Thế giới có nhiều tôn giáo, các hệ tư tưởng, nhiều giá trị đạo đức quy tụ quần chúng có niềm tin theo. Các giá trị tôn giáo, đạo đức tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội ở các quốc gia và tầm nhân loại, trong đấy có Đạo Phật.
Xét về nội dung giáo lý, Đạo Phật đạt đến tính nhân loại phổ biến khi đề cập và đi vào giải quyết các yêu cầu về đạo đức, khát vọng tâm linh chung của con người bất luận khác biệt chủng tộc, văn hoá, địa lý và những dị biệt khác.
Các quan niệm phật giáo về giới, nhân quả, duyên, nghiệp, nhân sinh quan & thế giới quan phật giáo mang tính phổ quát khiến về khả năng, ai, ở đâu, thuộc về sắc tộc hay nền văn hoá- ngôn ngữ nào cũng tiếp nhận được.
Bản chất Phật giáo không cực đoan, Đức Phật kiến tạo một tôn giáo bình đẳng, không phân giai cấp, hướng đến niềm hạnh phúc tuyệt đối cho con người và chỉ ra cặn kẽ sự hành trì để đạt hạnh phúc tuyệt đối ấy: giải thoát viên mãn, sạch nghiệp, nhập niết bàn.
Trong đời sống thực tế, đạo đức phật giáo hướng đến mục tiêu dù là tu sĩ hay phật tử cũng có đời sống nhân ái, từ tâm, thiện chí, trọng luật pháp, sống tốt trong cộng đồng và có thân phận công dân tốt. Nội dung này rõ ở ngũ giới cấm cho hàng phật tử và hệ thống giới cho bậc xuất gia. Toàn bộ các quy tắc, giáo huấn con nhà Phật mang nội dung hài hoà với xã hội, tiến bộ, khoa học, không hàm chứa yếu tố gây xung đột xã hội, mang đến giá trị tốt đẹp cho xã hội. Chính đặc điểm đang đề cập khiến phật giáo dễ dung hợp vào các xã hội, có khả năng phát triển tốt trong tương lai bởi dung hoà được các khác biệt và không tiềm ẩn khuynh hướng cực đoan- một nỗi lo lớn lao của đời sống hiện đại nhiều va đụng, mâu thuẫn.
Đức Phật từ bi trí tuệ, giáo lý ưu việt, tăng ni hiền từ nhẫn nại minh triết, sức mạnh của lịch sử tồn tại hơn nghìn năm tạo nên cơ sở cho niềm tin phát triển của Đạo trên toàn cầu.
Từ thánh địa ở Á Châu, thấm nhập vào các nền văn hoá Phương Đông, tồn tại, phát triển, trãi nhiều thử thách lớn lao, ngày nay phật giáo đã đi vào văn hoá, tâm linh khắp năm châu với những mức độ khác nhau. Hình ảnh quen thuộc nhà sư Phương Đông thiền hành, tĩnh toạ, trước tác hay thuyết pháp đã có thay đổi: ngày nay xuất hiện không ít tên tuổi chư tăng ni cư sĩ nổi tiếng của phật giáo ở Châu Âu, Bắc Mỹ hay Úc Châu. Không ít tác phẩm về Phật giáo lôi cuốn, sâu sắc với lối kiến giải Đạo mới mẻ, diễn đạt không bởi chữ Phạn hay Hán, hay chữ quốc ngữ VN... Các trước tác phật học bên ngoài Á Châu có giá trị hoằng pháp mạnh mẽ, thuyết phục, hiện tượng này quả thực đúng câu bất khả tư nghị.
Các nan đề nóng bỏng của thế giới ngày nay như nguy cơ chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố, môi trường, ma túy và tội phạm, khủng hoảng kinh tế cũng như dịch bệnh đang hoành hành đều trong tầm nhận thức của Phật giáo. Đạo Phật giáo dục sự hoà ái với vạn vật từ côn trùng đến con người, cỏ cây; giáo dục về hoà bình, vị tha, chia sẻ, tôn trọng muôn loài, tức giáo dục tu sĩ phật tử đáp ứng giải quyết các nan đề đang khiến thế giới hiện đại đau đầu vì đời sống sùng bái vật chất nhục dục khiến dẫn đến mất cân bằng, bất ổn, xung động triền miên. Quan trọng khi Đạo Phật đề cập về bản chất các nan đề kia từ khởi nguyên ở xã hội Ấn cổ đại chứ không phải đến khi chúng- các nan đề- bùng nổ ở thời đại ngày nay với định danh 4.0
Từ khởi nguyên, Đạo Phật, thông qua kinh điển và phi kinh điển, đã đề cập đến các nan đề ấy như thế nào khiến hơn nghìn năm không hề lạc hậu, lỗi thời?
Đầu tiên, có thể nói đến lòng tham. Phật giáo không ngơi nhấn mạnh về sự tham lam ăn sâu trong nhân sinh trong vô lượng kiếp khiến thành sức mạnh chi phối sự sống và sau sự sống vật chất. Tham từ ý, khẩu, thân. Tham từ hơn thua câu chữ lời nói đến xúc chạm, chiếm hữu; tham cầu đáp ứng vô cùng các nhu cầu tinh thần, sinh lý; tham từ thô đến tế với vô vàn biểu hiện xoay quanh cái tôi, sự tư hữu. Tu cũng có thể hiểu theo cách của Phật rằng đấy chính quá trình kiểm soát lòng tham, từng bước gia giảm, tối giản để rồi buông bỏ hết, thoát tục gói hết “ tham cầu” trong rau dưa trường chay, chân trần, cà sa ủ ấm.... Để rồi rốt ráo chỉ còn đúng câu: Nam mô a di đà Phật. Diệt trừ lòng tham từ tâm thức vi tế, Đạo Phật đã đụng đến nguồn cơn, bản chất của mọi hỷ nộ ái ố của trần gian. Đấy cũng chính một giá trị phổ quát của Phật giáo.
Những bi kịch cổ kim đông tây xét cho cùng xoay quanh đúng một chữ tiếng Việt, chữ quốc ngữ viết THAM: tham lãnh thổ, xâu xé vì thèm mấy hòn đảo nhỏ trong khi diện tích quốc gia đã chiếm một góc địa cầu, khiến nguy cơ can qua thường trực. Tham trên thương trường khiến cuộc cạnh tranh hỗn loạn; tham của người cách bất chính khiến thành lập tội khuynh đảo trị an; tham sắc dục.... Chữ THAM có nội hàm rộng lớn và từ khởi nguyên Phật đã nhận chân vấn đề cũng như có phương pháp trị liệu. Phật xét THAM từ ăn, ngủ, chế đời khổ hạnh cho hàng tu sĩ và đời sống tiết dục cho hạng phật tử sơ cơ. Tu tức buông bỏ, tức không tham- nói cách ngắn gọn. Ai cũng sống đời chân chính, không tham, có nghĩa không va đụng, tránh được xung đột.
Các giá trị đạo đức phật giáo về bố thí, chia sẻ, hợp cho mọi thời, mọi nơi, phổ quát.
Giáo lý đồ sộ của phật giáo, chỉ tu một chút, dừng nghiệp ác, đã biến đổi chuyển hoá rất lớn đời sống cá nhân và tác động tốt đến cộng đồng, xã hội. Với tiêu chuẩn phật giáo, nếu tu hành miên mật tinh tấn chỉ có thể diễn đạt qua góc nhìn đạo đức: tuyệt vời- cho dù nhìn từ Châu Âu hay Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, và ở bất kỳ thời đoạn nào.
Điều đó, như từ đầu đã đặt vấn đề, cho thấy tương lai phát triển ảnh hưởng Phật giáo trên toàn cầu khả quan. Và điều đó không tùy thuộc nhiều vào các dãy số thống kê máy móc như thường xuyên diễn ra ở VN bởi niềm tin tôn giáo, tâm linh sao có thể cân đo đong đếm như thế được. Với tôn giáo, các phân tích lượng giá toán học chỉ có giá trị tương đối nào đó, phật giáo cũng thế. Nếu dựa trên các số liệu dễ dãi nào đấy mà vội vàng nhận định phật giáo suy thoái hay phát triển có thể hàm hồ.
Phật giáo phát triển, tồn tại và có tương lai không phải dựa vào các con số thống kê như với công ty xí nghiệp, sự tồn tại, phát triển và tương lai ở bản chất nhân văn, tiến bộ, ở giáo lý ưu việt vốn được Đức Phật giác ngộ và xây dựng từ khởi nguyên.
Nhiệm mầu...
Nguyễn Thành Công