Khoa Nghiên cứu Tôn giáo của Đại học Yale vừa mới thông báo việc tổ chức hội thảo đặc biệt kéo dài ba ngày về dịch thuật Phật giáo Trung Hoa thời kì đầu do giáo sư Jan Nattier chủ trì, được tổ chức từ ngày 13 – 15/10/2017 tại Đại học Yale. Hội thảo được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh điển và Nghệ thuật Phật giáo của Đại học Bắc Kinh.
Giáo sư Nattier là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu văn bản hiếm trong dịch thuật kinh sách Phật giáo thời kì đầu ở Trung Quốc và hội thảo lần này là một cơ hội hiếm có để tiếp cận những tài liệu như thế này cùng với giáo sư Nattier. Hội thảo không yêu cầu phí đăng kí tham dự, miễn phí cho tất cả mọi người. Người tham gia cũng sẽ được cung cấp miễn phí các bữa ăn trưa và ăn tối.
Kinh phí tài trợ bao gồm phí đi lại và lưu trú dành cho các nghiên cứu sinh (số lượng có hạn) đến từ khu vực Bắc Mỹ. Để đăng kí nhận tài trợ, bạn phải nhập học hoặc bắt đầu học từ học kì mùa thu năm 2017, trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Bạn đồng thời phải gửi một bức thư giải thích lý do mong muốn tham gia hội thảo cùng với lý lịch khoa học và các chứng chỉ liên quan. Giáo sư hướng dẫn tại đơn vị của bạn cũng phải gửi một email chứng nhận tình trạng của bạn và xác nhận rằng họ đồng ý cho bạn tham gia hội thảo. Khi nộp hồ sơ xin tài trợ, bạn phải ghi rõ bạn đến từ thành phố nào.
Hạn cuối đăng kí xin tài trợ là ngày 01/08/2017. Những ai đăng kí trước sẽ được ưu tiên. Số lượng tài trợ có hạn, do vậy, đăng kí càng sớm càng tốt.
Những người không đăng kí xin tài trợ phải đăng kí và xác nhận việc tham gia hội thảo trước ngày 01/09/2017.
Hội thảo sẽ tập trung vào hai bản hiếm về câu chuyện Parinirvana của người mẹ nuôi của Đức Phật, Mahāprajāpatī. Những người tham gia hội thảo trước hết sẽ đưa ra cách đánh giá các bản dịch đã có. Trên cơ sở các thông tin về thời đại và chức năng của các kinh điển này, các thành viên hội thảo sẽ đọc văn bản, thảo luận những gì cần làm với các danh từ và thuật ngữ Phật giáo hiện không được đưa vào các từ điển hiện có. Hai phiên bản tiếng Trung sẽ được so sánh với các bản hiện còn bằng tiếng Trung Quốc, Tây Tạng và Pali nhằm đưa các bản sách này trở về đúng hoàn cảnh lịch sử của chúng.
Toàn bộ tài liệu của hội thảo đều bằng tiếng Trung, ngoài ra, kiến thức cơ bản về văn hóa, văn học Trung Quốc cũng là một yêu cầu cần có đối với người tham gia.
Thông tin tư vấn hoặc gửi đăng kí xin tài trợ, đăng kí tham gia xin gửi đến địa chỉ email: [email protected]