Tri kiến (知見; P: Ñāṇa-dassana; S: Jñāna-darśana; E: knowing and seeing, clear sight → Perfect knowledge).
- Tri = Trí 知: Có nghĩa là biết // sự hiểu biết. Như: Tri thức 知識
- Kiến 見: Có nghĩa là thấy.
Theo đó, tri kiến có thể được hiểu như sau:
+ Sự nhận biết căn cứ vào kiến thức, vào sự hiểu biết phân biệt tương đối của thế tục (= tục đế).
+ Sự nhận biết các sự vật hiện tượng thông qua sự giác ngộ Duyên khởi về chúng (= chân đế).
→ Tri kiến được xem là nói gọn cho các tên gọi khác là:
- Phật tri kiến (佛知見; P: Tathāgata-ñāna-dassana; S: Tathāgata-jñāna-darśana). Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện, đức Phật nói: “Này Xá Lợi Phất, chư Phật chỉ vì một việc trọng đại lớn duy nhất mà thị hiện ra nơi đời, đó là khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”.
- Như thật tri kiến (如實知見; P: Yathābhūta-ñāṇa-dassana; S: Yathābhūtaṃ-jñāna-darśana) với nghĩa “Nhìn nhận vạn vật như chúng đích thật là”.
- Giải thoát tri kiến 解脫知見
→ Tri kiến được xem là Minh (明; P: Vijjā; S: Vidyā; E: True knowledge), có 3 cái giác (Tam minh) như ghi trong kinh Bhayabherava (Trung Bộ Kinh) hay 8 cái giác (Bát minh) như ghi trong kinh Ambattha trong kinh Ambattha (Trường Bộ Kinh):
1/. Túc Mạng Minh (P: Pubbe-nivasa-nana): Trí tuệ thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ thân ngũ uẩn của Phật từ vô số kiếp, Ngài sinh trong cảnh nào, khi ấy có tên họ chi, dòng giống nào, sắc diện thế nào, tuổi thọ được bao nhiêu, khi thác rồi sinh trong cảnh nào v.v… Ðức Phật toàn giác có khả năng ghi nhớ lại vô số kiếp không có giới hạn. Trong khi khả năng này của Ðức Phật Ðộc Giác và bậc Thanh văn Giác có giới hạn.
Ðức Phật đắc túc mạng minh lúc đầu hôm, trong đêm thành đạo dưới cội Bồ Ðề.
2/. Thiên Nhãn Minh (P: Cutupapata-vijja): Tuệ thấy rõ biết rõ như mắt của chư thiên, phạm thiên, có khả năng thấy rõ biết rõ quá khứ, vị lai của tất cả chúng sinh.
Có 3 loại thiên nhãn minh:
1. Sinh tử minh: Tuệ thấy rõ sự sanh tử luân hồi của chúng sanh đều do nghiệp ác hoặc thiện cấu tạo nên và quả tái sinh ở cảnh giới nào. Chúng sinh nào làm những nghiệp ác do thân, khẩu, ý chấp theo tà kiến, sẽ tái sinh trong các cảnh khổ (P: Duggati) là cảnh A tu la, ngạ quỉ, súc sinh, địa ngục.
Chúng sinh nào làm những nghiệp lành do thân, khẩu, ý nói theo chánh kiến, sẽ tái sinh vào cõi yên vui (P: Sugati) là cõi trời và cõi người có nhiều hạnh phúc.
2. Vị lai kiến minh: Tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của chúng sinh. Chư Phật dùng vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất nữa sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc Ðộc Giác Phật, bậc Thánh Thanh Văn…
3. Thiên nhãn minh (P: Dibbacakku-nana): Tuệ thấy rõ thất cả chư thiên, nhân loại và các vật. Dù sâu dưới đất, trong lòng núi hay bị che án; dù gần hoặc xa đến đâu, Ngài cũng đều thấy rõ ngay như trước mắt.
Tuy nhiên, ở đây chỉ nhấn mạnh Sinh tử minh là cái giác mà Ðức Phật đã đắc vào khoảng giữa đêm Ngài thành đạo.
3/. Lậu Tận Minh (P: Asavakkhaya-nana): Tuệ thiền minh sát (P: Vipassana) siêu tam giới, đó là 4 Thánh đạo diệt đoạn tuyệt được 4 pháp phiền não trầm luân không còn dư sót. Ðó là Trầm luân trong Ái dục (P: Kamasava), Trầm luân trong Tam giới (P: Bhavasava), Trầm luân trong tà kiến (P: Ditthasava), Trầm luân trong Vô minh (P: Avijjasava).
Ðức Phật đắc lậu tận minh vào lúc rạng đông thêm thành đạo.
Bát minh có thêm 5 cái giác sau:
4/. Minh Sát Minh (P: Vipassana-vijja): Tuệ quán tưởng các pháp hành (sankhara), biết và thấy rõ ràng, đầy đủ, xuyên suốt, và như thật sự sinh và sự diệt của Vật chất và Tâm, theo 10 pháp minh sát và Tuệ siêu tam giới chứng đắc Thánh Ðạo Tuệ và Thánh quả Tuệ và Niết bàn.
10 pháp minh sát nầy gồm có:
1. Tuệ quán tưởng các vật chất và tâm đều vô thường, khổ não, vô ngã đúng theo thật tướng (P: Sammasanannana). (*)
2. Tuệ quán tưởng sự sinh và diệt của vật chất và tâm (P: Udayabbayannana)
3. Tuệ quán tưởng sự diệt của vật chất và tâm (Bhangannana)
4. Tuệ quán tưởng cho thấy vật chất và tâm là đáng ghê sợ như là thú dữ (P: Bhayannana)
5. Tuệ quán tưởng cho thấy rõ sự khổ sở của vật chất và tâm như người thấy nhà mình bị lửa cháy, tìm đường thoát ra cho khỏi (P: Adinavannana)
6. Tuệ quán tưởng cho phát sanh lòng chán nản vật chất và tâm (P: Nibbidannana)
7. Tuệ quán tưởng cho phát sanh tâm mong mỏi thoát khỏi vật chất và tâm cũng như cá mắc lưới muốn thoát thân, như kẻ tù tội muốn lìa khỏi cùm xích lao tù (P: Muncitukamyatannana).
8. Tuệ quán tưởng tìm phương thế giải thoát khỏi danh sắc (P: Patisankharannana)
9. Tuệ xả, tức là không còn chấp vật chất và tâm nữa, không vui, không buồn, ví như người bỏ hẳn vợ, chẳng còn mến tiếc nữa, dầu người vợ ấy có tư tình với người nào mình cũng thản nhiên (P: Sankharupekkha nana).
10. Tuệ thấy rõ và dốc lòng thực hành xuôi theo thánh đạo (P: Anulomannana).
5/. Hoá Tâm Minh (P: Manomayiddhi-vijja) là tuệ có thể hóa thân khác theo mong muốn của mình, do nhờ năng lực của thiền định. Đức Phật có thể dùng tâm lực tự hóa ra khi thì làm người già, lúc thì làm người trẻ.
6/. Thần Thông Minh (P: Iddhividhi-vijja) là tuệ có khả năng biến hóa nhiều pháp thần thông khác nhau do nhờ năng lực thiền định.
7/. Thiên Nhĩ Minh (P: Dibbasota-nana) là tuệ có thể nghe những tiếng động từ rất xa, bị bịt kín, hoặc nhỏ nhiệm mà tai của người đời thường không thể nghe được. Do nhờ năng lực thiền định, đức Phật có thể nghe tiếng các loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, nhất là tiếng của loài người và chư thiên.
8/. Tha Tâm Minh (P: Cetopariya-nana) là tuệ biết rõ ý tưởng hoặc tâm thức của người khác.
-----------
(*) Chú thích:
1. Pháp tính là thực tính của pháp được xác định như sau:
- Pháp tính của hiện tượng, loài vô tình (hữu hình hay vô hình) là Vô ngã, Vô thường, Không khổ.
- Pháp tính của hiện tượng, loài hưu tình (hữu hình hay vô hình) là Vô ngã, Vô thường, Khổ.
- Pháp tính của Niết-bàn là Vô ngã, Không vô thường, Không khổ.
2. Tri thức và Trí thức.
- Theo Từ điển trích dẫn Hán Việt:
Tri = Trí 知 = Thức 識: Có nghĩa là biết // sự hiểu biết.
Và: Tri thức 知識 = Kiến thức 見識
- Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992):
+ Tri thức có nghĩa khái quát là những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội.
+ Trí thức lại là người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình.
o0o