Nhìn từ góc độ thực tế, chúng ta thấy cũng có địa ngục trần gian, ai phạm tội giết người thì bị xích lại nhốt vào ngục tối, nặng nhất là án tử hình. Tội nhân bị án này sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, ngày đêm cứ phập phồng lo sợ không biết thần chết đến lúc nào để rước mình đi, khi nghe tiếng mở cửa là sợ điếng cả hồn vì ai cũng tham sống, sợ chết.
Một ngày trôi qua là họ mừng một ngày vì vẫn nuôi hy vọng được sống để làm lại cuộc đời. Còn những án khác từ án chung thân đến án khổ sai từ một tháng cho đến hai chục năm và nhẹ nhất là hưởng án treo. Nhìn từ góc độ triết lý học Phật giáo, chúng ta thấy vô vàn, vô số địa ngục khác như các bệnh viện phòng cấp cứu, các nhà bếp của mỗi gia đình, các quán nhậu, các lò sát sanh, các chợ bán thịt cá, heo, bò, gà, vịt, các loài hải sản và cuối cùng là các nhà lưới bẫy đánh bắt.
Mỗi một ngày, vô số các loài bị phanh da xẻ thịt để cung cấp phục vụ cho loài người. Nhìn ở góc độ địa ngục trần gian, chúng ta còn có thể hình dung địa ngục trong tâm thức mỗi người, đó là tâm toan tính hại người, hại vật hoặc bị phiền não chi phối gọi là địa ngục tâm thức. Người tu nếu đạt đến giác ngộ giải thoát thì tâm sẽ an nhiên, tự tại dù thân có bị hành hạ, đau nhức chi phối.
Loài ngạ quỷ là loài quỷ đói thấy thức ăn mà ăn không được bởi nghiệp tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn chiêu cảm. Nhìn từ góc độ cuộc đời, ta thấy ngạ quỷ cũng có trong loài người thiếu ăn, nghèo đói, thèm khát, ham muốn quá đáng mà không được nên khổ đau bức bách.
Quỷ đói không phải có trong người nghèo khổ mà cả người giàu có vì tham vọng quá lớn, không được như ý muốn cũng vẫn phải chịu khổ như thường.
Loài súc sinh của thời kỳ cổ đại được sống tự do, thoải mái trên những núi đồi thiên nhiên bạt ngàn, xanh tươi, màu mỡ, ít bị loài người sát hại. Một số loài súc sinh phải chịu ảnh hưởng phước báu của con người nên con vật nào được người thương thì cuộc sống có phần thoải mái, ngược lại thì bị người giết hại.
Con người thuần hóa các loài vật để phục vụ cho mình như lạc đà, lừa, ngựa, trâu, bò để chuyên chở và cày bừa. Việc săn bắn, đánh bắt, giăng bẫy các loài thú tuy có nhưng không đáng kể và việc nuôi thú để làm thực phẩm cho con người cũng không có nhiều.
Tuy nhiên, thế giới con người ngày nay quá đông nên nhu cầu đánh bắt loài vật không đủ sức cung phụng cho loài người, do đó con người phải tự nuôi thêm các loài gia cầm, súc vật theo công nghệ hiện đại để đủ đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Ngoài ra, các loài vật cũng chịu sự ăn nuốt lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ nên luôn sống trong khổ đau, lầm lạc.
Năm loài cùng nêu trên có hai loài là chư Thiên va thần Atula có phước sung mãn hơn người nhưng lo thụ hưởng nên không có điều kiện tu tập; ba loài dưới người thuộc đẳng cấp thấp hèn nên không có văn hóa, không có tình người; loài người do biết suy nghĩ, cảm nhận được sự khổ đau và hạnh phúc nên có điều kiện tư duy, quán chiếu, soi sáng mọi việc bằng nhận thức sáng suốt, có học hỏi, có tu tập, có văn minh, có hiểu biết, có yêu thương, có cảm thông, có bao dung, có độ lượng, có tha thứ và cùng san sẻ cho nhau nên loài người có đủ khả năng tu hành thành Phật.
Đó là ưu điểm của loài người, năm loài kia không thể thành tựu Phật đạo, chính vì vậy đức Phật mới giáng sinh nơi loài người. Theo lời Phật dạy, thế gian này có năm loài cùng chung ở, hay gọi là sáu đường sống chết-luân hồi, có hai loài chúng ta thấy biết dễ dàng nhất là thế giới của loài người và súc sinh, bốn loài còn lại chúng ta có thể nhìn bằng trực giác hay tuệ giác của Phật mới biết rõ sự hiện hữu ngay nơi cuộc sống của mình.