Tục lệ đặt tên cho những đứa trẻ sống ở chùa
- Tác giả: Chùa Adida
- | Ngày đăng: 25/08/2014
- | Lượt xem: 100
Tục lệ đặt họ Cù, họ Cồ, họ Kiều và tên Anh cho những đứa trẻ sống trong chùa đã có từ ngàn xưa
Cách đây 6 năm, một lần đến chùa Linh Ứng ở Thịnh Long, Nam Định, thấy chùa này nuôi một số cháu bé. Hỏi ra mới biết cùng với những trẻ bị bỏ rơi, còn có nhiều bé do gia đình gửi lên chùa.
Nguyên do nhiều gia đình mê tín, khi đi xem bói, thầy bói phán rằng trẻ khó nuôi, khuyên phải gửi lên chùa sống đến một thời gian nào đó cho qua tuổi hạn thì rước về.
Tìm hiểu việc các em bé ở chùa, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những đứa trẻ mang họ Cù, họ Kiều, và nhiều bé trùng tên Anh như bé Kiều Quỳnh Anh, Kiều Vân Em, Cù Việt Anh, Cù Tuấn Anh…

Tôi thắc mắc, thì Ni sư Thích Đàm Bích - trụ trì chùa Linh Ứng giải thích: Dân gian thường quan niệm rằng, trong chùa nhiều ma quỷ, nên khi người dân gửi trẻ vào chùa thường đặt tên (tên gọi trong chùa khác với tên trong giấy khai sinh) trùng nhau cho nhiều đứa trẻ, là một cách để lừa ma quỷ. Nếu ma muốn bắt đứa trẻ này, nhưng khi nhiều đứa trùng tên, thì ma sẽ không phân biệt được trẻ nào để mà bắt. Tên “Anh” và “Em” là tên phổ biến để đặt cho trẻ trong chùa, bởi vì khi gọi “Anh ơi!”, hay “Em ơi!”, thì ma sẽ tưởng là em gọi anh hoặc chị gọi em, chứ ma không biết rằng đứa trẻ tên là Anh. Về họ cũng vậy, lấy họ của Phật để đặt họ cho trẻ, để ma quỷ tưởng chúng là con của Phật.
Người viết thắc mắc: Ma quỷ không sợ Phật hay sao mà trong chùa lại có ma? Một người dân lễ Phật ở chùa Linh Ứng giảng giải cho tôi biết: “Phật rất từ bi và nhân hậu, không “giết” ai bao giờ, kể cả với ma thì Phật cũng không "giết", vì vậy chùa chiền chính là nơi nhiều ma tá túc nhất. Trong thế giới ma lẫn lộn cả lành và ma độc ác. Nhà Phật mở rộng cửa để cho tất cả mọi loài ma vào, từ đó giảng giải chánh pháp làm cho các hồn ma cải tà quy chính. Thế nhưng không phải hồn ma nào cũng biết phục thiện”.
Nghe những lời sư và người dân giảng giải, tôi thấy đây chỉ là quan niệm mê tín trong dân gian, thế nhưng ngày nay vẫn rất nhiều người dân tin và làm theo.
Các tăng ni thường lấy họ Thích, là họ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế còn các họ Cù, họ Cồ, họ Kiều từ đâu ra?
Lật lại lịch sử Phật giáo, thấy vị Ni sư đầu tiên trong Phật giáo là di mẫu của đức Phật, tức là em ruột của Hoàng hậu Ma Ha Ma Da Gotami (mẹ Đức Phật Thích Ca). Ni sư này có tên là Gautami – Gotami, khi phiên âm sang tiếng Việt và Hán Việt thành nhiều tên Cồ Đàm Di, Cù Đàm Di, hoặc Kiều Đàm Di. Có nghĩa là con gái của dòng họ Cồ Đàm.
Trong các sách kinh Phật thường viết là Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di. Bởi vậy, nhà chùa thường lấy họ của mẹ đức Phật (đọc là Cồ, Cù, Kiều) để đặt cho những đứa trẻ sống ở trong chùa.
Với quan điểm của riêng cá nhân người viết, thiết nghĩ những tập tục mê tín không còn phù hợp với thời đại ngày nay, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống Phật giáo, để công cuộc hoằng pháp độ sinh được đi đúng hướng.
Chu Minh Khôi
Hình ảnh thêm về Tục lệ đặt tên cho những đứa trẻ sống ở chùa