Ngày 19/12/2019, tổng cục thống kê đã ban hành “thông cáo báo chí” về kết quả tổng điều tra dân số 2019, trong đấy có dữ liệu chính thức: tín đồ phật giáo đã giảm chừng 2 triệu người trong 10 năm, đưa Đạo Phật ở VN thành tôn giáo có số lượng tín đồ lớn thứ 2 trong 16 tôn giáo chính thống được công nhận và hoạt động sau Công Giáo. Giác ngộ online- cơ quan của thành hội phật giáo TP HCM, một kênh truyền thông phật giáo có uy tín và lượt đọc cao- nhanh chóng phản hồi thông tin này, trong đó có phân tích bằng bạn đọc và trích cảm xúc của bậc lãnh đạo viện nghiên cứu phật giáo ở TP HCM- thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật Từ. Vị thượng tọa được GNO dẫn lời đã dừng từ ấn tượng “sốc toàn tập” trước con số của tổng cục thống kê, đã nêu. GNO cũng đề cập những đánh giá có liên quan của Vụ trưởng phật giáo Ban tôn giáo chính phủ, Tiến sĩ Bùi Hữu Dược và bà Nga, phó vụ trưởng của ban này, từng cho thấy bức tranh tín đồ phật giáo khác nhiều con số của tổng cục thống kê qua cuộc điều tra. GNO cũng dẫn lời vị trưởng ban truyền thông phật giáo Hóc Môn như một ý phản biện trước thông tin khiến Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phật giáo ở TP HCM, thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật Từ sốc ở mức độ rất cao.
Từ góc nhìn phật tử làm truyền thông phật giáo, có sốc song chỉ..mấy tập!
Vai trò tổng điều tra dân số ở VN: Tôn giáo chỉ và chỉ là một tiêu chí trong rất nhiều tiêu chí kỹ thuật của cuộc tổng điều tra quốc gia tốn kém tài chính và nhân lực nhằm đánh giá tình hình mọi mặt của đất nước, giúp dữ liệu cần cập nhật cho hệ thống quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học, cho an ninh quốc phòng… Về lý thuyết, dữ liệu tổng điều tra dân số có độ tin cậy cao, chính thức và có giá trị pháp lý.
Tôn giáo là một khái niệm “mềm” không dễ tiếp cận bởi kỹ thuật điều tra hành chính: Tôn giáo nói chung, có phật giáo, xét ở khía cạnh niềm tin tâm linh trong quần chúng, không dễ lượng định bởi các con số khô cứng toán học, nhất là trong tình hình kỹ thuật điều tra xã hội ở VN hiện nay phải phải đạt tầm mức cao về chuyên môn do trình độ điều tra viên, xử lý dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, dân trí và mức độ hợp tác của dân chúng…. Độ khó của công tác xác định số lượng tín đồ tôn giáo, có phật giáo, là cao so với các tiêu chí khác, như về y tế giáo dục, kinh tế… Tiếp cận tôn giáo bằng cuộc điều tra xã hội nhanh, có thể dễ ở khâu đếm – ghi số cơ sở thờ tự, thống kê từ các số lượng chức sắc của các giáo hội, nhưng xác định cân đô đong đếm lòng tin trong dân chúng- chuyện nan giải!
Vấn đề xác định tôn giáo về mặt hành chính ở VN: Căn cứ chính thống hàng đầu khi xác định tôn giáo của công dân ở căn cước- CMND. Nhưng GNO đã đúng khi dẫn ra ý bạn đọc khách quan: thông thường, từ rất lâu, vì nhiều lý do, ở CMND công dân thường xác định tôn giáo bằng chữ KHÔNG bất luận công dân ấy có tôn giáo hay không? GNO cũng có dẫn ra chuyện ở nhiều địa phương, có cán bộ gợi ý công dân ghi KHÔNG ở mục tôn giáo dù đấy là phật tử! Chính bản thân người viết, phật tử có quy y chính thức, có phái quy y cấp bởi hòa thượng Chủ Tịch Hội đồng quản trị thiền phái Trúc Lâm, CMND vẫn có chữ KHÔNG ở mục tôn giáo! Vấn đề này là hiện thực, song phân tích rất nhiêu khê và hoàn toàn có chỗ dể dùng từ “hoàn cảnh lịch sử” để làm luận điểm.
Khả năng bỏ sót số lượng nhiều phật tử do những phân tích trên: Có nhiều phật tử ghi KHÔNG ở mục tôn giáo ở cuộc điều tra đang đề cập (và ngoài cuộc điều tra), “nhiều” bao nhiêu về số học lại cần..một cuộc điều tra khác chặt chẽ hơn, nhận định này là lượng tính.
Con số 2 triệu tín đồ phật giáo giảm là rất lớn nếu xét đến con số của điều tra đã dẫn (phật giáo chỉ còn hơn 4 triệu phật tử!).
Thông thường có không ít người nghĩ rằng phật giáo đông tín đồ hơn hẳn công giáo và VN là quốc gia phật giáo với số người có niềm tin và sinh hoạt phật giáo vượt trội, song thông cáo báo chí về kết quả điều tả dân số lại cho thấy khác: công giáo mới ở vị trí hàng đầu (hơn 6 triệu tín đồ).
Quay lại tiêu chí xác định phật tử: Như đã nêu, xác định phật tử theo khái niệm rộng tức bao gồm những công dân có lòng tin Phật và sinh hoạt phật giáo hay chỉ theo lời khai hay giấy tờ tùy thân, hay chứng chỉ quy y của giáo hội phật giáo tại cơ sở quy y là chuyện khác nhau. Dứoi góc nhìn phật pháp, con Phật bao gồm tất cả những ai tin con đường giải thoát mà Người đã tìm ra, chấp nhận ngũ giới, thực hiện nghi thức quy y và có phái quy y, pháp danh.
Song, đấy vẫn chưa hết ý: Có khái niệm “những người tiềm tàng có thiện cảm với phật giáo” cho dù chưa quy y hay thậm chí chưa bao giờ đến chùa chiền! Họ giác ngộ theo cách riêng từ lời kinh kệ hữu duyên hay suy ngẫm cá nhân hay…Về nguyên tắc phật học, theo lời Phật, hết thảy chúng sinh (và cả thế gới sinh vật hữu tình) đều tiềm tàng khả năng thành Phật, khả năng giác ngộ, cụ thể hơn- khả năng thành phật tử.
Con số bao giờ cũng ..là con số! Thông cáo báo chí của tổng cục thống kê mang tính pháp lý về là dữ liệu thuyết phục về..pháp lý! Cảm xúc sốc của thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật Từ là dễ chia sẻ khi lối mòn trong tuy duy rất nhiều người ở VN (và cả bên ngoài VN) luôn cho rằng – như đã nói- VN là quốc gia phật giáo và vị trí số 1 về số lượng tín đồ phải thuộc về phật giáo.
Một khía cạnh tích cực của con số 2 triệu tín đồ phật giáo giảm trong 10 năm: Thực tế, ngay cả không ít người không tin và bức xúc trước số liệu điều tra ấy, vẫn từng có phát biểu về số lượng phật tử giảm hay phật sự nhiều nơi nhiều lúc không thuận, hay niềm tin nơi này nơi khác không phát triển, hay ảnh hướng tiêu cực từ các xì căng đan từ giới tu sĩ nhất định tác động phá hoại hình ảnh phật giáo… Khía cạnh hay của con số sốc kia giúp nhìn lại, ngẫm lại, giật mình.
VN vẫn và luôn là quốc gia phật giáo: Bất chấp con số rất mạnh mẽ xếp phật giáo xuống vị trí thứ và giảm tới 2 triệu tín đồ, do những nguyên nhân rất căn bản về cấu trúc xã hội, văn hóa, lịch sử, cả tâm lý xã hội và chính trị, trong và ngoài nước, VN vốn và luôn là quốc gia phật giáo cho dù tỉ lệ tín đồ và tầm vóc ảnh hưởng phật giáo có thể không bằng các lân bang phật giáo đã là quốc giáo rất rõ ràng: Thái Lan, Lào, Miến Điện… Bên cạnh tín đồ quy y và có sinh hoạt thường xuyên ở các cơ sở phật giáo, như có đề cập- số lượng người có niềm tin tiềm tàng thiện cảm với đạo Phật rất đông đảo và họ ở bên ngoài cuộc điều tra đã kể, khi xét đến tiêu chí tôn giáo!
Người viết vẫn bị sốc khi đọc trên GNO thông tin về thông cáo báo chí của tổng cục thống kê nhưng không “toàn tập” mà chỉ “mấy tập”, vẫn hiểu được tính tương đối không riêng gì cuộc điều tra dân số tầm vóc quốc gia mà ở vô số con số có vẻ chính thống ở xứ mình do vô số nguyên nhân, có cả nguyên nhân về trình độ khảo sát, tài chính , kỹ thuật, cả sự hợp tác của dân chúng và dân trí.
Là bạn đọc thân thiết và CTV của báo Giác Ngộ, tản mạn vụng vài chia sẻ nhân thông tin sốc trên được quý báo quan tâm, lạm bàn..