Nếu nhìn cạn, phân tích giản đơn sẽ khiến nhiều người khó hiểu về sự tồn tại dai dẳng của cái ác ở mọi nơi, mọi lúc với nhiều dạng thức khác nhau. Cái nhìn cạn ấy không tương hợp tầm vóc vấn đề của nhân loại muôn đời, xuyên suốt lịch sử: ở đâu, lúc nào cũng có cái xấu ác hiển bày hay ẩn tàng chờ thực hiện, với đặc điểm mức độ khác nhau.
Từ khai thiên lập địa, hình thái sinh tồn nguyên thủy bầy đàn, đã có cái ác, cái xấu trong bầy đàn và có “ cơ chế” trừng trị, xử lý của thủ lĩnh, tù trưởng bộ lạc như những gì hãy còn ở các tộc người thiểu số vẫn duy trì đời sống nguyên sơ nơi heo hút ở một số nơi trên thế giới ngày nay.
Hình thành nhà nước, có đời sống xã hội, tư hữu, đã có công cụ trấn áp cái ác cái xấu bằng cảnh sát, toà án, pháp luật, ngoài hình phạt tù giam tù treo còn biết bao hình phạt, bao gồm tử hình. Các nhà nước đều duy trì sức mạnh trấn áp ấy với hao tổn ngân khố không nhỏ, nhưng cái ác cái xấu không ở đâu, lúc nào được coi là bị tiêu diệt hoàn toàn, xã hội có trị an triệt để. Phải chăng cái xấu cái ác thuộc về bản chất con người?
Phật giáo có lý giải điều này: tâm viên ý mã, con người phàm tục không ai hoàn toàn kiểm soát làm chủ tâm ý, tự chủ các căn để có tâm trong veo như hồ nước tuyệt đối sạch. Tham sân si tồn tại trong tâm chờ cơ hội phát tác thành hành động, thành lập tội với đạo đức và luật pháp. Diễn trình ở tâm rất phức tạp vì không dễ thấy, có lúc không thể thấy, cho nên từ cổ xưa đã có câu “ tri nhân tri diện bất tri tâm” là vậy. Xấu ác khởi từ tâm, vi tế lắm. Luật pháp chỉ chế tài tội khi hành vi xấu ác thành lập đủ khung, mức độ, có bằng chứng vật chất. Sự hình thành xấu ác từ tâm, tác ý bất thiện, không thuộc trách nhiệm luật pháp, nhưng đấy lại là gốc rể tội, chốn khởi tạo xấu ác. Động cơ phạm tội từ đấy.
... Có thể một công dân chưa thực hiện tội hiếp dâm, nhưng đã tác ý xấu trong tâm về tính dục; có thể chưa thực hiện hành vi trộm cắp, nhưng tâm tham đã khởi lên khi chiêm ngắm tài sản, vật chất của thiên hạ... Gốc xấu ác từ tâm thức, ít nhiều tùy người như các hồ nước trong đục khác nhau, chỉ khi giác ngộ viên mãn như Đức Phật tâm mới đoạn tuyệt hoàn toàn tham sân si, xấu ác không khởi dù một niệm, hồ nước sạch trong không chút vấy bẩn cho dù nhìn qua kính hiển vi- một điều lý tưởng, rốt ráo.
Thế gian chưa ai được như thế nên ở đâu lúc nào cũng có xấu ác tồn tại, công cụ trừng phạt luôn thường trực, các số phone khẩn cấp ngoài bệnh viện, luôn có cảnh sát- hotline, đường dây nóng. Cái xấu ác là một bệnh trạng của xã hội, như các bệnh lý ở cơ thể con người- không ai không bệnh, không xã hội nào sạch hoàn toàn tội phạm. Chuyện xét xử chính quan chức toà án, cảnh sát, tu sĩ...cũng đâu phải hi hữu?
Khi phân tích đến bản chất tâm theo phật giáo, là từ góc nhìn Đạo Phật với cái xấu ác của thế gian. Cũng có thể tiếp cận cái xấu ác qua các khía cạnh khác, từ xã hội.
Quyền lợi, sự thoả mãn nhu cầu, động cơ chiếm hữu...thôi thúc hành động xấu ác và thực hiện khi đủ điều kiện. Dân gian VN phổ biến câu “ một năm ăn trộm bằng ba năm làm”, món lợi hấp dẫn kẻ trộm duy trì “nghề” bất thiện, phạm pháp, thắng cả nội tâm, nỗi sợ bị trừng phạt. Một vụ cướp trót lọt có thể đem tới cho tội phạm món tiền rất lớn mà nếu cần lao lương thiện họ không có được.
Ở các nước trả lương thấp cho viên chức nhà nước, như VN, sức hấp dẫn phạm tội tham nhũng rất mạnh. Tùy vị trí công vụ, ngó lơ một chút hay ký một chữ, món lợi có thể lớn hơn nhiều đời viên chức ấy mẫn cán làm việc theo đúng phận sự, và ăn lương. Hàng nghìn tỷ VNĐ một án tham nhũng, mối lợi bất chính quá lớn làm điêu đứng nội tâm viên chức có quyền lực nhưng đời sống, thu nhập ít ỏi. Lịch sử các vụ án hình sự VN hiện đại có thể nhắc đến vụ Năm Cam, chuyên án Z5.01: Trương Văn Cam đã mua chuộc một loạt nhân sự cao cấp của nhà nước ở mức khó tin, bằng tiền, bao gồm cả sĩ quan công an các cấp, có anh hùng lực lượng vũ trang.
Ông Lý -Quang -Diệu ngay từ kiến quốc, đã thành công xây dựng nền công vụ liêm chính ở cộng hoà Singapore, cùng trị an tốt, bằng hai công cụ chính: sức mạnh công cụ cảnh sát, toà án, hình luật sắt đá cùng công cụ quyền lợi- nhà nước chấp nhận trả lương cao hay rất cao cho viên chức, chú trọng viên chức các ngành nhạy cảm như cảnh sát, hải quan thuế... Sức hấp dẫn từ quyền lợi bất chính không quá lớn, đời sống gia đình viên chức đã được chu toàn, ý thức danh dự mạnh mẽ, đã khiến Singapore nổi tiếng về nhà nước liêm chính, xã hội kỷ cương, đất nước phát triển. Tân Gia Ba khắc chế hiệu quả sức hấp dẫn của cái xấu cái ác, dùng quyền lợi bảo vệ viên chức và hỗ trợ họ kháng cự trước hấp lực tham nhũng. Khập khiễn liên hệ, thủ đoạn mua chuộc như Năm Cam đã làm ở VN khó hay không thể thành công nếu diễn ra ở Singapore: đời sống viên chức ở VN quá thấp!
Không thể lập luận rằng ở đâu lương thấp, nghèo khó, cái xấu cái ác nơi đấy hơn nơi lương cao, giàu có sung túc, không thể đổ thừa nghèo hay lương thấp để phạm tội, nhưng quả thực đời sống đầy đủ sẽ đối trọng tốt hơn trước cám dỗ bất chính.
Thế gian phàm tình không ai viên mãn như Phật, Ngài miễn trừ trước các cám dỗ. Vì thân tâm phàm phu nên sự cẩn trọng trước cám dỗ, sức hấp dẫn của cái ác cái xấu luôn cần.
Chuyện đó ai cũng biết.
Nguyễn Thành Công