Tôi ở Bạc Liêu, chính xác nơi ngôi chợ Giá Rai cách tỉnh lỵ chừng 30 cây số, quê quê nho nhỏ ven kênh đào... Thích Sài Gòn lắm, từ những câu chuyện khơi gợi tưởng tượng, những trang sách, người quen từ Sài Gòn xuống chơi... Chuyến đi đầu tiên đầy cảm xúc, và nối dài hoài những chuyến đi nhanh về nhanh.
Dịch bệnh tràn ngập lo âu, trước khi thành phố cùng cả nước áp dụng biện pháp kiểm soát dịch chặt hơn, cận kề tết nguyên đán Tân Sửu này, tôi có một chuyến đi nhanh về nhanh đến số 85 đường Nguyễn Đình Chiểu phường 6 quận 3, tòa soạn tuần báo Giác Ngộ, đi về nhanh nhưng cảm xúc đọng lại và chảy rất chậm trong lòng bởi tỉnh cảm của người Sài Gòn dành cho.
Ngay ở trạm dừng xe khách Hảo ở Phó Cơ Điều quận 5, một căn lầu cách không xa bệnh viện Chợ Rẫy, lúc chờ trung chuyển trong thời khắc rạng ngày mới, tách cà phê nóng trên hiên nhà đầy hơi ấm đồng hương khi chị chủ vốn dân Đầm Dơi- Cà Mau nhận đồng hương (dù nhà tôi cách Đầm Dơi của chị mấy tầm ..đại bác!). Bà con thành phố gốc rách mọi miền hội tụ trong cuộc mưu sinh lập nghiệp, luôn ngoái nhìn nguyên quán và có dịp lại hỏi thăm về xứ nhà xa xa. Đến số 85 Nguyễn Đình Chiểu vẫn chưa sáng hẳn, dạo trên phố, an lòng nhận ra Hòn Ngọc Viễn Đông vẫn tự tin nhộn nhịp trong buổi gian nan chung.
Được mời ở lại tham gia một sinh hoạt ở tòa soạn vào đầu giờ chiều, thế là – như một thói quen- bộ hành đến Dinh Độc Lập ở đường Lê Duẩn, ngắm cây, hoài niệm, hưởng thụ không gian xanh đẹp ở trung tâm thành phố. Dinh là nốt lặng tuyệt đẹp ở Sài Gòn về thảm xanh, kiến trúc, lịch sử... Từ lầu cao của Dinh, bạn biết đang có mặt ở thành phố, gọi điện mời sang đường Kỳ Đồng ăn trưa.
Lần đầu biết đến phố Kỳ Đồng, ấn tượng lắm. San sát quán tiệm ăn rao mời những thức thú vị của mọi nơi. Vào một quán bánh Huế thưởng thức cái hay cái khéo trong ẩm thực xứ kinh kỳ giữa lòng Sài Gòn, bên cạnh cô bạn..người Huế! Cứ như một phần thưởng hậu hỹ cho chuyến đi xa bốn trăm cây số một lượt. Từng món bánh cầu kỳ được mang lên và bạn ân cần mời như đến thăm nhà bạn ở mù xa miền Trung vạn lý, và trong các thức bánh xứ Huế- món bánh bèo có một dư vị lạ lẫm lắm. Cô bạn nhỏ nhẹ nói, dáng gầy đi nhiều, tôi đùa: “Covid gây khó lắm phải không cô?”, về nhớ lại thấy mình cảm nhận đúng, đời sống mọi nơi đang khó khăn trong đại dịch kéo dài, Sài Gòn cũng không thuộc về ngoại lệ nếu không nói rằng chốn ấy còn khó hơn nhiều nơi. Mỗi chiếc bánh nhỏ nhắn kia, tấm lòng người Sài Gòn, chữ tình ... Lại nhớ nhiều bận lên thành phố, bà con trên ấy thường hỏi câu: Miền Tây ra sao mà dồn nhiều về Sài Gòn vậy? Câu hỏi lo lắng, và hỏi để hỏi thôi, bà con chắc biết dưới này gian khó nhiều bề, hạn mặn, thất bát...
Rời đường Kỳ Đồng, quay lại Nguyễn Đình Chiểu, lòng băn khoăn dáng bạn gầy nhiều, cử chỉ chăm sóc từng chiếc bánh nhỏ ép mình ăn.. Tòa soạn báo Giác Ngộ chuẩn bị ở hội trường tươm tất các thức bánh chay cho tiệc tất niên, đẹp mắt, nhiều, công phu lắm. Vậy mà..nhớ day dứt nơi vừa rời đi, quán món Huế bên Kỳ Đồng cách một cuốc xe ôm 20.000 đồng.
Nước mình đang phát triển, còn nghèo, Hòn Ngọc Viễn Đông hội nhập sớm, một trung tâm của quốc gia, đô thị sầm uất bậc nhất lấp lánh đèn xanh đèn đỏ văn minh, vẫn là nơi đi trước. Bà con ở đấy từ mọi miền, thương mọi miền tận ruột gan, cảm rõ cái khó cái khổ thiệt thòi của những vùng quê xa xôi, những thôn làng hẻo lánh, những chỗ đến Sài Gòn có khi cảm nhận không khác đi ..nước ngoài, xuất ngoại!
Bạn ép ăn từng chiếc bánh sợ đói lòng, đường xa lạ chỗ, dù bạn cũng đang khó khăn.
Cô ấy cũng từng đổ đường xuống tận quê tôi, biết.
Sài Gòn không chỉ có những biệt thự, làn cây xanh, công trình kiến trúc tuyệt mỹ...
Sài Gòn có những tấm lòng thấu hiểu sẻ chia trong tình đồng bào bầu bí thương nhau.
Nhớ bánh bèo Sài Gòn trên xa kia, ở phố Kỳ Đồng .....
Nguyễn Thành Công