Tuy nhiên, nhiều gia đình lại bỏ ra số tiền quá lớn cho việc cúng lễ này, gây lãng phí không nhỏ.
“Đốt” tiền thật
Bỏ ra hàng triệu đồng, thậm chí có người bỏ ra đến vài chục triệu đồng, để mua đủ đồ vàng mã cúng cho người âm đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các TP lớn. Hàng trăm mặt hàng từ đơn giản đến phức tạp như quần áo, biệt thự, xe hơi, điện thoại,..., thậm chí có cả các loại mỹ phẩm nước hoa hàng mã. Nhìn chung, xã hội hiện có gì thì đồ vàng mã đều có hết.
Phần lớn các gia đình này đều cho rằng, việc mua đủ đồ đạc hàng mã để cúng lễ người thân ở bên kia thế giới chủ yếu là để người thân có cuộc sống no ấm và đầy đủ như trần thế. Hơn nữa, họ quan niệm rằng người thân ở bên kia thế giới được sung túc thì sẽ phù hộ cho gia đình họ làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no.
Bà Nguyễn Hương Lan, ở khu tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho biết, hàng năm cứ dịp rằm tháng 7, gia đình nhà bà thường bỏ ra vài triệu để mua vàng mã cúng lễ tổ tiên. Đồ hàng mã mà bà hay mua chủ yếu là quần áo, mũ nón, xe máy, bàn ghế, ti vi,....
Theo bà Hương, một năm chỉ có mỗi một tháng nên gia đình cố gắng mua sắm “đồ đạc” đầy đủ để các cụ tổ tiên yên tâm sinh sống và phù hộ cho con cháu. “Có nhiều người còn mua cả ô tô, nhà riêng hoặc biệt thự vàng mã để cúng lễ tổ tiên, tôi mua như thế này còn ít đấy”, bà Hương chia sẻ thêm.
Dạo qua các khu chợ, tuyến phố chuyên bán đồ vàng mã thì chúng ta có thể thấy được sự đa dạng và phong phú của đồ hàng mã. Cứ trần gian có gì là thế giới âm có như vậy. Chỉ mới đầu tháng 7 âm lịch, làng Đông Hồ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đã tấp nập xe tải ra vào chở đồ hàng mã đi khắp các tỉnh thành.
Hay tại làng làm hàng mã Văn Hội, thuộc xã Tân Binh, huyện Thường Tín, Hà Nội, cả làng có tới 800 hộ dân sống bằng nghề làm hàng mã. Trong những ngày này, làng luôn nhộn nhịp và ngập tràn các mặt hàng hàng mã, từ mẫu mã đơn giản đến các mẫu mã đẹp và độc. Nhiều khách hàng có nhu cầu về kiểu cách nên đòi hỏi vàng mã làm ngày càng tinh xảo và độc đáo hơn. Do đó, giá trị những món vàng mã đó thường lên đến vài triệu đồng.
Ngay cả trên thị trường online, vàng mã cúng rằm tháng 7 đang là một trong những mặt hàng “hot” được nhiều người quan tâm. Trên một số diễn đàn, facebook, hình ảnh vàng mã được chụp và đăng tải khá nhiều. Khách hàng muốn mua chỉ cần đặt mặt hàng theo mẫu hình ảnh có sẵn rồi hẹn ngày giờ và địa chỉ giao hàng. Thông thường, khách hàng sẽ phải đặt trước 3 – 5 ngày nếu mua.
Lãng phí ...
Câu chuyện “đốt tiền” vào đồ hàng mã đã được giới truyền thông lên tiếng từ lâu nhưng dường như nó chưa đủ làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân. Nhiều người cứ cho rằng đốt thật nhiều vàng mã là tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Theo giáo lý nhà Phật, cúng rằm tháng 7 hay còn gọi là cúng Vu lan báo hiếu. Việc cúng rằm tháng 7 có thể đến chùa, có thể cúng tại nhà gồm các lễ như cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh.
Đáng nói, trong kinh Phật không hề nhắc đến chuyện đốt vàng mã cho người âm. Nhiều lãnh đạo của Giáo hội phật giáo Việt Nam đã lên tiếng khẳng định việc đốt vàng mã tùy tiện và phô trương là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và không đúng với tinh thần phật giáo.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng phòng biên tập phim Đài truyền hình Việt Nam nhận định, văn hóa tín ngưỡng của mỗi dân tộc đều đáng trân trọng nhưng làm thế nào cho đúng, tránh bị biến tấu là điều chúng ta cần phải nhìn nhận lại. Cúng rằm tháng 7 là một trong những phong tục của người dân nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính đến tổ tiên. Điều này phải xuất phát từ cái tâm của con cháu chứ không phải là số lượng vàng mã được đốt.
Đốt vàng mã là một cách để thể hiện tấm lòng của con cháu gửi tới tổ tiên nhưng hãy đốt vàng mã vừa phải và đúng mực để phù hợp với phong tục, tránh lạm dụng việc đốt vàng mã theo kiểu phong trào, đua đòi theo xu thế và khoe khoang quá mức. “Có rất nhiều cách để thể hiện cái tâm, lòng thành kính với tổ tiên chứ không nhất thiết phải đua nhau đốt những bộ vàng mã đồ hiệu đắt tiền”, ông Hùng chia sẻ.
Nhìn chung, hiện tượng đốt vàng mã tràn lan trong dịp rằm tháng 7 âm lịch vẫn diễn ra mà không hề thuyên giảm. Hàng trăm tỷ đồng tiền thật vẫn được người dân “đốt” cho thế giới âm mà không cần biết những người thân của mình có nhận được không, có đồng ý với cách thể hiện lòng thành kính của mình hay không (?).