Đạo đức, khởi đầu là lý luận dung chứa trong các học thuyết, tôn giáo, các nền văn hoá, văn học... Một loạt các quan niệm thiện ác, đúng sai, tốt xấu...trong các nhân sinh quan thế giới quan khác nhau. Cho dù có khác biệt, song các lý luận đạo đức gặp nhau ở tình thương con người rộng lớn, thương người yếu thế, người nghèo, người già, trẻ em, phụ nữ.... Đạo đức kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ, cưu mang tha nhân bất hạnh khi hữu sự: thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, qua đời... Dù thuộc quan niệm đạo đức nào, từ xuất phát nền văn hoá khác nhau, của tôn giáo khác nhau, song đều xót xa giống nhau khi đồng loại hữu sự như thế.
Lý luận dù đẹp nhưng không thực thi, vẫn chỉ là lý luận. Thuộc lòng bao nhiêu giáo điều đạo đức, thuyết giảng về chúng thao thao mà không rung động trước tha nhân trong cuộc đời thực khi họ khổ đau, quay đi vô cảm, thì cái sự thao thao bất tuyệt giáo điều kia thuộc về trường hợp cổ nhân đã đúc kết “ năng thuyết bất năng hành”, một thứ đạo đức giả, đạo đức suông mà thôi, một hiện tượng không hiếm trong mọi xã hội ở mọi thời đoạn.
Từ thiện chính là thực hành đạo đức trong thực tế, biến lý luận về đạo đức thành hiện thực lấp lánh thay vì dừng lại ở giáo điều.
Tùy duyên, căn cơ, sự từ thiện cũng muôn màu sắc.
Ở xứ sở, ở đây nói đến miền Tây Nam Bộ, vùng Bạc Liêu- Cà Mau, miền đất mới chót vót phương Nam nắng gió. Một khu vực chia sẻ văn hoá của ba dân tộc chính: Kinh- Hoa- Khmer. Một khu vực đa sắc tộc, đa văn hoá, đa tôn giáo...và đương nhiên, có những quan niệm đạo đức khác nhau. Nhưng sự thực hành đạo đức trong thực tế, từ thiện, lại gặp nhau, như đã viết ở phần bên trên.
Cho hòm và hỗ trợ mai táng: nghĩa cử này có giá trị đạo đức cao, nghĩa tử là nghĩa tận: không ít gia cảnh nghèo khó đến độ khi qua đời không thể lo hòm rương chu tất cho người thân, và sự giúp lúc này vô cùng nhân đạo dù đến từ cá nhân tổ chức nào. Ở vùng miền Táy, giúp người nghèo qua đời hòm rương có thể từ tổ chức Hội chữ thập đỏ, tôn giáo, các mạnh thường quân...
Đến Bạc Liêu có thể kể về một địa chỉ thường xuyên hỗ trợ hòm cho người nghèo ở chợ Láng Tròn, thị xã Giá Rai: Phước Đức cổ miếu- một tổ chức tín ngưỡng của người Hoa. Miếu này có hẳn một nơi riêng để xe nhà giàn, cách không xa miếu. Tác giả bài viết đã tìm hiểu hoạt động qua người đứng đầu ban trị sự miếu.
Không xa Miếu trên, thánh thất thuộc tòa thánh cao đài Tây Ninh ở thị xã Giá Rai ở vị trí ven quốc lộ 1 chỉ cách chợ Giá Rai vài cây số, thường xuyên cho hòm rương người nghèo. Thầy cai quản đã cho biết thông tin về hoạt động từ thiện này và nơi đây còn nhận được hỗ trợ của hội CTĐ Tây Ninh, nơi có Toà thánh, một xe nhà giàn còn tốt.
Ở Tắc Vân, ngoại vi thành phố Cà Mau, nơi ngày cũ thời VNCH đặt làm quận lỵ quận Quản Long của tỉnh An Xuyên, tồn tại một hội xe nhà giàn từ thiện từ kúc chiến tranh cho đến nay, kiên trì hoạt động, đã giúp bà con nghèo trong vùng số hàng rương khá lớn trong hàng chục năm dài bất chấp sự thay đổi chế độ chính trị. Tác giả bài viết đã có tiếp xúc nhiều với một lão niên gắn bó lãnh đạo hoạt động từ thiện này: Bác Bảy Minh Quang, một chủ hiệu ảnh có tiếng ở địa phương, khi Bác còn sống. Bề dày thời gian hoạt động, việc thiện đã làm của Hội xe nhà giàn Tắc Vân đáng trân trọng.
Còn nhiều hội xe nhà giàn, tổ chức từ thiện cho hòm rương ở các nơi khác, trong vùng.
Thuốc nam: Các phòng thuốc nam phước thiện của Tịnh độ cư sĩ Phật hội VN là đặc sắc của triết lý phước huệ song tu của tôn giáo này. Ở đâu có Chùa Tịnh độ, ở đấy có sân phơi, phòng thuốc, luôn luôn một bên là giảng đường, một bên là phòng thuốc phước thiện.
Đội sưu tầm thuốc lao động vất vả, có khi đi khá xa để có dược liệu cần bổ sung cho phòng thuốc. Hoạt động chế biến thuốc, chẩn mạch, bốc thuốc diễn ra hàng ngày và miễn phí, lại ân cần chu đáo. Các y sinh y sĩ được đào tạo, lại mang giáo lý của tôn giáo mình tin theo phục vụ tha nhân, cứu người. Bệnh nhân đến, mang theo thuốc tặng chùa, hay khi thu xếp được đến công quả giúp quý thầy ở phòng thuốc. Đấy là một nét đẹp của một tôn giáo Tịnh độ cư sĩ Phật hội VN.
Nhiều Chùa Phật thuộc giáo hội phật giáo VN cũng có mô hình phòng thuốc nam hay đông- tây y kết hợp giúp đồng bào, có thể kể đến: Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam ở ngoại ô TP Cần Thơ do thượng toạ Thích Bình Tâm trú trì, thiền viện Ngọc Hạnh ở Vĩnh Long do thương toạ Thích Giác Hiển trú trì, chùa An Thạnh Linh do sư côThich nữ Như Huệ trú trì...Ở Cà Mau có thể nhắc đến chùa Kim Sơn do ni sư Diệu Chánh trú trì, với một phòng thuốc ở khung cảnh thôn quê dù thuộc phường 6, Cà Mau.
Những thang thuốc, châm cứu từ thiện giúp bao người nghèo trong bệnh tật, giá trị đạo đức không còn gì bàn cãi, rất rõ ràng.
Tặng xe đạp: Xe đạp, dù chỉ là xe cũ, với một học trò nghèo, thiệt quý. Các đợt từ thiện từ Sài Gòn xuống miền Tây thường tặng xe cho trò ở quê, có khi vài chiếc nhưng có chương trình hàng trăm chiếc, đem rộn ràng cho trẻ thơ. Sự từ thiện này thực thiết thực.
Xây nhà cho người nghèo: Một căn nhà dù đơn sơ cho người nghèo thực không dễ làm. Khát khao mái ấm thay cảnh không nhà hay mái tranh dột nát xiêu vẹo là cả một giấc mơ, ngay khi người nghèo ở quốc gia phát triển. Bạc Liêu có một ngôi chùa làm thường xuyên hàng tháng qua nhiều năm, một chương trình từ thiện mang tên “ Phát tâm từ”: Tịnh xá Bửu Linh, thị trấn Hoà Bình, do đại đức Thích Huệ Thường trú trì. Tác giả bài viết nhiều lần được trao đổi về chương trình từ thiện của tịnh xá cùng đại đức Thích Huệ Thường, bên tách trà, được biết: từ nguồn đóng góp của các mạnh thường quân, qua xem xét kỹ, hàng tháng tổ chức trao tặng một căn nhà cho hộ nghèo hoặc một khoản hỗ trợ tài chính nếu hộ nghèo đã có chỗ ở tương đối. Không đơn giản vì các mạnh thường quân phần nhiều là doanh nhân, bán buôn làm ăn thương trường lúc này lúc khác... Đại đức đã điều hành thành công một chương trình từ thiện cách bài bản, hiệu quả, mang lại mái ấm cho bao phận nghèo chẳng những ở địa phương huyện Hoà Bình mà còn tặng nhiều nhà cho bà con ở Láng Tròn, Giá Rai ,( cùng tỉnh).
Sự từ thiện thực muôn màu sắc, chỉ đơn cử vài trường hợp cụ thể đã tường tận tại chỗ, ở mọi nơi biết bao tấm lòng hành thiện giúp tha nhân, thực hành đạo đức trong đời sống, khó kể hết. Không chỉ một căn nhà nhỏ, vài chục thang thuốc, mấy chiếc xe đạp... Những thùng quần áo cũ, sách vở, túi gạo, mì...xuôi ngược trên những chuyến xe mang đến cho những phận nghèo hơi ấm đồng loại.
Covid-19 làm sóng động tình người, bao nghĩa cử đẹp hàng ngày lan trên mạng xã hội, ngay trước mắt: tặng người cơ nhỡ một hộp cơm, vài chục nghìn, vài ký gạo...trong khi bản thân người giúp cũng khó khăn đâu có dư dả gì, chia sẻ theo truyền thống bầu bí thương nhau...
Khủng hoảng tế xã hội do đại dịch đã hiển lộ biết bao hành động cao đẹp trong cộng đồng, nếu thiếu truyền thống và sự thực hành đạo đức qua các hành động từ thiện, tình hình khác đi theo hướng không nong muốn.
Đạo đức thực hành trong đời sống mới đẹp biết bao nhiêu, hơn mọi con chữ, những hô hào răn dạy.
Bạn hãy cảm nhận mà xem....
Nguyễn Thành Công