Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương XII): THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Từ ngày 15 đến ngày 18-1-1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ban Vận động thống nhất PGVN đã mở hội nghị kỳ 2 để kiểm điểm tình hình hoạt động của Ban vận động trong năm 1980 và hoạch định chương trình hoạt động cho năm 1981.
CHƯƠNG 12: THÀNH LẬP GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Bối cảnh lịch sử
1. Đại thắng mùa xuân năm 1975
Ở miền Nam, các sư ni thuộc hệ phái Ni giới Khất sĩ biểu tình ngồi tại Công trường Ngã Bảy, Sài Gòn suốt 3 ngày 25, 26, 27-1- 1975, đòi chính quyền Thiệu thực thi Hiệp định Paris, và đòi giải quyết thỏa đáng việc cảnh sát đánh trọng thương sư Liên Định.
Ngày 29-1, Mặt trận Nhân dân cứu đói quận 8 Sài Gòn ra mắt tại chùa Thiên Phước do Đại đức Huệ Hiền làm Trưởng ban. Đại đức Hiển Pháp cùng các thành viên Ban Chấp hành Mặt trận Cứu đói Trung ương đến dự. Hàng trăm nhân viên an ninh chìm đã vào chùa từ 5 giờ sáng để chờ tịch thu các thẻ lĩnh gạo mà Mặt trận đã phát trong những ngày trước đó.
Từ ngày 26-2 đến ngày 1-3, cuộc đấu tranh quyết liệt của hàng vạn nhà sư và đồng bào Trà Vinh chống Thiệu khủng bố và bắt lính. Chính quyền Thiệu đàn áp dã man đoàn biểu tình làm chết 3 nhà sư và làm bị thương 20 nhà sư khác. Bất chấp khủng bố, ngày 1-3-1975, gần 3000 sư sãi người Việt gốc Khmer lại xuống đường kéo vào thị xã Trà Vinh đòi Thiệu chấm dứt việc vây ráp chùa, bắt các sư sãi đi lính, đòi Thiệu trả tự do cho 154 vị sư sãi bị bắt từ ngày 17-2-1975.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân miền Nam mở đầu bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975) và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một cõi.
Ở miền Bắc, ngày 9-5-1975, trên 100 đại biểu tăng ni Phật tử các tỉnh đã về dự Hội nghị lần thứ 3 Ban Trị sự Trung ương Hội PGTNVN tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, để kiểm điểm đánh giá các mặt phụng đạo yêu nước của tăng ni Phật tử năm 1974, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1975.
Hội nghị đã nghe báo cáo nêu lên những thành tích của tăng ni Phật tử miền Bắc đã cùng nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, làm đầy đủ nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt: trồng cấy nhiều loại giống mới năng suất cao, chăn nuôi nhiều gia súc gia cầm, tham gia cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý hợp tác xã, góp phần giữ gìn trật tự an ninh và xây dựng nếp sống mới, phát triển nhiều vườn cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Việc hành đạo và mặt nghi lễ khác đã dần dần đi vào chính tín, chính pháp và chính đạo. Các chùa bị bom đạn Mỹ tàn phá đã được sửa chữa; việc tổ chức nghiên cứu Phật học bước đầu đi vào nền nếp, công tác của Hội gây được ảnh hưởng tốt đẹp. Bản báo cáo đã nêu những thiếu sót cần được khắc phục, để toàn thể tăng ni Phật tử miền Bắc vững bước tiến lên trên đường phụng sự đạo pháp và dân tộc, nhất là cùng với các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội và việc chấp hành nghiêm chỉnh những qui định cải tiến lễ nghi tôn giáo ở các chùa.
2. Thống nhất đất nước về mặt Nhà nước
Từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975 tại hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Hiệp thương Chính trị thống nhất Tổ quốc.
Đoàn miền Bắc gồm 25 đại biểu do ông Trường Chinh, UVBCT Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch UBTV Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa làm Trưởng đoàn;
Đoàn miền Nam gồm 25 đại biểu, do ông Phạm Hùng UVBCT Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ miền Nam, đại diện Đảng trong MT DTGPMNVN làm Trưởng đoàn.
Hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí phấn khởi, thắm tình ruột thịt Bắc Nam. Ngày 21-11-1975, Hội nghị đã ra Thông báo khẳng định rằng “Nước Việt Nam ta, dân tộc Việt Nam ta vốn thống nhất. Từ đời Hùng vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, dân tộc Việt Nam ta đã trải qua những thời kỳ đấu tranh oanh liệt “để giữ gìn độc lập, tự do và Thống nhất Tổ quốc...”. Hội nghị nhận định rằng hiện nay, trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc, khâu chính là thực hiện sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Và khẳng định rằng cần tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước...
Tiếp sau, trong những ngày 20, 21 và 22-12-1975, Hội nghị đại biểu nhân dân miền Nam Việt Nam đã họp tại Tp Hồ Chí Minh và đã nhất trí tán thành nội dung các vấn đề cơ bản mà hai đoàn đại biểu hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã cùng nhau trao đổi và đi đến nhất trí hoàn toàn.
Chư tôn túc: Pháp sư Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội PGTNVN, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Phó Chủ tịch UBLMCLLDTDC và HBVN, Uỷ viên HĐCV Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Hào Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN, đại diện những người Phật giáo yêu nước trong Mặt trận DTGPMNVN Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban MTDTGPMNVN thành phố Hồ Chí Minh đã đọc tham luận nhất trí với kết luận của hai hội nghị nói trên và mong muốn sớm đi tới thống nhất đất nước, thống nhất Phật giáo.
Ngày 25-4-1976, nhân dân cả nước từ Cao Lạng đến Minh Hải đã nô nức, phấn khởi đi bầu cử. Hơn 93% cử tri đi bỏ phiếu bầu 492 đại biểu trong số 606 ứng cử viên. Phật giáo Việt Nam có các Hòa thượng: Thích Minh Tâm (Thuận Hải), Thích Thiện Hào (Tiền Giang), Thích Đôn Hậu (Thừa Thiên - Huế), Thích Thế Long (Nam Định), Thích Trí Độ và Thích Tâm An (Hà Nội), Đại đức Thích Hiển Pháp và Ni sư Huỳnh Liên trúng cử đại biểu trong Quốc hội khóa này.
Từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976, Quốc hội đã họp kỳ thứ nhất tại thủ đô Hà Nội. Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội đã thể hiện nguyện vọng và ý chí của toàn dân mong muốn sớm hoàn thành việc thống nhất nước nhà, về mặt Nhà nước, đã quyết định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 31-1-1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc khai mạc trọng thể tại hội trường Thống Nhất Tp Hồ Chí Minh và kéo dài trong 5 ngày. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tới dự. Đại hội đã quyết định thành lập MTTQ Việt Nam. Chương trình chính trị của Mặt trận có 8 phần, phần thứ VII: Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền và tôn trọng tự do tín ngưỡng nêu: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Mọi công dân đều có quyền tự do theo tôn giáo này hoặc theo tôn giáo khác, hoặc không theo tôn giáo nào. Bảo vệ chùa, nhà thờ, thánh thất đang dùng làm nơi thờ cúng của các tôn giáo...”.
Đây là sự kiện chính trị lịch sử của dân tộc Việt Nam, đã đánh dấu một bước tiến vĩ đại trong quá trình xây dựng Tổ quốc.
3. Chiến tranh biên giới
Ngay từ năm 1975, sau khi Khmer đỏ tiến vào Phnôm Pênh, thành lập chính phủ Campuchia dân chủ, chúng đã tiến hành chính sách diệt chủng tại Campuchia và nhiều lần xâm phạm biên giới nước ta.
Kể từ cuối năm 1975 đến 1978, trên 600 người Khmer ở Campuchia chạy nạn sang Việt Nam đang sinh sống trong khu vực chùa Chandarangsei ở số 164/235 đường Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, Tp Hồ Chí Minh dưới sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ đầy tình nhân đạo của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Trước các tội ác do bè lũ Polpôt gây ra đối với nhân dân ta ở biên giới Tây Nam, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố lên án và tiến hành đánh trả tự vệ để bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc kể từ tháng 8 năm 1978.
Tăng ni Phật tử miền Nam nói chung và Tp Hồ Chí Minh nói riêng đã sôi nổi phục vụ tiền tuyến: Sau khi hội thảo thấm nhuần về tình hình nhiệm vụ, giới tăng ni Phật tử khắp nơi trong thành phố nhiệt liệt tỏ thái độ quyết tâm đóng góp phục vụ tiền tuyến. Hàng trăm đơn đăng ký phục vụ chiến trường Tây Nam, và thư gửi Ủy ban MTTQ nhờ chuyển tiền, lương thực, quà lên chiến trường; chư tăng quận 8 xin đăng ký lao động 7 ngày và tự nguyện giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ ở thành phố; ở quận Bình Thạnh Hòa thượng Thích Hồng Trung 69 tuổi ở chùa Giác Thọ, và Đại đức Thích Thiện Hiền 40 tuổi ở chùa Bảo Quang tình nguyện đăng ký tham gia chiến đấu ngoài tiền tuyến. Riêng Đại đức Thiện Hiền đã vận động 2 người trong gia đình làm nghĩa vụ quân sự và 6 người cùng xóm đi thanh niên xung phong.
Nhiều tăng sĩ trẻ lên đường làm nghĩa vụ quân sự, như: chùa Long Thọ huyện Bình Chánh có 4 vị, viện Hoằng đạo GHPG Cổ truyền phường 13, quận Tân Bình có 3 vị; tổ đình Giác Lâm, có 2 vị tham gia thanh niên xung phong; tịnh xá Vạn Hạnh ở quận 11 có 2 vị nhập ngũ.
Về phong trào tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc: toàn thành phố đã có 27 tăng sĩ đã nhập ngũ, có vị đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Tháng 10 năm 1978, hai mươi thanh niên tăng ni đi phục vụ tuyến biên giới Tây Nam, toàn đội đạt xuất sắc trong toàn đoàn của 680 đoàn viên thanh niên thành phố. Ngày 31-12-1978, 75 thanh niên tăng ni lại lên đường phục vụ chiến đấu 10 ngày. Hàng giáo phẩm lớn tuổi không đủ sức ra chiến trường hoặc phục vụ tuyến biên giới đã cùng nhau tiết kiệm 800đ, trồng được 1538 cây chuối và 9 công đất rau xanh dành cho bộ đội.
Ngày 29-9-1978, Thượng tọa Thích Minh Châu Viện trưởng viện Phật học Vạn Hạnh đã gửi thư tới Chủ tịch MTTQ thông báo, hưởng ứng theo lời kêu gọi của Chính phủ, hậu phương ủng hộ tiền tuyến, hãng chao Vạn Hạnh của viện xin gửi giúp tiền tuyến 1000 hũ. Tăng ni Phật tử quận 5, Phật giáo Hoa tông, quận 3 và quận 6 đã gửi đến Ban Liên Lạc thành phố gần 400đ để chuyển đến bộ đội đang chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc.
Tháng 6 năm 1978, Bộ Ngoại giao ta ra Tuyên bố về vấn đề người Hoa tại Việt Nam.
Cuối tháng 12 năm 1978, theo đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã tiến hành chiến dịch tiến công giải phóng Campuchia khỏi hiểm họa diệt chủng của bè lũ Polpốt. Ngày 7-1-1979, Phnôm Pênh được giải phóng, Chính phủ cách mạng Cộng hòa nhân dân Campuchia được thành lập, lãnh đạo nhân dân Campuchia xây dựng chế độ xã hội mới.
Sau khi Khmer đỏ thất bại tại Campuchia, tình hình biên giới phía Bắc ngày một nóng lên. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc đã tiến công xâm phạm nước ta trên toàn tuyến 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Bị đánh trả quyết liệt ngày 18-3, quân xâm lược buộc phải rút về nước.
Các chùa Tiên, chùa Thành (xã Cầu Hồi) tỉnh Lạng Sơn bị quân xâm lược Trung Quốc đập phá, hủy hoại các tượng Phật và các vật dụng thờ cúng.
Từ ngày 11 đến ngày 22-3-1979, tăng ni Phật tử Tp Hồ Chí Minh tham gia xây dựng tuyến phòng thủ ở ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Đoàn BLLPGYN thành phố có 15 tiểu đội gồm 400 người chia làm 3 đại đội; đoàn công tác GHPG Việt Nam thống nhất có 257 người. Họ đều đạt thành tích xuất sắc trong đợt ra quân này.
I. CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO
Phật giáo đồ Việt Nam sẽ làm gì trong giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH?
Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Tp Hồ Chí Minh kêu gọi: Trước tiên, đối với bản thân, phải can đảm tẩy sạch mọi hình thức mê tín dị đoan, phong kiến tích lũy từ ngàn xưa trong ta, phát huy cao độ tinh thần dân chủ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, trau dồi đức tính vô ngã vị tha. Nêu cao đời sống cần lao, hòa hợp nếp sống đạo đức của đạo Phật với nếp sống đạo đức cách mạng.
Đối với Phật giáo và các tôn giáo bạn, chúng ta củng cố và làm trong sáng hàng ngũ tăng ni và Phật tử, tiến tới Thống nhất PGVN trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, đoàn kết chặt chẽ với các tôn giáo bạn, xóa bỏ mọi kỳ thị, mọi mặc cảm tự tôn hay tự ty đối với đồng bào khác tín ngưỡng hay không tín ngưỡng.
Đối với đất nước, dân tộc: gấp rút nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức phục hồi sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, tích cực vận động tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.
1. Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố và các tỉnh
Để đáp ứng tình thế nước nhà trong giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng Tổ quốc và phát huy đạo pháp trong chiều hướng đi lên của dân tộc - tăng ni Phật tử yêu nước ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đã đoàn kết và sát cánh nhau thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, thuộc Ủy ban MTDTGP thành phố Hồ Chí Minh, nhằm:
Đoàn kết rộng rãi tất cả những tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động thống nhất trong Mặt trận dân tộc giải phóng.
Phát huy truyền thống yêu nước của người Phật tử Việt Nam để tích cực tham gia, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, xóa bỏ tàn tích văn hóa và kinh tế của chế độ thực dân cũ và mới, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức phục hồi sản xuất không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Trau dồi chính pháp uyên thâm của Phật, bồi dưỡng đạo đức trong sáng và đưa nếp sống tinh thần của tăng ni và Phật tử ngày càng hòa hợp với đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Củng cố hàng ngũ tăng ni, cảnh giác sự lợi dụng tín ngưỡng của những người núp bóng tôn giáo hoạt động chính trị phản động.
Với chủ trương và đường lối đúng đắn đó, BLLPGYN đã được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các giáo phái và đoàn thể Phật giáo:
1) GHPG Cổ truyền Việt Nam.
2) GHPG Khất sĩ Việt Nam.
3) GHPG Nguyên thủy Việt Nam.
4) Hội Thiên Thai Giáo quán tông.
5) Hội Phật học Nam Việt.
6) Gia đình Phật tử Việt Nam.
7) Ni bộ Bắc tông Việt Nam.
8) Một số vị trong GHPG Việt Nam thống nhất.
9) GHPG Hoa tông tại miền Nam.
10) GHPG Mahanikay tại Việt Nam.
Ngày 7-8, BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ ra mắt với thành phần sau:
Chủ tịch đoàn
a. Chủ tịch
Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTDTGP thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ.
b. Phó Chủ tịch
1) Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, nguyên Tăng thống GHTG Nguyên thủy Việt Nam.
2) Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng viện Hoằng đạo GHPG Cổ truyền Việt Nam.
3) Hòa thượng Thích Bửu Chơn, Phó Tăng thống GHTG Nguyên thủy Việt Nam.
4) Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên, Ni sư trưởng Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTDTGP thành phố Hồ Chí Minh.
B. Ủy viên Chủ tịch đoàn
1) Hòa thượng Thích Đạt Hảo, Trị sự trưởng Thiên Thai Giáo quán tông.
2) Ni sư Diệu Đức, Ni bộ Bắc tông Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
3) Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Xã hội, Tái thiết GHPG Cổ truyền Việt Nam.
4) Giáo thụ Thích Viên Hảo, có công tranh đấu hòa bình, độc lập dân tộc.
5) Ni sư Liễu Tánh, nguyên Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông GHPG Việt Nam thống nhất.
6) Đại đức Thạch Inh, Trưởng Giáo phái Mahanikay.
7) Hòa thượng Thích Hồng Năng, Tăng trưởng Thành hội Sài Gòn Phật giáo Cổ truyền
8) Đạo hữu Tống Hồ Cầm, Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt.
C. Ban Thư ký
a. Tổng Thư ký
Đại đức Thích Hiển Pháp, Ủy viên MTDTGP thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Thư ký Tổng vụ Xã hội, GHPG Việt Nam thống nhất, nguyên Chủ tịch Mặt trận Nhân dân Cứu đói.
b. Phó Tổng Thư ký
Đạo hữu Võ Đình Cường, Ủy viên Chủ tịch đoàn MTDTGP thành phố Hồ Chí Minh.
Thượng tọa Thích Từ Hạnh, nguyên Chánh đại diện GHPG Việt Nam thống nhất.
D. Ủy viên: gồm 8 vị BLLPGYN thành phố đặt trụ sở tại chùa Xá Lợi, số 89 Bà Huyện Thanh Quan.
Ban đã thành lập Ban Giảng huấn do Thượng tọa Thích Từ Thông làm Trưởng ban, và Thượng tọa Thích Từ Hạnh làm Phó Trưởng ban để phụ trách công tác diễn giảng.
Tới cuối năm 1975, BLLPGYN thành phố đã tiến hành:
1) Các khóa tập huấn chính trị:
Nhằm mục đích giúp cho quý vị tăng ni Phật tử thông suốt chủ trương đường lối mới của chính quyền cách mạng và hiểu rõ vai trò của người Phật tử trong giai đoạn mới ngõ hầu phục vụ đạo pháp và dân tộc tích cực hơn nữa, BLLPGYN đã tổ chức các khóa tập huấn chính trị cơ bản sau đây:
- Ngày 28 đến ngày 30-10 tại chùa Pháp Quang cho 250 tăng ni và tín đồ quận 8.
- Ngày 18 đến ngày 22-11, tại chùa Sùng Đức cho 230 tăng ni, Phật tử thuộc hai quận 6 và 11.
- Ngày 29-11, cho tăng ni, Phật tử quận 4.
2) Kỷ niệm 3 ngày lễ lớn: 19-12, 20-12 và 22-12 Ban đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện về giáo lý và tình hình Phật giáo; về ý nghĩa ba ngày lễ lớn, tại các quận 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Hòa, Gò Vấp, Phú Nhuận tại các chùa Xá Lợi, Kỳ Viên, Từ Đức (Phật giáo Hoa tông). Ngoài ra, nhân dịp này Ban phối hợp với phái đoàn Quân - Dân - Chính - Đảng thăm viếng các chùa, các tổ đình, tăng ni và gia đình đồng bào Phật tử có công với cách mạng cùng kết hợp giúp đỡ một phần vật chất.
Các buổi nói chuyện về Hiệp thương thống nhất Tổ quốc, nhằm giúp cho tăng ni Phật tử hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của việc thống nhất đất nước, cũng như hiểu rõ nhiệm vụ của mình trong giai đoạn xây dựng nên sự thống nhất Tổ quốc. Những buổi nói chuyện này được sự tham gia đông đảo của tăng ni Phật tử trong các ngày 13, 18, 21, 23, 24, 25, 26, 28, 29 và 30-11 tại chùa Xá Lợi, chùa Kỳ Viên, tại các quận 1, 4, 7, 8, 10 và Phú Nhuận.
3) Ngày 1-1-1976, báo Giác ngộ tiếng nói của Phật giáo yêu nước ra số đầu tiên, Tòa soạn trị sự và phát hành tại số 6A, phố Lê Quý Đôn, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng 1 năm 1978 chuyển về số 85 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp Hồ Chí Minh.
Báo ra nửa tháng 1 kỳ do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt - Chủ tịch BLLPGYN thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Chủ nhiệm, cư sĩ Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập.
Từ sau ngày 30-4-1975, mọi hoạt động mang tính chất hành chính của các tổ chức Giáo hội Phật giáo ở tỉnh Sông Bé ngừng hoạt động. Các cơ sở thờ tự chỉ sinh hoạt thuần túy tín ngưỡng tôn giáo tại cơ sở mình. Đến tháng 2 năm 1976, tại tổ đình Hội Khánh, một hội nghị được tổ chức của Ban Vận động để thành lập BLLPGYN tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Dương) dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Minh Nguyệt. Hội nghị bầu 15 thành viên do Hòa tượng Thiện Tràng làm Trưởng ban.
Báo cáo công tác năm 1976 của BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh nêu những thành quả đạt được một năm qua như sau:
Về tổ chức
Đã vận động liên kết được các giáo phái, tổ chức Phật giáo, từng bộ phận lẻ và cá nhân trong Phật giáo như:
GHPG Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử).
GHTG Nguyên thủy Việt Nam.
Giáo hội Thiên Thai Giáo quán tông.
GHTG Khất sĩ Việt Nam.
Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam.
Hội Phật học Nam Việt.
Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam.
Phật giáo Hoa tông.
Một bộ phận Ni bộ Bắc tông.
Một bộ phận tăng ni và cá nhân trong GHPG Việt Nam thống nhất.
Tăng ni và Phật tử tổ đình Vĩnh Nghiêm.
Tăng ni và Phật tử tu viện Chơn Đức.
Giáo hội Bửu Sơn Kỳ Hương.
Tông phái Mahanikay.
Một số anh em trong GĐPT Việt Nam.
Từ đó xây dựng được 14 Ban quận, huyện và 3 Ban Vận động từ 3 quận còn lại.
Về Nghiên huấn
BLLPGYN thành phố đã tổ chức 76 đợt học tập, hội thảo chính trị cho 6665 lượt tăng ni và một số Phật tử cần thiết, và 3 đợt sinh hoạt giáo lý và tình hình Phật giáo trong nước cho hơn 10.000 tăng ni và Phật tử vào các ngày lễ lớn của Phật giáo. Xuất bản và phổ biến báo Giác ngộ, nói lên quan điểm của mình trong tăng ni Phật tử.
Về Xã hội
Vận động 780 gia đình và 4 chùa đi xây dựng vùng kinh tế mới; 7 chùa đi canh tác tự túc. Thăm viếng ủng hộ đồng bào vùng kinh tế mới Cây Trường 2, Tân Uyên, Phú Giáo Tây Ninh, giúp đồng bào 3012 đồng, 300 cái liềm cắt tranh, 300 kg muối, 248 tích uống nước, 96 cây đèn dầu, nhiều dụng cụ bát đĩa ...
Về chăm lo đời sống và sản xuất
1) Đóng góp vào công cuộc sản xuất chung
Tham gia làm thủy lợi tại các khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, công trường quốc doanh Thái Mỹ: 747 lượt tăng ni Phật tử với 1310 ngày công, đào đắp được 495m3 vận chuyển 1100 m3 đất .
Tại các quận có 1412 lượt tăng ni Phật tử tham gia với 1720 ngày công.
Ban Liên lạc đã vận động được 96 thanh niên Phật tử công tác dài hạn tại nông trường quốc doanh Thống Nhất Thái Mỹ và 60 thanh niên xung phong ở các khu kinh tế mới khác.
2) Gây thành phong trào sản xuất tự túc ở từng chùa
Ban Liên lạc huyện Hóc Môn canh tác 2 mẫu rưỡi đất, trồng được 8 ngàn gốc sắn, 50 liếp khoai lang; Ban liên lạc quận Bình Thạnh động viên các chùa canh tác 8500 m2, trồngthêm 100 cây đu đủ, 500 m2 các thứ hoa màu phụ. Tập thể tăng ni quận 6 trồng được 1 mẫu khoai lang và sắn. Quận Gò Vấp, các chùa tự canh tác quanh chùa, hoa màu phụ được 600 m2, riêng tịnh xá Ngọc Phương trồng được 2 mẫu khoai lang, sắn và cây thuốc dân tộc. Đặc biệt làm tốt mùa nấm rơm và phổ biến cho nhiều nơi, nhiều chùa làm, quận Phú Nhuận canh tác 1 mẫu khoai lang, sắn.
Tổng cộng có khoảng 5 mẫu đất đã được canh tác trồng trên 28.000 gốc sắn, 800 vồng khoai lang, 500 gốc chuối và một số hoa mầu phụ.
3) Sản xuất tập thể ở quy mô nhỏ
Khu sản xuất tập thể ở Đồng Tháp của Ban Liên lạc thành phố trồng được 206 mẫu lúa, thu hoạch vụ đầu chừng 80 giạ/mẫu. Ban cũng tổ chức được một lò tương Kim Cang tại chùa Thiền Quang, Hóc Môn, trung bình mỗi tháng sản xuất 4500 kg tương hột, 3500 kg tương nước, dành bán cho cơ quan và đồng bào nghèo với giá rẻ. Đã ủng hộ các cơ quan đoàn thể cách mạng 600 kg tương hột, 150 kg tương nước. Năm qua lò tương lãi và nộp quỹ của Ban liên lạc 940 đồng.
4) Tổ chức học nghề thủ công nghiệp
Các Ban Liên lạc các quận 1,4,8,10,11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Hoa tông tổ chức được 8 lớp học nghề đan lát mây - tre - lá, thu nhận 1171 học viên. Và, đã dần dần trở nên những tay nghề tự sản xuất được.
Riêng chùa Dược Sư sản xuất được 720 áo len.
Ban Liên lạc cũng đã xây dựng được một bộ phận khắc gỗ tăng ni và đồng bào Phật tử, vừa phát huy một nghề thủ công tinh xảo và đặc biệt của Việt Nam.
Chăm lo một số mặt thiết thực trong đời sống của tăng ni Phật tử.
Tăng ni mở được 8 phòng Đông y châm cứu và thuốc dân tộc, kết quả làm lành bệnh cho 49425 bệnh nhân, phát miễn phí và bán rẻ 114.533 thang thuốc cho Phật tử và đồng bào lao động, châm cứu 22.834 người, chữa mắt cho 21174 người.
Gửi tiết kiệm vào quỹ nhà nước 2.067,00 đồng.
Những công việc sản xuất và chăm lo đời sống trên đây tuy có phần đóng góp nhưng thật ít ỏi so với nhu cầu đời sống của tăng ni Phật tử trong tình cảnh khó khăn chung của thành phố.
Ngày 26-2-1979, tại hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hòa thượng Minh Nguyệt đọc tham luận cho biết: trong năm 1978, đã vận động 174 hộ Phật tử là tư sản sang sản xuất (có 148 hộ người Hoa); có 460 chùa với 1300 tăng ni tham gia sản xuất nông nghiệp và trồng thuốc Nam. Các chùa trong thành phố tận dụng đất trong chùa trồng cây lương thực, tăng diện tích sản xuất lên 18,4 ha. Hưởng ứng phong trào tấc đất tấc vàng trồng màu cứu đói, tăng ni đã thực hiện được 1112.040m2 khoai lang, 5 ha sắn và 4 ha lúa đông xuân. Trong 6 tổ hợp mây tre đan xuất khẩu đã có 2 tổ hợp trở thành hợp tác xã, đào tạo thêm hàng ngàn tay nghề, sản xuất trên 130.000 thành phẩm trị giá trên 300.000 đồng. Giới ni cô tại các ni viện thành lập 6 tổ hợp thêu xuất khẩu, đan len, chằm nón, xe cói, dệt thảm, giải quyết một bước đời sống ni cô. Giới tăng sĩ thành lập được 4 tổ hợp mì sợi gia
công ở các quận. Riêng tổ hợp ở Bình Thạnh đến nay nâng công suất lên 1,5 tấn/ngày. Viện Phật học Vạn Hạnh đưa mức sản xuất lên 1000 hũ chao/ngày. Về lao động xã hội chủ nghĩa, trên 2000 lượt tăng ni tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, gồm 8672 ngày công làm thủy lợi và 1419 ngày công làm các công trình công cộng địa phương.
Từ 15-8-1976, khai giảng lớp sinh hoạt chính trị cho hàng giáo phẩm do Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại chùa Phước Hưng - trụ sở BLLPGYN tỉnh, Ông Tư Trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa 6 là Trưởng ban tổ chức. Lớp này mở cho 3 huyện của tỉnh Sa Đéc cũ là Châu Thành, Lấp Vò và Chợ Mới, có 76 tăng ni tham dự, trước đó. Từ ngày 13 đến ngày 17- 8, Ủy ban Mặt trận tỉnh đã mở một lớp sinh hoạt tương tự cho hàng giáo phẩm Phật giáo 3 huyện Cao Lãnh, Hồng Ngự và Tam Nông, có 43 tăng ni theo học.
Các học viên được nghiên cứu hai đề tài:
- Tình hình và nhiệm vụ Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Tôn giáo với dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Qua học tập, mọi người đều thấy giáo lý đức Phật dạy không có gì mâu thuẫn với lợi ích Tổ quốc và dân tộc, trái lại hoàn toàn phù hợp và hơn thế nữa đạo Phật và chủ nghĩa xã hội rất gần nhau về mục đích.
Ngày 17-11-1975, BLLPGYN thành phố Cần Thơ thành lập, trụ sở đặt tại chùa Khánh Quang, nằm bên cạnh đại lộ Hòa Bình gần trung tâm thành phố. Đến ngày 17-11-1976 đã thành tựu một số công việc sau:
Công tác chấn hưng Phật pháp
Ban Liên lạc đã phát huy cao tinh thần đoàn kết nội bộ Phật giáo, đông đảo Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni Phật tử trong các môn phái đã tích cực tham gia mọi sinh hoạt và công tác do Ban đề xuất. Đặc biệt tăng ni Phật tử Cần Thơ đã nêu cao vai trò độc lập tự chủ của mình nên đã vạch trần được âm mưu xảo quyệt, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù đối với Phật giáo, không còn mơ hồ đối với kẻ địch.
2) Sinh hoạt chính trị
Ban đã tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, toạ đàm, thảo luận và những khoá học tập chính trị với nội dung:
- Tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
- Ý nghĩa của thắng lợi mùa xuân 1975.
- Chính sách tự do tín ngưỡng của chính quyền ta.
- Nhiệm vụ của tăng ni Phật tử yêu nước đối với dân tộc và đạo pháp.
- Học tập tìm hiểu ý nghĩa của cách mạng Việt Nam và những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước v.v...
Sinh hoạt tập trung và lớn nhất là cuộc vận động bầu cử Quốc hội chung của cả nước 25-4-1976.
3) Sinh hoạt tín ngưỡng
Ban Liên lạc đã tổ chức nhiều cuộc thăm viếng trên 20 ngôi chùa có công với dân tộc trong cuộc đấu tranh giành hòa bình, độc lập thống nhất Tổ quốc, bảo vệ đạo pháp trong thành phố.
Tặng quà cho các Gia đình Phật tử có công với cách mạng tết Bính Thìn 1976.
Kết hợp với sự giúp đỡ của chính quyền đã tu sửa lại các chùa bị hư hại trong chiến tranh.
Tổ chức nhiều buổi giảng giáo lý ở các chùa trong thành phố. Tại chùa Khánh Quang với sự tham dự của đại biểu MTTQ thành phố và các tôn giáo bạn, hơn 1000 tăng ni Phật tử tề tựu cử hành lễ Đản sinh và Vu lan trong tinh thần trang nghiêm và thoải mái.
4) Chăm lo đời sống của tăng ni Phật tử
Vụ hè thu và đông xuân 76 đã có 24 chùa canh tác được 165 mẫu ruộng thu hoạch với năng suất cao. Vụ hè thu có chùa bán cho Nhà nước từ 20-50 giạ lúa.
Một số chùa đã tận dụng đất chung quanh chùa biến thành vườn cây thuốc Nam, hỗ trợ cho ngành đông y dược của thành phố. Những chùa không có đất thì tổ chức làm thủ công tạo đời sống tự túc như làm đậu phụ, tương chao.
Tại chùa Khánh Quang - trụ sở của Ban Liên lạc đã mở một trạm y tế điều trị bằng thuốc Nam và khoa châm cứu do tăng ni của Ban phụ trách. Từ ngày 14-10 đến ngày 17-11-1976 đã thực hiện 687 lượt châm cứu, 953 lượt khám bệnh và phát 1036 thang thuốc cho đồng bào nghèo.
Ngày 22-4-1978, Đại hội đại biểu kỳ 2 BLLPGYN thành phố Cần Thơ được tổ chức trọng thể tại chùa Khánh Quang, Thượng tọa Thích Thiện Thới Tổng Thư ký BLLPGYN thành phố đọc báo cáo tổng kết thành tích ba năm qua và phương hướng công tác năm 1978. Phần kết quả nêu rõ, về mặt tổ chức, đã thực hiện đoàn kết nội bộ, 12 môn phái Phật giáo trong thành phố đã thống nhất sinh hoạt trong Ban Liên lạc, là thành viên trong MTTQ, thực hiện đoàn kết thân ái với các tôn giáo khác; về chính trị đã động viên gần 2 vạn lượt tăng ni Phật tử tham dự các đợt sinh hoạt học tập về Đảng, các cuộc bầu cử, chương trình chính trị của Mặt trận. Qua học tập có chuyển biến tốt, an tâm trong sinh hoạt tín ngưỡng, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận...; về lao động sản xuất, tại thành phố có 48 chùa sản xuất nông nghiệp, 5 chùa sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 2 chùa trồng cây thuốc dân tộc. Đã có 15 chùa làm nghĩa vụ bán thóc dư cho nhà nước được 537 giạ. Có trên 3000 lượt tăng ni, Phật tử tham gia công tác thủy lợi mùa khô 1977-1978. Đã vận động 150 tăng ni và 50 hộ Phật tử gồm 310 người đi xây dựng vùng kinh tế mới Cờ Đỏ và hồi hương về nông thôn lập nghiệp.
2. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam
Ngày 1-1-1979, khai mạc Đại hội thường niên GHTG Nguyên thủy Việt Nam tại chùa Kỳ Viên, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Tăng thống Ấn Lâm và Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm trong Hội đồng Trưởng lão. Đại hội chấp thuận lấy bản điều lệ, nội quy đầu tiên (1958-1962) làm căn bản cho việc bầu cử Ban Trưởng quản. Hòa thượng Giới Nghiêm được suy bầu làm Tăng thống, Thượng tọa Siêu Việt là Phó Tăng thống, Đại đức Thiện Tâm là Tổng Thư ký, nhiệm kỳ đại hội là 2 năm, thay vì 4 năm.
3. Phật giáo Hoa tông
Ngày 21-8-1975, Phật giáo Hoa tông mở Đại hội bầu Ban chấp hành mới gồm 9 vị. Hòa thượng Phước Quang làm Chủ tịch, Hòa thượng Tăng Đức Bốn làm Phó Chủ tịch. Đại hội nhất trí Phật giáo Hoa tông là thành viên của BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa Từ Đức, một ngôi chùa rất quen thuộc của đông đảo đạo hữu người Hoa ở Chợ Lớn do Hòa thượng Phước Quang trụ trì ngoài các Phật sự của BLLPGYN quận 5 đã tập trung sức khai khẩn hơn 1 héc ta đất để trồng trọt ở Tiền Giang.
Phật giáo Hoa tông có 4 tăng sĩ trẻ thì 2 trong số đó đã tình nguyện đăng ký đi chiến đấu. Còn lại 2 tăng sĩ trẻ là hai Sa di ở chùa Từ Đức (Huệ Nghiêm và Huệ Công) từ lúc còn nhỏ, nay lại phát nguyện lên đường nhập ngũ.
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Kể từ sau năm 1975, GHPG Việt Nam thống nhất ở miền Nam chủ yếu là phái Ấn Quang. Đức Tăng thống ở Huế, còn cơ quan Trung ương thì ở thành phố Hồ Chí Minh.
1- Cơ quan Trung ương
Ngày 16-4-1976, Hòa thượng Thích Trí Thủ ký quyết định số 005/VHĐ bổ nhiệm Thượng tọa Thích Hộ Giác làm Chủ tịch Ban Quản trị cơ sở Quách Thị Trang (cô nhi viện).
Ngày 23-1-1977, GHPG Việt Nam thống nhất họp Đại hội kỳ 7 tại chùa Ấn Quang, thành phố Hồ Chí Minh. Giáo hội lưu nhiệm Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Tăng thống của Giáo hội, Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Chánh Thư ký viện Tăng thống và Hòa thượng Thích Trí Thủ tiếp tục làm Viện trưởng viện Hóa đạo.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan Trung ương Giáo hội đối với các tỉnh hội giảm hẳn, một phần vì nhân sự hạn chế, phần vì trong Viện Hóa đạo xảy ra một số vụ việc sai trái dẫn tới chính quyền cách mạng phải xử lý, làm giảm uy tín của Giáo hội.
Những Phật sự lớn như ngày Phật Đản, lễ Vu Lan..., tổ chức an cư kiết hạ, mở giới đàn từ năm 1976 trở đi đều do BLLPGYN thành phố điều hành.
2- Các tỉnh Giáo hội
1) Thừa Thiên - Huế
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Huế được xem như là thủ đô của Phật giáo Ấn Quang, nơi ở của đức Tăng thống, nơi ở của nhiều bậc cao tăng, hiện tại Hòa thượng Thích Đôn Hậu ở đây, nơi đã đào tạo nhiều bậc tăng già, nhiều cán bộ cao cấp của Giáo hội. Quần chúng Phật tử ở Huế rất đông, rất tín ngưỡng, đầy nhiệt tình cách mạng và giàu lòng yêu nước, đã từng là một trung tâm lãnh đạo và trực tiếp đấu tranh chống Mỹ-nguỵ trong các phong trào đấu tranh công khai của đồng bào thành thị miền Nam trước đây.
Tổ chức Giáo hội Ấn Quang tại Huế rất chặt chẽ, đều khắp từ thành tới các khuôn hội.
Từ sau ngày giải phóng đến khi có Thông báo số 4 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc bắt giữ những phần tử xấu trong Viện Hóa đạo, tuy có một vài việc đụng chạm lẻ tẻ xảy ra ở một vài địa phương nhưng chính quyền thông qua Mặt trận đã thường xuyên liên hệ với Giáo hội nên giải quyết mọi việc được tốt đẹp trong tinh thần đoàn kết, từng bước tạo được sự thông cảm của Giáo hội đối với những khó khăn mà chính quyền địa phương đang dồn hết mọi nỗ lực để khắc phục và xây dựng. Giống như tại Tp Hồ Chí Minh và những nơi khác, hầu hết các cán bộ cốt cán của Giáo hội trước kia đều tiếp tục đóng góp nhiệt tình của mình vào công cuộc xây dựng đất nước trong các đoàn thể, tổ chức cách mạng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số phần tử nhẹ dạ, bị tình cảm tôn giáo chi phối nên đã bị những tin đồn thất thiệt, những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của những phần tử xấu tung ra nhằm gây hoang mang hòng tạo sự căng thẳng chính trị giữa chính quyền và Phật giáo.
Vấn đề đặt ra là các tăng ni Phật tử cần bình tĩnh, sáng suốt trước âm mưu của kẻ xấu, những người “đâm bị thóc, chọc bị gạo”. Cần sớm thống nhất Phật giáo để có một tổ chức chung lãnh đạo tăng ni Phật tử phụng sự đạo pháp và dân tộc.
2) Quảng Nam - Đà Nẵng
Sau ngày Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng (29-3-1975), thích ứng với tình hình và điều kiện sinh hoạt mới, Giáo hội kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ cấp lãnh đạo những tu sĩ có những vấn đề chính trị và đạo đức không tốt, bị quần chúng Phật tử phản ánh nhiều, vì vậy việc liên hệ giữa Giáo hội và chính quyền có nhiều biểu hiện tốt. Tuy chưa có chủ trương của Giáo hội Trung ương, nhưng trước tình hình mới, Giáo hội Đà Nẵng đã kịp thời giản dị hóa tổ chức, nghĩa là chỉ giữ lại một số đặc ủy cần thiết.
Trước các hoạt động sai trái của một số chức sắc ở Viện Hóa đạo GHPG Việt Nam thống nhất được nêu trong Thông báo số 4 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, lúc đầu tăng ni Phật tử Đà Nẵng còn bỡ ngỡ hoang mang, nhưng sau khi được Mặt trận tỉnh mời đến giải thích và trao đổi thì Giáo hội và Phật tử đã yên tâm, nên không có việc gì đáng tiếc xảy ra. Tuy vậy, hoạt động của Giáo hội có phần dè dặt hơn và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Giáo hội Trung ương, nhất là vấn đề tổ chức Phật đản sắp đến, nhưng vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Giáo hội cũng như chưa thấy Giáo hội lên tiếng về sự việc nêu trong Thông báo số 4. Các Thượng tọa phó đại diện tỉnh Giáo hội: Từ Mẫm, Long Trí, Thiện Duyên đều là Ủy viên Mặt trận tỉnh, thị xã Hội An, thị xã Tam Kỳ.
Về phía các Phật tử, đại bộ phận anh em cư sĩ Phật tử trước kia tích cực trong các phong trào đấu tranh Phật giáo thì nay vẫn tích cực trong các đoàn thể cách mạng, họ rất nhiệt tình với đạo pháp và tất nhiên cũng rất nhiệt tình với công cuộc xây dựng đất nước, vì vậy càng tha thiết với Giáo hội, với đất nước thì càng mạnh dạn đấu tranh với những mặt tiêu cực của một số người trong các cấp lãnh đạo ở viện Hóa đạo và địa phương.
Thượng tọa Quang Thể, Chánh đại diện Giáo hội tỉnh nói: “Người tu sĩ Phật giáo phải lo cái gì có lợi cho đất nước và chỉ làm, làm nhiều hơn việc gì có lợi cho dân tộc.
3) Nghĩa Bình
Trước ngày giải phóng, Qui Nhơn là một trong những trung tâm điểm nổ ra các cuộc đấu tranh chống Mỹ-ngụy mà đại bộ phận tham gia là đồng bào Phật tử. Cơ sở của GHPG Việt Nam thống nhất ở Quy Nhơn khá nhiều và tương đối rộng rãi. Phật học viện Hải Đức Quy Nhơn đã đào tạo được 2 lớp học tăng.
Sau ngày giải phóng, tăng ni Phật tử Quy Nhơn vẫn tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của mình, khắc phục hậu quả chiến tranh, đóng góp vào việc xây dựng chính quyền địa phương. Từ ý thức đó mặc dù chưa nhận được chỉ thị của viện Hóa đạo, Giáo hội tỉnh đã kịp thời chuyển giao cho tỉnh quản lý những cơ sở giáo dục, xã hội xét thấy không còn phù hợp với nhiệm vụ và khả năng của Giáo hội. Giáo hội đã trực tiếp tham gia vào việc xây dựng cơ cấu chính quyền địa phương như Hòa thượng Giác Tánh, Chánh đại diện miền Liễu Quán hiện là Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Nghĩa Bình, Thượng tọa Tâm Hoàn, Phó đại diện tỉnh Giáo hội là Phó Chủ tịch Mặt trận thị xã Quy Nhơn. Vì vậy, từ sau giải phóng, sự đoàn kết và hợp tác giữa chính quyền và Giáo hội tỉnh đã tạo được sự an tâm và phấn khởi trong đồng bào Phật tử. Sau khi Thông báo số 4 của UBND thành phố Hồ Chí Minh đưa ra, lúc đầu có tạo một số thắc mắc, hoang mang trong tăng ni Phật tử, nhưng sau khi được chính quyền và Mặt trận thông báo và giải thích thì mọi người được an tâm hơn.
4) Phú Khánh
Nha Trang là một thành phố lớn nhất nhì miền Trung mà phần đông là đồng bào Phật tử. Phật tử Nha Trang được tổ chức chặt chẽ, có tinh thần kỷ luật, có truyền thống yêu nước và rất nhiệt tình cách mạng. Vì vậy, trong thời kỳ đấu tranh chống Mỹ - nguỵ trước đây, Nha Trang đã là một trung tâm tranh đấu. Cơ sở của GHPG Việt Nam thống nhất tại Nha trang rất hoàn chính về mặt tổ chức từ Tỉnh hội đến Khuôn hội mà cả về cơ sở vật chất như trường học, Viện Cao đẳng Phật học, cơ sở sản xuất.
Sau ngày giải phóng, cùng với khó khăn chung của cả nước và của tỉnh Phú Khánh đang khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, hoạt động của Giáo hội có bị ảnh hưởng nhất là về mặt tài chính và cán bộ, nhưng các đoàn thể của Giáo hội vẫn sinh hoạt bình thường. Viện Cao đẳng Phật học vẫn được duy trì, tiếp tục đào tạo cán bộ cho các cấp của Giáo hội.
Tăng ni, Phật tử nhất trí cao về nhiệm vụ hiện nay của người Phật tử là phục vụ dân tộc và đạo pháp. Vấn đề hiện nay người Phật tử đòi hỏi ở Giáo hội là phải cụ thể hóa nhiệm vụ này thay đường lối và chủ trương của Giáo hội. Muốn hoàn thành nhiệm vụ này thì Giáo hội phải nhanh chóng thay đổi đường lối phù hợp với tình hình mới mà theo giáo lý nhà Phật đó là khế cơ hóa làm cho Phật pháp luôn luôn phù hợp với thế nhân pháp. Có như thế mới thật sự đem đạo Phật phục vụ chúng sinh, đó là sự phát triển tốt đẹp, là giáo lý hợp thời và tư tưởng đúng đắn của Phật giáo, là lời dạy của đức Phật. Đó mới là cứu cánh và mục đích của Phật giáo.
Lễ Phật đản năm nay tại chùa tỉnh Giáo hội Nha Trang, không còn cảnh đèn hoa khắp phố phường để biểu dương lực lượng như thời trước, mà mọi nhà, mọi cơ sở của Giáo hội đều trang trí đơn giản và trang nghiêm phù hợp với đời sống hiện tại của Phật tử.
Một số tăng ni Phật tử tỏ ra âu lo và thắc mắc về Thông báo số 4 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc chính quyền bắt giữ những phần tử xấu trong viện Hóa đạo, nhưng khi được giải thích mọi người mong mỏi phải gấp rút chấn chỉnh hàng ngũ trong Giáo hội thay đổi đường lối để đóng góp công sức của Phật giáo vào công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
5) Đồng Nai
Từ ngày 6 đến ngày 11-11-1976, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ khai giảng lớp tập huấn chính trị cho hàng giáo phẩm Phật giáo, qui tụ các vị trụ trì từ các ngôi chùa ở Biên Hòa, Vũng Tàu, Bà Rịa, Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu ...
Ngôi chùa Đại Giác xây cất từ năm 1442, được chọn làm nơi tổ chức khóa tập huấn đầu tiên.
Các Hòa thượng Thích Thiện Hào, Thích Minh Nguyệt, Thích Huệ Thành (Tăng thống Giáo hội Lục hòa Tăng, Ủy viên MTDTGP tỉnh Đồng Nai), Thích Hưng Từ (Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Đồng Nai) bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Đồng Nai), đại diện chính quyền, đoàn thể địa phương và hơn 200 vị học viên.
Mục đích lớp học này nhằm quán triệt hai vấn đề lớn: một là tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, giai đoạn cả nước đi lên CNXH; hai là giáo phẩm các tôn giáo đối với hiện tình đất nước.
5- Hội Phật giáo mống nhất Việt Nam
Kể từ ngày thành lập (3-1958) đến năm 1975, Hội đã hoạt động thống nhất theo một Điều lệ chung, trên 5000 tăng ni đều đoàn kết trong Hội và phấn đấu cho mục đích đã được nêu ra: “Hoằng dương Phật pháp - Lợi lạc quần sinh - Phụng sự Tổ quốc - Bảo vệ hòa bình” và “Phát huy tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật, phục vụ lợi ích của nhân dân, thực hiện cương lĩnh của MTTQ Việt Nam, góp phần xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà, bảo vệ hòa bình thế giới. Hội là thành viên của MTTQ Việt Nam, về tổ chức của Hội, chia làm hai cấp: Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chi hội), cơ sở của Hội là các tự viện.
Những năm 1975-1977, các giới tăng ni, Phật tử ở nông thôn, thành thị cùng với nhân dân chống thiên tai khắc nghiệt, bảo đảm việc trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề thủ công và tham gia phong trào trồng cây ở địa phương. Các chi hội đã cùng chính quyền, MTTQ và nhân dân vận động con em địa phương lên đường làm nghĩa vụ quân sự và xây dựng đất nước. Các chi hội Phật giáo đều có tiến bộ trong việc hành đạo và các lễ tiết khác, nhiều nơi đẩy lùi được những nghi lễ thờ cúng không đúng của đạo Phật.
Năm 1978, Hội PGTNVN cùng nhân dân cả nước tham gia phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1978, tích cực xây dựng Hiến pháp mới, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện “nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới”, cải tiến lễ nghi tôn giáo các chùa.
Tăng ni miền Bắc cũng đã thảo luận và góp nhiều ý kiến xây dựng bản Dự thảo Hiến Pháp mới, nhận rõ vai trò và trách nhiệm của người Phật giáo đối với công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta.
Từ ngày 8 đến 10-12-1979, Ban Chứng minh Đạo sư và Ban Trị sự Trung ương Hội PGTNVN đã họp tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị nhiệm vụ của Hội năm 1980 như sau:
1) Tăng cường việc nghiên cứu Phật học, hành trì đạo pháp, hoằng dương Phật đạo; lãnh đạo tốt Trường Tu học Phật Pháp Trung ương; tổ chức nghiêm túc các khóa Xuân - Hạ an cư. Qua đó, để nâng cao trình độ tu học Phật pháp, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần phụng sự đạo Pháp và dân tộc, duy trì qui củ thiền gia thanh tịnh, gìn giữ chùa cảnh phong quang, bồi dưỡng đạo hạnh của Phật tử; cử hành trọng thể các ngày lễ lớn trong đạo.
Động viên tăng ni ở các chùa địa phương cùng với đồng bào nơi mình cư trú tham gia nghiên cứu, học tập quán triệt tinh thần Nghị quyết lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam, Nghị quyết có tầm quan trọng về xây dựng kinh tế và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Phật tử các nơi cùng nhân dân cả nước tham gia phong trào đồng khởi thi đua lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1980. Về phần tăng ni, mỗi chùa cần có kế hoạch lao động sản xuất trên mảnh đất trong khu nội tự mà mình đương phụ trách và nên hướng về trồng cây thuốc Nam.
Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh trên cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh Bản Quy định “Về cải tiến lễ nghi tôn giáo ở các chùa” của Hội PGTNVN ban hành. Mỗi chùa là một đơn vị đăng ký thi đua xây dựng chùa tinh tiến.
Tích cực tham gia các hoạt động trong Tổ chức châu Á vì hòa bình (ABCP), góp phần tranh thủ đoàn kết với Phật tử châu Á và thế giới trong nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế, vì hòa bình và an ninh của châu Á và thế giới.
Hội nghị nhiệt liệt nhất trí và hoan hỷ suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận giữ chức Quyền Hội trưởng Hội PGTNVN. Hội nghị đã tổ chức trọng thể lễ truy tiến tuần định nghiệp cho cố Hòa thượng Hội trưởng Thích Trí Độ.
Hội nghị hoan hỷ kêu gọi chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni và chư quí đạo hữu với tinh thần “vô ngã vị tha” hãy ra sức phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ phụng đạo yêu nước năm 1980, lập thành tích mới để chào mừng những ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc trong năm 1980: kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; và kỷ niệm Đản sinh thứ 2524 của đức Từ Phụ giáo chủ.
II. PHẬT GIÁO VỚI CHÍNH QUYỀN
1. Chính sách đối với tôn giáo
Ngày 8-9-1976, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Pháp sư Thích Trí Độ, Hội trưởng, các Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thích Quảng Dung, Phó Hội trưởng, Viên Tu, Phó Tổng Thư ký Hội PGTNVN; Hòa thượng Thích Tâm Nguyệt, Phó Hội trưởng Hội PGTNVN thành phố Hà Nội. Cùng tiếp khách với Thủ tướng có ông Trần Đăng Khoa Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, Phạm Quang Hiệu đại diện Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng. Pháp sư Thích Trí Độ và các vị trong đoàn đã báo cáo với Thủ tướng những thành tích của Hội PGTNVN và đồng bào theo đạo Phật trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay và bày tỏ với Thủ tướng quyết tâm động viên đồng bào Phật tử đóng góp ngày càng nhiều vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Thủ tướng đã nhiệt liệt biểu dương các vị Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni, Phật tử trong cả nước đã sát cánh cùng đồng bào, có những cống hiến đáng kể trong kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đưa đến việc thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thủ tướng nói tiếp: quyền lợi và sự nghiệp của đạo Phật luôn luôn gắn liền với quyền lợi và sự nghiệp của dân tộc. Ngày nay đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, đồng bào theo đạo Phật có điều kiện tốt hơn để phát huy lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, đoàn kết cùng đồng bào các giới cống hiến công sức xây dựng thành công CNXH-sự nghiệp thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc nhở các cấp chính quyền, các địa phương phải nghiêm chỉnh chấp hành chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước ta, làm tốt việc bảo vệ chùa chiền, các công trình lịch sử của đạo Phật.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV ĐCS Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976. Nghị quyết Đại hội viết: “…chính sách của Đảng về vấn đề tôn giáo là tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của nhân dân, đoàn kết tất cả những người yêu nước và tiến bộ trong các tôn giáo, đoàn kết đồng bào có đạo và không có đạo, để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chống những hoạt động làm hại đến lợi ích của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội…”.
Tăng ni, Phật tử cả nước hoan hỷ đón chào Nghị quyết và mong rằng Nhà nước sớm ban hành những chính sách cụ thể hóa đường lối của Đảng nói trên.
Ngày 11-11-1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký văn bản số 297-CP: Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về một số chính sách đối với tôn giáo gồm 3 phần:
Những nguyên tắc chung, có 7 điểm. Một số chính sách cụ thể:
1) Đối với hoạt động tôn giáo;
2) Đối với nơi thờ cúng;
3) Về đào tạo, bổ nhiệm, thuyên chuyển những người chuyên hoạt động tôn giáo;
4) Về tài liệu và đồ dùng về đạo của các tôn giáo;
5) Đối với các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội của các tôn giáo;
6) Vấn đề quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo trong nước với các tổ chức tôn giáo quốc tế và nước ngoài.
Trách nhiệm của chính quyền các cấp
Từ nay công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo được thực hiện thống nhất trên toàn quốc trên cơ sở những quy định nói trên.
2. Thông báo số 4 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
Sau ngày giải phóng, trong lúc hầu hết đồng bào Phật tử ở Tp Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước đang đem hết nhiệt tình và khả năng của mình đóng góp vào việc xây dựng đất nước như nghĩa vụ quân sự, thủy lợi, lao động sản xuất, bình dân học vụ, xây dựng nếp sống mới v.v.., thì một số người ở GHPG Việt Nam thống nhất phái Ấn Quang đã có những thái độ thiếu thiện chí, những hành động chống đối chính quyền, cố tình tổ chức, lôi kéo, sách động một số tăng ni Phật tử nông nổi vào con đường đối kháng với chính quyền.
Trước tình hình đó, chính quyền đã bắt, giam giữ và giáo dục một số phần tử lợi dụng Phật giáo để hoạt động sai trái của phái Ấn Quang trong GHPG Việt Nam thống nhất.
Ngày 6-4-1977, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã công bố bản Thông báo số 4/TBVB về thái độ của chính quyền đối với một số phần tử xấu lợi dụng Phật giáo để chống đối chính quyền.
Ngày 7-4-1977, đại diện Chính quyền và MTTQ thành phố đã chủ tọa cuộc họp đặc biệt tại nhà hát thành phố thông báo về chính sách đối với tôn giáo.
Sau đó, tăng ni Phật tử thành phố đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm, mạnh dạn bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình trước sự việc này và biểu đồng tình với việc làm của chính quyền trong Thông báo số 4.
Tuy nhiên, sự việc trên không phải chỉ giới hạn trong phạm vi Tp Hồ Chí Minh mà đối với chính quyền cũng như về phần Giáo hội, sự kiện này có ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam nhất là Huế và các tỉnh miền Trung nơi đã từng là những trung tâm đấu tranh sôi nổi của đồng bào Phật tử trước năm 1975. Sự kiện trên nếu không được trình bày rõ ràng, giải thích cặn kẽ và kịp thời thì có thể gây ra những hiểu lầm, căng thẳng giả tạo, giữa Giáo hội và chính quyền, có hại cho tình đoàn kết và xây dựng vốn là một truyền thống lâu đời và tốt đẹp trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Ngày 19 tháng 5 năm 1977, một phái đoàn Phật tử Tp Hồ Chí Minh do cư sĩ Võ Đình Cường dẫn đầu đã ra Huế, khởi đầu chuyến đi miền Trung để thực thi nhiệm vụ trên. Và, chư tôn túc và tổ chức Phật giáo ở các nơi Đoàn đến đều nhất trí ủng hộ Thông báo số 4 của UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 8-12-1978, vụ án Lê Đình Nhân (Thích Huyền Quang), Đặng Phúc Tuệ (Thích Quảng Độ) và một số liên quan được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với tội danh: “Phá hoại khối đoàn kết và thống nhất dân tộc, phá hoại trật tự an ninh, chống chính quyền cách mạng”.
III. CÁC PHẬT SỰ
1. Thăm viếng giữa Phật giáo hai miền
Từ ngày 30-8 đến 24-9-1975, các Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Minh Nguyệt, Thích Đôn Hậu, Thích Mật Hiển, Ni sư Huỳnh Liên và các Đại đức Thích Hiển Pháp, Thích Hành Minh đã tham gia phái đoàn Quân - Dân - chính - Đảng miền Nam ra thăm miền Bắc. Đoàn đã được các ông Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ, Nguyễn Văn Hiếu ra tận sân bay Gia Lâm đón. Trong 25 ngày ở thăm miền Bắc đoàn đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm các chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, Hai Bà, Viên Minh, Bà Đá, Tứ Kỳ ở Hà Nội và chùa Tây Phương ở Hà Tây. Đoàn đã được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng v.v... đến thăm và nói chuyện. Đoàn cũng được Hội PGTNVN, Hội Phật giáo Thống nhất Hà Nội tiếp.
Ngày 1-2-1977, lãnh đạo BLLPGYN thành phố gồm: Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào, Thượng tọa Hiển Pháp, Thượng tọa Thanh Kiểm đã tiếp phái đoàn Phật giáo miền Bắc nhân dịp tham dự Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam do Hòa thượng Thích Tâm An, Phó Hội trưởng Hội PGTNVN, Trưởng đoàn đại biểu dự Đại hội, Hòa thượng Phạm Thế Long, Phó Hội trưởng và Thượng tọa Thích Tâm Minh, Phó Hội trưởng Phật giáo Thống nhất tỉnh Hải Hưng.
Từ ngày 18-10 đến 2-11-1977, đoàn đại biểu Phật giáo Tp Hồ Chí Minh gồm 13 người do Hòa thượng Thích Đạt Hảo làm Trưởng đoàn, Đại đức Thích Minh Nghị làm Phó đoàn đã ra thăm miền Bắc. Đoàn đã viếng thăm lăng Bác, nhà sàn nơi Hồ Chủ tịch làm việc, các di tích lịch sử, viện Bảo tàng Cách mạng, một số hợp tác xã kiểu mẫu, thăm 16 ngôi chùa danh tiếng như: chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, Kiến Sơ, Hương Tích, Tây Phương, Văn Quán, Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Dâu, chùa Hòe Nhai…Đoàn rất phấn khởi trước tình đoàn kết Nam Bắc thắm thiết rất đáng tự hào và thái độ nồng nhiệt của các giới đồng bào miền Bắc nói chung và đồng bào Phật tử cùng Giáo hội miền Bắc nói riêng trong cuộc đón tiếp phái đoàn Phật giáo miền Nam vừa qua.
Tình cảm Nam Bắc đã để lại trong lòng các vị trong đoàn các cảm nghĩ tốt đẹp, cũng như mọi người đều nóng lòng mong mỏi một tương lai thống nhất rất gần đây của GHPG hai miền, để có thể tập hợp và huy động một cách rộng rãi nhất toàn thể tăng ni Phật tử trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước trong giai đoạn mới của lịch sử của dân tộc hôm nay.
Từ ngày 15-11-1979, nhận lời mời của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo phủ Thủ tướng, và Hội PGTNVN, một đoàn đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh gồm 15 Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức đại diện các Giáo phái Phật giáo tại thành phố như: GHPG Việt Nam thống nhất, Giáo hội Thiên Thai Giáo quán tông, Giáo hội Cổ truyền Lục hòa tăng, GHTG Nguyên thủy Việt Nam, GHTG Khất sĩ Việt Nam, BLLPGYN và một cán bộ cư sĩ đi phục vụ đoàn đã ra thăm miền Bắc. Đoàn đã được các đại diện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo phủ Thủ tướng, Hội PGTNVN, tăng ni và Phật tử miền Bắc đón tiếp rất nồng hậu, thâm tình. Ngoài thủ đô Hà Nội, Đoàn còn được đưa đi thăm những di tích lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo, danh lam thắng cảnh và một số hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhà trẻ v.v... ở ba tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Bắc và Vĩnh Phú.
Các cuộc thăm viếng nói trên đã tăng sự hiểu biết thông cảm lẫn nhau giữa Phật giáo hai miền, tạo tiền đề tốt cho công cuộc vận động thống nhất Phật giáo những năm 1980-1981.
2. Cơ sở thờ tự
Trong năm 1975, BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh đã thống kê số lượng chùa và tăng ni tại các quận, huyện như sau:
Quận 1: 6 chùa, 21 tăng ni.
Quận 2: 18 chùa, 65 tăng, 17 ni.
Quận 4: 16 chùa, 146 tăng, 19 ni.
Quận 6: 22 chùa, 151 tăng, 31 ni.
Quận 7: 22 chùa, 64 tăng, 12 ni.
Quận 8: 54 chùa, 264 tăng ni.
Quận 11: 25 chùa, 122 tăng, 136 ni.
Huyện Hóc Môn: 46 chùa, 55 tăng, 27 ni. Quận Gò Vấp: 70 chùa, 392 tăng ni.
Quận Thạnh Mỹ Tây: 20 chùa, 28 tăng, 17 ni. Quận Phú Nhuận: 59 chùa, 3709 tăng ni.
Quận Bình Hòa: 86 chùa, 526 tăng ni.
Tổng cộng 12 quận huyện có 444 chùa với 5802 tăng ni.
Từ 1976 đến 1981, do tập trung vào lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc, việc trùng tu, dựng chùa mới không nhiều. Số chùa được xây dựng tại các tỉnh Sóc Trăng, Bình Dương, Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh trong những năm này là 21 chùa.
Tháng 12-1978, Hòa thượng Phước Quang (Hoa tông) theo đồng bào lập chùa Từ Đức II ở khu kinh tế mới Tân Lập, tỉnh Tiền Giang.
Ngày 7-12-1980, lễ đặt viên đá đầu tiên đại trùng tu tịnh xá Trung Tâm, trụ sở Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam tại số 7 Nguyễn Trung Trực, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
3. Phật học đường
Trước đây Hội PGTNVN chỉ mở những lớp bổ túc về Phật pháp. Tháng 9 năm 1977, Trung ương Hội PGTNVN đã thành lập Trường Tu học Phật pháp, cử Hòa thượng Thích Tâm An làm Hiệu trưởng, cư sĩ Nguyễn Văn Chế làm Hiệu phó và mở khóa dài hạn đầu tiên 1977-1983 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Trường tuyển sinh từ những tăng ni do các Chi hội Phật giáo tỉnh cử về và hạn chế tuổi từ 18-35 tuổi. Chương trình tu học Phật pháp chủ yếu là Tạng kinh chữ Hán - Tạng Đại thừa. Mục đích chính của trường là dùng thực tiễn xã hội làm sáng tỏ đạo lý của Phật giáo, lấy việc đời chứng minh cho đạo pháp, đem luân lý đạo đức của Phật tổ ra cống hiến và xây dựng xã hội.
Trong 3 năm đầu các tăng sinh được học bổ túc văn hóa và hoàn tất chương trình này tại kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 bổ túc năm 1980. Cùng thời gian trên những ngoại ngữ phổ cập như tiếng Anh, tiếng Pháp sẽ giảng dạy theo từng nhóm tăng sinh và khả năng mỗi người. Tất cả những kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, với tính phổ thông của nó sẽ tạo được sự tiếp thu một cách tự giác ảnh hưởng của thế giới mới trong mối quan hệ qua lại với Phật giáo, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho mỗi tăng sinh nâng cao trình độ phân tích và nhận thức đúng đắn về tôn giáo của mình, cũng như trách nhiệm thực sự của Phật giáo đối với công việc chung của dân tộc.
Ngày 5-11-1978, viện Phật học Vạn Hạnh giới thiệu hai công trình Phật giáo: Phật tự thuyết kinh do Thượng tọa Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pàli ra tiếng Việt và các tác phẩm của Chân Nguyên thiền sư như Thiền Tịch phú, Thiền tông bản hạnh do Lê Mạnh Thát dịch.
Nhân lễ Vu lan năm Canh Thân (1980), Viện Phật học Vạn Hạnh đã hoàn thành hai dịch phẩm Đức Phật đã dạy những gì (Thượng tọa Bửu Sơn dịch) và tập đầu của kinh Bổn Sinh ( Jataka) do Thượng tọa Thích Minh Châu dịch.
Ngày 14-11-1981, trường Cao cấp Phật học Việt Nam thuộc Hội PGTNVN (đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội) chính thức khai giảng (là hậu thân của trường Tu học Phật pháp Trung ương), lúc này trường đã lấy thêm học sinh và kéo dài thêm 4 năm. Thượng tọa Thích Minh Châu, Tổng Thư ký HĐTS Trung ương GHPGVN kiêm hiệu trưởng của trường đã giới thiệu chương trình học của tăng ni sinh trong 4 năm tới, bao gồm: Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng, lịch sử triết học, lịch sử Phật giáo thế giới, ngoại ngữ gồm có: Anh văn, cổ ngữ Pàli, Hán văn, ngoài ra còn có thực hành thiền học và lao động chân tay (mỗi tuần một ngày).
4. Trường Hạ và khai mở giới đàn
Năm 1975 và 1976, do tập trung vào nhiệm vụ lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh nên trừ một số tỉnh ở miền Bắc còn các tỉnh thành trong cả nước không tổ chức an cư kiết hạ.
Ngày 19-5-1977, thành phố Hồ Chí Minh, BLLPGYN ra Thông tư về việc tổ chức an cư kiết hạ năm 1977 do Hòa thượng Thích Thiện Hào - Phó Chủ tịch Thường trực ký như sau:
Kính gửi: Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước các cấp Quý trưởng giáo phái Phật giáo.
Quý trụ trì các tự viện. Thành phố Hồ Chí Minh.
“Căn cứ luật Phật, hằng năm đến mùa sen nở báo hiệu hè về, toàn thể hàng tăng lữ chúng ta chuẩn bị an cư cấm túc để sách tấn tu hành.
Mùa hạ năm nay, BLLPGYN thành phố định tổ chức hai trường Hạ (chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Kỳ Quang), trang trọng khuyến thỉnh tăng ni hoan hỷ vân tập tu học để thúc liễm thân tâm.
1) Thời gian địa điểm đăng ký
Từ ngày ra Thông tư này đến hết ngày 25-5-1977, tại chùa Vĩnh Nghiêm số 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 và tại văn phòng BLLPGYN các quận, huyện trong thành phố.
2) Hồ sơ đăng ký gồm:
1 đơn xin chính do đương sự viết tay (tự do).
1 giấy chứng nhận do Bổn sư hoặc Nghiệp sư cấp, (có xác minh của Ban Liên lạc Phật giáo địa phương).
3 lý lịch cá nhân (có chính quyền cấp phường, xã cấp)
3 tấm ảnh (4x6 cm) nhìn thẳng mới nhất (có thể bổ túc sau).
3) Điều kiện nhập Hạ
- Đúng 7 giờ sáng ngày 2-6-1977 (16-4 Đinh Tỵ), có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm.
- Mang theo vật dụng cá nhân cần thiết đủ dùng suốt thời gian Hạ (quần áo, lễ phục, màn, mền, gối).
- Mỗi tháng 9 x 3 = 27 kg gạo (đóng 3 lần)
Ngoài ra BLLPGYN thành phố sẽ đài thọ tất cả. Rất mong quý ban và quý vị vì lợi ích tương lai của Phật giáo ta, phổ biến rộng rãi Thông tư này và động viên tăng ni nhập Hạ được đông.
Tháng 5 năm 1980, Tịnh xá Trung tâm GHTG Khất sĩ Việt Nam tổ chức khóa an cư kiết hạ đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975.
Từ 1975 đến 1981, đã có 11 tỉnh trong cả nước khai mở 38 giới đàn: Thành phố Hồ Chí Minh: 15; Hà Nội 7, Hà Tây, Nam Định, Bình Định, Huế, Kiên Giang, Đồng Nai mỗi tỉnh 2 giới đàn, Ninh Bình, Hải Phòng, Đồng Tháp mỗi tỉnh 1 giới đàn.
Một số giới đàn tiêu biểu:
Ngày 2-5-1975, chùa Thánh Ân (chùa Cả), phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định mở giới đàn. Hòa thượng Thích Chân Thường (tổ Trà) là Đàn đầu; Yết ma là Hòa thượng Thế Long.
Giới tử: 8 vị thụ giới Tỷ khiêu, 6 vị thụ Tỷ khiêu ni giới, 10 vị thụ Sa di giới.
Ngày 24-9-1980, tổ đình Ấn Quang thuộc GHPG Việt Nam thống nhất mở đại giới đàn Thiện Hòa từ 24-26-9. Hòa thượng Trí Thủ là đàn chủ, Hòa thượng Hành Trụ làm Đàn đầu truyền giới với đầy đủ tam sư thất chứng. Gần 500 giới tử tại gia và 300 giới tử xuất gia từ các nơi đến thụ giới. Phật tử tại gia thụ Bồ Tát giới và Thập thiện. Hàng xuất gia thụ Tỷ khiêu giới, Sa di giới và Bồ Tát giới (Tam đàn).
Từ ngày 16 đến ngày 17-2-1981, đại giới đàn Báo Quốc được tổ chức tại tổ đình Báo Quốc, Huế. Đàn chủ là Thượng tọa Thích Thanh Trí, Hòa thượng Thích Đôn Hậu là Hòa thượng Đàn đầu, Yết ma là Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giáo thụ là Hòa thượng Thích Mật Hiển và Thượng tọa Thích Thiện Siêu, có đủ 7 vị tôn chứng.
Giới tử xin thụ giới:
Giới tử xuất gia: 76 vị xin thụ Tỷ khiêu và Bồ Tát, kết quả 73 vị được thụ, trong đó có 24 vị tăng, 49 vị ni.
Giới tử tại gia: Thụ Bồ Tát giới: 104 vị, trên 500 vị thụ giới Thập thiện.
- 5. Công tác quốc tế
1- Cử các đoàn đi dự hội nghị quốc tế về Phật giáo
- Tham dự các hội nghị Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP)
Ngày 22-7-1976 đoàn đại biểu Phật giáo Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến Tokyo, Nhật Bản dự Đại hội ABCP lần thứ 4, gồm 300 đại biểu của 11 nước châu Á, một số nước quan sát viên và khách mời. Đoàn gồm Hòa thượng Thích Thiện Hào - Trưởng đoàn, Hòa thượng Phạm Thế Long, 3 vị cư sĩ làm công tác nghiên cứu tôn giáo và phiên dịch.
Hội nghị diễn ra từ chiều 26 đến 29-7 thảo luận 3 chủ đề:
1) Những kinh nghiệm lịch sử thắng lợi cuả nhân dân 3 nước Đông Dương và những nhiệm vụ mới của phong trào Phật giáo đấu tranh vì hòa bình.
2) Việc cấm sử dụng toàn bộ vũ khí hạt nhân và các vũ khí giết người hàng loạt khác, đòi hỏi việc hủy bỏ các liên minh quân sự xâm lược và triệt thoái các căn cứ quân sự nước ngoài khỏi châu Á.
3) Những giáo lý của đức Phật cho hòa bình, an ninh và sự hợp tác giữa các tôn giáo vì hòa bình ở châu Á và sự việc hình thành một cơ quan liên lạc của Phật giáo nhằm mục đích này.
Ngày 1-8-1976, đoàn được mời tham dự Hội nghị quốc tế chống bom nguyên tử lần thứ 22 tại Tokyo. Sau đó đoàn đi thăm các địa phương, các chùa trên đất Nhật Bản. Ngày 10-8, đoàn kết thúc tốt đẹp chuyến đi.
Từ ngày 9 đến ngày 13-9-1978, Đại hội lần thứ 6 ABCP đã họp tại Matxcơva, Liên Xô. Hòa thượng Phạm Thế Long, Phó Hội trưởng Hội PGTNVN, Ủy viên Ban Chấp hành ABCP đã tham dự.
Hội nghị nhất trí thông qua nghị quyết về Việt Nam, nhiệt liệt hoan nghênh chính sách đối ngoại vì hòa bình của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thành lập khu vực hòa bình ở Đông Nam Á, coi đó là một đóng góp quan trọng đối với toàn thể nhân dân vùng này cũng như toàn châu Á.
Ngày 14-6-1979, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi tới Hòa thượng S.Gômbôjáp, Chủ tịch Hội nghị bức điện chào mừng, nêu rõ: “Mười năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, Hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình với trung tâm ở Mông Cổ, đã có những cống hiến tốt đẹp cho sự nghiệp hòa bình và công lý trên thế giới”... và “Đại hội lần thứ 5 của ABCP chắc chắn sẽ là một dịp động viên Phật tử và nhân dân châu Á tăng cường đoàn kết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của bọn bành trướng để bảo vệ chủ quyền độc lập của mỗi nước và bảo vệ hòa bình ổn định của châu Á, gúp phần bảo vệ hòa bình thế giới”.
Ngày 14-6-1979, tại Ulan Bator, Đại sứ quán nước ta tại Cộng hòa nhân dân Mông Cổ đã tổ chức lễ trao tặng ABCP Huân chương Hữu nghị.
Ngày 16-6-1979, Đại hội Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) lần thứ 5 diễn ra tại Ulan Bator thủ đô Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Có 241 đại biểu và quan sát viên của 11 nước (Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Campuchia, Nepal, SriLanka (2 đoàn), Liên Xô, Lào, Việt Nam, Mông Cổ; 7 đoàn quan sát viên: Bhutan, Thái Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Hungari, Tây Tạng tại Ấn Độ, Mỹ, UK và đại diện của 7 tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, Hội đồng Hòa bình thế giới, Những người Thiên chúa châu Á vì hòa bình, Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á Phi, Kyto giáo châu Âu tại Berlin…). Đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc cử đại diện đến tham dự và gửi điện chúc mừng Đại hội.
Đoàn có số lượng đại biểu đông nhất là Mông Cổ, đoàn ít đại biểu nhất là Campuchia (chỉ có 2 tăng sĩ và 1 cư sĩ). Đoàn Việt Nam có 10 đại biểu, gồm: các Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Minh Nguyệt; các Thượng tọa Thích Minh Châu, Thích Thiện Châu (Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp), Thích Thanh Sam (Hà Bắc), ông Phạm Quang Hiệu và ông Nguyễn Quang Huy Ban Tôn giáo phủ Thủ tướng, ông Phan Trọng Thái thông dịch viên do Hòa thượng Phạm Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội PGTNVN dẫn đầu. Tại Đại hội, phái đoàn Việt Nam đã đọc 3 bản tham luận: Tình hình Phật giáo và chính trị Việt Nam, hành động xâm lược và chủ nghĩa bành trướng đối với Việt Nam (Hòa thượng Thế Long); Hòa thượng Phó Trưởng đoàn Thích Trí Thủ báo cáo về tình hình Đông Nam Á; Hòa thượng Minh Nguyệt Phó Trưởng đoàn báo cáo về Ý nghĩa và kinh nghiệm lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong việc lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đại hội nhất trí thông qua 6 văn kiện, trong đó có văn kiện quan trọng nhất là “Quyết nghị đặc biệt về Việt Nam, Lào, Campuchia”.
Đại hội thảo luận các vấn đề cấp bách nhằm đẩy mạnh hoạt động củng cố hòa bình và an ninh ở châu Á và trên toàn thế giới.
Đại hội đã thông qua Điều lệ của Tổ chức châu Á vì hòa bình và bầu Ban chấp hành của tổ chức. Hòa thượng Phạm Thế Long được bầu làm Phó Chủ tịch và Thượng tọa Thích Minh Châu làm Ủy viên Ban chấp hành của ABCP.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo trưởng Phật giáo Tây Tạng, Đại lão Hòa thượng Nisochidatsu Fuji 94 tuổi của Phật giáo Nhật Bản là khách quí của Đại hội.
Qua Đại hội, Phật giáo Việt Nam, Lào, Campuchia đã có sự hợp tác ngoại giao chặt chẽ và phối hợp hành động có hiệu quả với Liên Xô một cách tốt đẹp.
Năm tháng sau, hội nghị cấp cao ABCP đã tiến hành tại Ulan Bator, thủ đô nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Mông Cổ từ ngày 14 đến 16-11-1979, bàn về những vấn đề củng cố và phát triển tổ chức, lịch tổ chức và tham dự các hội nghị quốc tế từ nay đến hết năm 1982. Đặc biệt Hội nghị đã dành thời giờ bàn về tình hình hiện nay ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Đoàn Việt Nam đi dự hội nghị với tư cách Phó Chủ tịch ABCP. Tại hội nghị này, đoàn Phật giáo nước ta do Thượng tọa Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, ông Đỗ Thế Đồng làm Phó đoàn đã chân thành và nhiệt tình đóng góp những ý kiến xây dựng, được tất cả các đại biểu hoan nghênh và tiếp nhận.
Từ ngày 23 đến 25-8-1980, tại Ulan Bator, Mông Cổ đã diễn ra Hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình nhằm giải quyết vấn đề điều hành ABCP sau khi Hòa thượng Chủ tịch S. Gômbojáp viên tịch. Hội nghị đã quyết định giao cho 3 vị Phó Chủ tịch Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và vị Tổng Thư ký chịu trách nhiệm điều hành tập thể cho đến khi cử được vị chủ tịch mới vào kỳ Đại hội lần thứ VI năm 1982. Đoàn đại biểu Việt Nam do Hòa thượng Thích Thế Long dẫn đầu đã tham gia Hội nghị.
Từ ngày 18 đến ngày 21-11-1980 Hội nghị Ban chấp hành và Ban Thư ký quốc tế của ABCP được triệu tập tại Newdeli, Ấn Độ. Có 9 nước dự với 30 đại biểu. Đoàn Việt Nam do Hòa thượng Thích Thế Long Phó Chủ tịch ABCP dẫn đầu đã đọc báo cáo về các hoạt động của Trung tâm quốc gia ABCP Việt Nam. Nhân dịp này, Thượng tọa Thích Minh Châu thành viên của đoàn có thỉnh một số kinh sách đem về và có nhờ Trung tâm quốc gia ABCP Ấn Độ thỉnh cho Phật giáo Việt Nam một số kinh sách Sankrit và Pàli hiện nay viện Phật học Vạn Hạnh đang thiếu để xây dựng một thư viện Phật giáo Việt Nam đầy đủ hơn.
- b. Các hội nghị quốc tế khác
Từ ngày 6 đến 10-6-1977 Đại hội Tôn giáo thế giới vì hòa bình lâu dài, giải trừ quân bị, quan hệ đứng đắn giữa các dân tộc đã họp tại Matxcơva, Liên Xô. Tham dự Đại hội có 616 đại biểu, gồm nhiều chức sắc cao cấp của các tôn giáo: Thiên chúa giáo (trong đó có Chính thống, Công giáo, Tin lành, Báp tít, Cải cách…), Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Sintoits (Thần đạo Nhật Bản), và đạo Xích của 107 nước trên thế giới. Đại hội diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Giám mục Ruvơnaly địa phận Tula và Blep, Liên Xô. Đoàn đại biểu PGVN do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn. Sau khi tham dự Đại hội đoàn đã đi thăm một số nước thuộc Liên Xô và thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ.
Sáng ngày 18-12-1978, đoàn đại biểu PGVN do Hòa thượng Phạm Thế Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội PGTNVN, đại biểu quốc hội Việt Nam làm Trưởng đoàn và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm hữu nghị chính thức Lào đã đến Viêng Chăn. Chiều 19-12 đoàn đã được Phó Thủ tướng Phu mi Vông vi chít tiếp; sáng 25-12- 1978, Hoàng thân Xu pha nu vông, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã tiếp đoàn. Cùng ngày đoàn đã rời Viêng Chăn về nước.
Ngày 17-9-1979, Hòa thượng Bửu Chơn Cố vấn Ban Chưởng quản GHTG Nguyên thủy Việt Nam dẫn đầu phái đoàn Phật giáo thống nhất Việt Nam thăm hữu nghị và dự lễ Đonta tại Phnôm Pênh, Campuchia. Nhân dịp này, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đề nghị phía Việt Nam giúp bạn phục hồi Phật giáo Campuchia. Muốn làm được việc này trước hết phải gây dựng lại tăng già mà dưới thời Khme đỏ, các nhà sư (sãi) đều bị cưỡng bức hoàn tục bởi chính sách không tôn giáo. Tin cho biết, có một vị sư là Cớtvai 80 tuổi ở phía Bắc Congpongcham còn giữ chiếc áo cà sa vàng. Cụ lập tức được máy bay lên thẳng đưa về Phnôm Pênh. Trong cuộc họp trao đổi với các nhà sư Campuchia sắp tu lại, cụ Cớtvai công nhận còn giữ áo nhưng đã cởi khỏi người giấu trong rừng rậm, chứ không mặc thường xuyên vì sợ Polpốt phát hiện. Nghĩa là cụ không còn đủ tư cách nhà sư nữa. và, cụ xin các nhà sư Việt Nam cho cụ tu lại. Cụ Cớt vai được xếp vào hàng đầu trong 7 nhà sư được thụ giới đầu tiên. Chiều ngày 18-9-1979, Hòa thượng Bửu Chơn trở bệnh nặng, phải vào bệnh viện Phnôm Pênh. 9 giờ sáng ngày 19-9-1979, làm lễ xuất gia cho 7 vị sư Campuchia tại chùa Unalon (chùa lớn nhất Phnôm Pênh, nơi vua Sãi ở). Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Quyền trưởng đoàn GHPG Nguyên thủy Việt Nam làm Thầy tế độ, Thượng tọa Siêu Việt và Thượng tọa Thiện Tâm làm Yết ma, các vị khác là thành viên buổi lễ. Riêng Thượng tọa Thích Minh Châu vì là Bắc tông nên chỉ tham dự với tư cách khách danh dự.
Ngày 21-9, Hòa thượng Bửu Chơn viên tịch tại Phnôm Pênh.
Ngày 31-5 và 1-6-1980, tại xã Ville Bon Yvette, ngoại ô Paris, Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp đã tổ chức trọng thể lễ Phật đản và lễ đặt viên đá đầu tiên xây chùa Trúc Lâm. Hơn 60 Phật tử Việt Nam tại Marseille, Bordeaux, Tou louse, Nice đã về dự lễ dưới sự chủ lễ của Thượng tọa Thích Thiện Châu, chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và sư cô Mạnđala. Ông Võ Văn Sung, thay mặt Chính phủ Việt Nam đã trao tặng Hội Phật tử Việt Nam số tiền 20 vạn france để góp phần xây cất chùa Trúc Lâm. Các giới Phật giáo trong nước và hải ngoại rất phấn khởi trước cử chỉ trọng thị này của Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo.
Nơi dựng chùa Trúc Lâm nằm trên khoảng đất 2052 m2 trên lưng đồi thanh tịnh do Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp mua, trên đó có sẵn ngôi nhà rộng 180 m2, có thể làm nơi sinh hoạt cho Hội trong lúc chờ đợi công trình xây dựng ngôi chùa chính được hoàn thành. Hội đã thỉnh được từ trong nước nhiều tượng đẹp, một đại hồng chung và nhiều pháp khí quí để tôn thờ trong chùa. Dự kiến chùa chính có hai tầng: tầng trên rộng 300 m2 kể cả lan can, là nơi thờ Phật, thờ Tổ và thờ vong linh, cũng là nơi lễ Phật, tu thiền cho khoảng 200 người và tầng dưới rộng 150 m2 là nơi sinh hoạt chung và phòng đọc kinh sách. Dự trù kinh phí độ 600.000 france.
Từ ngày 19 đến 21-9-1980 phái đoàn Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Minh Châu dẫn đầu đã sang Anh dự Hội nghị Tăng già quốc tế và Hội thảo “Lựa chọn sự sống” và lễ khánh thành ngôi chùa Hòa bình do Hòa thượng Fuji xây dựng tại Miton Keynes London.
Sau khi Hội nghị bế mạc, Đoàn đã sang Pháp tham quan chùa Trúc Lâm đang được xây cất tại ngoại ô Paris do Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp.
Ngày 17-4-1981, phái đoàn tôn giáo Việt Nam đã lên đường sang Tokyo, Nhật Bản để tham dự Đại hội thế giới các nhà hoạt động tôn giáo phục vụ giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24-4-1981. Đoàn gồm:
Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Trưởng đoàn.
Linh mục Võ Thành Trinh, Ủy viên Ban Liên lạc Công giáo toàn quốc, Linh mục Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng đoàn.
Hòa thượng Thích Thế Long, Phó trưởng Ban Vận động thống nhất PGVN, Phó Chủ tịch, đại diện ABCP.
Thượng tọa Thích Minh Châu, Chánh Thư ký Ban Vận động thống nhất PGVN, đoàn viên.
Linh mục Nguyễn Văn Bính, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Bình Trị Thiên, Linh mục Tổng giáo phận Huế, đoàn viên.
Ông Nguyễn Quang Huy, Ủy viên Ủy ban Giải trừ quân bị Phật giáo châu Á vì hòa bình, đoàn viên.
Ông Nguyễn Văn Thái, thông dịch viên.
2- Tiếp đón các đoàn khách quốc tế
Ngày 26-4-1976, BLLPGYN Thành phố Hồ Chí Minh tiếp đoàn Liên minh hữu nghị viện trợ Mỹ do ông Don Luce dẫn đầu. Ông Don Luce là người đã từng khám phá ra vụ “chuồng cọp” ở Côn Đảo của Mỹ-nguỵ năm 1970 và đã từng đấu tranh chống chính sách đế quốc xâm lược của chính phủ Mỹ trước đây.
Ngày 8-5-1976, Hòa thượng Minh Nguyệt tiếp đoàn Giáo hội Kitô Thế giới (gồm 5 tu sĩ, mục sư Kitô Hunggari, Liên Xô, Tây Đức, Sri Lanca, Hoa Kỳ) tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Ngày 31-1-1977, BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn đại biểu Giáo hội Quâycơ tại trụ sở Ban. Đoàn thay mặt những người Mỹ tiến bộ chống chính sách xâm lược của chính phủ Mỹ tại Việt Nam trước đây, trong đoàn có cô Caron đã từng tuyệt thực phản đối vụ chuồng cọp Côn Sơn của Mỹ- ngụy.
Ngày 13-2-1977, BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh tiếp phái đoàn truyền hình NBC Mỹ, và trả lời các câu hỏi của đoàn về tình hình PGVN.
Nhân lễ Phật đản 2521(Đinh Tỵ-1977), phái đoàn Phật giáo Sri Lanca do Hòa thượng Wipulasara, Hội trưởng Hội Phật giáo Sri Lanca dẫn đầu đã đến thăm các chùa ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như chùa Quán Sứ, chùa Tây Phương…
Ngày 3-12-1977 Hòa thượng Minh Nguyệt và Hòa thượng Thích Thiện Hào, Chủ tịch và Phó Chủ tịch BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh tiếp đoàn Phật giáo châu Á và Mông Cổ.
Ngày 5-12-1977, BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh tiếp đoàn Hội Hữu nghị Lào - Việt.
Ngày 9-1-1978, năm đoàn đại biểu Việt kiều từ 5 nước Âu Mỹ đến thăm BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 2-5-1978, phái đoàn truyền hình Pháp do Roger Píc dẫn đầu đến thăm chùa Xá Lợi và chùa Ấn Quang.
Chiều ngày 14-6, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Hội PGTNVN và Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tổ chức trọng thể lễ tiếp nhận chiếc chuông cổ Việt Nam do Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam và phong trào quyên góp chuộc chuông cổ tặng cho nhân dân Việt Nam gửi tặng nhân dân ta. Hoà thượng Sogun Mibu, Trưởng đoàn và các vị trong đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nhật - Việt. Các vị Hòa thượng Thích Quảng Dung, Phó Hội trưởng Hội PGTNVN, Trần Danh Tuyên, Hội trường Hội Hữu nghị Việt-Nhật, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin, chi hội Phật giáo tỉnh Hà Bắc, cùng đông đảo tăng ni, Phật tử Hà Nội đã tới dự.
Ngày 15-6-1978, BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh tiếp phái đoàn Phật giáo Nhật Bản do Hòa thượng Mibu Shogun Phó Chủ tịch hội Hữu nghị Phật giáo Nhật Bản và Việt Nam dẫn đầu.
Tháng 7 năm 1978, theo yêu cầu của nhóm Phật tử Trúc Lâm, Pháp, Hội PGTNVN sưu tầm, thỉnh tượng ở chùa Trường Tín và chùa Châu Long, để chuyển sang chùa Trúc Lâm bên Pháp. Tòa Tam bảo (có 9 pho tượng); 2. Hoành Phi; 3. Câu đối.
Chùa Trường Tín, ngõ Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xuống cấp lại không có người trụ trì tu sửa, cần phải giải thể nên tượng và đồ thờ đã đưa sang chùa Quán Sứ phần lớn chuyển sang Pháp, chỉ giữ lại một số hiện vật sau:
Chuông đồng (đại hồng chung);
Tượng Đức Ông đặt tại Trai đường Quán Sứ;
Tượng Văn Thù và tượng Phổ Hiền đặt tại cung tả hữu trên thượng điện.
Đoàn đại biểu Phật tử Việt kiều tại Pháp do sư cô Mạnđàla dẫn đầu về thăm quê hương và thỉnh những pháp khí do Hội PGTNVN tặng để sang tôn trí cho ngôi chùa Việt Nam ở Paris.
Ngày 21-9-1978, phái đoàn nhà báo Nhật Bản đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm và tiếp xúc với Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 4-1979, tổ chức ABCP đã cử một phái đoàn gồm đại biểu 5 quốc gia thành viên chính thức là Ấn Độ, Liên Xô, Mông Cổ, Nhật Bản và Sri Lanca mỗi quốc gia có 2 đại biểu đến thăm Việt Nam và Campuchia để điều tra tội ác của bọn xâm lược và bọn phản động Pôn pôt - Iêngxari.
IV. TIẾN TỚI THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO CẢ NƯỚC
1. Thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam
Ngày 2 tháng 2 năm 1980, chư tôn giáo phẩm tiêu biểu ba miền Bắc, Trung, Nam đã họp quyết định thành lập Ban Vận động Thống nhất PGVN và suy cử Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Pháp Tràng, Hòa thượng Hoằng Thông vào Ban Chứng minh, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban.
Ngày 12 và 13-2-1980, tại Tp Hồ Chí Minh các vị giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo cả nước đã tiến hành cuộc họp mặt đầu xuân Canh Thân thân mật đạo tình. Hiện diện trong cuộc họp mặt này có các vị cao tăng:
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, quyền Hội trưởng Hội PGTNVN.
Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống, GHPG Việt Nam thống nhất.
Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo, GHPG Việt Nam thống nhất.
Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch BLLPGYN Thành phố Hồ Chí Minh.
Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội PGTNVN.
Hòa thượng Thích Giác Tánh, Thành viên Hội đồng giáo phẩm Trung ương, GHPG Việt Nam thống nhất, Chánh đại diện miền Liễu Quán.
Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, thành viên Hội đồng giáo phẩm Trung ương, GHPG Việt Nam thống nhất.
Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng viện Hóa đạo, GHPG Việt Nam thống nhất.
Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng viện Hoằng đạo, GHPG Cổ truyền Việt Nam.
Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống GHPG Nguyên thủy Việt Nam.
Ngoài ra còn có các vị Thượng tọa, Ni sư và nhân sĩ Phật tử tham gia cuộc họp mặt này:
Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng viện Phật học Vạn Hạnh.
Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh.
Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội PGTNVN.
Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương GHTG Khất sĩ Việt Nam.
Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam.
Cư sĩ kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện.
Cư sĩ nhà văn Vỗ Đình Cường.
Cư sĩ nhà thơ Tống Hồ Cầm.
Sáng ngày 12-2, các ông Nguyễn Văn Linh, UVBCT, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo phủ Thủ tướng đến thăm và nói chuyện.
Mở đầu buổi nói chuyện, ông Nguyễn Văn Linh gửi lời chúc mừng năm mới tới các vị hiện diện và qua các vị, gửi lời chúc mừng năm mới tới chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni và đồng bào Phật tử Việt Nam. Ông nói đây là buổi gặp mặt đầu tiên của Trung ương ĐCS Việt Nam với giới lãnh đạo PGVN và ông tỏ ý tiếc cuộc gặp gỡ không được diễn ra sớm hơn vì tình hình đất nước sau ngày giải phóng gặp nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nên buổi họp mặt này tuy có muộn nhưng rất là trọng đại và có tính cách lịch sử. Sau khi trình bày quan điểm của ĐCS Việt Nam đối với Phật giáo, ông Nguyễn Văn Linh ca ngợi những tấm gương hùng lực của các vị Hòa thượng, tăng ni và Phật tử đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và biểu dương các phong trào đấu tranh của Phật giáo góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phát biểu về nhiệm vụ của người Phật giáo đối với dân tộc, ông nói: “Lịch sử giao phó cho ĐCS Việt Nam lãnh đạo dân tộc, với sứ mạng đó chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng các vị lãnh đạo PGVN và đồng bào Phật tử sẽ phát huy truyền thống yêu nước của mình, tiếp tục đi theo con đường cách mạng, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công CNXH... Chúng tôi tin tưởng rằng các vị lãnh đạo sẽ cùng toàn thể đồng bào Phật tử, làm cho triết lý đạo Phật tỏa sáng hơn nữa trong nhân dân. Bởi lẽ, đạo lý chân chính của Phật giáo được tỏa sáng trong nhân dân thì CNXH càng có thêm chỗ dựa đáng tin cậy như chúng tôi đã tin cậy”.
Hòa thượng Thích Đức Nhuận, vị giáo phẩm cao niên nhất, trình bày nguyện vọng của tăng ni Phật tử mong mỏi sớm thực hiện thống nhất Phật giáo cả nước để thể hiện đạo Phật vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày một tốt đẹp hơn.
Ông Trần Bạch Đằng đã phát biểu quan điểm của Đảng và Nhà nước về nguyện vọng thống nhất Phật giáo: “Việc thống nhất Phật giáo nên hay không nên trong lúc này, và cần phải thống nhất như thế nào, quí vị hoàn toàn tự định đoạt lấy. Đảng và Nhà nước hoàn toàn tôn trọng sự quyết định của quí vị và không can thiệp vào công việc nội bộ của Phật giáo. Đảng và Nhà nước sẵn sàng quan tâm giúp đỡ khi được yêu cầu”.
Phiên họp mặt buổi sáng kết thúc trong không khí hoan hỷ thắm tình đồng đạo và đoàn kết dân tộc.
Phiên họp buổi chiều ngày 12-2-1980 hoàn toàn có tính cách nội bộ Phật giáo. Hội nghị nhất trí suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Đôn Hậu (vắng mặt) chứng minh buổi họp; Hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt chủ tọa điều hành buổi họp. Thượng tọa Thích Minh Châu và các Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Thích Từ Hạnh làm Thư ký.
Hội nghị đã thông qua nội dung chương trình làm việc gồm các điểm:
1. Quyết định thời gian thống nhất Phật giáo.
2. Nguyên tắc thống nhất.
3. Phương thức thực hiện thống nhất.
4. Danh xưng của tổ chức Phật giáo sau này.
5. Văn kiện công bố của cuộc họp mặt.
Kiến nghị với Chính phủ và MTTQ Việt Nam.
Sáng ngày 13-2, vẫn tiến hành họp nội bộ Phật giáo: hoàn chỉnh các bản dự thảo thông bạch và kiến nghị. Buổi chiều tiếp tục làm việc trao đổi, bàn bạc, góp ý sửa chữa nội dung dự thảo thông bạch và kiến nghị gửi Chính phủ và Mặt trận.
15 giờ 30 ông Trần Bạch Đằng đến thăm hội nghị. Hòa thượng Thích Trí Thủ chủ tọa buổi họp đã trình bày kết quả 3 phiên họp vừa qua. Ông Trần Bạch Đằng chúc các vị thành công tốt đẹp trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo nước nhà.
Buổi họp tiếp tục bàn những vấn đề chung quanh nhiệm vụ Ban Vận động:
Tổ chức lễ ra mắt Ban Vận động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến mời bổ sung vào Ban Vận động.
Quyết định xin đặt trụ sở và văn phòng thường trực Ban Vận động tại chùa Quán Sứ, Hà Nội và chùa Xá Lợi thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều ngày 13-2, buổi họp có vinh hạnh được đón tiếp Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Thủ tướng Chính phủ, GS. Nguyễn Văn Chì Chủ tịch MTTQ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Thường vụ thành ủy, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm viếng, ca ngợi công việc các vị lãnh đạo Phật giáo đang làm.
Sau khi tiễn đưa các vị khách quý, toàn thể các vị hiện diện đã nhất tâm phát nguyện hồi hướng công đức, cuộc họp đã kết thúc lúc 17 giờ ngày 13-2.
Ngày 27-3, ba mươi đại biểu Phật giáo Cổ truyền Tp Hồ Chí Minh họp tại chùa Trường Thạnh, quận I thảo luận và nhất trí tán đồng việc thống nhất Phật giáo.
Ngày 8-4, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã họp phiên thứ nhất và nhất tâm quyết nghị:
- Làm lễ ra mắt Ban Vận động thống nhất
PGVN tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh.
- Mời thêm các vị lãnh đạo các tổ chức và hệ phái Phật giáo, các vị lãnh đạo Phật giáo các tỉnh, thành phố vào Ban Vận động.
- Thành lập 3 tiểu ban với nhiệm vụ chuyên trách:
+ Tiểu ban nội dung, có nhiệm vụ soạn thảo các văn kiện cho tổ chức Phật giáo sau này, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng tiểu ban, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Phó trưởng tiểu ban.
+ Tiểu ban tổ chức, có nhiệm vụ dự kiến về nhân sự, qui định nội dung, nguyên tắc và phương thức tổ chức cho cuộc hội nghị trù bị và Đại hội thống nhất PGVN, do Hòa thượng Thích Thế Long làm Trưởng tiểu ban, các Hòa thượng: Thích Bửu Ý, Thích Thiện Hào làm Phó trưởng tiểu ban.
+ Tiểu ban Thông tin, có nhiệm vụ phổ biến mọi hoạt động của Ban Vận động đến hàng giáo phẩm, tăng ni Phật tử, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Trưởng tiểu ban.
Các vị Trưởng tiểu ban qui định nhân sự, nội qui và nơi làm việc của tiểu ban mình, thông qua Văn phòng thường trực để trình với Hòa thượng Trưởng ban Vận động thống nhất PGVN quyết định.
Mở những cuộc thảo luận sâu rộng về nội dung, nguyên tắc và bước tiến hành thống nhất PGVN trong toàn thể hàng giáo phẩm, tăng ni và đồng bào Phật tử cả nước.
Một số quy định về mối quan hệ và lề lối làm việc của Ban Vận động thống nhất PGVN:
- Ban Vận động
Quyền hạn quyết định cao nhất của Ban Vận động thống nhất PGVN là Hội nghị toàn thể Ban Vận động.
Ban Vận động 4 tháng họp hội nghị một lần để kiểm điểm tình hình Phật giáo cả nước và mọi hoạt động của văn phòng thường trực và các tiểu ban; đồng thời vạch ra phương hướng hoạt động cho thời gian tới.
Ngoài ra Ban Vận động có thể họp bất thường do Ban thường trực triệu tập để quyết định những vấn đề khẩn cấp quan trọng.
- Ban Thường trực
Ban Thường trực có trách nhiệm thay mặt Ban Vận động thực hiện mọi công việc do hội nghị toàn thể Ban Vận động đề ra, giải quyết các vấn đề khẩn cấp khác.
Ban Thường trực 2 tháng họp một lần để kiểm điểm tình hình và kiểm tra đôn đốc mọi hoạt động của Ban Vận động đề ra, tổng kết, phổ biến tình hình của Ban Vận động đến các thành viên trong Ban và báo cáo trước hội nghị toàn thể Ban vận động.
- Văn phòng thường trực
Chánh, Phó Thư ký Ban Vận động có nhiệm vụ đặc trách mọi hoạt động văn phòng thường trực của Ban Vận động thực hiện mọi công việc do Hội nghị thường trực quyết định, tổng hợp tình hình, theo dõi, điều phối việc hoạt động của các tiểu ban trình với Hòa thượng Trưởng ban Vận động và báo cáo trước Hội nghị Ban Thường trực.
- Các tiểu ban.
Mỗi tiểu ban căn cứ chức năng nhiệm vụ của tiểu ban thực hiện mọi công việc do hội nghị toàn thể Ban Vận động và Ban thường trực quyết định, thường xuyên quan hệ chặt chẽ với văn phòng thường trực để xuyên suốt tình hình chung của Ban vận động, đồng thời thông báo với văn phòng thường trực về tình hình hoạt động của mỗi tiểu ban để tổng hợp trình với Hòa thượng Trưởng ban và báo cáo trước Hội nghị Ban thường trực.
Ban Vận động thống nhất PGVN sẽ chấm dứt nhiệm vụ khi mà công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành tựu.
Hội nghị Ban Vận động thống nhất PGVN
Chủ tọa: Hòa thượng Thích Trí Thủ
Trưởng Ban Vận động Thống nhất PGVN
THÔNG BẠCH
Của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam
Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni,
Kính thưa toàn thể đồng bào Phật tử Việt Nam.
Trải qua 2000 năm có mặt trên đất nước thân yêu, Phật giáo Việt Nam hòa mình trong dân tộc Việt Nam như sữa với nước. Vận mệnh của đạo pháp và vận mệnh của dân tộc gắn chặt với nhau như keo sơn. Những vinh quang của dân tộc trong thời kỳ Lý, Trần, những đau thương tủi nhục của đất nước dưới ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc trên 1000 năm, của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong 117 năm cũng là những vinh quang và đau thương tủi nhục của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam, hầu hết tăng ni và đồng bào Phật tử Việt Nam ở miền Bắc hay miền Nam, trong chiến khu hay tại vùng địch tạm chiếm, cũng đều nhất tâm đoàn kết Bắc, Trung, Nam trong mục đích đấu tranh để giành độc lập, tự do, hòa bình thống nhất đất nước và bảo vệ đạo pháp.
Đại thắng mùa Xuân 1975, dân tộc ta đã được độc lập, tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đây là vận hội mới mở đường cho dân tộc tiến lên, cũng là vận hội mới cho Phật giáo Việt Nam thể hiện đạo pháp, cùng toàn dân đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng muốn tiến mạnh, tiến xa, Phật giáo chúng ta phải chuẩn bị nghiêm túc, chỉnh đốn hàng ngũ, thống nhất ý chí và hành động. Bởi vậy vấn đề đầu tiên là phải thống nhất nội bộ như lòng thiết tha yêu nước, phụng đạo và nguyện vọng thống nhất Phật giáo của toàn thể tăng ni và đồng bào Phật tử, các tổ chức, giáo phái Phật giáo đã từng ấp ủ, vận động dưới nhiều hình thức trong hàng thế kỷ qua, nhưng chưa bao giờ được thống nhất trọn vẹn dưới các triều đại phong kiến, thực dân và đế quốc.
Nay, vào đầu xuân Canh Thân (1980) với nhân duyên hội ngộ của chư tôn Hòa thượng lãnh đạo các tổ chức, giáo phái Phật giáo trong cả nước, một cuộc họp mặt lịch sử trong tình đồng đạo thắm thiết ruột thịt một nhà, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Toàn thể các vị hiện diện, kế thừa công đức của liệt vị tiền bối, đều đồng tâm nhất trí về các điểm sau đây:
Hơn bao giờ hết, với những điều kiện thuận lợi hiện nay trong chế độ xã hội chủ nghĩa, các cơ duyên đã hội đủ để thực hiện thống nhất Phật giáo nước nhà.
Thống nhất Phật giáo trên nguyên tắc: thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, các truyền thống hệ phái và phương pháp tu hành vẫn được duy trì.
Thành lập một Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, có nhiệm vụ vận động và nghiên cứu thực hiện việc thống nhất PGVN, thành phần như sau:
1) Chứng minh:
Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống GHPG Việt Nam thống nhất.
2) Trưởng ban:
Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng viện Hóa đạo GHPG Việt Nam thống nhất.
3) Phó trưởng ban
Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội PGTNVN.
Hòa thượng Thích Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo, GHPG Việt Nam thống nhất, Viện trưởng viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm.
Hòa thượng Thích Mật Hiển, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPG Việt Nam thống nhất.
Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng viện Hoằng đạo GHPG Cổ truyền Việt Nam.
Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống GHTG Nguyên Thủy Việt Nam.
4) Chánh thư ký
- Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng viện Phật học Vạn Hạnh.
5) Phó thư ký
Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban LLPGYN Thành phố Hồ Chí Minh.
Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Ủy viên Ban Trị sự Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Hội PGTNVN.
6) Các ủy viên
Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch BLLPGYN Thành phố Hồ Chí Minh.
Hòa thượng Thích Giác Tánh, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Chánh đại diện miền Liễu Quán GHPG Việt Nam thống nhất.
Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, GHPG Việt Nam thống nhất.
Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương GHTG Khất sĩ Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thanh Trí, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Chánh đại diên GHPG Việt Nam thống nhất Thừa Thiên Huế (cũ)
Thượng tọa Thích Chánh Trực, Chánh đại diện GHPG Việt Nam thống nhất tỉnh Quảng Trị (cũ).
Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam. Đạo hữu Nguyễn Văn Chế.
Đạo hữu Võ Đình Cường. Đạo hữu Nguyễn Hữu Thiện. Đạo hữu Tống Hồ Cầm..
7) Thường trực
+ Trưởng ban, các Phó trưởng ban và Chánh, Phó Thư ký.
+ Thành phần Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam sẽ được bổ sung thêm.
Văn phòng thường trực Ban Vận động đặt tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban Vận động thống nhất PGVN với sự đồng ý của hai vị Chứng minh hiện diện trong cuộc họp là Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Thiện Hào, xin kính thông bạch đến chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni và toàn thể đồng bào Phật tử Việt Nam biết rõ sự kiện trọng đại này với hy vọng được toàn thể quí vị hưởng ứng và nhiệt tình ủng hộ, để cùng nhau thực hiện tốt đẹp thống nhất Phật giáo Việt Nam
Nam mô thường tinh tiến Bồ tát Ma ha tát.
|
Hà Nội, ngày 9-4-1980 T/M Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam Trưởng ban Hòa thượng Thích Trí Thủ |
14 giờ 30 ngày 9-4, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội lễ ra mắt Ban Vận động thống nhất PGVN đã được cử trọng thể. Sau lễ chào cờ với bản quốc thiều, mọi người cúi đầu mặc niệm, tưởng nhớ Bác Hồ, và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Trên chủ tọa đoàn, trước bàn chưng hoa rực rỡ có các vị: Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban, các Hòa thượng Thế Long, Minh Nguyệt, Trí Tịnh, Bửu Ý, Giới Nghiêm và Thượng tọa Minh Châu.
Phần cử tọa, nơi hàng ghế khách quý dự lễ có ông Trần Đăng Khoa, Phan Anh, Trần Hữu Duyệt, Nguyễn Văn Tiến và nhiều vị trong Đoàn chủ tịch và Ban Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huy đại diện Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng, bác sĩ Phạm Khắc Quảng, Chủ tịch và nhiều vị trong Ủy ban MTTQ Hà Nội, cùng nhiều vị đại diện lãnh đạo các địa phương. Kế đến là các thành viên trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, Phật tử thủ đô.
Hòa thượng Phạm Thế Long đọc Lời khai mạc, tiếp đến Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban long trọng tuyên đọc Thông bạch kính gửi đến toàn thể chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni và đồng bào Phật tử cả nước, rồi qua sự giới thiệu từng người một, các thành viên trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam lần lượt bước lên bục chủ tọa đoàn, cùng với chủ tọa đoàn ra mắt, trong tiếng vỗ tay từng đợt vang dội, hợp với tiếng pháo nổ được đốt liên tục bên ngoài tăng thêm phần náo nức, phụ họa thích ứng với nỗi vui mừng, hoan nghênh của mọi người có mặt tại buổi lễ.
Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Phó trưởng ban đọc thư của Hòa thượng Thích Đức Nhuận từ bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ niềm hân hoan vô hạn đối với lễ ra mắt, và báo tin Hòa thượng Thích Đôn Hậu vắng mặt vì bệnh duyên. Tiếp theo, Hòa thượng Thích Trí Tịnh Phó trưởng ban trình bày Nghị quyết phiên họp thứ nhất của Ban Vận động thống nhất PGVN. Sau tham luận của Thượng tọa Thích Minh Châu, Chánh Thư ký giải thích ý nghĩa nội dung bản Thông bạch, ông Trần Đăng Khoa, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu những lời chào mừng nhiệt liệt, biểu dương việc thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam; cụ đánh giá cao sự đóng góp của giới Phật giáo nước nhà và Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ sự trọng thị đối với Phật giáo Việt Nam, coi việc thống nhất Phật giáo cả nước ngày nay là sự cống hiến quan trọng vào việc thắt chặt hơn nữa khối đoàn kết toàn dân. Cụ hoan nghênh những phương hướng và nguyên tắc thống nhất của Ban Vận động đã nêu lên, và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ những hoạt động của Ban Vận động.
Thay mặt tăng ni, Phật tử thủ đô, một ni sư và hai cư sĩ đã bày tỏ cảm niệm chân thành của người con Phật, hân hoan và nhất trí hoàn toàn đối với Ban Vận động thống nhất PGVN, sẵn sàng truyền đạt hết ý nghĩa tốt đẹp trong bản Thông bạch của Ban đến các bạn đồng đạo sớm nhận định đầy đủ và tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc vận động này.
Sau lễ bế mạc, mọi người dự tiệc chay liên hoan, nhà thơ Tống Anh Nghị, Ni sư Huỳnh Liên đã đọc những vần thơ xúc cảm làm trong buổi lễ.
20 giờ lễ hoàn mãn.
15 giờ ngày 10-4, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp Ban Vận động thống nhất PGVN tại phủ Chủ tịch. Cùng tiếp đoàn có ông Nguyễn Quang Huy đại diện Ban Tôn giáo phủ Thủ tướng.
Trong buổi tiếp, Quyền Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nói: “Việc thống nhất Phật giáo Việt Nam tất nhiên không đơn giản vì tình hình Phật giáo Việt Nam suốt ba mươi năm bị âm mưu kẻ thù chia rẽ. Nó đặt ra cho Ban Vận động những vấn đề cần suy nghĩ, nghiên cứu và giải quyết nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với quyết tâm của các vị trong Ban Vận động các vị sẽ khắc phục được mọi khó khăn. Thuận lợi cơ bản, nhân tố đặc biệt mà mọi người đều thấy đó là lòng yêu nước sâu sắc của những người theo đạo Phật. Truyền thống yêu nước từ xa xưa đã thể hiện gần đây trong cuộc chống xâm lược Pháp, Mỹ rồi bành trướng... chúng tôi đánh giá cao tinh thần gắn bó với dân tộc, lòng yêu nước của đồng bào theo đạo Phật trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều Hòa thượng và Phật tử đã nêu tấm gương yêu nước sáng ngời, đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ vừa qua với những phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam đã diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Dân tộc Việt Nam không bao giờ quên sự hy sinh của Hòa thượng Thích Quảng Đức, của Phật tử Quách Thị Trang, và tăng ni Phật tử khác đã anh dũng hy sinh, góp phần vào sự nghiệp chung giải phóng đất nước. Chúng tôi tin tưởng rằng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hôm nay, Phật giáo sẽ có những đóng góp xứng đáng hơn nữa”.
Ngày 15-5, lễ ra mắt Ban Vận động thống nhất PGVN được cử hành trọng thể tại chùa Xá Lợi, thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 21-5 (8-4 âm lịch) lễ Phật đản 2524 được cử hành trọng thể tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Các Hòa thượng Thích Nguyên Sinh, Thích Tâm Tịch, chư tăng ni và đông đảo Phật tử đã dâng hương niệm Phật, cầu nguyện cho những hoạt động của Ban Vận động thống nhất PGVN tiến hành thuận lợi đáp ứng nguyện vọng của tăng ni Phật tử, nhanh chóng thực hiện sự đoàn kết thống nhất Phật giáo Việt Nam trong cả nước kết quả hoàn toàn tốt đẹp, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 24-5, lễ ra mắt Ban Vận động thống nhất PGVN được cử hành trọng thể tại chùa Từ Đàm, Huế, tỉnh Bình Trị Thiên.
Ngày 18 tháng 12 năm 1980, Quốc hội khóa VI kỳ họp thứ 7 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 1980, kế thừa và phát triển Hiến pháp 1946, 1959. Hiến pháp 1980 đã ghi nhận về quyền công dân trong 17 điều của chương V, trong đó quyền tự do tín ngưỡng được qui định ở Điều 68 là: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Theo đó quyền tự do tín ngưỡng được mở rộng hơn so với 2 Hiến pháp trước, nhất là đề cập đến nội dung “không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Sở dĩ như vậy, vì sau khi giành được độc lập năm 1975, cả nước tập trung đi vào xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, thì một số kẻ xấu lợi dụng tôn giáo hòng chống phá cách mạng. Quy định này là cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia, cũng là hoàn thiện hệ thống pháp lý cụ thể trong quản lý Nhà nước đối với tôn giáo. Đồng thời cũng thấy rằng Đảng và Nhà nước ta trước sau như một thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của công dân.
Từ ngày 15 đến ngày 18-1-1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ban Vận động thống nhất PGVN đã mở hội nghị kỳ 2 để kiểm điểm tình hình hoạt động của Ban vận động trong năm 1980 và hoạch định chương trình hoạt động cho năm 1981.
Ngày 16-1, Hội nghị đã được tiếp và nghe ông Hoàng Tùng, Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương ĐCS Việt Nam nói về tình hình và nhiệm vụ của đất nước hiện nay.
Ngày 17-1, ông Phan Hiền, Bộ trưởng phụ trách công tác đối ngoại đến thăm Ban Vận động và nói chuyện về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại của Nhà nước và nhân dân ta.
Ngày 18-1, nhân dịp đầu xuân, Ban Vận động thống nhất PGVN đã đến thăm, chào mừng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa được Quốc hội và Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và trình bày kết quả Hội nghị với Trung ương MTTQ Việt Nam. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Quốc Việt, ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch quốc hội, Ủy viên Đoàn chủ tịch MTTQ Việt Nam đã thân mật tiếp và nói chuyện với đoàn.
NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI NGHỊ BAN VẬN ĐỘNG THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO VIỆT NAM KỲ THỨ 2
Xuất phát từ tình hình hoạt động của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam trong năm qua, Hội nghị Ban vận động kỳ thứ 2 đã nhất trí quyết định:
Khẩn trương xúc tiến việc thống nhất Phật giáo bằng cách:
Lấy bản Thông bạch của Ban vận động làm nền tảng để soạn thảo văn kiện cơ bản về nội dung thống nhất Phật giáo.
Phương pháp thực hiện thống nhất tiến hành 3 giai đoạn:
Giai đoạn một: Thu thập ý kiến của Ban Lãnh đạo các tổ chức Phật giáo trên cả nước trong việc soạn thảo văn kiện cơ bản nói trên và cố gắng hoàn thành bản văn dự thảo trước ngày 11-5-1981, tức trước ngày 8-4 năm Tân Dậu.
Giai đoạn hai: Tổ chức một Hội nghị Thống nhất Phật giáo với danh nghĩa HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU CÁC GIÁO PHÁI ĐỂ THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO vào khoảng thời gian sau lễ Vu lan năm 1981. Hội nghị này sẽ thảo luận, biểu quyết và công bố văn kiện cơ bản về tổ chức Phật giáo thống nhất cả nước, đồng thời thành lập Ban Lãnh đạo Trung ương lâm thời để triển khai thành lập cơ cấu tổ chức Phật giáo tại các tỉnh thành phố, sau khi văn kiện cơ bản và Ban Lãnh đạo lâm thời Trung ương đã được Nhà nước phê chuẩn.
Giai đoạn ba: Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc kỳ một, để suy cử Ban Lãnh đạo chính thức tại Trung ương và biểu quyết chương trình hoạt động của Phật giáo cả nước.
Triệu tập Hội nghị Ban Vận động kỳ 3 vào thời gian trước ngày 11/5 (8/4 âm lịch) để chuẩn bị cho Hội nghị đại biểu các giáo phái để thống nhất Phật giáo.
Bổ sung Ban Vận động:
Thỉnh Hòa thượng Thích Thanh Duyệt, viện chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Bắc vào Ban Chứng minh.
Thỉnh Hòa thượng Thích Phước Hộ, viện chủ Tổ đình Từ Quang, Phú Yên vào Ban Chứng minh.
Thỉnh một vị Hòa thượng tại các tỉnh Nam Bộ cũ vào Ban Chứng minh.
Thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Hào, Ủy viên Ban Vận động bổ sung thành phần Ban Thường trực.
Mời Đại đức Châu Mun, đại diện giáo phái Mohannikai (người Việt gốc Khơ me) vào thành phần ủy viên Ban vận động.
Mời một ni sư tiêu biểu cho ni chúng Bắc tông vào thành phần ủy viên Ban vận động.
Hội nghị nhất trí thành phần nhân sự mời tham gia vào các tiểu ban do các Trưởng tiểu ban đề nghị:
Tiểu ban Nội dung mời các vị Hòa thượng Thích Thiện Hào, Thượng tọa Thích Minh Châu và Thượng tọa Thích Từ Hạnh.
Tiểu ban Thông tin mời các vị: Thượng tọa Thích Pháp Lan; Thượng tọa Thích Hộ Giác; cư sĩ Võ Đình Cường, cư sĩ Tống Hồ Cầm và cư sĩ Nguyễn Văn Hàm.
Tiểu ban Tổ chức mời các vị: Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Thượng tọa Thích Thanh Kiểm, Thượng tọa Thích Giác Toàn, ni sư Huỳnh Liên, cư sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cư sĩ Tăng Quang.
Việc tổ chức Văn phòng Ban Vận động:
Văn phòng 1: đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, do Thượng tọa Thích Thanh Tứ chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành.
Thượng tọa Thích Minh Châu và Thượng tọa Thích Từ Hạnh chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành.
|
Hà Nội ngày 18 tháng 1 năm 1981 Hội nghị Ban Vận động thống nhất PGVN kỳ 2 Chủ trì Hội nghị Hòa thượng Thích Trí Thủ |
Ngày 6-3-1981, Thường trực Ban Vận động thống nhất PGVN đã họp và quyết định giới thiệu với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quý Hòa thượng Thích Thế Long, Phó trưởng Ban Vận động thống nhất PGVN; Thích Thiện Hào Ủy viên Thường trực Ban Vận động thống nhất PGVN, ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VII.
2. Các cuộc gặp gỡ tiếp xúc của Ban Vận động
Sáng ngày 15-3-1981, phái đoàn Ban Vận động thống nhất PGVN do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban đã đến thăm và tiếp xúc với Ban lãnh đạo Giáo phái Khất sĩ tại hội sở Trung ương GHTG Khất sĩ Việt Nam, tịnh xá Trung tâm, số 7 Nguyễn Trung Trực, phường 5, quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh. Có đủ thành phần lãnh đạo tăng già Khất sĩ và Ni giới Khất sĩ tiếp đón và hội đàm với phái đoàn.
Tóm tắt ý kiến đóng góp:
Hoàn toàn nhất trí nguyên tắc thống nhất trong bản Thông bạch mùa xuân Canh Thân 1980.
Khi thống nhất: Tổ chức Phật giáo thống nhất có Hiến chương để lãnh đạo chung, các hệ phái cần có quy chế để lãnh đạo truyền thống riêng.
Ngày 17-3-1981, phái đoàn Ban Vận động thống nhất PGVN do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban đến thăm và tiếp xúc với Ban lãnh đạo GHPG Cổ truyền Việt Nam (Lục hòa tăng, Lục hòa Phật tử) tại Hội quán Trung ương Giáo hội, tổ đình Giác Lâm, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Đón tiếp và hội đàm với đoàn có các vị: Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng thống Giáo hội, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng viện Hoằng đạo v.v…
Những ý kiến đóng góp:
Việc thống nhất Phật giáo hợp với nguyện vọng của tăng ni và Phật tử trong Giáo hội.
Giáo hội hoàn toàn tán thành nguyên tắc thống nhất trong bản Thông bạch mùa Xuân Canh Thân 1980.
Cơ cấu tổ chức: cần hình thành 2 cơ quan lãnh đạo ở Trung ương, một tiêu biểu cho truyền thống tín ngưỡng, một lãnh đạo các hoạt động của Phật giáo.
Ngày 18-3-1981, phái đoàn Ban Vận động đến viếng thăm và tiếp xúc Ban chỉ đạo viện Hóa đạo GHPG Việt Nam thống nhất tại chùa Ấn Quang, trụ sở Trung ương Giáo hội. Cuộc tiếp xúc này là dấu ấn lịch sử đặc biệt nhất, ấn tượng nhất giữa Ban Vận động và Ban Chỉ đạo viện Hóa đạo. Đoàn do Hòa thượng Thích Thế Long Phó trưởng Ban Vận động dẫn đầu, gồm các vị Hòa thượng Phó trưởng Ban Vận động: Thích Minh Nguyệt, Thích Bửu Ý, Ban Thư ký có Thượng tọa Minh Châu-Chánh Thư ký, Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Phó Thư ký. Về phía Viện Hóa Đạo có Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng vừa đóng vai chủ và cả vai khách nữa; các Thượng tọa Phó Viện trưởng: Thích Huyền Quang, Thích Pháp Trí; Thượng tọa Thích Quảng Độ, Tổng Thư ký, Thượng tọa Thích Từ Nhơn, Tổng Thủ bổn, Thượng tọa Thích Trí Quảng, Tổng vụ trưởng Thanh niên, Đại đức Thích Thông Bửu, Quyền Tổng vụ trưởng Cư sĩ, Đại đức Thích Minh Kiến, Phó Tổng Thư ký, Thượng tọa Thích Huệ Thới, đại diện Ban Quản trị tổ đình Ấn Quang.
Tóm tắt ý kiến đóng góp:
Đề nghị Ban Vận động soạn thảo văn kiện, nội dung thống nhất để Giáo hội có cơ sở đóng góp ý kiến.
Trước khi soạn thảo văn kiện, Ban Vận động nên nghiên cứu các văn kiện cơ bản của các tổ chức Phật giáo trên cả nước để nắm được những nguyên tắc đặc thù từng tổ chức, điều hợp xây dựng bản văn kiện thống nhất, thể hiện được sự tiêu biểu chung cho Phật giáo Việt Nam.
Ngày 21-3-1981, phái đoàn Ban Vận động thống nhất PGVN do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban đã đến tiếp xúc với Hội Phật học Nam Việt, là tổ chức cư sĩ Phật giáo tại chùa Xá Lợi. Cung nghênh phái đoàn có đông đủ các thành viên Ban Quản trị và đại diện các chi nhánh của Hội tại Tp Hồ Chí Minh.
Tóm tắt các ý kiến đóng góp:
Nhất trí nguyên tắc thống nhất trong bản Thông bạch mùa xuân Canh Thân 1980.
Hội Phật học sẵn sàng đặt mình dưới sự lãnh đạo chung của tổ chức Phật giáo Thống nhất cả nước.
Các chùa chiền của Hội do tăng ni và cư sĩ các chùa đó quản lý.
Cơ cấu tổ chức nên có hệ thống từ Trung ương đến địa phương các tỉnh, thành phố.
Ngày 24-3-1981, phái đoàn Ban Vận động thống nhất PGVN do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban dẫn đầu đã đến thăm viếng và tiếp xúc với Ban Chưởng quản GHTG Nguyên thủy Việt Nam tại chùa Kỳ Viên, trụ sở Trung ương Giáo hội đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Có đầy đủ thành phần Ban lãnh đạo Giáo hội dự tiếp phái đoàn.
Tóm tắt ý kiến đóng góp:
Tán thành nguyên tắc thống nhất trong bản Thông bạch mùa Xuân Canh Thân 1980.
Tăng chúng và Phật tử vui mừng thấy Ban Vận động tiến hành việc vận động từng bước, tuy nhọc sức và tốn thì giờ, nhưng tạo được sự hoan hỷ trong các tôn giáo.
Nên thống nhất về hệ thống hành chính của tổ chức Phật giáo Việt Nam, để thống nhất được sự lãnh đạo, chỉ đạo chung. Nhưng phải đảm bảo tính chất đặc thù của các truyền thống giáo phái.
Cấp Trung ương nên có hai viện lãnh đạo, một tiêu biểu cho hình thức tôn giáo đạo Phật, một có trách nhiệm lãnh đạo các mặt hoạt động của PGVN.
Ngày 26-3-1981, Phái đoàn Ban Vận động thống nhất PGVN do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban dẫn đầu đã đến thăm viếng và tiếp xúc với Ban Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam Thiên Thai Giáo Quán tông tại trụ sở Giáo hội, chùa Pháp Hội, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Có đầy đủ thành phần chức sự trong Ban Trị sự Trung ương tiếp đoàn.
Tóm tắt ý kiến đóng góp:
Hoan nghênh nguyên tắc thống nhất trong bản Thông bạch mùa Xuân Canh Thân 1980.
Cơ cấu Trung ương cần có hai viện lãnh đạo, các mặt hoạt động của Phật giáo Việt Nam.
Nguyện đoàn kết sau lưng Ban Vận động trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Đề nghị Ban Vận động cần phổ biến, giải thích sâu rộng trong tăng ni, Phật tử về sự lợi ích của việc thống nhất Phật giáo, để đánh tan những hoài nghi và xuyên tạc gây hoang mang.
Ngày 27-3-1981, phái đoàn Ban Vận động thống nhất PGVN do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban dẫn đầu đã đến thăm viếng và tiếp xúc BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh tại nhà phương trượng Tổ đình Vĩnh Nghiêm, trụ sở của BLLPGYN, số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Về phía BLLPGYN có các Hòa thượng: Thích Thiện Hào, Thích Bửu Ý; các vị Ủy viên chủ tịch đoàn: Hòa thượng Thích Phước Quang, Thượng tọa Thích Viên Hảo, cư sĩ Tống Hồ Cầm; Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Chánh Thư ký; Thượng tọa Thích Thanh Kiểm, Ủy viên chấp hành; Thượng tọa Thích Thiện Tâm, Phó Thư ký; cư sĩ Võ Đình Cường Ủy viên Thường trực. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt do bệnh duyên nên vắng mặt.
Tóm tắt ý kiến đóng góp:
Đón nhận sự kiện vận động thống nhất PGVN như thế hệ trẻ đón mừng mùa Xuân.
Đề nghị thực hiện ngôi nhà thống nhất PGVN hoàn chỉnh nhất, tốt đẹp nhất, so với những ngôi nhà Phật giáo Việt Nam từ trước tới nay, đảm bảo truyền thống đạo Phật Việt Nam, gắn liền với dân tộc và phát huy ánh sáng chính pháp của đức Phật.
Thống nhất Phật giáo không phản lại truyền thống quá khứ, gây được tự hào phấn khởi cho thế hệ hiện tại, và mở ra một viễn ảnh tươi đẹp cho các thế hệ mai sau.
Ngày 13-4-1981, sau khi tiếp xúc với các tổ chức Giáo hội và hệ phái Phật giáo tại phía Nam có cơ quan lãnh đạo Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh, phái đoàn Ban Vận động thống nhất PGVN đã ra Hà Nội thực hiện cuộc thăm viếng và tiếp xúc với Ban Trị sự Trung ương Hội PGTNVN. Đây cũng là cuộc tiếp xúc cuối cùng của phái đoàn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị kỳ 2 Ban Vận động về chương trình thăm viếng và tiếp xúc để tham khảo, thu thập ý kiến Ban lãnh đạo các tổ chức Phật giáo trên cả nước chuẩn bị soạn thảo nội dung thực hiện thống nhất Phật giáo nước nhà.
Buổi tiếp xúc chính thức diễn ra sáng ngày 13-4-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, hội quán Trung ương.
Thành phần phái đoàn Ban Vận động có: Hòa thượng Trưởng ban Thích Trí Thủ, Thượng tọa Thích Minh Châu, Chánh Thư ký, Thượng tọa Thích Từ Hạnh Phó Thư ký. Phía Hội PGTNVN có: Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Ban Trị sự Trung ương; Hòa thượng Thích Nguyên Sinh, Phó Tổng Thư ký; Hòa thượng Thích Tâm Tịch, cố vấn; các Ủy viên thường trực: Thượng tọa Thích Tâm Thông, Thượng tọa Thích Thanh Tứ và các vị Ủy viên Trung ương Hội đại biểu các chi hội Phật giáo: Hòa thượng Kim Cương Tử, Hải Phòng; Thượng tọa Thích Thanh Chỉnh, Hà Nội; Thượng tọa Thích Thuận Đức, Hà Nam Ninh; Thượng tọa Thích Thanh Hiền, Thái Bình; Hòa thượng Thích Tâm Minh, Hải Hưng, cư sĩ Nguyễn Văn Chế, Hiệu phó trường Tu học Phật pháp Trung ương. Trước khi hồi hướng công đức kết thúc cuộc tọa đàm Phật sự, Thượng tọa Thích Thuận Đức đại diện Chi hội Phật giáo Hà Nam Ninh có ứng khẩu một bài thơ mừng duyên hội ngộ đàm đạo về Phật sự trọng đại này:
Hoa Đàm đua nở khắp gần xa,
Phật giáo ngày nay đã hiệp hòa.
Tổ chức tiến hành mau thống nhất,
Chương trình kiến thiết lại Thiền gia.
Tăng ni bốn biển thêm đoàn kết,
Phật tử mười phương hợp một nhà.
Phật pháp tương lai thêm thịnh vượng,
Là nhờ công đức ở Tăng già
Tóm tắt ý kiến đóng góp:
Nên thực hiện thống nhất Phật giáo thành một tổ chức duy nhất trên quy mô cả nước, Phật giáo cả nước là một nhà.
Đề nghị danh xưng của Phật giáo cả nước là “Hội Phật giáo Việt Nam”.
Đạo Phật Việt Nam với dân tộc Việt Nam là một, tổ chức PGVN phải là thành viên trong khối dân tộc thống nhất, tức là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cơ cấu tổ chức PGVN có cấp Trung ương và địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Giữ gìn truyền thống đạo Phật Việt Nam: phụng đạo yêu nước.
Sau khi thu thập ý kiến của các Ban lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái và tổ chức Phật giáo, tiểu ban nội dung đã họp liên tiếp trong một thời gian để hoàn thành văn kiện thống nhất và gửi đi các Ban lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái và tổ chức Phật giáo cho ý kiến và gửi đến các vị thành viên Ban Vận động để bổ sung đóng góp ý kiến cho hoàn mãn.
Từ ngày 3 đến ngày 6-8-1981, Ban Vận động thống nhất PGVN đã họp Hội nghị kỳ 3 tại trụ sở văn phòng 2 Ban Vận động, chùa Xá Lợi, 89 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Hội nghị đã kiểm điểm những hoạt động của Ban kể từ hội nghị kỳ 2 đầu xuân 1981 đến nay, dành nhiều thời giờ để thảo luận và góp ý về bản dự thảo văn kiện thống nhất Phật giáo, thảo luận về dự án tổ chức “Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam” và nhất trí thông qua Nghị quyết về việc tổ chức Hội nghị Đại biểu Thống nhất PGVN”. Hội nghị có vinh dự được Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị Trung ương ĐCS Việt Nam Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy tiếp và nói chuyện thân mật tại nhà khách Thành ủy.
Ngày 12-8-1981, Tiểu ban Nội dung thuyết trình trước Thường trực Ban Vận động thống nhất PGVN bản dự thảo Hiến chế hoàn chỉnh sau khi đã bổ túc các ý kiến đóng góp của các Tổ chức, Giáo hội và Hệ phái Phật giáo cả nước, và gửi bản dự thảo này tới 9 Giáo hội, Hệ phái và Tổ chức Phật giáo.
Ngày 5-9, Thường trực Ban Vận động thống nhất PGVN họp tại trụ sở văn phòng 2, chùa Xá Lợi, Tp Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề cơ bản về việc tổ chức Hội nghị đại biểu Thống nhất PGVN.
Ngày 17-9-1981, thừa ủy nhiệm Thường trực Ban Vận động thống nhất PGVN, Chánh Thư ký, Thượng tọa Thích Minh Châu đã ký Thông cáo kính gửi Trung ương các tổ chức, Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước nêu rõ việc Thượng tọa Thích Quảng Độ đã lợi dụng chức vụ Tổng Thư ký viện Hóa đạo để hành động thao túng, lạm quyền, vi lệnh, hạ nhục Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng viện Hóa đạo đồng thời là Trưởng ban Vận động thống nhất PGVN. Hội nghị nhất trí quyết nghị:
Yêu cầu Trung ương các Tổ chức, Giáo hội, Hệ phái, Ban Chỉ đạo viện Hóa đạo GHPG Việt Nam thống nhất, có thái độ thích đáng đối với Thượng tọa Thích Quảng Độ để giữ gìn kỷ cương trong đạo và bổn phận người công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Yêu cầu các tổ chức, Giáo hội, Hệ phái Phật giáo thông báo nội dung và thái độ về việc này cho toàn thể tăng ni và đồng bào Phật tử cả nước được biết.
Ban Vận động thống nhất PGVN báo cáo toàn bộ sự việc này với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Tôn giáo Trung ương.
Ngày 19-9-1981, Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định số 671 cho phép tổ chức Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Thi hành Nghị quyết Hội nghị Ban Vận động kỳ 3, thường trực Ban Vận động quyết định:
1) Thành lập Ban tổ chức Hội nghị gồm thành viên Ban Vận động cùng với thành viên 3 Tiểu ban và một số cộng tác viên.
2) Ngày và địa điểm tổ chức Hội nghị: tại thủ đô Hà Nội ngày 4-11-1981.
3) Số lượng đại biểu và thành phần tham dự là 160 đại biểu.
4) Dự thảo chương trình Tiểu hội nghị, Hội nghị, lễ khai mạc, bế mạc.
5) Chương trình đi tham quan sau Hội nghị: các Đại biểu sẽ đi chiêm bái và tham quan núi và chùa Yên Tử, chùa Hương, vịnh Hạ Long, nhà máy thủy điện Hoà Bình và đền Hùng.
6) Bản Dự thảo Hiến chương và chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau này đã được soạn thảo và sẵn sàng để đệ trình Ban Vận động và Hội nghị Đại biểu Thống nhất PGVN.
Ngày 9-10-1981, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động thống nhất PGVN đã ký Thông bạch của Ban Vận động về Hội nghị Đại biểu Thống nhất PGVN gửi chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni và toàn thể đồng bào Phật tử cả nước, viết: “… Đến nay công việc chuẩn bị có thể gọi là hoàn tất, Ban Vận động chúng tôi, sau khi được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng, quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu các Tổ chức, Giáo hội, Hệ phái Phật giáo cả nước tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981, để thảo luận và biểu quyết thông qua bản Hiến chương, thảo luận và thông qua chương trình hoạt động suy cử Hội đồng Chứng minh và bầu cử Hội đồng Trị sự của tổ chức Phật giáo thống nhất chúng ta sau này.
3. Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày 2-11-1981, các đoàn đại biểu Phật giáo ba miền đã tề tựu đông đủ tại Thủ đô Hà Nội.
Thành phần dự Hội nghị
Đại biểu thuộc thành phần Ban Vận động, hiện diện 33 vị, gồm:
Ban Chứng minh: 4 vị
Ban Thường trực: 8 vị
Ban Thư ký: 3 vị
Các ủy viên: 11 vị
Các Tiểu ban: 7 vị
Đại biểu các Giáo hội, Hệ phái, Tổ chức Phật giáo
Đoàn Đại biểu Hội PGTNVN 22 vị (và 1 vị trong Tiểu ban của Ban Vận động).
Đoàn Đại biểu GHPG Việt Nam thống nhất: 21 vị. Đoàn Đại biểu GHPG Cổ truyền Việt Nam: 12 vị.
Đoàn Đại biểu BLLPGYN thành phố Hồ Chí Minh: 10 vị. Đoàn Đại biểu GHTG Nguyên thủy Việt Nam: 8 vị.
Đoàn Đại biểu Hội Đoàn kết sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ: 8 vị. Đoàn Đại biểu Giáo phái Khất sĩ Việt Nam: 6 vị.
Đoàn Đại biểu Thiên Thai Giáo quán tông: 5 vị.
Đoàn Đại biểu Hội Phật học Nam Việt: 5 vị (và 1 vị trong Tiểu ban của Ban Vận động.
Đoàn Đại biểu thuộc thành phần tiêu biểu trong tăng ni, cư sĩ: 33 vị.
Đại biểu dự thính: 4 vị (3 vị Bắc tông, 1 vị Nam tông).
Hàng giáo phẩm
Hòa thượng và Sãi cả 38 vị (37 Hòa thượng, 1 Sãi cả).
Thượng tọa và Sãi: 70 trong đó có 62 Thượng tọa và 8 Sãi.
Đại đức: 18 vị.
Sư bà: 6 vị.
Ni sư: 11 vị.
Sư cô: 1 vị.
Nam cư sĩ: 17 vị.
Nữ cư sĩ: 4 vị
Tổng cộng 165 vị đại biểu tham dự Hội nghị.
Ngày 3-11, Hội nghị họp phiên trù bị, công bố danh sách đại biểu sau khi đã thẩm tra, nghe phổ biến nội qui sinh hoạt và chia phân ban, chuẩn bị lễ khai mạc.
Ngày 4-11, Hội nghị chính thức khai mạc trong không khí trang nghiêm. Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Quốc Việt tới tham dự với tư cách chủ tọa danh dự, sau lời khai mạc của Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động, ông Hoàng Quốc Việt đã nói chuyện với Hội nghị; sau đó Hội nghị nghe Thượng tọa Thích Minh Châu báo cáo về quá trình vận động thống nhất Phật giáo; nghe Hòa thượng Thích Trí Thủ, quý Thượng tọa Thích Minh Châu và Thích Từ Hạnh giới thiệu Dự thảo Hiến chương, dự thảo Chương trình hành động của GHPG. Chiều ngày 4-11 và cả ngày 5-11, Hội nghị nghe các tham luận của các đoàn đại biểu.
Chiều 5-11, Hội nghị chia 3 phân ban thảo luận:
Phân ban 1 do Hòa thượng Thích Trí Thủ chủ trì thảo luận dự thảo Hiến chương và dự kiến nhân sự cho tổ chức Giáo hội.
Phân ban 2 do quý Hòa thượng Mật Hiển và Giác Tánh chủ trì và Thượng tọa Minh Châu làm thuyết trình viên dự thảo chương trình hoạt động.
Phân ban 3 do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt chủ trì, Thượng tọa Thích Thanh Tứ và cư sĩ Võ Đình Cường làm thuyết trình viên, thảo luận 3 dự thảo văn kiện của Hội nghị gồm một thư gửi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, một bản tuyên bố về hòa bình và một lời kêu gọi gửi tăng ni và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước.
Ngày 6-11, Hội nghị đã biểu quyết với đa số tuyệt đối hai bản văn quan trọng là Hiến chương và Chương trình hoạt động của GHPG Việt Nam. Cũng trong phiên họp này, với sự nhất trí cao độ và bằng thái độ cung kính đứng dậy niệm Nam mô A Di Đà Phật, Hội nghị đã suy tôn HĐCM và bằng biểu quyết một trăm phần trăm ý kiến tán thành, tất cả đã suy cử HĐTS là hai cơ quan lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chiều ngày 6-11, hội nghị đã vinh dự tiếp đón Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Xuân Thủy đến thăm và phát biểu với hội nghị.
Ngày 7-11, để bày tỏ lòng kính mến vô biên của mình đối với vị lãnh tụ đã có công đức vô lượng trong sự nghiệp giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, toàn thể đại biểu đã vào lăng kính viếng Hồ Chủ tịch và thăm nơi ở và làm việc của Người trong phủ Chủ tịch. Chiều 7-11, đúng chương trình đã định, hội nghị cử hành lễ bế mạc trong không khí thật trang nghiêm và theo đúng truyền thống lễ nghi tôn giáo. Trong phần giới thiệu quan khách, Ban tổ chức đã tuyên đọc danh sách quí vị trong Ban Thường trực HĐCM và HĐTS Phật giáo Việt Nam trước sự đỉnh lễ suy tôn của 165 đại biểu thay mặt chư tăng ni Phật tử cả nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả tăng ni Phật tử Việt kiều đang còn ở nước ngoài.
Sau ba lần khiêm nhường thoái thác, thái độ nghiêm túc chấp nhận gánh lấy trách nhiệm nặng nề lãnh đạo Giáo hội của đức Pháp chủ Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Thích Trí Thủ đã làm ai nấy rất xúc động.
Hội nghị đã thông qua:
1) Tuyên bố của Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam về nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới hiện nay;
2) Lời kêu gọi của Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Ngày 8-11-1981, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã họp phiên thứ nhất tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã ra Nghị quyết, toàn văn như sau:
Đệ trình Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và thành phần nhân sự Ban lãnh đạo Trung ương Giáo hội, xin xét duyệt và công nhận để Giáo hội được phép hoạt động.
Quan hệ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đại diện trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
1) Tổ chức hai văn phòng Trung ương Giáo hội để điều hành các hoạt động của Giáo hội.
Văn phòng 1, đặt tại trụ sở Giáo hội, chùa Quán Sứ 73 phố Quán Sứ, Hà Nội do Thượng tọa Thích Thanh Tứ làm Chánh Văn phòng.
Văn phòng 2, đặt tại chùa Xá Lợi, 89 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, do Thượng tọa Thích Từ Hạnh làm Chánh Văn phòng.
2) Công nhận Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp là thành viên của GHPG Việt Nam; cử Thượng tọa Thích Thiện Châu đại diện cho Giáo hội về các mối quan hệ với Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
3) Về việc treo cờ, phan, phướn: căn cứ biên bản Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự quyết định: y theo lệ cũ, tùy theo tập quán mỗi địa phương, cờ, phan, phướn có thể treo trong khuôn viên của Giáo hội như: tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường vào những ngày lễ Phật giáo.
4) Hội đồng Trị sự ủy nhiệm các vị thành viên trong HĐCM, HĐTS và các vị Đại biểu tham dự Hội nghị Đại biểu thống nhất PGVN, khi trở về các địa phương tỉnh, thành phố của mình, có nhiệm vụ liên hệ, bàn bạc với hàng giáo phẩm, tăng ni, cư sĩ Phật giáo tiêu biểu, và liên hệ bàn bạc với Ủy ban MTTQ tỉnh, thành phố về cách thức giới thiệu, phổ biến kết quả của Hội nghị Đại biểu Thống nhất PGVN, đồng thời xúc tiến việc tổ chức hội nghị thành lập Tỉnh hội, Thành hội.
5) Trong thời hạn 3 tháng, Ban Thường trực Trung ương Giáo hội cố gắng hoàn thành dự thảo nội qui của Hội đồng Trị sự, các Trưởng ban các ngành hoạt động cố gắng hoàn thành dự thảo nội dung chương trình hành động, thành phần nhân sự và nội qui cho mỗi ngành, đệ trình Ban Thường trực Trung ương Giáo hội tham gia ý kiến và xét duyệt.
Xin phép Bộ Nội vụ khắc con dấu Trung ương Giáo hội và các Tỉnh hội, Thành hội.
|
Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam Chủ tịch Hội nghị Hòa thượng Thích Trí Thủ |
Sáng 8-11-1981, toàn thể đại biểu đã đến thăm Ủy ban Trung ương MTTQ, Chủ tịch Hoàng Quốc Việt cùng các vị trong Ủy ban Trung ương đã tiếp và nói chuyện với đoàn.
Chiều ngày 8-11, toàn thể đại biểu được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tiếp tại phủ Chủ tịch. Hòa thượng Thích Trí Thủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã báo cáo với Chủ tịch về thành công của Hội nghị. Nói chuyện với đoàn, Chủ tịch Phạm Văn Đồng hoan nghênh Hội nghị và tâm sự: “kể từ nay, chúng ta vẫn tiến lên để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Chắc chắn rằng, trong sự nghiệp đó, đóng góp của đạo Phật và Phật tử sẽ càng trở nên quan trọng. Quá khứ đã chứng minh đạo Phật là một tôn giáo gắn liền với Tổ quốc và dân tộc Việt Nam qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài.
Ở Việt Nam nói đến tôn giáo là nghĩ tới ngôi chùa, tới những điều quí báu đẹp đẽ. Chúng ta có thể rất khiêm tốn nhưng vẫn thấy cái gì đã làm cho dân tộc trải qua bao sóng gió của nhiều thế kỷ vẫn lớn lên. Sức mạnh của bản thân dân tộc, tài năng và trí tuệ của dân tộc, đã làm nên một bản lĩnh độc đáo mà trong đó có đóng góp của đạo lý nhà Phật mà chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc ta vững vàng như ngày nay.
Người ngoại quốc hỏi tôi có đi chùa không? Tôi nói: “có và đấy là một điều tất yếu”. Tôi không hiểu nhiều về đạo Phật như quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni nhưng tôi nghĩ, đạo Phật đặt tất cả niềm tin vào con người để mưu cầu và làm nên hạnh phúc cho con người.
Tôi đi thăm người nước ngoài, món quà mà tôi tặng cho những người bạn tốt nhất của Việt Nam là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay để làm nên tất cả, không nhờ cậy một đấng thiêng liêng nào ở ngoài con người.
Theo tôi nghĩ, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và giáo lý nhà Phật gặp nhau trong mục đích cứu khổ, đem lại an vui hạnh phúc cho mọi người. Gặp nhau không chỉ trong cuộc hội họp ở đây mà còn trong tư tưởng, trong hành động; gặp nhau mãi mãi trong tình cảm, trong việc làm vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lâu đài Tổ quốc Việt Nam là một công trình xây dựng chung mà mỗi chúng ta và đồng bào cả nước sẽ đóng góp vào, nhất định sẽ ngày càng lộng lẫy”.
Chủ tịch đã chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu.
Ngày 8-11-1981, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp phiên thứ nhất, ra quyết định Chương trình hoạt động năm 1982.
Ngày 11-11-1981, tại thủ đô Hà Nội, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ trao Huân chương Độc lập, phần thưởng cao quí của Nhà nước tặng chư vị Hòa thượng tôn túc đã có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hiện diện trong buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Quốc Việt cùng nhiều vị đại diện Ban Tôn giáo Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, MTTQ Trung ương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Tiến Ủy viên Đoàn chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đọc Lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Hòa thượng Thích Đức Nhuận đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; bốn Huân chương Độc lập hạng nhì cho Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Phó Pháp chủ; Thích Thiện Hào, Phó Pháp chủ; Thích Thế Long, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; Thích Tâm An, thành viên HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiếp đó Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã trân trọng gắn huân chương cho quý Hòa thượng nói trên.
Ngày 14-11-1981, trường Tu học Phật pháp Trung ương thuộc Hội PGTNVN trước đây nay đổi tên là trường Cao cấp Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặt tại chùa Quán Sứ, chính thức khai giảng.
Ngày 29-12-1981, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 83/ BT cho phép thành lập GHPG, phê chuẩn danh sách HĐCM và HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được bầu ra trong Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
4. Danh tăng và cư sĩ tiêu biểu
Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909-1984)
Ngài thế danh Nguyễn Văn Kính, quê làng Trung Kiên, tổng Bích La, tỉnh Quảng Trị. Năm 14 tuổi làm chú điệu ở chùa Hải Đức, Huế. Ba năm sau, ngài thực thụ xuất gia thụ giáo với Viên Thành Thượng Nhân ở chùa Tra Âm. Năm 1929, ngài thụ Cụ túc giới ở giới đàn chùa Từ Vân, Đà Nẵng. Và đỗ thủ Sa di trong số 300 giới tử nên được Thượng Nhân ban pháp hiệu là Trí Thủ, pháp húy là Tâm Như, tự Đạo Giám. Cuối năm 1934, ngài được thỉnh vào Ban Giảng sư Hội ANPH, giảng dạy lớp trung đẳng và lớp tiểu học Phật học ở Vạn Phước và Báo Quốc, Huế. Năm 1939, là trụ trì chùa Ba La Mật, 1942 được cử làm trụ trì chùa Báo Quốc. Năm 1944, ngài vừa là Giám viện Sơn Môn học đường vừa là trụ trì chùa Linh Quang, Huế. Năm 1947, ngài vận động mở lại trường và đặt tại chùa Báo Quốc.
Năm 1950, ngài là người đặt viên đá đầu tiên cho trường Bồ Đề Thành Nội và từ đó đã khai sinh ra loạt trường gần như bán công do Hội Phật học lập ra. Năm 1952, ngài được bầu làm Hội trưởng hội Phật học Việt Nam. Từ 1956-1969 làm Giám viện Phật học viện Nha Trang.
Năm 1960, ngài vào Sài Gòn mua đất ở quận Gò Vấp, xây dựng tu viện Quảng Hương Già Lam. Năm 1963, ngài trở ra Huế cùng chư tăng và Phật tử mở cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng. Ngài bị tay sai chính quyền Diệm bắt giam. Từ 1964 đến 1974, ngài là Viện trưởng viện Hóa đạo, rồi Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính GHPG Việt Nam thống nhất.
Năm 1980, Hòa thượng là Trưởng ban Vận động thống nhất PGVN. Tháng 11 năm 1981, ngài được bầu làm Chủ tịch Ban thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hòa thượng viên tịch ngày 2-4-1984, thọ 76 tuổi, gần 60 tuổi đạo.
Hòa thượng Thích Trí Thủ là bậc cao tăng suốt đời tận tụy cho sự nghiệp của Giáo hội, nhất là việc đào tạo tăng tài. Ngài để lại gần 20 tác phẩm và dịch phẩm, đủ cả kinh, luật, luận và sách hoằng pháp như: Kinh Phổ Hiền, kinh Vô Thường, Tứ Phần luật Hiệp Chú, luật Tỷ khiêu, Phát Bồ đề tâm v.v...
Hòa thượng Thích Thế Long (1909-1985)
Ngài họ Phạm, pháp danh Thế Long, quê xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sau khi sinh ra ngài, cụ bà đồng ý để cụ ông xuất gia ở chùa Nội, thị trấn Cổ Lễ với pháp danh Thích Thanh Cát và cả hai người chị gái của ngài cũng xuất gia. Năm 1915, nhân chuyến về thăm nhà, sư cụ Thanh Cát đã khuyên gia đình cho ngài xuất gia. Ngài được yết kiến sư tổ Quang Quyên lúc đó đang trụ trì chùa Thủy Nhai, xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngài xuất gia thế phát tại đây, sau đó được sang chùa Thượng Phúc tham học.
Năm 1929, ngài được thụ Cụ túc giới, nối pháp đời thứ 46 dòng Tào Động, sơn môn Phú Ninh, Nam Định. Sau đó, ngài được đến tham học tại Tổ đình Liên Phái, Hà Nội. Năm 1934, sư tổ Quang Tuyên viên tịch, ngài trở về Cổ Lễ chịu tang và tiếp tục công việc kiến tạo chùa Cổ Lễ mà nghiệp sư đang làm, ngài thỉnh sư tổ Thạch Cầu về chùa Cổ Lễ làm thầy Y chỉ, hoàn thành cây Cửu phẩm, đúc lại Đại hồng chung nặng 9 tấn, tạo dựng nhà Hội quán và hoàn thành các công trình kiến trúc hai bên toà chính điện. Ngoài ra, ngài cũng tái tạo chùa Thủy Nhai, Thượng Phúc v.v... Hằng năm, ngài tổ chức lễ hội mừng đản sinh thiền sư Nguyễn Minh Không từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 9 âm lịch, có hàng vạn lượt người đến tham dự cầu nguyện, chiêm bái. Sau khi chùa Cổ Lễ được tôn tạo hoàn chỉnh, ngài thỉnh các bậc tôn túc Hòa thượng và tăng ni về kết túc an cư trong ba tháng Hạ. Cứ duy trì đều đặn như vậy trong suốt hơn nửa thế kỷ. Năm nào cũng cúng dàng mọi vật dụng cần thiết để chư tăng ni an tâm tu học, với cương vị là trụ trì rồi Đường chủ, Chủ giới đàn của Phật giáo tỉnh Nam Định. Ngài được mời làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng A Xà Lê ở các giới đàn chùa Cổ Lễ và giới đàn Thánh Ân (tức chùa Cả) Nam Định ....
Về mặt Phật sự, ngài là một trong những bậc giáo phẩm của Hội PGTNVN và của Phật giáo tỉnh Nam Định. Trong suốt thời kỳ 1958
-1981, Hội PGTNVN hoạt động, ngài được cử làm Phó Hội trưởng, Hội trưởng Phật giáo tỉnh Nam Hà.
- Tháng 10 năm 1964, tại Đại hội lần thứ II Hội PGTNVN, ngài được suy cử vào Ban Trị sự Trung ương.
- Năm 1971, tại Đại hội lần thứ IV Hội PGTNVN, ngài được suy cử chức Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Ban Trị sự Trung ương.
- Năm 1973, ngài cùng Ban Trị sự Trung ương thành lập trường “Tu học Phật pháp Trung ương” tại chùa Quán Sứ. Trải qua hai khóa đào tạo, đến năm 1981 trường trực thuộc hệ thống Giáo dục của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đổi tên thành “Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 1”.
- Năm 1980, ngài cùng các quí Hòa thượng miền Trung, miền Nam thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo.
- Tháng 11 năm 1981, Đại hội đại biểu thống nhất PGVN lập nên GHPG Việt Nam, ngài được thỉnh vào HĐCM và là Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Năm 1945, là Phó Chủ tịch Việt Minh tỉnh Nam Định.
- Năm 1947, là Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định.
- Năm 1951, là Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định, Ủy viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc.
- Từ năm 1976 - 1980, là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam Ninh và là đại biểu HĐND tỉnh.
- Ngài được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VII và được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ngài còn là thành viên tích cực của Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) trong nhiều khóa và là Phó Chủ tịch của ABCP. Ngài đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng hai, Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Ngày 23 tháng 3 năm 1985, ngài viên tịch tại tổ đình Cổ Lễ, hưởng thọ 76 tuổi với hơn 60 năm dốc lòng hoằng đạo. Lễ tang ngài được tổ chức trọng thể theo nghi thức lễ tang Nhà nước. Hòa thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận đã ban Tháp hiệu của ngài là An Lạc tháp và tên hiệu Tế Mỹ.
Hòa thượng Thích Tâm Thông (1916 -1999)
Ngài thế danh Nguyễn Văn Tiến, sinh trong một gia đình kính tín Tam bảo quê thôn An Ninh, xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 15 tuổi ngài xuất gia với tổ Bảo Giám-chùa Lý Nhân, được pháp danh Tâm Thông, pháp hiệu Minh Kính.
Năm 1939, ngài thụ Cụ túc giới tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Năm 1942, ngài được vào Huế học tại Phật học đường Báo Quốc cùng với chư tăng 3 miền.
Năm 1946, ngài về chùa Lam Cầu làm Thư ký Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Lý Nhân.
Năm 1947, ngài bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà giam thành phố Nam Định, đến năm 1948 trốn thoát và về chùa Cồn, nơi tổ Tuệ Tạng trụ trì.
Năm 1951, ngài làm Giám viện chùa Vọng Cung-thành phố Nam Định và sau đó trụ trì tại đây cho đến cuối đời. Trước năm 1975, ngài là Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Hội PGTNVN. Năm 1981-1987, ngài là Phó Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1997, ngài được suy tôn Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký HĐCM Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài xả báo thân vào Rằm tháng 7 năm Kỷ Mão (25-8-1999) thọ 84 năm, 60 hạ lạp, bảo tháp lập tại chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định.
Cả cuộc đời ngài, từ buổi sơ tâm cầu pháp cho đến lúc hoá duyên mãn tận là một tấm gương sáng, lấy việc nghiêm trì giới luật làm thân giáo để sách tiến hàng môn đồ, Phật tử. Ngài là một trong những vị cao tăng giới hạnh tinh nghiêm, tiêu biểu cho GHPGVN để hậu thế quy ngưỡng. (1)
Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000)
Ngài thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23 tháng Chạp năm Canh Thân (1920) tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình có 5 anh chị em (3 trai, 2 gái).
Thuở nhỏ ngài theo học chữ Nho. Năm 1935 xuất gia với sư cụ chùa Liên Đàn, xã Linh Đường, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Một năm sau đó, ngài đến y chỉ nơi Hoà thượng Thanh Khoát, trụ trì chùa Bạc Chữ, làng Trung Hậu, huyện Mê Linh, tỉnh Phúc Yên nay là chốn tổ Trung Hậu thuộc Hà Nôi.
Năm 1942, ngài thụ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Linh Ứng do Hoà thượng Trừng Thanh (tổ Trung Hậu) làm Đàn đầu truyền giới. Năm 1942-1945, ngài học ở Phật học đường chùa Quán Sứ và Bồ Đề Hà Nội. Năm 1952, ngài làm Thư ký GHTG Bắc Việt. Năm 1954, ngài du học Nhật Bản tại Đại học đường Rissho và tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học năm 1961.
Năm 1962, ngài trở về nước ở miền Nam hành đạo. Năm 1964, ngài làm Vụ trưởng vụ Phiên dịch và giáo sư Viện đại học Vạn Hạnh. Năm 1971, ngài và chư tôn đức miền Vĩnh Nghiêm khai sơn chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3, Sài Gòn và ngài được cử làm trụ trì.
Năm 1990, ngài làm Trưởng ban chuyên môn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh. Năm 1992, ngài làm Trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương GHPG Việt Nam. Năm 1997, ngài làm Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế BTS Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh.
Để đền đáp công ơn sư trưởng nơi chốn Tổ xưa từng nương thân học đạo, ngài cùng sơn môn pháp phái nỗ lực trùng tu chốn Tổ Trung Hậu, huyện Mê Linh, Hà Nội được hoàn thành trang nghiêm tú lệ. Ngài còn chăm lo xây dựng bảo tháp cộng đồng; thiền đường, thanh trai đường tại chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh, để xứng đáng là cơ sở Phật giáo tiêu biểu tại địa phương của GHPG Việt Nam.
Trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo ân đức Phật, Hòa thượng Thanh Kiểm đã dày công biên soạn nhiều tác phẩm văn hóa, giáo dục, Phật học được in thành sách lưu lại hậu thế như: Diễn thuyết tập, Hà Nội, 1951; Phật pháp sơ học, Hà Nội, 1952; Nghiên cứu về tư tưởng bản giác của Phật giáo Nhật Bản; Lược sử Phật giáo Trung Quốc, Sài Gòn, 1967; Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Sài Gòn, 1969; Thiền Lâm Bảo Huấn, Sài Gòn, 1972; Sách dạy cắm hoa, Sài Gòn, 1973; Đại cương Luật học, TP Hồ Chí Minh, 1990; Pháp Hoa yếu lược, TP Hồ Chí Minh, 1992; Kinh Viên Giác, TP Hồ Chí Minh, 1994; Luận A Tỳ Đàm-Câu Xá, TP Hồ Chí Minh, 1995; Khóa Hư Lục, TP Hồ Chí Minh, 1996.
Ngài xả báo thân ngày mồng 5 tháng Chạp năm Canh Thìn (30-12-2000) trụ thế 80 năm, 58 hạ lạp. Nhục thân ngài an trí trong khuôn viên Tổ đình Vĩnh Nghiêm, quận 3 TP Hồ Chí Minh.
Cuộc đời ngài là một mẫu mực tài đức vẹn toàn, một bậc chân tu chốn thiền lâm, danh tiếng ngài cả ba miền đất nước đề kính ngưỡng. Đạo hạnh ấy vẫn đọng mãi trong lòng tăng ni hậu tiến một hình bóng cao quý để tôn thờ và noi gương học tập.
Cư sĩ Võ Đình Cường (1918-2008)
Ông có pháp danh là Nguyên Hùng, quê huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế; Ông đã thụ Tam quy ngũ giới với Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ tại Tu viện Quảng Hương Già Lam.
Mùa thu năm 1940, ông tham gia Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập gồm những thanh niên trí thức yêu nước, có một niềm tin mạnh mẽ vào lý tưởng giải thoát của đạo Phật để giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức.
Năm 1944, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập Gia đình Phật hóa phổ. Ông là thành viên tham gia tích cực nhất bên cạnh Bác sĩ. Tuy nhiên, khi cuộc KCCP nổ ra cuối năm 1946, Bác sĩ trở về quê nhà Quảng Nam rồi sau đó ra Hà Nội. Kể từ đó, Võ Đình Cường là người tiếp nối việc giáo dục tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, mãi đến năm 1947, ông mới có thể dành hết tâm sức của mình cho sự nghiệp gầy dựng, phát triển và hướng dẫn giáo dục cho GĐPT Việt Nam.
Năm 1951, Đại hội gia đình Phật hóa phổ tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, đã đổi danh xưng Gia đình Phật hóa phổ thành Gia đình Phật tử Việt Nam, và bầu Võ Đình Cường làm Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Trung Việt, tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam. Trung tuần tháng 5 năm 1951, ông cùng một số Huynh trưởng cốt cán như Lê Cao Phan, Phan Canh Tuân, Nguyên Xuân Quyền, Lê Cảnh Đạm, Lê Văn Dũng, Văn Đình Hy, chị Hoàng Thị Kim Cúc... tổ chức hội trại huấn luyện Kim Cang nhằm mục đích đào tạo Huynh trưởng nòng cốt cho ba miền Bắc - Trung - Nam.
Tháng 5 năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Từ Đàm, Huế, ông được cử làm Ủy viên Thanh niên của Tổng hội.
Mùa hè năm 1952, ông thành lập một Ban Quản trại lưu động để huấn luyện và đào tạo Huynh Trưởng các tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Lạt..., làm hạt nhân phát triển.
Cư sĩ luôn quan tâm đến việc gầy dựng và đào tạo các thế hệ Huynh Trưởng kế thừa: tháng 7 năm 1973, trong buổi lễ khánh thành Trại trường GĐPT Việt Nam tại hồ Than Thở, Đà Lạt và khai mạc khóa Trại Huấn luyện Huynh Trưởng cấp III, Vạn Hạnh I, Cư sĩ đã nói lên nguyện vọng tha thiết của mình: “...chính hôm nay trước mắt quý vị, trên 80 Huynh Trưởng trên toàn quốc đã tề tựu về đây dự trại huấn luyện cấp III, là trại cao nhất mà Ban Hướng dẫn chúng tôi sẽ mở ra tại Trại trường này sau buổi lễ khánh thành hôm nay.”
Tháng 7 năm 2001, với tư cách Cố vấn Gia đình Phật tử, Cư sĩ đã cùng các Huynh Trưởng cấp Dũng cao niên như cư sĩ: Tống Hồ Cầm, Lê Cao Phan, Nguyễn Hữu Huỳnh... về Huế chủ trì Hội nghị Huynh Trưởng cấp Tấn toàn quốc, đồng thời tham dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập GĐPT Việt Nam do Ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên - Huế tổ chức. Đặc biệt vào dịp này, lại một lần nữa, mặc dù tuổi đã cao, Cư sĩ đã hoan hỷ đảm nhiệm chức vụ Trại trưởng và đã long trọng phát biểu khai mạc khóa Trại Huấn luyện Huynh Trưởng cấp III - Vạn Hạnh II với số lượng 300 Huynh Trưởng tham dự sau một thời gian gần 30 năm kể từ trại Vạn Hạnh I tổ chức tại Đà Lạt.
Từ năm 1941 đến 1945, Cư sĩ là cộng tác viên của tạp chí Viên âm, cơ quan ngôn luận Hội An Nam Phật học do Tâm Minh Lê Đình Thám làm Chủ nhiệm.
- Từ năm 1945 đến năm 1957, Cư sĩ khi thì làm Tổng Thư ký Tòa soạn, khi thì Biên tập viên các báo Giải thoát, Tiến hóa, Ngày mai, Liên Hoa tại Huế.
- Từ năm 1957 đến 1966, tại Sài Gòn, Cư sĩ đảm nhiệm Biên tập viên tạp chí Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký tuần báo Hải Triều Âm và Tổng Thư ký Toà soạn tuần báo Thiện Mỹ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
- Năm 1976, Cư sĩ đảm trách Tổng biên tập báo Giác ngộ cho đến năm 1990.
- Năm 1980, Cư sĩ là một trong những thành viên tích cực vận động thống nhất Phật giáo. Năm 1981, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ I họp tại thủ đô Hà Nội, Cư sĩ được Đại hội cử giữ chức Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam. Với cương vị này, vào năm 1982, Cư sĩ đã cho ra đời tờ Tập văn Phật giáo thuộc Ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam liên tục cho đến năm 2004 thì đình bản để xin chuyển sang tạp chí. Khi được Bộ Văn hóa chấp thuận tạp chí Văn hóa Phật giáo ra đời, Cư sĩ lại đảm nhận trọng trách Tổng Biên tập.
Ngoài ra, Cư sĩ còn là một nhà văn đã xuất bản trên 10 đầu sách như: Ánh đạo vàng năm 1945; Thử hòa điệu sống, năm 1949; Đây gia đình (hồi ký) năm 1956; Đường Tam Tạng thỉnh kinh năm 1960; Những cặp kính màu năm 1964; Những ngả đường (truyện dài), năm 1965; Đạo Phật qua cặp kính màu của tôi (nghị luận) năm 1967; Cành hoa mẹ tặng (tuyển tập), năm 1994; Cô gái bất khuất (dịch tuyển truyện ngắn của Somerset Maugham) năm 1972; Vi phạm nhân quyền miền Nam Việt Nam (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của Phái đoàn điều tra Liên Hợp Quốc về cuộc đàn áp Phật giáo năm 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm), xuất bản năm 1964.
Tháng 1 năm 1964, khi GHPG Việt Nam thống nhất thành lập, Cư sĩ được Đại hội cử đảm nhiệm Vụ trưởng vụ Gia đình Phật tử, Trưởng ban Hướng dẫn Trung ương GĐPT cho đến năm 1981.
Đối với xã hội, Cư sĩ là một nhà giáo mô phạm đã tham gia giảng dạy tại một số trường trung học tư thục ở cố đô Huế và Sài Gòn. Nhiều thế hệ thanh thiếu niên học sinh sau đó đã trở thành những người có vị trí trong xã hội, góp phần xây dựng đất nước cho đến ngày nay.
Với 91 tuổi đời, 70 năm phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc, cho lý tưởng GĐPT, thuận thế vô thường, Cư sĩ đã từ biệt thế giới Sa bà này ngày 6-3-2008 (29-1 năm Mậu Tý), để lại cho gia đình, các hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia muôn vàn thương tiếc.
Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012)
Ngài thế danh là Đinh Văn Nam, sinh năm 1918 tại làng Kim Thành, Quảng Nam, nguyên quán làng Kim Khê, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Năm 1936, ngài từ bỏ đời sống công chức ở Huế, để đến với đạo Phật, đảm nhận chức Chánh Văn phòng Hội An Nam Phật học, hội quán tại chùa Từ Đàm, Huế. Lúc bấy giờ trong tư cách là một cư sĩ Phật học, bên cạnh Hội trưởng Lê Đình Thám, ngài đã hoạt động tích cực về nhiều mặt, giúp phát triển Phật sự của 17 tỉnh hội Phật học miền Trung.
Năm 1946, ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân, Huế, và năm 1948 thụ giới Tỷ khiêu tại giới đàn Báo Quốc, Huế.
Năm 1951, khi Hội thành lập trường Bồ Đề, ngài được mời giữ chức Hiệu trưởng đầu tiên của trường tại Huế.
Ngài còn là cộng tác viên tích cực của tờ Viên âm - cơ quan hoằng pháp của Hội Phật học Trung Việt.
Từ năm 1952 đến 1961, ngài xuất dương du học tại Ấn Độ và Sri Lanca và đậu bằng Tiến sĩ Phật học với luận án “So sánh Tạng Pàli Trung Bộ Kinh với Tạng Hán A Hàm”, tại đại học Phật giáo Nalanda, Ấn Độ.
Trong thời gian 1961-1964, ngài viết bằng Anh văn ba quyển sách: Huyền Trang - nhà chiêm bái và học giả, So sánh tập Pafli Milinda Panha với tập Na Tiên Tỷ khiêu kinh chữ Hán, Nhà chiêm bái khiêm tốn Pháp Hiền.
Từ năm 1964 đến năm 1975, sau 12 năm du học ở nước ngoài, ngài trở về Sài Gòn Phó Viện trưởng viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964-1965), Viện trưởng viện Đại học Vạn Hạnh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPG Việt Nam thống nhất. Qua nguyên bản Pàli, Hòa thượng đã dịch sang tiếng Việt và in thành sách nhiều bộ kinh cơ bản quan trọng. Tại viện Phật học Vạn Hạnh, ngoài việc tu niệm của mình, ngài cũng dành nhiều thời giờ thống lý tăng chúng, giảng dạy Phật pháp, Pàli, Anh văn cho nhiều tăng ni và Phật tử hiếu học. Ngài là cây bút thường xuyên của báo Giác ngộ.
Ngài tham gia nhiều hội nghị quốc tế về Phật giáo, đặc biệt trong Đại hội ABCP kỳ 5 tổ chức tại Ulan Bator, Mông Cổ, ngài được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành (1979-1982) của Hội.
Năm 1980 - 1981, ngài tích cực tham gia công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước với cương vị Chánh Thư ký Ban Vận động thống nhất PGVN. Tháng 11 năm 1981, Đại hội thành lập GHPG Việt Nam tiến hành tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngài được bầu làm Ủy viên HĐTS với chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1981, ngài làm Hiệu trưởng trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Hà Nội. Năm 1984, ngài mở trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1989, ngài thành lập và làm Viện trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, kiêm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngài là Chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam.
Hòa thượng đã công bố 5 dịch phẩm kinh tạng Pàli, 14 trước tác tiếng Việt, 5 trước tác tiếng Anh. Hiện còn 3 tác phẩm chưa in: Dàn bài kinh Trung Bộ, Toát yếu Trường Bộ kinh, Toát yếu Trung Bộ kinh.
Trên đường phát triển nền Phật học Việt Nam, Hòa thượng luôn chủ trương truyền bá tư tưởng Phật học của ba bộ phái Phật giáo lớn: Thượng tọa bộ, Nhất Thiết Hữu bộ và Đại thừa, và thường nghĩ đến phần giáo lý Phật giáo căn bản chung cho các bộ phái để thiết lập cơ sở thống nhất về mặt tư tưởng Phật học.
Tác giả: Nguyễn Đại Đồng trích sách: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981. Nhà xuất bản Tôn Giáo.
***
Chú thích:
(1). Thích Đồng Bổn (Biên soạn), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, Nxb Tôn giáo, 2017, tr 810.
Tài liệu tham khảo:
I. Sách
1- Hà Xuân Liêm, Thích Hải Ấn (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn hóa Thông tin.
2- Ban Văn hóa tỉnh hội Phật giáo (2010), Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường tỉnh Sóc Trăng.
3- Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Tp Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
4- Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Thành hội Tp Hồ Chí Minh.
5- Thích Đồng Bổn (Biên soạn) (2002), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, Nxb Tôn giáo.
1- Thích Đồng Bổn (2009), Biên niên sử giới đàn tăng Việt Nam, Nxb Tôn giáo.
2- Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục.
3- Thiều Chửu (1952), Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX, Đuốc Tuệ.
4- Báo Giác ngộ (2002), Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường Tp Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
5- Nguyễn Hồng Dương - Thích Thọ Lạc (đồng chủ biên) (2010), Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Nxb Khoa học Xã hội.
6- Đại Nam nhất thống chí (2006), Nxb Thuận Hóa .
7- Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập 1,2, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải, Nxb Văn hóa thông tin.
8- Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, Nxb Văn hóa Thông tin.
9- Nguyễn Đại Đồng và TS Nguyễn Thị Minh (2010), Phong trào chấn hưng Phật giáo (tư liệu báo chí Phật giáo, 1929 - 1945), Nxb Tôn giáo.
10- Nguyễn Đại Đồng và Nguyễn Thị Minh (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo (tư liệu báo chí 1932-1945), Nxb Tôn giáo.
11- Nguyễn Đại Đồng (2008), Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Nxb Tôn giáo.
12- Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb Tôn giáo
13- Nguyễn Đại Đồng (2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981-2012), Nxb Tôn giáo.
14- Nguyễn Đại Đồng-Nguyễn Hồng Dương - Nguyễn Phú Lợi (Đồng chủ biên) (2017), Lịch sử Phật giáo Ninh Bình, Nxb Tôn giáo.
15- Nguyễn Đại Đồng (2009), Lược khảo báo chí Phật giáo Việt Nam (1929-2008), Nxb Tôn giáo.
16- Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai (2001), Địa chí Đồng Nai, tập 5: Văn hóa xã hội, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
17- Nguyễn Duy Hinh (2009), Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Tôn giáo-Nxb Từ điển bách khoa.
18- Hội KHLSVN-Viện Sử học-Hội đồng Lịch sử thành phố Hải Phòng, Ngô Đăng Lợi chủ biên, Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội, 1996.
19- Nhiều tác giả (2002), Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
20- Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá, Phùng Văn Tửu (2004), Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới.
21- Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục.
22- Thích nữ Diệu Không (2009), Đường thiền sen nở, Nxb Lao Động.
23- Trí Không (2009), Tổ Đình Ấn Quang, tư liệu chùa Xá Lợi.
24- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
25- Nguyễn Đại Đồng, Thích Thanh Giác, Thích Giác Dũng (2007), Kỷ yếu tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải, Nxb Tôn giáo.
26- Nguyễn Đại Đồng, Thích Minh Hiền (2009), Kỷ yếu tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Tố Liên, Nxb Tôn giáo.
27- Kỷ yếu tưởng niệm (2006), Bồ tát Thích Quảng Đức, Nxb Tôn giáo.
28- Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, Nxb Văn học.
29- Chùa Xá Lợi (1992), Lịch sử hoạt động Hội Phật học Nam Việt 1951-1974, Ban Quản trị chùa Xá Lợi.
30- Hà Xuân Liêm, Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb Văn hóa Thông tin, 2007.
31- Pháp sư Thánh Nghiêm (2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Tâm Trí dịch, Nxb Phương Đông.
32- Thích Bảo Nghiêm - Võ Văn Tường (2003), Hà Nội danh lam cổ tự, Nxb Văn hóa Thông tin.
33- Thích Đức Nhuận (2006), Đạo Phật và dòng sử Việt, Nxb Phương Đông.
34- Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương (2002), Những ngôi chùa ở Bình Dương, quá khứ và hiện tại, Nxb Tôn giáo.
35- Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang (2002), Phật giáo Tiền Giang, lược sử và những ngôi chùa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
36- Thích Trí Quang (1952), Tăng già Việt Nam, Đuốc Tuệ xuất bản.
37- Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chính sách tôn giáo thời Tự Đức (1848-1883), Nxb Chính trị Quốc gia, 2010.
38- Thích Phước Sơn (dịch), Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995.
39- Hà Văn Tấn (chủ biên) (2009), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới.
40- Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, Sài Gòn.
41- Thích Mật Thể (1943), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tân Việt, Hà Nội, Nxb Minh Đức.
42- Thích Đức Thiện - Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên) (2011), Phật giáo đời Lý với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nxb Chính trị Quốc gia.
43- Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thị Nga (dịch) (1990), Thiền uyển tập anh, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Nxb Văn học.
44- Hà Văn Thư - Trần Hồng Đức (2007), Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.
45- Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.
46- Trần Thái Tông (1972), Khóa hư lục, Đào Duy Anh, Nxb Khoa học xã hội.
47- Trần Thái Tông (2004), Khóa hư lục, Thích Thanh Kiểm dịch Nxb Tôn giáo.
48- Thích Minh Tuệ (1993), Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Tp Hồ Chí Minh.
49- Thích Giác Toàn - Trần Hữu Tá (đồng chủ biên) (2010), Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin.
50- Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên) (2011), Chùa Việt Nam tiêu biểu, Nxb Tôn giáo.
51- Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1963), Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn.
52- Viện Sử học (2006), Việt Nam những sự kiện lịch sử 1945- 1975, Nxb Giáo dục.
II. Báo và tạp chí
1. Tạp chí Từ bi âm (1933-1945).
2. Tạp chí Viên âm, (1934 - 1952).
3. Tạp chí Duy tâm Phật học (1934-1942).
4. Tạp chí Đuốc tuệ (1935-1945).
5. Tạp chí Tiếng chuông sớm (1935-1936).
6. Tạp chí Pháp âm (1937).
7. Tạp chí Tiến hoá.(1937-1938).
8. Tạp chí Tam bảo chí (1937).
9. Tạp chí Tinh tấn (1949).
10. Báo Cứu quốc (1945-1969).
11. Tạp chí Tinh tiến (1945).
12. Tạp chí Diệu âm (1946).
13. Tạp chí Phương tiện (1949-1952).
14. Tuần báo Tin tức Phật giáo (1950-1953).
15. Tạp chí Bồ Đề Tân Thanh (1949-1954).
16. Báo Nhân dân 1955 - 1960.
17. Phật giáo Đặc san, số 3 năm 1957.
18. Báo Giác ngộ từ 1976 - 1981.
19. Kỷ yếu Đại hội đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam các năm 1958, 1964, 1972.
20. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, 1990-2010.
21. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo 1999-2010.
22. Bản tin Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang từ 2005-2009.
23. Trang web Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài Liên Quan:
- Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương VI): PHẬT GIÁO THỜI NHÀ LÝ (1009-1225)
- Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương VII): PHẬT GIÁO THỜI NHÀ TRẦN (1225 -1400)
- Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương V): PHẬT GIÁO THỜI ĐINH (968-980) VÀ TIỀN LÊ (980-1009)
- Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương II): PHẬT GIÁO Ở TRUNG HOA
- Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương III): PHẬT GIÁO DU NHẬP VIỆT NAM
- Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981 (Chương IX): PHẬT GIÁO THỜI HẬU LÊ (1428-1788) VÀ TÂY SƠN
các bài khác
- Phật Lịch Và Phật Đản 30/5/2023
- Thông Tư GH PG Úc Châu v/v Khẩn Cấp Cứu Trợ Nạn Nhân Hỏa Hoạn Tại Úc 1/1/2020
- Thông Điệp Vesak 2643 PL 2563 (2019) Của Thủ Tướng Úc Đại Lợi Ông Scott Morrison 27/4/2019
- Ý nghĩa viên mãn của lễ Tam hợp 26/4/2019
- Thông Bạch - Thông điệp Phật Đản Vesak Phật Lịch 2563 - dl 2019 24/4/2019
- Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông (P.1) 18/12/2017
- Nghiệp, Tái Sinh Và Đau Khổ 30/10/2017
- Thiền sư Huyền Quang và con đường trầm lặng của mùa thu 3/9/2017
- Tác dụng chống ung thư của trà 6/9/2017
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về thăm chốn Tổ: tổ đình Từ Hiếu - Huế 4/9/2017
(Từ ngày 03/06/2024 đến ngày 10/06/2024 - 27.4 Quý Mão 04.5 Giáp Thìn)
2/12/2024
Theo quan điểm của tôi, thì chúa kito sinh vào ngày thứ Sáu ngày 13 hàng năm...! A Văn Men 🤣🤣🤣
2/12/2024
Bài viết hay và ý nghĩa. Xin cảm ơn chùa A Di Đà.
16/7/2024
Bài hát Người Bạn Lành này rất hay, bài hát tuy không dài lắm nhưng từng câu từng chữ đều chuyển tải ý nghĩa Phật pháp rất sâu sắc. “Câu kinh dài, trí tuệ bát nhã sắc bén”, rất là sắc sảo. Cảm ơn vì bài hát mang nhiều năng lượng tích cực dễ thương lắm.
9/3/2024
Bài viết hay và ý nghĩa.
9/3/2024
Bài viết hay và ý nghĩa ạ. "Bề ngoài ngườI Công giáo là người Việt Nam, nhưng xin mọi người chớ nhìn vào vẻ bề ngoài của họ mà lầm to. Linh hồn Công giáo Việt Nam đã được bán đứt cho bọn đế quốc quỷ sứ La Mã từ lâu rồi. Các kinh sách Công giáo đã biến mỗi một người Công giáo Việt Nam sùng đạo thành một tên Việt gian chân chính." (Charlie Nguyễn) Vậy mà sư Pháp Tâm không biết câu nói này, mà đi bài xích kinh điển Đại thừa, còn sư Thích Thiện Tâm thì lại muốn hòa hợp 2 tôn giáo (Phật giáo và Kito giáo). Nhưng mà bác Trần Chung Ngọc đã nói: "người theo đạo Chúa sẽ bán cả một dân tộc". Thế thì sư Pháp Tâm và sư Thích Thiện Tâm hãy nói toạc ra là đang RỬA MẶT CHO TÀ ĐẠO KHỐN NẠN DÊ XÙ đi, chứ làm đéo gì có sự HÒA HỢP nào? Nếu còn liêm sỉ thì các ông nên tự rút lui khỏi GHPGVN (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đi, đồng bào chúng tôi, cả lương lẫn giáo, trong đó có đồng bào Phật giáo chân chính không chấp nhận những kẻ giả sư rửa mặt cho giặc đạo khốn nạn dê xù!!!
4/3/2024
Dạ bài này nói có điều chưa phải và còn thiếu sót về thầy Chân Quang ạ. Vì sao lại nói những điều chưa đúng về Thượng toạ Chân Quang như vậy? Những điều tốt thầy Chân Quang dạy như Tôn kính Phật, yêu thương chúng sanh muôn loại, giữ tâm mình khiêm hạ,... Và hơn hết, là lòng yêu nước thiết tha, cha mẹ cần dạy con từ khi còn bé thơ, mọi người bảo nhau,... vì sao bài này lại có thể đăng lên những lời như thế, khi mang danh nghĩa là người đệ tử Phật ạ. Phải chăng đăng sau những lời lăng mạ một cách quá đáng như thế là một âm mưu chính trị, một tổ chức phản quốc?
2/3/2024
Xin tưởng niệm Nhất Tâm Nam Mô A Di Đà Phật 🙏🙏🙏🙏🙏
23/2/2024
Hôm nay con biết đến trang này. Con xin tri ân các Quý Thầy và con xin lan tỏa những điều lợi lạc cho chúng sinh qua trang: https://www.facebook.com/chutranlien/ Để mong nhiều người hiểu hiết ơn về Phật Pháp. Con kính mong các Quý Thầy trường thọ, an khang. Phật Sự viên thành, chúng sinh dị độ
9/6/2023
Bài viết rất có ý nghĩa trong thế giới ta bà. Kính chúc Ngài Samon hạnh phúc trong phật pháp.
8/4/2023
Danh sách thiền tự ở Úc trong bài viết về thiền sư Thích Thanh Từ cần bổ sung thêm thiền đường Võ ưu địa chỉ 6 Fraizer st Canley valve NSW
- Tên bài Số lượt nghe
- Triết Học Phật Giáo | Nguyễn Tường Bách 1575
- Tiểu Tạng Thanh Văn - Kinh Tạp A Hàm 1390
- Ðại Nạn Trước Mắt, Quay Ðầu Là Bờ 17444
- Khac Phuc Phien Nao Tap Khi 18093
- Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân P1 13877
- Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân P2 14044
- Phật Học Quần Nghi - Tập 1/2 12659
- Phật Học Quần Nghi - Tập 2/2 12509
- An Lạc Từ Tâm 16298
- Phật Học Vấn Đáp 01, Lý Bỉnh Nam 15980
- Tên bài Số lượt nghe
- Buddha - Đức Phật - (tập 55/ 55): Kết thúc phim... 8822
- Buddha - Đức Phật - (tập 54/ 55): Buddha nhập... 8962
- Buddha - Đức Phật - (tập 53/ 55): Bữa ăn cuối... 13088
- Buddha - Đức Phật - (tập 52/ 55): Mogalana và... 9036
- Buddha - Đức Phật - (tập 51/ 55): Buddha cứu độ... 8566
- Buddha - Đức Phật - (tập 50/ 55): Vua Ajātasattu... 4448
- Buddha - Đức Phật - (tập 49/ 55): Năm pháp phá... 10810
- Buddha - Đức Phật - (tập 48/ 55): Tinh xá... 9931
- Buddha - Đức Phật - (tập 47/ 55): Thiếu nữ mang... 11183
- Buddha - Đức Phật - (tập 46/ 55): Anan gặp nạn,... 10650
- Tên bài Số lượt nghe
- Mừng Xuân Di Lặc 16706
- Mùa Xuân Em Đi Lễ Chùa 17381
- Tổng hợp Nhạc ThiềnThiền - Tĩnh Tâm - An Nhiên 15640
- Dòng Sông Tôi Gọi Tên Em 15389
- Một Chuyến Giả Từ 15616
- Nối Một Nhịp Cầu 17668
- Vẫn là Em Thơ 16149
- Chú Cuội Dỗi Hờn 8095
- Quê Hương Nguồn Cội 17438
- Như Giọt Sương Đêm 16780
lời vàng ý ngọc
- Lời hay ý đẹp
- NHỮNG CÂU ĐÁNG SUY GẪM
- NHỮNG CÂU NÓI HAY
- 10 điều sau là cốt lõi hạnh phúc
- NHỮNG CÂU NÓI HAY VỀ CUỘC SỐNG
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (9)
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (8)
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (7)
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (6)
- Những Câu nói không hay nhưng đủ để suy ngẫm (5)