Tôi năm nay đã 83 tuổi (sinh năm Nhâm Ngọ), hiểu biết kinh Phật chẳng bao nhiêu, tu hành thì biếng nhác, vợ chồng ăn chay mỗi tháng chỉ được hai lần. Thế nhưng nhờ tâm Bồ Đề kiên cố, quyết tâm theo Phật và lời dạy của chư Tổ cho nên cố gắng bỏ bớt tham-sân-si, không làm tổn hại tới ai. Ngoài thì giờ viết sách, lo chuyện gia đình, tôi vẫn thường vào youtube để nghe thuyết pháp. Tôi thấy khá nhiều giảng sư phê bình người này người kia không tu theo chánh pháp hoặc khuyên Phật tử tu theo chánh pháp. Nhưng tôi không rõ Phật tử có hiểu thế nào là tu theo chánh pháp hay không?
Hiện nay đang ở vào thời mạt thế, xuất hiện nhiều tà sư hướng dẫn Phật tử vào con đường sai lạc. Điều này không phải bây giờ mới có. Ngay khi Đức Phật còn tại thế và ở ngay vào thời Chánh Pháp, các vị đại bồ tát cũng đã lo lắng về thời mạt thế, tăng ni và chúng sinh có thể xa lìa chánh pháp. Chúng ta hãy nghe lời của ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thưa thỉnh Đức Phật trong phần mở đầu của Kinh Viên Giác, “Đại bi thế tôn: Xin ngài nói rõ nhân địa pháp hạnh thanh tịnh của Như Lai, để chúng sinh trong pháp hội được nghe và thanh tịnh, tránh xa các bệnh, để cho đời sau này chúng sinh muốn cầu vào đại thừa khỏi lạc vào đường tà.”
Dù hiểu biết còn nông cạn, nhưng vì chỉ mong Phật pháp trường tồn, tôi mạo muội viết ra những điều gì mình hiểu. Có thể những hiểu biết này không đúng hay còn thiếu xót. Xin các vị thiện tri thức sửa chữa và chỉ bảo cho trong tinh thần Kiến Hòa Đồng Giải, tôi thật sự cảm kích. Dưới đây là những gì mà tôi hiểu rằng đó là tu theo chánh pháp.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạnh Bồ Tát
Thiện Quả Đào Văn Bình
1) Làm theo đúng lời Phật dạy là tu theo chánh pháp.
2) Trí tuệ Phật là chánh pháp. Dùng trí tuệ để soi rọi vạn vật là chánh pháp.
3) Dùng tình cảm yêu-ghét, đúng-sai để nhìn vào sự vật là pháp thế gian, không phải chánh pháp.
4) Xa lìa trí tuệ là xa lìa chánh pháp.
5) Nuôi dưỡng tâm Đại Bi là chánh pháp. Xa lìa tâm Đại Bi là xa lìa chánh pháp.
6) Bất nhị, không hai, không phân biệt là chánh pháp. Xem giàu nghèo sang hèn, thứ dân vua quan cũng như nhau là chánh pháp.
7) Thanh tịnh, đơn sơ, giản dị, nhẹ nhàng là chánh pháp.
8) Cầu kỳ, hoa hòe hoa sói, bày đặt là xa lìa chánh pháp.
9) Cống cao, ngã mạn, càng tu cái “tôi” càng phình to ra là xa lìa chánh pháp.
10) Càng tu càng thấy mình nhỏ bé lại và cuối cùng cái ngã biến mất (vô ngã) là tu theo chánh pháp.
11) Thấy người ta vái lậy mình mà giật mình lo sợ tự hỏi mình có thật tu theo chánh pháp không? Lo sợ vì không biết giới hạnh mình tới đâu mà được người ta vái lậy? Ngược lại nếu mừng vui, tự đắc cho mình đã đắc quả hoặc to lớn là xa lìa chánh pháp.
12) Chánh pháp là xa lìa ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng. ((Kinh Kim Cang)
13) Hiểu được luật vô thường và tiến trình thành-trụ-hoại-diệt, có sinh thì có diệt là tin theo chánh pháp. Các pháp hữu vi đều hoại diệt.
14) Không có gì tồn tại vĩnh viễn trên thế gian này là chánh pháp. Tất cả hình thành do “trùng trùng duyên khởi” như sóng biển xô nhau, đè nhau liên hồi, bất tận.
15) Hiểu được tất cả những gì đang diễn ra trước mắt đây đều là giả tướng. Thực tướng của nó là Không. Đó là chánh pháp.
16) Nhìn sự vật rất tinh tường như ảnh phản chiếu trong gương nhưng không động tâm, rối loạn theo thế gian là tu theo chánh pháp.
17) Chùa to chùa nhỏ không quan trọng bằng Giới-Định-Huệ. Khi có Giới-Định-Huệ là đã tu theo chánh pháp. Khi chùa có Giới-Định-Huệ thì chính là chỗ nương tựa của chúng sinh và có Phật. Phật không trụ ở tượng, dù là tượng vàng, tượng ngọc, mà Phật trụ ở Giới-Định-Huệ.
18) Chánh pháp không bị trói buộc vào không gian địa lý. Ở đâu cũng có Phật và Phật tánh. Giàu nghèo, sang hèn, vua quan thứ dân đều có Phật tánh.
19) Dân của siêu cường và dân của quốc gia nghèo đói Phật tánh cũng như nhau. Phật tánh không thuộc về ai. Không ai có thể ban phát Phật tánh cho người khác. Phân biệt chủng tộc là xa lìa chánh pháp.
20) Khi trời tối không có nghĩa là không có mặt trời. Khi mây tan, mù tán thì mặt trời sáng tỏ. Khi bỏ bớt tham-sân-si thì Phật tánh hiển lộ. Tu tâm là tu cheo chánh pháp, tu tướng là xa lìa chánh pháp.
21) Dùng tiền bạc dâng cúng của đàn na thí chủ để lo Phật sự, nuôi dưỡng tăng ni, tu bổ chùa chiền, làm việc phước thiện… mà không giữ làm của riêng là tu theo chánh pháp.
22) Biến chùa thành siêu thị mua bán, tìm cách moi tiền Phật tử… dù nói gì đi nữa, dù thuyết pháp hay thế nào đi nữa cũng là xa lìa chánh pháp.
23) Thấy biến động không lo sợ tức Vô Úy. Thấy nguy không kinh hãi. Hiểu biết mà tránh xa là chánh pháp. Tu theo chánh pháp là không lao đầu vào phiêu lưu, cực đoan, quá độ. Thấy nguy thì biết đó là hiểm nguy mà tránh. Hiểu biết hiểm nguy mà tránh là tu theo chánh pháp. Tu mà giữ được thân tâm an lạc là tu theo chánh pháp. Trong Kinh Cửu Hoạnh (Chín Cái Chết Dữ), Đức Phật nói rõ chín nguyên nhân của cái chết dữ trong đó có, “ Chỗ đáng tránh mà không tránh, đi vào rừng sâu núi thẳm hay chỗ có đấu tranh.”
24) Tu theo chánh pháp, dù là tăng thống, pháp chủ cũng không cần vệ sĩ, mặc áo giáp, ngồi xe chống đạn. Có tâm Đại Bỉ thì vô ngại. Đức Phật du hóa khắp Ấn Độ mà vua quan, trưởng giả, học sĩ ngoại đạo tới vấn hỏi và quy y, đâu có cần binh lính trung thành của vua cha đi theo bảo vệ. Có tâm Đại Bi thì xuyên suốt thế gian này.
25) Là Phật tử đi chùa, lễ Phật mà gia đình an vui, cháu con hạnh phúc là tu theo chánh pháp. Ngược lại, đi chùa mà vợ chồng bất hòa đổ vỡ là tu theo tà pháp và thầy dẫn dắt không phải chân sư.
26) Can dự vào chuyện thế gian là xa lìa chánh pháp vì thế gian là cội nguồn của khổ đau, phiền não.
27) Tranh cãi, biện minh là xa lìa chánh pháp.
28) Im lặng cũng là chánh pháp.
29) Nhẫn nhục là chánh pháp.
30) Tinh tấn, không thối chuyển cũng là chánh pháp.
31) Chánh pháp là nói lời chân thật, không nói lời không thể kiểm chứng, không nói lời trên trời dưới biển. Không nói lời dụ dỗ.
32) Chánh pháp là con đường lớn, người tu hành chân chính cứ thế mà đi. Còn ai đi theo đường cong, đường tắt là việc của họ. Tu theo chánh pháp là tâm bất thổi chuyển. Không vì thấy người ta thế này thế nọ mà lòng xao xuyến.
33) Tin vào sấm truyền, tiên tri, bói quẻ là xa lìa chánh pháp.
34) Bậc chân sư tu theo chánh pháp không nói hai lời, không nói theo thị hiếu hay phong trào yêu ghét của quần chúng.
35) Người tu hành chân chính tức tu theo chánh pháp không nói lời mỉa mai, vui chơi, diễu cợt. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật đã dạy các đệ tử: “Các ngươi nên bỏ các lời nói vô nghĩa, thường giữ gìn lời nói, nói phải biết thời, nói phải thuận pháp. Những lời nói ngoài việc lợi ích cho người dù là nói chơi cũng không nên nói.”
36) Ở nước A thì nói xấu nước B. Khi sang nước B lại nói xấu nước A như thế là xa lìa chánh pháp. Chánh pháp không vì quyền lực, quyền thế, tiền tài làm rung chuyển. Không vì thị hiếu của chúng sinh mà bẻ cong chánh pháp.
37) Ba đời thế giới chư Phật đều nói một lời. Chư Tổ mấy ngàn năm nay, dù ngôn từ có khác nhưng nghĩa và lý thì vẫn không sai khác. Phật là thầy dạy của hai cõi Trời và Người. Giáo pháp của Đức Phật không phải là món hàng quảng cáo. Ai có tâm đạo thì hiểu và làm theo. Ai không theo thì thôi. Không thể a dua theo nhân thế. A dua theo nhân thế là pháp thế gian, không phải chánh pháp.
38) Nếu không rõ thì cứ theo kinh điển mà nói, đừng ngẫu hứng nói bừa. Nói theo kinh điển là để tránh lỗi lầm.
39) Nói thì phải làm. Nói mà không làm theo lời Phật dạy là không tu theo chánh pháp.
40) Người tu theo chánh pháp không hứa hẹn. Nếu đã hứa, nhất là đối với Phật tử, dù chết cũng phải làm. Thất hứa không phải là tu theo chánh pháp. Trong Kinh Bồ Tát Chánh Pháp, Đức Phật dạy ngài Xá Lợi Phất: “Bồ tát đối tất cả chỗ, thà chịu mất thân mạng, xa lìa các hạnh tà dục, xa lìa lời giả dối, hai lưỡi, xa lìa thêu dệt,giận dữ, tà kiến, thường trọn nên hạnh trong sạch hơn hết.”
41) Chánh pháp phải được thể hiện qua cử chỉ, lời nói, cách giao tiếp, đức độ và nhất là cuộc sống nội tâm tu hành, chẳng phải chỉ ở lời nói.
42) Một sa môn tu theo chánh pháp chẳng phải tối ngày ôm bình bát, một mình đi lang thang hết chỗ này tới chỗ kia, tối ngủ ở gốc cây gò mả. Một sa môn chân chính vẫn có tăng đoàn, thầy tổ, vẫn có thể an trú tại tịnh xá. Khất thực rồi trở về chùa an nghỉ, tu học và thiển định. Chớ chấp vào tướng cực khổ, đi chân đất, ăn ngủ ở dọc đường để nói đó là tu theo chánh pháp.
43) Đạo Phật là trung đạo. Về mặt vật chất có nghĩa là xa lìa hai đầu mê đắm nhục dục và hành xác. Cho nên một sa môn tu theo chánh pháp thì y phục không thể rách rưới, râu tóc rủ xuống vai, thân hình tiều tụy như Đại Ca Diếp khiến Phật và chúng tăng ái ngại, không nhận ra. Tuy nhiên ngày hôm nay tăng ni phải tiếp xúc với xã hội, tham dự những đại lễ của quốc gia và quốc tế, y phục cần phải chỉnh tề. Phải đồng phục với tăng đoàn, không màu mè chói mắt như da tắc kè. Không cần lụa là đắt tiền, không cần đồng hồ đắt giá, không cần võng lọng, không cần xe hơi đắt tiền, ghế ngồi trạm rồng phượng. Ngày xưa Đức Phật chỉ có cỏ khô để làm tọa cụ.
44) Người tu hành theo chánh pháp không chấp trước vào phương tiện. Có xe hơi đi xe hơi, có máy bay đi máy bay, có xe lửa đi xe lửa, có ghe đi ghe, có bè đi bè, nếu không có phương tiện nào thì đi bộ. Không đòi hỏi mà tùy duyên và tùy thuận. Tùy duyên và tùy thuận là tu theo chánh pháp.
45) Theo Bồ Tát Long Thọ, cốt tủy của Trung Đạo là Bát Bất bao gồm: Bất sinh bất diệt, bất đoạn bất thường, bất đồng bất dị và bất khứ bất lai. Người - dù ngôi vị trong giáo hội như thế nào đi nữa mà cứ nằng nặc cho rằng cái này Có hoặc cái này Không và cãi tới cùng là xa lìa Trung Đạo. Bởi vì: “Hữu không như thủy nguyệt” cũng như lời Bát Nhã Tâm Kinh: Bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Tu theo Trung Đạo và thấu triệt Bát Nhã là tu theo chánh pháp.
46) Đối với hàng Phật tử tại gia, tụng kinh niệm Phật, tu Thiền, tu theo Mật Tông, tu theo Nam Tông, miễn giữ được Năm Giới đều là tu theo chánh pháp. Không đốt vàng mã, bớt cầu xin, cúng vái thần linh, xin xâm bói quẻ. Đừng để thần linh làm não loạn tâm trí và cuộc sống của mình. Cầu mà không được sẽ khổ.
47) Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật dạy ngài Phổ Nhãn Bồ Tát: “Không kính người trì giới, không ghét người phá giới, không trọng người học lâu, không khinh người mới học.” Tu theo chánh pháp là không kinh thường, thương ghét ai vì trong Viên Giác Thanh Tịnh tức Bồ Đề Tâm, hay Phật tánh không có thương-ghét.
48) Người nào sau khi nghe thuyết pháp hoặc nghiên cứu kinh điển thấy chán đời mà nói rằng “Đời là bể khổ, thôi chết đi là rảnh nợ, và giải thoát.” Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật dạy rằng an vui Niết Bàn chẳng phải chối bỏ hay hủy diệt thân này mà đạt được, mà phải nhờ cái thân Tứ Đại này để đạt an vui. Phải từ Khổ Đế mà vươn lên. Tu theo chánh pháp là phải tu theo Tứ Đế tức hiểu được cội nguồn của khổ đau rồi từ đó vào Đạo Đế để diệt khổ. Hễ hết khổ thì an vui.
49) Người nào khuyến dụ Phật tử bỏ hết gia đình, xã hội để xuất gia là trái với chánh pháp. Trong hành trình 45 năm du hóa, Đức Phật thu nhận nhiều quốc vương, tể tướng, trưởng giả, thương gia tỷ phú làm đệ tử nhưng đâu có yêu cầu các vị này bỏ cả gia đình, xuất gia theo Phật. Đức Phật hiểu được giá trị của cuộc sống xã hội và giá trị của người xuất gia. Khuyên vua làm cho đúng bổn phận của vua, quan đúng bổn phận của quan, làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng sao cho đúng bổn phận để gia đình yên vui, hạnh phúc, thương gia làm ăn chân chính. Khuyên như thế là theo đúng chánh pháp. Bảo người ta phải buông bỏ hết để đi tu theo mình là không đúng với chánh pháp. Xuất gia là duyên phận của mỗi người, không phải con đường cho tất cả hàng Phật tử.
50) Người tu hành chân chính tức tu theo chánh pháp phải hiểu rằng, “Vạn pháp đều bình đẳng”. Cuộc sống cơm áo của người dân và cuộc sống tâm linh của tu sĩ giá trị ngang nhau. Vì có chúng sinh nên mới có Phật. Không Phật, chúng sinh vẫn sống nhưng trong mê mờ và khổ đau. Có Phật cuộc sống trở nên đẹp và có ý nghĩa hơn. Hủy hoại cuộc sống không phải là lời dạy của Phật.
51) Tu hành theo chánh pháp không có nghĩa là “mũ ni che tai” không biết gì về sự tồn vong của quốc gia, xã hội. Đức Phật không bao giờ chỉ trích chính quyền nhưng cũng có những lời khuyên cho các quốc vương sao cho đất nước đoàn kết, yêu thương và thịnh vượng. Người tu hành theo đúng chánh pháp, cũng cần có những đóng góp ý kiến xây dựng trước những vấn đề an nguy của đất nước.
52) Người tu hành theo đúng chánh pháp không sợ lời dị nghị, chê bai, dè bỉu. Trong Kinh Đại Nhật, Đức Phật dạy ngài Kim Cương Thủ: “Hãy lấy Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta) làm Nhân (Hetu), Bi (Kāruṇa) làm gốc rễ (Mūla: căn), Phương Tiện (Upāya) làm Cứu Cánh (Uttara). Như vậy một thiền sư có nhảy xuống sông ôm một cô gái để cứu cô ta khỏi chết đuối thì: Nhìn tướng có ôm nhưng tâm không có ôm. Nó chỉ là phương tiện để cứu cô ta. Cũng như một vị trụ trì có nhận tiền cúng dường của Phật tử. Chớ thấy vậy mà nói trụ trì tham tiền. Nếu tiền ấy là phương tiện để giúp tăng ni tu học, tu bổ chùa chiền, làm chuyện phước thiện, thì tướng có nhận tiền nhưng tâm không nhận tiền. Cho nên chớ thấy tướng mà suy diễn ra tâm. Phàm phu không hiểu sâu giáo lý, không nhìn thấy tâm mà chỉ nhìn thấy tướng rổi vội vã kết luận. Đó gọi là vô minh.
53) Thuyết giảng về chuyện chăn gối của vợ chồng không phải là chánh pháp mà chỉ là một hình thức khoe hiểu biết cho là quảng bác của mình. Nếu Phật tử có hỏi chuyện phòng the thì nên khuyên họ nên tìm các chuyên gia về sinh lý. Kinh điển của Phật Giáo không có câu nào nói về cách thỏa mãn chuyện phòng the. Mình là sa môn, sống phạm hạnh mà bàn chuyện ân ái vợ chồng là thế nào?
54) Phật pháp không phải là môn tâm lý trị liệu. Phật pháp giúp chúng sinh thoát khổ, biến kẻ ngu si thành trí, biến kẻ ác thành người hiền. Phật pháp đem bình an cho cả thế gian này. Nó không phải là môn tâm lý trị liệu giúp vợ không mắng chửi chồng, không ghen tuông, không hờn giận. Muốn biết vợ chồng thế nào là hạnh phúc thì nên gặp các tâm lý gia về gia đình: Nào là phải mua quà cho vợ trong ngày sinh nhật, ngày cưới, ngày Lễ Tình Yêu, phải nghe và chiều chuộng vợ, phải biết hôn vợ, nịnh vợ…Nếu là người tu theo chánh pháp thì chỉ cần nói Từ Bi, Hỷ Xả, bớt cái Ngã đi là vợ chồng có hạnh phúc thôi. Không Từ Bi Hỷ Xả, cái Ngã to bằng cái đình, dù có mời một trăm tâm lý gia tới nhà thì vợ chồng cũng đổ vỡ mà thôi.
55) Người tu hành theo chánh pháp không cưỡng ép, dụ dỗ ai vào đạo. Cho người nghèo chăn, màn, chiếu, gối, một vài ký gạo mà tuyên truyền, dụ người ta vào đạo thì không phải chánh pháp.
56) Có Tứ Pháp Ấn để nhận ra đó chính là giáo lý của Đức Phật chứ không phải giáo lý của một đạo từa tựa như đạo Phật, đó là: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn. Rất nhiều kẻ xấu hành tà đạo, mượn giáo lý của Phật để làm Ma Vương. Quần chúng vì u mê cho nên tin và vái lậy Ma Vương rất nhiều.
57) Người tu hành chân chính tức tu theo chánh pháp không trụ vào sự to lớn của vật bố thí - mà trụ vào tâm bố thí. Người nghèo dù bố thí một bát nước cho một sa môn đang khát cũng quý bằng ông bà tỷ phú tặng chùa một trăm lượng vàng. Bát cơm Phiếu Mẫu quý giá ngàn vàng là ở tấm lòng người.
58) Người tu hành theo chánh pháp không trụ vào lễ nghi cầu kỳ, huyền bí vì đó vẫn chỉ là hình tướng. Khi chư tăng ni, Phật tử trang nghiêm, tâm ý thanh tịnh, lắng nghe kinh điển thì dù ở bãi biển, rừng sâu, nghĩa trang… thì vẫn là “trang nghiêm Phật độ”, chư Phật và chư Bồ Tát vẫn hộ trì. Khi tâm thành thì “Một nén hương thơm cũng nhiệm màu.”
59) Người tu hành theo chánh pháp không sợ chùa nghèo, ít Phật tử thăm viếng. Chùa là “tịnh xá” tức là nơi thanh tịnh để tạo điều kiện tốt nhất cho tăng ni tu dưỡng. Cái lo không phải chùa nghèo, chùa vắng. Cái lo lớn nhất là mình có tiến tu theo đúng lời dạy của Đức Phật hay không. Trong Kinh Viên Giác. Đức Phật có nói một số bồ tát chọn lối ẩn tu, không nhận đồ chúng. Thấy những bồ tát ẩn tu chúng ta không nên quấy rầy.
60) Ngày nay giáo hội phải mở rộng công tác thiện nguyện để phần nào xoa dịu khổ đau, bất hạnh của xã hội, nhất là tu theo quan điểm của Đại Thừa. Tuy nhiên dù làm thiện nguyện tốt thế nào đi nữa vẫn chỉ là tu phước. Chư Tổ dạy rằng “Phước huệ song tu” tức song song với công tác thiện nguyện vẫn phải vun bồi trí tuệ. Ngày nay Phật tử kiến thức rất rộng và nhiều người có tầm hiểu biết hơn cả tăng ni cho nên tăng ni phải mở mang trí tuệ để có thể hướng dẫn và tạo niềm tin nơi Phật tử. Muốn vun bồi trí tuệ thì phải nghiên cứu kinh điển và thiền định. Song biện pháp tin cậy và vững chắc nhất vẫn là nói ít nhưng trau giồi đạo đức, phẩm hạnh của chính bản thân mình. Chính vì thế mà các thiền sư chứng đắc dạy rằng, “Thiền nên nín, ít nói”. Thuyết pháp quá nhiều có khi nói lung tung, nói nhảm. Viết sách thì ít nguy hiểm vì có khi phải đọc đi đọc lại cả trăm lần. Còn nói, nếu sơ sót thì “Bốn ngựa phi không kịp”.
61) Trong Kinh Đại Tập, Đồng Tử hỏi Phật: Thật là gì? Phật đáp: Thật có ba thứ là chẳng dối Phật, chẳng dối mình và chẳng dối chúng sinh. Đồng Tử lại hỏi: Thế nào là thật ngữ? Phật đáp: Chẳng nói nhiều, giữ gìn lời nói và chẳng nên nói lời thô, ấy là thật ngữ.” Vậy thì người tu hành nói ra những gì mà chính mình không làm được là tự lừa dối mình và lừa dối Phật tử.
62) Người xuất gia hay tại gia, dù ở địa vị nào cũng phải có lòng biết ơn. Trong Kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật đã nói với các ông trưởng giả Diệu Đức, Dũng Mãnh và Thiện Pháp ở Thành Vương Xá như sau: “Ta sắp nói pháp màu nhiệm vì muốn lợi ích cho những ai chưa biết ơn đức trong đời vị lai. Ơn trong thế gian và xuất thế gian có bốn thứ: Ơn cha mẹ. Ơn chúng sinh. Ơn quốc vương và ơn Tam Bảo.”
63) Hai đức tính trụ cột của người xuất gia kể cả người tại gia là kiềm chế lòng tham và ham muốn danh vọng. Điều này Phật nói rất rõ trong Kinh Pháp Cú Tây Tạng (bản dịch của cư sĩ Nguyên Giác):” Tỳ kheo hài lòng với những gì mình được cúng dường, không bận tâm vể những gì các vị khác được cúng dường, được bảo vệ. Nhờ sống ly tham dục và quán chiếu, được chư thiên hoan hỷ bảo vệ. Người như thế sẽ không tham gì tài sản, danh vọng, thế lực.”
64) Cũng trong Kinh Pháp Cú Tây Tạng, tỳ kheo không hẳn là người xuất gia mà là: “Người đã rời bỏ cả thiện và ác, người sống đời thánh hạnh, người sống ngoài xã hội đời thường, vị đó gọi là tỳ khưu.”
65) Sau hết, người tu hành theo chánh pháp dù hài hòa với mọi người nhưng phải thấy “Tâm người thật đáng sợ”. Trong Kinh Di Giáo Phật dạy, “Năm căn tâm làm chủ. Nên các ngươi phải khéo ngăn ngừa. Tâm là đáng sợ hơn hết, sợ hơn rắn độc, ác thú, giặc cướp và lửa dữ.” Cho nên người tu hành phải gìn giữ tâm, luyện tâm. Buông lung tâm thì phiền não và tai họa đến liền.
(California ngày 15/5/2025)
Bình Luận Bài Viết