Ai đọc Phật, học Phật...đều biết đến điển tích bốn cửa thành nổi tiếng trong lịch sử khai mở Đạo Phật: rằng, hơn nghìn năm trước, Thái tử Tất -Đạt -Đa của Vương Quốc cổ đại thuộc về Ấn- Độ ngày nay, chấn động tám can khi trãi nghiệm thực tế ở bốn cửa thành trong một ngày dời bước khỏi hoàng cung lầu son gác tía ấm êm. Ngài nhìn sâu trong đau xót hiện thực sinh già bệnh tử trước mắt, của đời sống trần trụi nơi dân lành nghèo khổ bần cùng, ở người bệnh chờ chết ngoài đường, người ăn xin, người nghèo khó.... Nhãn quan của Thế -Tử va đụng khổ ải trần gian, lần đầu tiên. Dân chúng lầm than, đời sống con người bất hạnh... Một tiếng sét vỡ oà trong tâm thức vị thế -tử vốn đầy suy tư, giàu lòng trắc ẩn, khát khao chân lý. Có thể nói, hiện thực ở bốn cửa thành đã tạo nên bước ngoặt trong nhận thức của Thế Tử, dẫn đến quyết định cắt ái ly gia tầm đạo không lâu sau đấy. Hiện thực ấy là va chạm, sau này, Phật mô tả trong tứ- diệu -đế, nhận thức về khổ, tìm cầu thoát khổ....
Hiện thực bốn cửa thành mang tính biểu tượng của XÃ -HỘI, tầng lớp giàu nghèo, bần cùng hoá, bế tắt trong bộ phận ở đáy cùng đời sống. Hiện thực ấy đi cùng mọi xã hội trong lịch sử, bất luận cổ kim đông tây, chỉ khác ở mức độ. Ở thời Đức -Phật bên Ấn -Độ, hay ngày hôm nay ở bất kỳ quốc gia nào, hiện thực bốn cửa thành vẫn vậy, khi bài toán bất công, đói nghèo, bế tắt của các giai tầng thấp kém, qua hàng nghìn năm, vẫn không giải quyết được.
Xét bối cảnh ngày nay, ở trình độ phát triển cao độ về công nghệ và quản lý, thời đại 4.0, mọi mặt đời sống XÃ HỘI đã biến đổi nhiều ngay ở Ấn Độ hay mọi nơi khác trên thế giới, năng suất lao động, khối lượng hàng hoá làm ra, tổng thu nhập quốc dân...đều ngất ngưởng cao so với thời cổ đại, hàng vạn lần hơn. Cộng hoà Ấn Độ hiện đại từ lâu đã tiên phong thực thi cách mạng xanh đem đến nhảy vọt giá trị trên đồng ruộng, tạo nên sản lượng vô cùng lớn đến khó hình dung nếu nhìn qua góc nhìn thời Đức Phật. Ấn Độ đã có nền công nghiệp nặng, nổi tiếng với sản phẩm máy công cụ và không chỉ có thế. Nhưng tình trạng xã hội, các vấn đề xã hội, nói theo cách của điển tích cũ, hiện thực ở bốn cửa thành ở xã hội Ấn Độ hiện đại còn khốc liệt hơn thời cổ đại, khi Vương quốc khi ấy chỉ có nền nông nghiệp thô sơ, trình độ tự cấp tự túc giản đơn.
Cao trào đại dịch Covid 19, truyền thông loan đi các hình ảnh thảm thương ở Ấn, xác chết nhiều trên sông Hằng, và không chỉ có ở đấy, có xác người còn mang theo cả ống truyền dịch!
Không phải chờ đến dịch phát tác mạnh các vết nhức mang tính nhân đạo mới hiển bày như thế, Ấn Độ hiện đại cũng nổi tiếng về tồn tại các khu ổ chuột khủng khiếp ở các đô thị như Niu Đê li, Bom Bay, Cancuta... Ở đấy, các khu ổ chuột, tập trung thị dân bần cùng, dân di cư từ nông thôn, giai tầng ở đáy cùng xã hội, sống cùng ô nhiễm môi trường, thiếu thốn điều kiện sống tối thiểu về mọi mặt, băng nhóm tội phạm hoành hành, mại dâm.... Từ góc nhìn bốn cửa thành xa xưa, hiện thực xã hội Ấn hôm nay ở các khu ổ chuột kinh khủng hơn nhiều. Phát triển nền sản xuất dường như không dính dáng gì đến con đường giải bài toán nhân đạo cố hữu, căn bệnh mạn tính của mọi xã hội hay thậm chí còn làm phân hoá giàu nghèo, bất công thêm sâu sắc hơn, “ kẻ ăn không hết, người lần không ra” như dân gian Việt phản ánh. Bất công càng trầm trọng hơn mỗi ngày. Bên ngoài các khu ổ chuột là những cao ốc, biệt thự, đại lộ ken dày xe sang đếm không xuể...
Một xã hội hội tụ các tiêu chuẩn phát triển, thịnh vượng, ưu việt hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ, ở trình độ siêu cường vượt xa Ấn Độ, bài toán bất công xã hội vẫn có ở nhiều nơi. Nước Mỹ của các khoản chi tỉ tỉ USD cho NASA nghiên cứu chinh phục không gian, hàng tấn đô la mỗi niên khoá tài chính cho các dự án vũ khí; nước Mỹ của các xa lộ được thi công tốt nhất, các tỉ phú, những thương hiệu hàng đầu và tiên phong hầu như mọi thứ, có mặt ở mọi nơi, vẫn có nhiều dân vô gia cư đói lạnh, tình trạng tội phạm nhức nhối, và bất công xã hội...
Đấy là nước Mỹ của thế giới tự do, có một lý tưởng nhân văn riêng, phong cách Mỹ, lối sống Mỹ... Ở đấy, hiện thực “ bốn cửa thành” có hay không?
Ở quốc gia bao nhiêu thập kỷ chống Mỹ, đả kích lên án bài xích Mỹ, đi theo một lý tưởng khác hẳn người Mỹ và luôn cho là ưu việt hơn, Bắc Hàn. Thiên đường XHCN ở CHDCND Triều Tiên khủng khiếp hơn nhiều thiên đường thế giới tự do Hoa Kỳ. Ở Triều Tiên đỏ, nghèo đói triền miên, đất nước này xa lắc đâu đó trong hành trình tiến hoá của nhân loại, giàu tên lửa và khẩu hiệu, đói, tràn ngập bất công. “Bốn cửa thành” ở Triều Tiên mới kinh hoàng, nó còn khủng hơn nhiều xứ Ấn.
Ở VN, chế độ XHCN có một lý thuyết số 1 về bình đẳng công bằng, theo đó mà xét và chỉ xét trên con chữ tuyên truyền ấy, bài toán “ bốn cửa thành” ở VN đã được giải tốt nhất thế giới, hơn cả Mỹ cùng Ấn cộng lại do sự ưu việt của chế độ xã hội. Nhưng thực tế khác hẳn, nghèo đói bần cùng tràn ngập, tình trạng nông dân không đất tăng không ngừng, công nhân bị vắt sức lao động cùng kiệt và đối xử tàn nhẫn ở các khu công nghiệp hơn tình cảnh thời thuộc địa, mại dâm trong nước và “ xuất khẩu phụ nữ” cao ngất, các khu ổ chuột ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng... không ít nhức buốt hơn bên Ấn Độ. “ Bốn cửa thành” ở VN là như thế....
Câu “ đời là bể khổ” luôn được dùng chỉ các thân phận đói nghèo và đúng hiện thực, dù thời cổ đại ở Ấn hay thời 4.0 bây giờ ở Mỹ hay VN, ở chế độ tư bản hay XHCN...
Hiện thực xã hội Đức Phật nhận ra và đau đớn, qua nghìn năm, vẫn còn, thậm chí nhức nhối hơn nhiều, ở mọi nơi.
Vì lòng tham khôn cùng của chính con người không bao giờ thấy đủ, ăn hết khúc mía ngọt liếm hoài những giọt mật trên lưỡi dao bén. Các nhà nước có thể dễ dàng phê duyệt những khoản chi lớn mua sắm vũ khí hay bảo dưỡng chúng, nhưng lại khó khăn duyệt các khoản chi cho phúc lợi xã hội, cứu tế, xây dựng lại các khu ổ chuột... Của cải vật chất tăng thêm không ngừng nhưng không bao giờ đủ, ăn hết vườn mía vẫn thòm thèm tiếc chút ngọt trên dao. Do vây, bốn cửa thành muôn năm vẫn vậy...
Khi viết những dòng này, cảm xúc khi đọc một chia sẻ của bậc xuất gia hãy còn: “ thầy trắc nghiệm học trò qua tình huống bếp thiếu củi để đun nước sôi. Từng học trò cho câu trả lời: con đi tìm củi, con đi mua....
Vị thầy lại hỏi: tại sao các con không bớt nước đi?
Bài toán vật lý về nhiệt lượng đơn giản: lượng nước quan hệ với số củi cần để đạt độ sôi xác định, có hay lựa chọn, hoặc tìm thêm cho đủ số củi cần để cung cấp nhiệt lượng, hoặc giảm lượng nước cho vừa số củi đang có. Nhưng cánh học trò không ai đưa ra đáp án như thế, vì sao?
Câu trả lời của tình huống củi & nước liên quan chuyện vì sao nghìn năm bài toán bốn cửa thành không giải được, ai nấy chăm chăm đi tìm củi ( hay mua) mà thôi, không ai nghĩ đến hoàn toàn có thể bớt nước đi để cân bằng..
Bốn cửa thành vẫn đầy rẫy khổ đau, cho dù ở đâu trên trái đất này.
Buồn.
Nguyễn Thành Công