Thập bát La Hán chính là 18 vị A La Hán của nhà Phật. Các Ngài tuy đã chứng thánh quả những không về Tây Thiên mà ở lại thế gian để hộ trì chính pháp.
Nguồn gốc của các vị A La Hán xuất phát từ nội dung được viết trong sách Pháp Trụ Ký do Đại A-la-hán Nan Đề Mật Đa La (Nandimitra) trước thuật và Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch ra chữ Hán. Tuy nhiên tác giả chỉ nêu ra 16 vị A La Hán.
Tuân theo sự chỉ dạy của đức Phật, các vị A La Hán không về Tây Thiên mà ở lại thế gian để hộ trì chính pháp
Đại A-la-hán Nan Đề Mật Đa La thông qua cuốn Pháp Trụ Ký đã trình bày danh tánh, trú xứ và sứ mệnh của 16 vị La-hán.
Theo đó các vị A La Hán đã đạt được Tam minh, Lục thông và Bát giải thoát, vâng thừa giáo chỉ (PV - lời dạy) của Phật, kéo dài thọ mạng, trụ tại thế gian để hộ trì chánh pháp và làm lợi lạc quần sanh.
Vào những khi các tự viện hay tư gia bá tánh, tổ chức lễ hội khánh thành, làm phúc, cúng dường trai Tăng, các Ngài cùng với quyến thuộc vận thần thông đến để chứng minh, tham dự, nhưng người đời không thể nào thấy được.
Cũng trong cuốn Pháp Trụ Ký, tuổi thọ con người sẽ giảm dần đến khi chỉ còn 10 tuổi. Đây sẽ là giai đoạn cuối cùng của kiếp giảm. Sau đó, sang giai đoạn kiếp tăng, tuổi thọ con người từ 10 tuổi tăng dần đến 70000 tuổi.
Bấy giờ các A La Hán sẽ chấm dứt nhiệm vụ và nhập Niết bàn. (Bởi vì theo lý giải, khi tuổi thọ loài người đến 80000 tuổi thì đức Phật Di Lạc sẽ ra đời).
Sau khi Pháp Trụ ký được Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang dịch sang chữ Hán, Thiền sư Quán Hưu (832-912), vốn là một họa sĩ tài ba do nằm mơ cảm ứng đã vẽ ra hình ảnh 16 vị A-la-hán.
Từ khi có hình ảnh 16 vị La-hán, các chùa thường tôn trí hình ảnh của các Ngài, và từ con số 16 người ta thêm tôn giả Khánh Hữu thành 17 và tôn giả Tân Đầu Lô thành 18 (nhưng không biết ai là tác giả đầu tiên của con số 18 này).
Thật ra tôn giả Khánh Hữu (tên dịch nghĩa ra chữ Hán) vốn là Nan Đề Mật Đa La (tên phiên âm từ chữ Phạn), người đã thuyết minh sách Pháp Trụ Ký; còn Tân Đầu Lô chính là Tân Đầu Lô Bạt La Đọa Xa2, vị La-hán thứ nhất trong 16 vị. Do không am tường kinh điển và không hiểu tiếng Phạn mà thành lầm lẫn như thế!
Về sau, Sa môn Giáp Phạm và Đại thi hào Tô Đông Pha (1036-1101) dựa vào con số 18 này mà làm ra 18 bài văn ca tụng. Mỗi bài đều có đề tên một vị La-hán. Rồi họa sĩ Trương Huyền lại dựa vào 18 bài văn ca tụng của Tô Thức mà tạc tượng 18 vị La-hán, nhưng lại thay hai vị 17 và 18 bằng tôn giả Ca Diếp và Quân Đề Bát Thán.
Do thế mà từ con số 16 lần hồi trở thành con số 18. Từ đời Nguyên trở đi, tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, con số 18 này được mọi người mặc nhiên chính thức công nhận, con số 16 chỉ còn lưu giữ trong sổ sách mà thôi.
Nhưng, tại Tây Tạng, ngoài 16 vị trên, người ta thêm Đạt Ma Đa La và Bố Đại Hòa Thượng; hoặc thêm hai tôn giả Hoàng Long và Phục Hổ, hoặc thêm Ma Da Phu nhân và Di Lặc để thành ra 18 vị.
Vô Thường (Bài viết dựa trên một số tài liệu Phật giáo)
Hình ảnh thêm về Tìm hiểu về Thập bát La Hán