Dịch, có vẻ như đồng tiền nặng hơn, có lẽ một phần do càng khó kiếm tiền ... càng “ nặng”, càng hiếm càng quý. Phần khác do rất nhiều hàng hoá dịch vụ, nhất là nông sản, hạ giá rồi đại hạ giá và sự chi tiêu chắc tay dè dặt hơn nhiều cũng làm “ nặng” hơn tiền đồng.
Một tách ca fe đen ba nghìn, ca fe sữa nóng năm nghìn, ca fe đá loại uống được mười hai nghìn.... Đấy là thực đơn ca fe bình dân ở Miền Tây.
Trái cây rẻ bất thường: thanh long ruột tím ngọt lịm mười nghìn một ký – lô, xoài chín loại thường cũng chừng ấy tiền, cùng với mít, mận, chôm chôm...
Gạo loại thường ăn được kí lô mười bốn nghìn, cơm phần tươm tất hai mươi lăm nghìn bao ngon bao no...
Không phải chợ quê, dịch, Sài Gòn cũng hạ giá: dĩa cơm chiên ngon miệng ở quận 3 cũng hai chục nghìn kèm ly trà đá, ca fe sữa nóng vỉa hè mười hai nghìn...
Hà Nội, khu vực Cửa Nam gần ga Hàng Cỏ, bữa cơm trắng tép rang bốn chục nghìn, nhà trọ bình dân đêm trăm rưỡi có máy lạnh, TV, nhà vệ sinh.
Đà Lạt, không vào quán sang, mấy chục nghìn tha hồ vi vu ca fe tuyệt ngon ở các triền dốc, còn bữa ăn ở các quán cơm phần ngang ngang giá khu vực ga Hàng Cỏ ngoài Hà Nội. Một cuốc xe ôm từ chợ Đà Lạt tới bến xe liên tỉnh tầm ba chục nghìn...
Cần Thơ, bữa ăn nóng thơm thịnh soạn ở Bến Ninh Kiều chỉ mấy chục, đầu bếp xịn xò.
Dịch, những khi nới giãn cách, đặt vé tàu hoả, máy bay giá mềm: có lúc vé tàu SE Bắc – Nam ba bốn trăm nghìn cho ghế cứng, còn vé bay một chiều Sài Gòn – Hà Nội sáu bảy trăm nghìn...
Vậy đó, tiền VNĐ nặng hơn do hiệu ứng kinh tế của đại dịch, một hiện tượng kinh tế học điển hình, sức mua không tăng do tăng trưởng, tăng dự trữ quốc gia, lại do giá hàng hoá dịch vụ giảm, độ cầu giảm trong cán cân thị trường.
Mười bốn nghìn một ký kô gạo trắng tinh thơm ngon một người ăn mấy ngày, no lòng cả gia đình, xới ra được nhiều bát... No lòng qua khúc quanh khủng hoảng, thêm chút nước mắm mặn, rau đồng, mấy lát khoai, sinh tồn...
Rồi mọi sự cũng qua đi.
Nguyễn Thành Công