Kỳ 2 – Nước mắt chảy xuôi, yêu thương thế nào cho đúng cách?
- Cụ vốn là người chu đáo, và hoạt bát, thích giao du. Từ lúc bị bệnh mất ngủ, cụ trở nên trầm tính. Càng phụ thuộc vào thuốc ngủ, cụ càng gói chặt mình trong thế giới riêng. Cho đến một ngày, cụ tự kết liễu đời mình. Chị và gia đình bàng hoàng, điếng lặng.
Thực ra, bố chị đã chuẩn bị đâu vào đó cho chuyến đi vào cõi vĩnh hằng của mình, từ việc hậu sự đến thư gởi nhà chức trách (tránh gây phiền phức cho gia đình), đến việc dặn dò, ăn mặc trước lúc ra đi, nơi chết, tư thế, … Cụ sợ đến ngày ký ức bị xóa sạch bởi ảnh hưởng lâu dài của thuốc ngủ, suy nghĩ sẽ sống nửa mơ nửa tỉnh xói mòn cụ từng đêm. Hơn cả, cụ sợ sẽ trở thành gánh nặng cho vợ con.
Có nên đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão (nursing home)? - kỳ 1 Có nên đưa cha mẹ già vào nhà dưỡng lão là vấn đề gây tranh cãi trong rất nhiều cộng đồng, chẳng riêng cộng đồng người Việt ở Mỹ. Đã có nhiều bài báo viết về vấn đề này, đề cập cái được và cái mất. Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ dám đưa ra những nhận định mang tính chất cá nhân dựa trên những thực... |
Người ra đi an bài, nhưng người ở lại phải đối diện với nhiều vấn đề hệ quả, những đớn đau chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Từ việc tự trách bản thân (bao giờ cũng vậy), đến những câu hỏi đặt ra cho người đã khuất (không bao giờ được đáp), và cả những lời bàn tán, … Gánh nặng thể chất đã được tháo bỏ nhưng gánh nặng tinh thần vẫn còn dai dẳng.
Vậy thì yêu thương thế nào cho đúng cách?
Thiết nghĩ, ai trong chúng ta cũng nên chuẩn bị tinh thần và tâm lý khi tuổi già đến gần. Chuẩn bị tâm lý con cái sẽ dần dần rời khỏi vòng tay của mình, chúng sẽ có cuộc sống riêng. May mắn thì được sống chung, sống gần, không thì phải lủi thủi ra vào một mình. Âu cũng là lẽ đời tự nhiên.
Tinh thần và tâm lý là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người lớn tuổi. Nếu hai yếu tố này được giữ vững thì cuộc sống người già sẽ dễ chịu đi rất nhiều. Dù có bệnh tật, cô đơn, hay sống trong nhà dưỡng lão, họ cũng luôn hướng về những điều tích cực. Suy cho cùng “nước mắt” lúc nào cũng “chảy xuôi”.
Có rất nhiều người lớn tuổi tự chọn cuộc sống độc lập để con cái khỏi bận tâm, lại giúp đầu óc bận rộn. Có người tìm niềm vui ở tôn giáo, đi chùa hay hành hương. Có người tìm đến những lớp thiền, đi làm thiện nguyện, hay chơi những môn thể thao hợp với thể chất. Bất cứ hình thức hoạt động nào đều đem lại lợi ích tinh thần vô giá.
Tôi ghé thăm câu lạc bộ khiêu vũ người cao tuổi của quận Santa Clara vào một buổi trưa. Khác xa những gì hình dung trong đầu, không khí khá náo nhiệt. Ngạc nhiên hơn nữa, có rất nhiều cụ trên 70 tuổi cũng “lướt sàn” khá điệu nghệ. Cô Kim Trung, người phụ trách câu lạc bộ đã 8 năm nay, cho biết thông thường mỗi buổi sinh hoạt có trên dưới 150 người tham gia.
Cô Phạm Thị An, cựu giáo sư trường Trưng Vương, khá trẻ trung và hoạt bát so với tuổi “ trên 7 bó,” cho biết hai vợ chồng tham gia khiêu vũ ở đây khá lâu, nhưng hai năm nay từ ngày chồng qua đời cô đến đều đặn hơn. Cô An chọn khiêu vũ vì môn thể thao này giúp thể xác khỏe mạnh, và tinh thần thoải mái. Ngoài việc gặp gỡ giao tiếp với bạn bè, việc nghe và cảm thụ nhạc cũng giúp những người lớn tuổi như cô giảm những căng thẳng hay buồn bã.
Cô An cho mình là người may mắn vì vẫn sống chung mái nhà với vợ chồng người con trai, và cả hai đều ủng hộ mẹ đi khiêu vũ. Cô coi con dâu như bạn, vậy nên không có những vấn đề mẹ chồng-nàng dâu, chuyện đau đầu muôn thuở của rất nhiều gia đình Việt.
Gia đình nào ở đây cũng chung một hoàn cảnh, con cái bận đi làm mưu sinh, cháu đi học. Không như ở Việt Nam, người cao niên bước chân ra khỏi nhà có hàng xóm bầu bạn, bước chân ra khỏi ngõ cũng có thể nghe được những âm thanh, tiếng nói quen thuộc. Nếu người cao tuổi không tự vận động, suốt ngày ngồi ở nhà sẽ dễ dẫn tới trầm cảm rồi sinh bệnh, hay có bệnh rồi thì bệnh sẽ nặng hơn. Tự chọn cho mình cách sống bớt phụ thuộc, lành mạnh cả thể xác lẫn tinh thần có lẽ là cách yêu thương con phù hợp nhất khi tuổi đã xế chiều.
Làm con thời này cũng không dễ khi mà cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo toan. Chu toàn vẹn tình và lý với cha mẹ không là điều đơn giản tí nào.
Chăm người bệnh, như cô bạn tôi nói, “không chỉ đòi hỏi bổn phận mà phải có tình thương.” Một người quen của tôi cho biết gia đình chú chọn cách phân chia con cái chăm sóc người cha hơn 90 tuổi bệnh mấy năm nay, chứ không đưa cụ vào nhà dưỡng lão. Cụ ở nhà mỗi người con 4 tháng, số tiền mướn người 2 người thay phiên đến chăm nom cụ 24/24 được các anh chị em đóng góp. Ai rãnh lúc nào ghé thăm, đem theo đồ ăn thức uống lúc đó. Người quen của tôi, cô và chú được phân công đến chăm sóc vào thứ bảy khi không có người làm.
Nhưng không phải gia đình nào cũng làm được như vậy. Ngay cả đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão không đơn giản ai cũng lo được vì chi phí không hề nhỏ, ngoại trừ những nhà dưỡng lão được chính phủ cấp tiền.
Quan trọng nhất đối với người làm con là sức khỏe cha mẹ mình, vì vậy việc chăm sóc sức khỏe luôn luôn giữ vị trí thứ yếu. Có lẽ vậy nhiều người đã chọn giải pháp nhà dưỡng lão cho cha mẹ mình. Cha mẹ khỏe mạnh thì con mới có cơ hội gặp lâu dài hơn. Tuy nhiên, nên cân bằng giữa yếu tố tình cảm và tâm lý, vậy nên nhiều người đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc người già yếu những ngày trong tuần mà thôi, và đưa cha mẹ về nhà sum vầy vào cuối tuần.
Có nên đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão? Câu chuyện nên hay không nên đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão vẫn chưa có hồi kết. Việc phán xét đúng sai phải dựa trên hoàn cảnh cụ thể và chúng ta nên có cái nhìn tích cực hơn đối với vấn đề này. |
Thật không dễ tìm cách chăm sóc người cao niên, hay người già bệnh vẹn cả đôi đường tình-lý theo văn hóa Việt nam. Để làm tốt điều này, tình thương chưa đủ, cha me-con cái-cha mẹ phải yêu thương nhau đúng cách, phù hợp với điều kiện sống, hoàn cảnh riêng của gia đình mình.
Và, xin được nhắc lại. Đừng để thế hệ người gốc Việt thứ ba, thứ tư lớn lên với suy nghĩ đưa cha mẹ mình vào nhà dưỡng lão là điều bình thường, đương nhiên!