5 loại chữ này đều có xuất xứ từ 4 hệ chữ: chữ tượng hình, chữ tượng thanh, chữ hội ý và chữ chỉ sự. Riêng chữ Lệ đời nhà Hán, được coi là một ranh giới giữa chữ Hán cổ với chữ Hán hiện đại lại được tạo ra từ trong nhà giam. Được biết, cho đến nay các nhà nghiên cứu đều thống nhất với quan điểm của tác giả Hứa Thận đời Đông Hán khi ông tổng kết có 6 cách tạo nên chữ Hán. Người ta tìm thấy chữ Hán trên thẻ tre nước Sở thời Chiến quốc, chữ Hán trên ngọc và phiến đá, chữ Hán trên Đồng quyền, Hổ phù đời Tần, chữ Hán viết bằng dao - khắc triện, chữ Hán trên bao tay đời Tấn hay trên giầy thêu đời Đông Tấn, hay sách song ngữ chữ Hán và chữ Phạn cùng in...
Bốn vật báu trong văn phong
Không thể bỏ qua phát minh của Vương Trinh khi ông chế tạo ra chiếc bàn chọn chữ Hán độc nhất vô nhị. Đối với quan lại thời trước thì bút, mực, nghiên, giấy là tứ bảo văn phòng - những thứ không thể thiếu tại nơi làm việc. Nhiều chuyên gia cho rằng, chữ viết của người Trung Quốc là hệ chữ duy nhất hiện còn được sử dụng trong khi vẫn không ngừng tiến hoá trong khoảng 35 thế kỷ qua. Tuy chữ Hán có một quá trình phát triển dài như vậy nhưng mãi tới năm 1950 hệ chữ tượng hình mới viết theo các Bộ và có phiên âm theo chữ cái La Mã.
Chữ tượng hình
Được biết, Trung Quốc đã tổ chức thành công nhiều cuộc triển lãm “Chữ Hán - từ giáp cốt văn đến máy vi tính” tại một số quốc gia trên thế giới, nhất là dịp kỷ niệm quốc khánh nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa (1-10-1949). Và thông qua các hiện vật quý được đem đến từ Trung Quốc, người xem có thể khái quát được quá trình hình thành và phát triển, cũng như sự thống nhất đất nước Trung Quốc. Ngoài ra, chữ Hán còn có những cống hiến quan trọng đối với nền văn minh thế giới. Sở dĩ nói như vậy vì nghề tạo giấy, một trong 4 phát minh lớn của Trung Quốc cho nhân loại không thể tách rời chữ Hán.
Bát quái và thắt nút
Nhiều người nói rằng, chữ Hán được hình thành từ những vết chân chim, hay từ những sợi dây thắt nút, được đặt tên là “thắt nút ký sự”, cách ghi lại sự kiện của người Trung Quốc cổ đại. Dòng chảy của chữ Hán tiếp tục với Kinh Đông Ba - văn tự dân tộc Naxi (chữ viết hình vẽ còn tồn tại đến ngày nay), cho đến Giáp cốt văn thời nhà Thương (khoảng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 11 trước Công nguyên), những văn tự cổ được khắc trên xương hoặc mai rùa; từ chữ Hán khắc trên thẻ tre, thẻ gỗ cho đến chữ Hán trong bức Hầu Mã Minh Thư của thời Xuân Thu (từ năm 770 đến năm 476 trước Công nguyên), hay chiếc Đĩa Sử Tường - đồ đồng đen thời Tây Chu (khoảng thế kỷ 11 đến năm 771 trước Công nguyên)...
Ranh giới chữ Hán cổ với chữ hiện đại
Có thể nói, sau khi kết thúc 3 đời Hạ, Thương, Chu, đến thời kỳ Hán Nguỵ, Trung Quốc bắt đầu bước vào một thời kỳ văn hoá mới, một trào lưu mới - từ khoa học, văn hoá đến nghệ thuật, triết học đều đã đặt những cơ sở và nền tảng vững chắc cho văn minh Trung Hoa sau này. Và trải qua mấy nghìn năm, từ Giáp cốt văn cho đến máy vi tính, chữ Hán đã thực hiện được sứ mệnh truyền tải nền văn minh Trung Hoa ra thế giới.
Đông Ngàn - Bắc Ninh
Hình ảnh thêm về Chữ Hán - từ giáp cốt văn đến máy vi tính