Một hôm, họ Tô sáng tác được một bài thơ lấy làm đắc ý lắm, bèn cho người mang tặng Thiền sư Phật Ấn đang tu ở chùa Kim Sơn. Nguyên văn bài thơ như sau:
“Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên”.
Tạm dịch là:
“Đảnh lễ bậc Giác Ngộ
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng”.
Thiền sư Phật Ấn xem xong bài thơ, chẳng nói gì, chỉ cầm bút phê vào đó hai chữ “phóng thí” (trung tiện) và cho người đem về trình lại Tô Đông Pha.
Đúng như Phật Ấn dự đoán, Tô Đông Pha xem xong lời phê, đùng đùng nổi giận, không nhịn được nên lập tức vượt sông để sang hỏi Phật Ấn cho ra lẽ.
Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: “Bài thơ của tôi sai sót chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ ‘trung tiện’ kia?”.
Thiền sư Phật Ấn cười khà khà: “Ông nói ‘tám gió thổi không động’ mà chỉ một cái ‘trung tiện’ đã phải bay sang sông rồi”.
Tô Đông Pha chợt ngẩn ra, hiểu thâm ý của Thiền sư Phật Ẩn nói rằng tâm mình chưa bất động.
Bát phong là tám ngọn gió đời, theo Phật Giáo, chúng bao gồm:
1. Lợi (lợi lộc)
2. Suy (hao tổn)
3. Hủy (chê bai chỉ trích)
4. Dự (gián tiếp khen ngợi người)
5. Xưng (trực tiếp ca tụng người)
6. Cơ (dựng việc giả để nói xấu người)
7. Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não)
8. Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan)