Lúc ấy, trong thành Tỳ Xá Ly đã có sáu Trưởng lão ngoại đạo (Lục Sự ngoại đạo) tên là: Bất Lan Ca Diếp, A Di Chuyên, Cù Da Lâu, Bỉ Hưu Ca Chiên, Tiên Tỉ Lô trì Ni Kiền Tử đang ở đó. Họ nhóm họp với nhau bàn luận:
– Sa Môn Cù Đàm đến đây được nhân dân cúng dường, còn chúng ta chẳng được gì, chúng ta nên đến luận nghị với ông ta, xem ai thắng?
Bất Lan Ca Diếp nói:
– Các Bà La Môn không nhận lời ông ta mà đến cật vấn thì chẳng phải việc của Bà La Môn, chúng ta chưa nhận lời cật vấn của Sa Môn Cù Đàm mà đến vấn nạn thì đâu được luận nghị với ông ta.
A Di Chuyên nói:
– Không thí, không nhận, không người cho, không người nhận, cũng không đời này đời sau, chúng sanhkhông có quả báo thiện ác.
Cù Da Lâu nói:
– Ở bên này sông Hằng giết hại người vô số, thịt chất thành núi; ở bên trái sông Hằng tạo các công đức, do đó đều không có quả báo thiện ác.
Bỉ Hưu Ca Chiên nói:
– Dù cho ở bên trái sông Hằng bố thí, trì giới, tùy thời cung cấp không cho thiếu thốn, cũng chẳng có phúc báo.
Tiên Tỉ Lô Trì Ni Kiền Tử nói:
– Có ngôn ngữ cũng có quả báo của ngôn ngữ, Sa Môn Cù Đàm là người, chúng ta cũng là người, Sa MônCù Đàm biết chúng ta cũng biết, Sa Môn Cù Đàm có thần thông chúng ta cũng co thần thông. Sa Môn Cù Đàm hiện một Thần túc chúng ta sẽ hiện hai Thần túc, ông ta hiện hai chúng ta hiện bốn, ông ta hiện bốn chúng ta hiện tám; nghĩa là, tùy theo ông ta hiện Thần túc bao nhiêu chúng ta sẽ hiện gấp đôi; chúng ta đủ sức thi thố, không chịu thua ông ta, nếu ông ta không chịu luận nghị với chúng ta, đó là lỗi của ông ta; nhân dân nghe được sẽ không cúng dàng ông ta nữa, và chúng ta sẽ được cúng dàng vì chúng ta thắng.
Bấy giờ Tỳ Kheo Ni Du Lô dùng Thiên nhĩ nghe được Lục Sư ngoại đạo tụ họp bàn luận như thế, liền bay lên không trung đến trên chỗ họ nói kệ vọng xuống:
Thầy ta không ai bằng,
Tối Tôn không người hơn,
Ta là đệ tử Ngài,
Tên là Du Lô Ni.
Ngươi nếu có cảnh giới,
Hãy cùng ta nghị luận,
Ta sẽ đáp từng việc,
Như Sư tử chụp nai.
Lại ngoài Thầy ta ra,
Vốn không có Như Lai,
Nay ta Tỳ Kheo Ni,
Đủ hàng phục sáu người.
Các Ngoại đạo nghe Tỳ Kheo Ni Du Lô nói kệ rõ ràng, chẳng thể ngước nhìn thấy mặt, huống là luận nghị.
Bấy giờ nhân dân chung quanh trông thấy Tỳ Kheo Ni ở trên không luân nghị mà Lục Sư ngoại đạo không đáp một lời, ai nấy đều cười vui vẻ. Họ thấy rõ ràng Lục Sư đã bị khuất phục.
Nhóm Lục Sư buồn rầu, âm thầm đi khỏi thành, lúc ấy một số Tỳ Kheo nghe Tỳ Kheo Ni Du Lô tranh luân thắng Lục Sư ngoại đạo, liền đến bạch Phật về nhân duyên ấy. Đức Phật bảo các Tỳ Kheo:
– Tỳ Kheo Ni Du Lô có đại Thần túc, có đại oai Thần, có trí huệ, khó có ai tranh luận nổi với Lục Sư này, chỉ có Như Lai và Tỳ Kheo Ni Du Lô.
LỜI BÀN:
Trong sáu Luận sư ngoại đạo, ngưòi nói đầu tiên cho rằng chưa có sự nhận lời luận bàn mà đến cật vấn thì không thể được, người này nói đúng; còn bốn người kế tiếp đều không chấp nhận nhân quả nghiệp báo, đây là những người chủ trương “chấp đoạn”, họ cho rằng con người sinh ra là do ngẫu nhiên, tự nhiên như thế. Mọi việc ở đời chỉ là may rủi, gặp may được vui, gặp rủi phải chịu buồn. Sinh già bệnh chết là lẽ tự nhiên, khi chết là hết, chẳng còn gì nữa, sự may rủi cũng theo cái chết mà không còn gì nữa, thân xác thành cát bụi hư vô, không còn một tí gì cả.
Theo quan điểm “chấp đoạn”, con người sống chỉ nghĩ đến hưởng thụ cho mau, nên đưa đến tình trạngdành giật, không cần biết tới bình đẳng, đạo đức, tôn ty; đây là quan điểm có tính cách buông xuôi, không phải quan điểm của những người trí tuệ, mà giống như cách đối xử hạ đẳng của các loài vật. Bởi vì con người ngoài phần thể xác, còn có phần tinh thần, nên bảo rằng chết là hết thì không đúng, tại sao? Vì phần tinh thần nó vô hình vô tướng, mắt người thường không thể thấy được, nên tưởng rằng không có gì cả, nhưng đối với các bậc Giác ngộ, các vị biết thấy rõ phần tinh thần này.
Người thứ sáu là một Ni Kiền Tử chủ trương sống theo lối “khổ hạnh”, nhưng người này lại có tâm tranh hơn thua, muốn cùng đức Phật so tài Thần thông; thiết nghĩ, chỉ với Ni Sư Du Lô, đã không so tài Thần túc được thì nói chi so tài với Phật?