GIÁC HẠNH VIÊN MÃN – TRÍ TÁNH THƯỜNG MINH
Ngưỡng bạch Giác Linh Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Tôn Sư !
Ngày mai về thăm lại quê hương
Chợt nghe tin tức thật ai thương !
Sư Ông Long Hòa trần duyên mãn
Người đã rời xa, vãng Tây Phương…
Ngày mai con có duyên sự về lại quê hương Bình Định. Với 98 tuổi hiện hữu nơi trần thế và quá trình dày dạn sinh hoạt Phật Sự, Sư Ông từ lâu đã là đại thọ Bồ Đề của Phật Giáo Huyện Phù Cát nói riêng và Tỉnh Bình Định nói chung. Mỗi lần đến Sân Bay Phù Cát – Bình Định, hay mỗi lần về Phù Cát thắp nhang kính tưởng cha mẹ, con đều nhớ đến Chùa Long Hòa, đến Sư Ông. Cho phép con được tôn xưng Cố Trưởng Lão Hòa Thượng bằng tiếng “Sư Ông” thân kính. Thế nhưng hôm nay chợt nghe báo tin Sư Ông rũ bỏ trần duyên về xứ Phật khiến lòng con bàng hoàng, thương cảm. Bao nhiêu hình ảnh, kỷ niệm với Sư Ông hiện về trong tâm trí con.
Sư Ông và Hòa Thượng Quảng Độ đều từng là Chánh Đại Diện Phật Giáo Huyện Phù Cát, cho nên Chùa Long Hòa là điểm đến của Tăng Ni Phật Tử Phù Cát. Con và Nhuận Chủng đã nhiều lần viếng thăm Chùa Long Hòa, thăm Sư Ông, cũng có những lần đảnh lễ khánh tuế Chúc Xuân Sư Ông. Sư Ông chứng minh, ân cần viếng thăm, tham dự, chia sẻ, phân ưu trong đám tang của Thân Phụ, Thân Mẫu của con tổ chức tại tư gia. Vốn là người con hiếu và tổ chức Húy Kỵ Phụ Thân hàng năm tại Chùa Long Hòa, Sư Ông lân mẫn quan tâm nhắc nhở chúng con trong quá trình chuẩn bị tổ chức Tang Lễ song thân. Sư Ông rất cảm thông trong sự thiếu thốn và sơ sót khi tổ chức Lễ Tang tại nhà và ban Đạo Từ khuyến tấn anh em gia đình chu toàn Hiếu Đạo, để cầu nguyện hương linh Cha Mẹ quá vãng về miền Tịnh Độ.
Tại Chùa Phước Long, Gia Lạc, Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh BÌnh Định, khi con giảng trong dịp Lễ Phật Đản năm 2014 tại đó và Sư Ông đến với vai trò Hòa Thượng Chứng Minh, ban Đạo Từ. Lắng nghe Sư Ông dạy bảo, nhắc nhở Sư Cô Trụ Trì và Phật Tử, con cảm nhận được lòng quan tâm sâu sắc của Sư Ông đối với mọi cơ sở Tự Viện Phật Giáo trên địa bàn huyện Phù Cát. Nơi nào Sư Ông cũng chỉ đạo, khuyến tấn để cho tu sỹ và cư sỹ tại đó nỗ lực thừa hành theo, sao cho : Thiền môn hưng thịnh, tứ chúng an hòa.
Hầu như cơ sở tự viện Phật Giáo nào ở Huyện Phù Cát cũng lưu bước chân Sư Ông và những lời huấn từ khuyến tấn việc xây dựng phát triển đạo tràng. Ngoài ra, Sư Ông đặc biệt có duyên để làm vị Chứng Minh Đạo Sư, cố vấn chỉ đạo hoặc trực tiếp thực hiện vậy trùng tu, xây dựng các cơ sở tự viện như : Chùa Long Hòa – từ việc di dời Chùa Thiên Hòa đến vị trí mới từ năm 1957 đến nay, Sư Ông đã xây dựng trùng tu khang trang, trở thành phạm vũ huy hoàng, Chùa Hoa Nghiêm, Cát Tân, Phù Cát, Sư Ông dày công xây dựng, tái thiết từ năm 2012 – 2017 để trờ thành tự viện đầy đủ tầm vóc và tiện nghi sinh hoạt, Chùa Long Hoa - Chi Hội Phù Cát, Chùa Bửu Quang (Cát Trinh, Phù Cát), Chùa Mỹ Hóa (Cát Hanh, Phù Cát), Chùa Long Hưng ( An Nhơn, Bình Định), Chùa Cảnh An ( Cát Tài, Phù Cát), …, thật là :
Lập pháp tràng nơi nơi
Phá lưới mê lớp lớp
Sư Ông đến dự các Lễ cúng Thất và chứng minh, chứng trai trong Lễ Chung Thất cố Hòa Thượng Đệ Nhị Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều. Chúng con rất cảm kích bước ra sân tiếp đón Sư Ông vào phòng khách và tiễn ra về khi xong Lễ. Sư Ông, vốn là Pháp Hữu, học cùng các lớp Phật Pháp với cố Hòa Thượng Đệ Nhất Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều, ban đạo từ nhắc nhở chúng con cung nhau tinh tấn tu tập, hành đạo, kế vãng khai lai, xương minh Chánh Pháp để phần nào báo đáp ân sâu Thầy Tổ.
Từ ngày 7-9/7/2014, Sư Ông quang lâm chứng minh, còn con là giảng sư của Khóa Tu Búp Sen Hồng, tại Chùa Kiều Đàm, Kiều An, Xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Qua phần Đạo Từ của Sư Ông đối với Khóa Tu này, con nhận ra mối quan tâm sâu sắc của Sư Ông đối với thế hệ trẻ. Sư Ông đem kinh nghiệm cả đời mình để truyền trao, uốn nắn, rèn luyện thế hệ trẻ, gieo mầm, hạt giống Bồ Đề trong tâm thức của họ, hướng đạo họ sống, trưởng thành, học tập, phát triển cả về thể chất lẫn tâm linh, tinh thần với hành trang Phật học để họ có thể vững bước vào cuộc đời, bồi đắp cho cuộc đời thêm Chân – Thiện – Mỹ.
Những công việc Phật Sự bên ngoài là thế. Sư Ông đã từng làm Chánh Đại Diện Phật Giáo Huyện Phù Cát, chứng minh Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bình Định, nên công việc Phật Sự, chứng minh, tham dự Lễ Hội nhiều chùa chiền trong Tỉnh khá là bận rộn. Sư Ông rất tận tâm tận lực, dù tuổi già sức yếu, vẫn luôn cố gắng đến tham dự, nếu sức khỏe vẫn còn cho phép, để sưởi ấm lại nhiều hơn nữa trong Tình Pháp, Duyên Tăng, để biểu hiện sự tán trợ và đóng góp bằng chính sự hiện diện của mình cho các Lễ Hội thêm phần long trọng và thành tựu viên mãn. Sống dài, sống lâu đã khó mà tận dụng thời gian đang sống, sống sao cho mỗi ngày đều có lợi lạc cho mình và mỗi người một cách tốt nhất có thể lại càng khó hơn. Sau 80 tuổi, lẽ ra, Sư Ông có thể hạn chế ngoại duyên, ở yên nơi Chùa Long Hòa tịnh dưỡng, thế nhưng Sư Ông vẫn tích cực tham dự các sự kiện sinh hoạt Lễ Hội lớn nhỏ của Phật Giáo Tỉnh Bình Định suốt 18 năm qua, quả thật đó là một đại nguyện, kiên tâm trì chí, đại bi, đại dũng, tinh tấn lớn lao phi thường, vượt lên trên giới hạn mà người đời thường nói : “lực bất tòng tâm”.
Ngoài những Phật sự bên ngoài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các gia đình Phật tử và tự viện Phật Giáo, những lúc ở tại Chùa Long Hòa, Sư Ông cũng tinh tấn hoạt động không ngừng. Sư Ông giỏi làm nông, sản xuất từ thời chiến tranh trước kia, kinh tế nhà chùa tự túc, tự chu cấp, cho đến khi phải cưu mang, nuôi giúp tu sỹ và đồng bào tản cư tỵ nạn nơi các vùng giao tranh khốc liệt đến tạm trú Chùa Long Hòa. “Lá lành đùm lá rách”, “chật bụng chớ chật chi nhà” và :
Miếng khi đói bằng gói khi no
Của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn trùng
Sư Ông ra sức làm nông, canh tác tần tảo không mệt mỏi để có thêm nông sản nuôi giúp những người tản cư tạm trú đó. Đó quả thật là lòng từ bi của Sư Ông càng ngày càng lan tỏa rộng, che chở, cứu tế những người trong hoàn cảnh khó khăn, làm giảm đi nỗi khổ niềm đau cho cuộc đời.
Sư Ông sống theo thanh quy của Ngài Bách Trượng : “Một ngày không làm là một ngày không ăn”, Sư Ông với thân giáo của mình cho chúng : hàng ngày đích thân chăm sóc vườn rau, cây trái, cặm cụi, lặng lẽ ngoài vườn, vừa làm vừa niệm Phật. Sư Ông rất tâm đắc và tinh chuyên với Pháp môn Tịnh Độ.
Quả thật Sư Ông đơn sơ nhưng thanh cao, bình thường nhưng vĩ đại, khiêm cung, nhường nhịn nhưng mọi người luôn tôn quý. Sư Ông thường tâm sự với thế hệ trẻ rằng : thế hệ tôi sinh ra trong chiến tranh, ít học, thế hệ quý thầy sư cô trẻ có điều kiện hơn thì hãy cố gắng tu học, trau giồi để sau này đầy đủ đạo lực phụng sự, hoằng dương Chánh Pháp. Sư Ông khiêm cung vậy thôi, chứ thời đó, Sư Ông đã từng thọ giáo với những bậc Cao Tăng, Thạc Đức : Cố Hòa Thượng (HT) Trí Đức, Chùa Long Đức ( Phù Cát), Cố HT Huyền Giác, Chùa Tịnh Lâm (Phù Cát), rồi cố HT Huệ Chiếu (Tổ Đình Thiên Đức), lại đến các Lớp Phật Học ở Chùa Long Khánh, Chùa Hưng Long tu học nữa. Sư Ông đã tận dụng tất cả những phước duyên có thể có được trong tỉnh nhà để tham vấn, thọ giáo, tu học, tôi luyện rồi.
Con được nghe kể lại là : với niên cao lạp trưởng như thế, sau quá trình dài sinh hoạt Phật sự và niệm Phật, Sư Ông “dự tri thời chí” – biết trước thời kỳ ra đi đang đến gần – quyết định buông xả trần duyên, về cõi Phật trong tháng Giêng, Ất Tỵ, đặc biệt là gần ngày giỗ thân phụ Sư Ông, có lẽ như vậy là duyên cảm ứng gần gũi hơn, giao cảm hơn với thân Phụ hoặc là như vậy sẽ thuận tiện hơn cho Môn Đồ Pháp Quyến làm Lễ tưởng niệm Húy Kỵ sau này. Sư Ông đã nhờ thị giả cạo râu tóc, đưa đến Chánh Điện lễ Phật, lễ Tổ vào ngày 16 tháng Giêng một lần cuối trước khi nằm yên, yếu dần cho đến khi an tường xả báo thân nhẹ nhàng, không vướng bận.
Gần cả một thể kỳ hiện hữu cõi đời này, Sư Ông đã tận tâm sinh hoạt và cống hiến đến những ngày tháng cuối cùng, những gì cần dạy bảo, Sư Ông đã dạy bảo, những gì cần làm, Sư Ông đã làm, những gì cần thị hiện, Sư Ông đã thị hiện, nhất là trong những thời kỳ khó khăn biến động nhất của Phật Giáo, từ thời chiến tranh, thời Ông Ngô Đình Diệm cho đến bây giờ, Sư Ông đã góp phần cho sự ổn định và phát triển của xã hội và Phật Giáo Tỉnh nhà. Giờ này khó có thể đòi hỏi hay chờ đợi gì nhiều hơn nữa từ Sư Ông. Dẫu biết thế gian này vốn là vô thường, có hợp phải có tan, có đến phải có đi, có sanh phải có diệt, thế nhưng tứ chúng đã quen và an lạc hoan hỷ trong sự hiện diện, che chở, uy đức của Sư Ông, giờ này phải chịu cảnh chia ly, trống vắng, hụt hẫng thì tránh sao khỏi sự chạnh lòng, luyến tiếc, ngậm ngùi. Cho con được hướng về Kim Quan của Sư Ông tại Chùa Long Hòa, một lần nữa cúi đầu đảnh lễ tri ân, bái tạ tiễn biệt một bậc chân tu, thạc đức mà duyên thân cận với Ngài đã để lại nhiều kỷ niệm, dấu ấn sắt son trong lòng con không thể phai mờ. Người đã ra đi nhưng Người còn ở lại, Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương, tất cả những hình ảnh, những lời giáo huấn, những thị hiện của Sư Ông vẫn sống mãi trong tâm trí chúng con, trở thành nguồn thương và lẽ sống, là động lực lón lao để chúng con tiếp nối hành trình, đi tiếp trên con đường mà Sư Ông đã đi, làm tiếp những gì mà Sư Ông đã làm, sao cho Pháp Luân thường chuyển, phổ độ quần sanh, góp phần cho thế giới hòa bình, nhơn sinh an lạc, tận lực điểm tô làm tốt Đạo, đẹp Đời.
Cầu nguyện hồng ân Chư Phật, Bồ Tát mười phương gia hộ cho Sư Ông : xả báo thân mà chừng pháp thân, rời huyễn cảnh mà trở về tịnh cảnh, để rồi, Sư Ông, khi nhân duyên khác hội đủ, lại tiếp tục với bản nguyện của mình : trở lại cõi Ta Bà, chèo thuyền Bát Nhã, vớt khách trầm luân, đưa về nèo Giác.
thùy từ chứng giám.
Ngày 22 tháng Giêng năm Ất Tỵ
Thích Đồng Trí
Hình ảnh thêm về Tâm hương tưởng niệm Cố TLHT Thích Giác Trí - Chùa Long Hòa, Bình Định