Thời gian vừa qua nhận thấy thượng tọa Thích Nhật Từ truyền bá sai lệch giáo lý Phật đà, gây hoang mang và mất niềm tin cho cộng đồng Phật tử, tôi tha thiết lên tiếng để phản ánh hiện trạng này, nay tôi kính gửi Ban biên tập trang mạng được biết để cùng chia sẻ, ngõ hầu chúng ta chung tay cùng lên tiếng bảo vệ chánh Pháp của Đức Thế tôn. Mong ban biên tập trang mạng cùng hoan hỷ.
----------------------
Kính gửi Thượng tọa Thích Nhật Từ!
Tôi là một Phật tử hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, pháp danh Minh Châu, đang theo học pháp môn Kim Cang thừa. Có lẽ thượng tọa sẽ không vui nhận được thư thăm hỏi của tôi bởi chỉ mới tháng trước, tôi có viết thư phản biện những quan kiến xấu ác của ông về Thần chú, nhưng đến nay dù thật lòng mong mỏi vẫn không nhận được một dòng thư hồi âm nào. Có câu “im lặng là đồng ý”, vậy thì tôi cũng không nhắc lại chuyện cũ để thượng tọa thêm chạnh lòng, hôm nay, tôi mạn phép có đôi lời phản luận tới thượng tọa về một chủ đề mới, khi vừa qua được xem màn đối đáp cực kỳ khôi hài của ông trên chiếc ghế nóng của đài truyền hình HTV về một hoạt động tâm linh thiêng liêng trong đạo Phật: “Cầu nguyện”, mong thượng tọa lắng lửa sân, dịu lửa kiêu mạn mà hoan hỷ đón nhận.
Bỏ qua sự dễ dãi của thượng tọa trong việc tiếp nhận thỉnh pháp ở một nơi thiếu tôn nghiêm cũng như từ một đối tượng thỉnh pháp thiếu nghiêm túc, tôi thất vọng và đau lòng khi thượng tọa cũng vô cùng dễ dãi trong sự đáp lại lời thỉnh vấn đó. Chỉ vì cái ngu mà Hậu hán thư đã chỉ ra “không biết những gì cần phải biết” mà một hoạt động tâm linh cao quý trong đạo Phật lại được thượng tọa phát biểu qua loa, thiển cận, nhập nhằng và đầy sai lệch trong 2 phút ngắn ngủi, như một gáo nước lạnh tạt vào hơn hàng chục triệu Phật tử người Việt và biết bao triệu Phật tử khắp nơi trên thế giới này. Nếu như quan điểm gọi là “đạo Phật gốc” của thượng tọa vẫn chưa hiểu được căn bản khái niệm “cầu nguyện” và “phát nguyện”, khiến cho câu trả lời trên ghế nóng bỗng trở thành màn tấu hài kệch cỡm, thì tôi cũng khuyên thượng tọa nên về học lại trước khi có ý định lấn sân showbiz. Còn về nguồn tài liệu tham khảo, theo tôi đã nghiên cứu tìm hiểu, hiện nay luận giải sâu sắc, khoa học và toàn vẹn mọi khía cạnh nhất về chủ đề này là Đạo sư Thinley Nguyên Thành, Viện trưởng viện nghiên cứu tâm lý học và ứng dụng Yoga Thanh Trí, với hơn 10 bài luận giải, bình quân mỗi bài khoảng 2.500 từ, tương đương 25.000 từ, lý sự viên dung và chắc chắn không tự ý lập ngôn, hy vọng thượng tọa mai sau có đủ duyên lành tiếp cận để được “biết thấu đáo những gì cần phải biết” mà chữa được bệnh tự ý lập ngôn kinh niên của mình. Nhân đây, tôi cũng xin trích một đoạn nhỏ trong luận giải của Đạo sư Thinley Nguyên Thành để ông được đôi phần thông suốt những gì căn bản nhất về mô thức hành trì tâm linh này: “Trong đạo Phật, từ “nguyện” thường hay gặp ở kinh sách, luận sớ. Các từ “phát nguyện”, “thệ nguyện”, “cầu nguyện” giống nhau về biểu đạt sở nguyện nhưng khác nhau về mức độ tâm nguyện. Đứng trên bình diện ngữ nghĩa, “phát nguyện”, “thệ nguyện”, đại nguyện” phản ánh ý chí tự lực dõng mãnh, quyết tâm đạt được mục đích, chẳng hạn như chúng ta từng đọc “tứ hoằng thệ nguyện” của Phật giáo… Riêng từ “cầu nguyện” lại mang tính chất khẩn thiết, sùng mộ, chân thành nhằm tâm sự những ước nguyện chủ quan của mình, dâng lên những bậc Thánh trong Phật giáo tiếp nhận được tha lực tâm linh siêu phàm thông qua tự lực của mình. Cầu nguyện thường mang tính thời sự trong diễn trình tâm linh. Như vậy cầu nguyện được coi là một nhu cầu làm lắng dịu nỗi lo âu, phiền muộn, thất vọng và sợ hãi. Cầu nguyện cũng là một cách thể hiện ước nguyện của mình, NIỀM TIN vào đấng giải thoát”
Tôi hoàn toàn đồng tình và tán thán những luận giải thấu đáo của Đạo sư Thinhley Nguyên Thành bởi nếu không có niềm tin, người ta không bao giờ cầu nguyện. Vậy lẽ nào niềm tin vào Chư Phật, thánh chúng, những bậc giác ngộ mà chúng ta đã phát nguyện quay về nương tựa lại là sai lầm hay sao? Lại là không đúng chánh Pháp hay sao? Thượng tọa nghĩ mình là ai lại có quyền phỉ báng niềm tin cao cả đó của Phật tử chúng tôi, phỉ báng cả Đạo sư Liên Hoa Sanh bởi Ngài đã huấn thị “Nếu con muốn thấm đẫm trong cơn mưa đều đặn của phước lành, hãy cầu nguyện với sự sùng mộ” và đồng thời Ngài cũng xác quyết “có niềm tin xem như thành công một nửa”, “niềm tin vào giáo lý Đại thừa có công đức lớn hơn việc phụng sự chúng sanh nhiều như số hạt bụi trong cõi Phật mười phương” (Những khai thị từ Đức Liên Hoa Sanh về con đường đại toàn thiện). Từ đây tôi cũng khẳng định rằng, thượng tọa bài bác pháp môn cầu nguyện chính là thượng tọa cạn kiệt trầm trọng gia tài “niềm tin”, đứng đầu Thất thánh tài của một người con Phật, mà tôi cũng từ bi cho thượng tọa được biết, Đạo sư Liên Hoa Sanh đã giáo huấn “Thiếu niềm tin thì như một người cụt tay cố gắng leo núi: con sẽ rớt vào vực thẳm của sáu loài chúng sanh. Người không có niềm tin không thể đạt đến giải thoát hay giác ngộ!”. Tuy nhiên, đáng buồn thay khi tôi nhận ra rằng, sự bài bác pháp môn cầu nguyện không chỉ chứng minh thượng tọa thiếu thốn gia tài niềm tin, mà còn chứng minh thượng tọa vốn chẳng có lấy một chút gia tài nào trong “Thất thánh tài” cao quý của một người con Phật chân chánh, chưa nói đến những vị thầy mang sứ mệnh nối gót Như Lai, sau đây là luận kiến của tôi:
Thứ hai về gia tài “Giới đức”, có lẽ không cần phải giải thích nhiều bởi trong thư trước tôi đã chứng minh thượng tọa phạm 4 trong 5 trọng tội ngũ nghịch (Giết thân căn huệ mạng chúng sanh (giết cha, giết mẹ), chia rẽ Tăng đoàn và phỉ báng Chánh Pháp), một người phạm trọng tội như thế không thể nói là có giới đức, chưa kể đến các trọng giới khác mà thượng tọa đã phạm phải liên tục khi tự ý lập ngôn những điều mình không hề thấu đáo như phạm trù “cầu nguyện” trên đây, đó là vọng ngữ (nói dối hại người), đó là phỉ báng chánh pháp, đó là tà kiến, đó là làm cho người khác từ bỏ tinh thần giải thoát cá nhân, đó là thoái chuyển Bồ đề tâm, đó là không tránh tiếng xấu, đó là không kiềm chế tâm sân hận, đó là nói chuyện phù phiếm do sở thích… Một người tu không có giới đức thì không có tư cách đăng đàn thuyết giảng và lạm bàn về Phật pháp, thiết nghĩ thượng tọa nên cởi chiếc áo vuông của mình ra trước khi tiếp tục mượn đạo tạo đời bằng những câu chuyện phiếm luận, coi thường Phật tử chân chánh.
Thứ ba về gia tài “đa văn”, quả thật tôi phải nể da mặt có phần dày hơn cấu trúc con người bình thường của thượng tọa khi không ngại hết lần này đến lần khác phơi ra sự “dốt mà ưa nói” của mình trước đạo chúng. Chỉ mới 2 phút thôi mà tôi đã đủ thấy sự “đa văn” của thượng tọa khi nhập nhằng không phân biệt nỗi khái niệm căn bản thế nào là “cầu nguyện”, thế nào là “phát nguyện” phương chi là luận giải thực nghĩa thậm thâm bên trong. Nhân đây tôi cũng khuyên thượng tọa, nếu thật cháy bỏng với ước mơ được đứng trên sân khấu đạo pháp thì hãy về học lại điều thức ngộ thứ 5 trong “Bát đại nhân giác kinh” mà Đức Phật đã tuyên thuyết như sau: “Ngu si lụy sanh tử/ Bồ tát hằng ghi nhớ/ Nghe nhiều và học rộng/ Tăng trưởng căn trí tuệ/ Thành tựu mọi biện tài/ Giáo hóa cho tất cả. Hết thảy được an vui”, nếu không đạt đến cảnh giới đó, xin ông tự trọng mà thôi tấu hài trên sân khấu đạo pháp, vốn không phải sân chơi giải trí để mang đến tiếng cười bi ai cho chúng sanh.
Thứ tư về gia tài “khiêm cung”, thưa thượng tọa Thích Nhật Từ! tôi tự hỏi việc thiết tha chân thành trình bạch sở nguyện của bản thân trước chư Phật thánh chúng có gì là sai lầm? Chẳng phải khi đó bản thân người cầu nguyện không chỉ thể hiện niềm tin mà còn thể hiện sự khiêm cung của mình trước các đấng giải thoát đó sao? Vì khiêm cung nên mới nương tựa, mới tìm đến sự gia hộ của các Ngài, mới tin rằng chỉ tự lực hành pháp là chưa đủ trước nghiệp lực quá sâu dày của mình mà cần phải có sự gia trì thần lực từ cõi giới thù thắng của chư Phật để kích thích và chiêu cảm năng lượng tích cực giúp ước nguyện chính đáng nhanh chóng thành tựu. Bởi vậy, tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm cố chấp, phiến diện của Thượng tọa Thích Nhật Từ rằng “Phật không thể chứng giám cho những người chỉ có sự cầu nguyện mà không có thực hành” khi bản thân sự cầu nguyện nhất tâm đã là một pháp hành trong 10 hoạt động tâm linh của đạo Phật mà kinh điển xác quyết. Từ đây cũng cho thấy rằng, chỉ những ai cạn kiệt gia tài khiêm cung hay nói cách khác dồi dào “gia tài” tăng thượng mạn, mạn quá mạn, tự xem mình là cái rốn của vũ trụ như thượng tọa mới cuồng tín vào bản thân mình, phỉ báng năng lực gia trì từ lòng bi mẫn vô biên của chư Phật, Bồ tát.
Thứ năm về gia tài tàm, quý (xấu hỗ với người, xấu hỗ với mình), tôi cũng tự hỏi thượng tọa đã chứng đắc chưa mà cả bấy nhiêu năm mang tiếng là hoằng dương đạo Phật gốc lại chỉ thấy đạo “Thích Nhật Từ gốc” mà thôi, bởi có lời nào ông thuyết giảng mà nương theo lời dạy của chư Phật đâu? Đức Phật thuyết trong kinh nào rằng “Phật giáo không khích lệ sự cầu nguyện, Phật giáo khích lệ sự phát nguyện” mà thượng tọa phát biểu trên ghế nóng như đúng rồi, chẳng chút ngượng miệng thế? hay bởi ghế nóng quá mà dây thần kinh xấu hỗ của thượng tọa cũng bị thiêu đốt thành than luôn rồi thành ra không còn gì ngăn cản sự nói càng, làm càng của thượng tọa được nữa? Tôi cứ nghĩ thượng tọa vì xấu hỗ với những ác nghiệp của mình, không dám đứng trước tôn tượng của Đức Phật để tác bạch cầu nguyện nên mới ngăn cản không cho người khác được như vậy, nhưng hóa ra vốn dĩ thượng tọa đã chẳng còn chút tàm, quý nào, cộng thêm tà tâm và sự tăng thượng mạn có thừa nên từ lâu đã tự cho mình là đối tượng để người khác “phát nguyện” rồi chăng? Vậy tôi xin “chúc mừng” thượng tọa khi tôi được biết rằng Đạo sư Thinley Nguyên Thành đã có lời phát nguyện chấn động để khẳng định niềm tin cho cộng đồng Phật tử vào sự tồn tại của Đức Phật Ami Đà, những phát nguyện của Ngài cũng như cõi giới Tây Phương tịnh độ, trong đó có nói rằng “Ngược lại những ai phỉ báng, xuyên tạc sẽ chịu hậu quả khôn lường bởi luật tắc Nhân quả không hề sai biệt và phân biệt một ai, dù đó là thượng tọa hay hòa thượng”. Những hậu quả thì tôi đã thấy nhưng đáng tiếc rằng tôi lại chưa từng được mở rộng tầm mắt với bất kỳ một phát nguyện nào của thượng tọa để bảo chứng cho những lời lộng ngôn, xảo biện của ông suốt bao năm qua. Thật là nói chơi thì dễ còn bắt tay vào làm lại khó quá thượng tọa nhỉ, dù đó chỉ là một lời “phát nguyện” của Phật tử “thuần thành” mà thôi!
Cuối cùng, về gia tài “Trí tuệ”, giờ đây tôi mới nói cho thượng tọa hiểu, vì sao tôi không đi sâu vào phân tích những lập luận vô căn cứ của ông về phạm trù cầu nguyện, khi ông đang cố ý đánh tráo khái niệm, lèo lái chúng sanh theo hướng “cầu nguyện là vị kỷ, là lợi ích nhóm”. Có nói rằng ở thế gian “Có phương pháp người thường cũng làm được điều phi thường” phương chi ở đây là một hoạt động tâm linh, một pháp hành cao quý đã được Đức Phật và chư Thánh đức từ bi chỉ dạy. Bản chất cầu nguyện chưa bao giờ là sai trái như tôi đã phân tích ở trên rằng đó là biểu hiện của niềm tin, của sự khiêm cung trước những bậc toàn giác, là những gia tài quý báu của người Phật tử trên con đường tầm cầu giải thoát, còn mô thức cầu nguyện như thế nào, cách thức hành trì ra sao, nguyên lý của sự thành tựu do đâu… đều thuộc về phạm trù Trí tuệ mà chỉ lộ xuất ở những bậc Đạo sư chân chánh, những Sứ giả chân thật của Như Lai với Bồ đề tâm luôn hiện hữu vì lợi lạc và hạnh phúc của tất cả chúng sanh.
Kính thưa thượng tọa Thích Nhật Từ!
Không phải ai trong đời cũng may mắn được ở trong một tịnh trú có sự bao bọc, bảo hộ, chở che của một vị Thầy chân chánh, bởi thế con người đến và đi khỏi cuộc đời này vốn dĩ vẫn là một hành trình cô độc, lẽ nào trên hành trình cô độc và thấm đẫm khổ đau đó, họ lại không được quyền nương tựa tinh thần vào một đấng bi mẫn siêu phàm nào hay sao? Tôi chưa bàn đến sự thành tựu của cầu nguyện ở đây, bởi đó là một phạm trù khác nhưng chí ít, công dụng xoa dịu và giải thoát con người khỏi sự khổ đau, bế tắc cùng cực là có thật, đó là sức mạnh của niềm tin, là nguồn nuôi dưỡng ý chí mà như thượng tọa đã nói ngay đoạn mở đầu rằng “rất đáng được khích lệ để trở thành chất xúc tác giúp cho những người đó nỗ lực phấn đấu và thành công hơn trong đời”. Nhưng sao thượng tọa lại tiền hậu bất nhất, khẳng định một đằng, luận giải một nẻo thế kia? Trong khi những vị bác sĩ sẵn sàng nói dối bệnh nhân về tình trạng hiện tại để tiếp thêm họ niềm tin mà tiếp tục sống thì thượng tọa lại nhẫn tâm bài bác chỗ nương tựa cuối cùng của chúng sanh khi họ khổ đau tuyệt vọng, phỷ báng niềm tin đang cần được nuôi dưỡng đó của họ? Lòng từ bi của thượng tọa ở đâu? Thực hành “đạo Phật gốc” để làm gì khi một chút từ bi với người thượng tọa cũng không có?
Tôi cầu nguyện cho thượng tọa sớm hồi quang phản tỉnh mà ngừng lại ác nghiệp tổn hại chúng sanh, cầu nguyện cho khổ đau của chúng sanh được lắng dịu.
TP Hồ Chí Minh, 28.7.2019
Minh Châu