Nhân duyên liên kết với Tỳ Lô Giá Na Phật
Lê Huy Trứ
Phật Tỳ Lô Giá Na thuở xưa lúc bắt đầu tu Bồ Tát hạnh, chưa từng gần gũi tất cả chư Phật. Tỳ Lô Giá Na lúc ban đầu chỉ phát tâm. Nhưng rồi thì ở trong tam giới, hai mươi lăm cõi, và trong khi tu hạnh bồ đề, Ngài đã từng làm vài việc điên đảo. Kết quả, Ngài đã lầm lọt vào đường tà, đi lạc vào rất nhiều con đường oan uổng. Nhưng một khi đã được gần gũi chư Phật rồi, thì Ngài tức khắc bỏ mê về giác, và cải tà quy chánh.
Phải kiến giác, cái gì là Ứng thân Tỳ Lô Giá Na, cái gì là Pháp thân Tỳ Lô Giá Na, và cái gì là Báo thân Tỳ Lô Giá Na.... thì thấy được nhân duyên liên kết với vô lượng Tỳ Lô Giá Na Phật.
Đức Phật Tỳ Lô Giá Na Như Lai chính là Đức Phật Đại Nhật Như Lai, Ngài được Mật tông tôn thờ làm bản tôn giáo chủ, còn có thể gọi Ngài là Tỳ Lô Xa Na, Tỳ Lô Giá Na Phật chuyển ngữ từ tiếng Phạn âm Vairocana-buddha.
Đức Phật Tỳ Lô Xá Na chính là bản thân hay Pháp thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài chiếu quang minh của mình cho chúng sanh ở khắp nơi và mở ra con đường thiện cho muôn loài, ánh sáng của Ngài không hề biến mất mà tồn tại mãi mãi.
Đức Tỳ Lô Giá Na Phật là vị đầu tiên trao truyền pháp môn Tâm Địa tức là Bồ Tát Giới cho hàng tỷ Đức Phật Thích Ca hóa thân và lại còn khuyến khích cho hàng trăm tỷ Đức Phật Thích Ca hóa thân ấy, lại tuần tự trao truyền cho trăm ngàn tỷ Đức Phật Thích Ca hóa thân và hết thảy vô lượng chúng sanh trong vũ trụ vô tận.
Trong mười danh hiệu Đức Phật có câu “ Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Xá Na Phật, Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật, Thiên Bách Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật.”
Trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam, Tỳ Lô Giá Na Phật có nghĩa,
“s: Vairocana-buddha, 毘盧遮那佛: tên gọi tắt của Tỳ Lô Xá Na (毘盧舍那), hay Lô Xá Na (盧舍那), âm dịch là Tỳ Lâu Giá Na (毘樓遮那), Tỳ Lô Chiết Na (毘盧折那), Phệ Lô Giá Na (吠嚧遮那); ý dịch là Biến Nhất Thiết Xứ (遍一切處), Biến Chiếu (遍照), Quang Minh Biến Chiếu (光明遍照), Đại Nhật Biến Chiếu (大日遍照), Tịnh Mãn (淨滿), Quảng Bác Nghiêm Tịnh (廣博嚴淨). Các kinh điển giải thích về đức Phật nầy như Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經), Phạm Võng Kinh (梵綱經), Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh (觀普賢菩薩行法經), Đại Nhật Kinh (大日經), v.v., đều khác nhau, và thậm chí các tông phái ở Trung Quốc giải thích về Đức Phật nầy cũng có sự khác biệt lẫn nhau. Kinh Hoa Nghiêm thì cho rằng đức Tỳ Lô Giá Na Phật đã từng tu công đức trong vô lượng kiếp, chứng quả chánh giác, trú nơi thế giới Liên Hoa Tạng, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương, phóng đám mây hóa thân từ nơi lỗ chân lông để diễn xuất biển vô lượng khế kinh. Theo Phạm Võng Kinh thì cho rằng Đức Phật nầy đã tu hành tâm địa trong hàng trăm a tăng kỳ kiếp để thành đẳng chánh giác, trú nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, chung quanh đài liên hoa ấy có ngàn cánh (ngàn thế giới); Đức Tỳ Lô Giá Na Phật biến thành ngàn hóa thân của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và trú trong ngàn thế giới nầy. Hơn nữa, trong mỗi thế giới cánh sen ấy có hàng trăm ức núi Tu Di, trăm ức mặt trăng và mặt trời, hàng trăm ức cõi thiên hạ, hàng trăm ức Bồ Tát, Thích Ca đang diễn thuyết pháp môn tâm địa của Bồ Tát. Theo Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh thì cho rằng Đức Thích Ca Mâu Ni Phật có tên là Tỳ Lô Giá Na Biến Nhất Thiết Xứ và trú nơi Thường Tịch Quang Độ, cảnh giới được hình thành từ Bốn Ba La Mật là Thường Lạc Ngã Tịnh. Trong đó, Hoa Nghiêm Kinh và Phạm Võng Kinh thì cho rằng Tỳ Lô Giá Na Phật là Báo Thân Phật; còn Quán Phổ Hiền Kinh thì cho là Pháp Thân Phật. Về phía Thiên Thai Tông và Pháp Tướng Tông thì lập nên Tam Tôn là Tỳ Lô Xá Na, Lô Xá Na và Thích Ca, trong đó họ xem Tỳ Lô Xá Na là Pháp Thân (Tự Tánh Thân), Lô Xá Na là Báo Thân (Thọ Dụng Thân) và Thích Ca là Ứng Thân (Biến Hóa Thân). Trong 10 danh hiệu đức Phật có câu “Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Xá Na Phật, Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật, Thiên Bách Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật,” cũng phát xuất từ giải thích nói trên. Riêng Chơn Ngôn Tông thì lấy thuyết của Đại Nhật Kinh mà chủ trương Tỳ Lô Giá Na Phật là Đại Nhật Pháp Thân với Lý Trí Bất Nhị. Trong bài Phật Tâm Ca (佛心歌) của Tuệ Trung Thượng Sĩ (慧中上士, 1230-1291) có câu ‘A thùy ư thử tín đắc cập, cao bộ Tỳ Lô đảnh thượng hành (阿誰於此信得及、高歩毘盧頂上行, Ai người theo đây tin được đến, cao bước Tỳ Lô đảnh thượng đi).’ ”
Theo tôi, Đức Phật Thích Ca Lịch Sử trên trái đất, ở Ấn Độ hơn 2600 năm trước chỉ là một hạt bụi của vô lượng Đức Tỳ Lô Giá Na Phật trong vũ trụ vô tận.
Đức Tỳ Lô Giá Na Phật là vị Phật đầu tiên trao truyền pháp môn Tâm Địa tức là Bồ Tát Giới cho hàng tỷ Đức Phật Thích Ca hóa thân và lại còn khuyến khích cho hàng trăm tỷ Đức Phật Thích Ca hóa thân ấy, lại tuần tự trao truyền cho trăm ngàn tỷ Đức Phật Thích Ca hóa thân, và hết thảy vô lượng chúng sanh kể cả bồ tát, độc giác, và a la hán trong vũ trụ vô tận.
Phổ Hiền Bồ Tát là đệ nhất cao đồ của Tỳ Lô Giá Na Phật. Phổ Hiền Bồ Tát cũng như những bồ tát khác nguyện theo Đức Tỳ Lô Giá Na Phật/Đức Phật Thích Ca hóa thân tới bất cứ cõi nào để nghe phật pháp, và giúp Phật giảng thuyết pháp cho vô lượng chúng sinh trong vũ trụ.
Cho nên, nếu có hàng hà vô số phật thì cũng có hằng hà sa số bồ tát theo hầu Ngài.
Công án cho chúng ta là Đức Tỳ Lô Giá Na Phật, Đức Phật Thích Ca, và các bồ tát là gods, những thượng đế, thần tiên, hay siêu chúng sinh đến từ những hành tinh khác?
Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Phạn: वैरोचन, Vairochana, hoặc Maha-Vairochana), Tỳ Lô Giá Na có nghĩa là "tỏa sáng," là ánh sáng chiếu rực rỡ khắp mọi nơi (quang minh biến chiếu). Ngài là Đức Phật ở trung tâm, một trong những vị Phật của Ngũ Phương (Năm Phương). Màu của thân Ngài là màu trắng. Ngài ngồi chính giữa trên một đài sen do tám con sư tử lớn hợp thành. Ngài có thể diệt trừ si độc của ngũ độc, si độc của chúng sanh và có thể chuyển thức A Đà Na ( thức "duy trì") thành Pháp Giới Thể Tánh Trí. Trong năm bộ của Chú Lăng Nghiêm thì Ngài thuộc Phật Bộ Trung Ương.
Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà (Siksananda) vào triều đại nhà Đường đã dùng cách dịch danh hiệu này trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm tám mươi quyển (Bát Thập Hoa Nghiêm) của ngài. Trong quyển 12, "Phẩm Như Lai Danh Hiệu" có nói rằng, "Chư Phật-tử ! Ðức Như-Lai ở trong tứ châu thiên hạ này, hoặc có danh hiệu Nhứt Thiết Nghĩa Thành, hoặc danh hiệu Viên Mãn Nguyệt, hoặc danh hiệu Sư Tử Hống, hoặc danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, hoặc danh hiệu Ðệ Thất Tiên, hoặc danh hiệu Tỳ Lô Giá Na, hoặc danh hiệu Cù Ðàm Thị, hoặc danh hiệu Ðại Sa Môn, hoặc danh hiệu Tối Thắng, hoặc danh hiệu Ðạo Sư, có mười ngàn hiệu như vậy, khiến chúng sanh thấy biết riêng khác.”
Còn Pháp Sư Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra) vào triều đại Đông Tấn trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm sáu mươi quyển (Lục Thập Hoa Nghiêm) của ngài đã dịch chữ Phạn Vairochana sang tiếng Trung Hoa là Lô Xá Na (Rocana).
Phật vì cứu hộ chúng sinh, vì giáo hóa chúng sinh mới chịu xả thân trong vô lượng chỗ. Hết thảy hạt bụi đều là chỗ xả thân của Phật Lô Xá Na.
Thuở xưa Thế Tôn trong các cõi Phật tu tịnh nghiệp nhiều như bụi Nên được đủ thứ quang minh báu Thế giới hải Hoa Tạng Trang Nghiêm.
Lê Huy Trứ
Feb. 3, 2022
Hình ảnh thêm về Nhân duyên liên kết với Tỳ Lô Giá Na Phật