Triển lãm Sơn Tây trùng với lễ khai mạc của Hội thảo Quốc tế về tín ngưỡng Wutai lần thứ hai. Trang web của Diễn đàn Nghiên cứu Phật giáo UBC cho biết hội thảo này đã tập hợp các học giả Trung Quốc và phương Tây, cùng nhau khám phá “một loạt các yếu tố liên văn hóa, đa sắc tộc và liên khu vực đã góp phần hình thành và thay đổi giáo phái Wutai và chỗ trú ngụ của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi cũng như những vai trò ‘quốc tế’ (tôn giáo, chính trị, kinh tế, thương mại, ngoại giao và cả quân sự) mà các giáo phái trung tâm Wutai đã đóng góp trong và ngoài khu vực Châu Á”. (blogs.ubc.ca)
Triển lãm Nghệ thuật Phật giáo và Di sản Văn hóa Phi vật thể Sơn Tây tập hợp một phạm vi rộng rãi nghệ thuật Phật giáo được thực hiện tại Sơn Tây từ thời kì cổ đại đến hiện đại, giới thiệu sự tương tác năng động giữa Phật giáo và các văn hóa bản địa cũng như lịch sử lâu dài và nhiều ảnh hưởng của Phật giáo trong khu vực này. Đây là một sáng kiến được tổ chức bởi tăng đoàn, Phật tử và tình nguyện viên từ quản lý đến hậu cần.
Các tác phẩm thư pháp của Đại sư Miaojiang, Đại sư Hongyi và Đại sư Yuanying. (Ảnh: Guoying Stacy Zhang)
Triển lãm trưng bày thư pháp của các nhà sư như Đại sư Miaojiang, trụ trì Tu viện Thất hiền Rừng Trúc, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Trung Quốc; thư pháp của Đại sư Hongyi và Đại sư Yuanying đến từ Tu viện Bishan – một ngôi chùa khác trên núi Wutai. Ngoài ra còn có nhiều trưng bày văn hóa bản địa Sơn Tây như nghệ thuật làm giấy, dệt, se sợi, đồ gốm nhiều thời khác nhau trong lịch sử Sơn Tây.
Nghệ thuật dệt Sơn Tây. (Ảnh: Guoying Stacy Zhang)
Guoying Stacy Zhang, trợ lý phụ trách của triển lãm – đồng thời là một thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật Phật giáo – phát biểu với Buddhistdoor: “Triển lãm này mở cửa cho công chúng nhưng trước hết là dành cho những đại biểu tham gia hội thảo. Chúng tôi muốn giới thiệu nhiều hơn nữa về nghệ thuật và lịch sử Phật giáo ở Sơn Tây cũng như khuyến khích các học giả quốc tế chú ý hơn nữa đến những vấn đề này. Chúng tôi muốn họ xem xét Phật giáo Sơn Tây là một chủ đề nghiên cứu nghiêm túc”.
Bà Zhang tiếp tục: “Các hang động Mogao Đôn Hoàng có lẽ là địa danh Phật giáo nổi tiếng nhất ở Trung Quốc đối với những nhà lịch sử nghệ thuật. Tuy nhiên, còn nhiều địa điểm ở Trung Quốc vẫn chưa được công nhận. Điều này cực kì đúng với trường hợp của Sơn Tây. Ví dụ, tại triển lãm này, chúng tôi đã sao chép một phần bức bích họa từ Tu viện Kaihua ở Gaoping. Bức họa mô tả nhiều cảnh trong Kinh Hoa Nghiêm có niên đại năm 1096 ở thời Bắc Tống. Tầm quan trọng về tôn giáo và nghệ thuật của bức tranh này đã không được nhận thức đầy đủ”.
Một phần bức bích họa từ Tu viện Kaihua. (Ảnh: Guoying Stacy Zhang)
Bà Zhang được ủy ban Viện Quốc tế Wutai về Phật giáo và Văn hóa Đông Á giao nhiệm vụ cùng với đồng nghiệp khảo sát bốn di tích ở Sơn Tây (bao gồm Tu viện Mingxiu, Tu viện Xuanzhong, Hang ngàn Phật và Tiểu Tây Thiên) để xây dựng một bộ trưng bày tại triển lãm. Mục đích của việc này đó là giới thiệu một số ngôi chùa Phật giáo cũng như nghệ thuật linh thiêng ít được biết đến ở Sơn Tây.
“Chuyên ngành thạc sĩ của tôi ở Courtauld (Anh) là về những bức tượng đất sét được lưu giữ ở Tiểu Tây Thiên – một ngôi chùa ít được biết đến. Những di tích khác đều hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Tôi đã bị cuốn hút bởi nghệ thuật Phật giáo ở Sơn Tây và tôi đã đến Sơn Tây, núi Wutai hằng năm kể từ năm 2014. Tôi cảm thấy thực sự biết ơn với cơ hội giúp đỡ triển lãm lần này cũng như rất thích thú với từng phần của triển lãm”, bà Zhang cho biết.